Tìm gì?

Cuộc đời của mỗi người chúng ta chung quy lại là những lần tìm kiếm, từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày đến những điều lớn lao. Thế nhưng, không phải mọi sự tìm kiếm đều cần thiết và chính đáng, cũng như không phải mọi người đều xác định được cái cần tìm kiếm, vì không ít người có chiều hướng tìm kiếm lệch lạc.

Chúng ta, những con người cách nào đó được coi là trưởng thành, thậm chí nhiều khi không xác định được chúng ta đang tìm ai, tìm cái gì. Điều dễ dàng nhận thấy là chúng ta thường chọn lựa “tìm cái gì” hơn là “tìm ai”. Mà kể cả khi ta “tìm ai” thì cũng là vì thỏa mãn “cái gì” trong chúng ta. Thông thường, chúng ta nhắm tới lợi ích cho bản thân rất nhiều. Sâu xa hơn, dưới con mắt đức tin, trong mối tương quan giữa người với người là biểu hiện rõ nét mối tương quan giữa ta với Thiên Chúa.

Trong tin mừng Gio-an, Chúa đã hỏi tới hai lần câu: “tìm ai?” (Ga 18,4.7; Ga 20,15), như để nhắc nhở, như để xác quyết cho chúng ta trên hành trình là Ki-tô hữu, trên hành trình theo Chúa, nhiều khi ta quên mất, ta lạc lối, ta làm mất đi căn tính của mình để rồi mải miết theo những gì là xu thế của thời đại, theo những gì sự chết reo rắc. Cũng trong tin mừng này, Chúa Giêsu cũng hỏi: “Các anh tìm gì thế?” (Ga 1, 38) là tiếng gọi giúp ta tỉnh ngộ và soi sáng hành trình tìm kiếm của ta. Mối dây tương quan giữa “cái gì” và “ai” thật không thể tách rời, ta cần “ai đó” để thấy “cái gì”. Ta cần Chúa để thấy chị em là hình ảnh, là tình yêu của Chúa.

Bước vào tương quan với con người, Chúa Giêsu chấp nhận sự liên lụy. Liên lụy với con người trong tội lỗi khi Ngài – Đấng vô tội mà cũng bước xuống dòng sông Giođan cùng đám tội nhân chịu phép rửa, rồi sau đó cùng chịu thử thách, đau khổ để chia sẻ những khó khăn của phận người. Nhưng chính Người, sau những lần bước xuống đó, Ngài thông ban sự sống phong phú, hạnh phúc và niềm hy vọng cho con người qua chính cuộc phục sinh của Người.

Mẹ Maria- bà Mẹ đã sống sự sống tự nhiên trong một sự liên lụy tuyệt vời với Thiên Chúa và Con của Mẹ. Mẹ chấp nhận đón Hài Nhi đến với cung lòng mình cho dẫu biết rằng có thể phải chết. Mẹ bước đi cùng Chúa trên khắp nẻo đường rao giảng và đi cùng con đến tận đồi Canvê. Sự liên lụy tận cùng với đứa con yêu dấu trên trần thế để rồi sự liên lụy ấy vẫn tiếp tục khi Con trao lời trăng trối cuối cùng: “Đây là con Bà – Đây là mẹ anh” (x.Ga 19, 26-27). Cuộc đời của Mẹ mang đầy lòng can đảm, sự dấn thân, niềm xác tín và tình yêu trọn vẹn nơi Thiên Chúa và nơi Con yêu dấu.

Còn chúng ta, những người tu sĩ của Chúa, chúng ta tìm ai? Chúng ta tìm cái gì? Tin chắc rằng chúng ta trước câu hỏi này, mỗi người sẽ có thái độ khác đi để nhận ra đúng hướng đi, ý nghĩa của sự thánh thiện và cùng đích cuộc sống. Chỉ có con đường đi vào mối tương quan liên vị – một mối tương quan mang tính chất triệt để bởi nó là cả một sự dấn thân, mối tương quan mang tính bao trùm vì liên hệ đến toàn diện chủ vị. Câu hỏi tiếp theo được đặt ra: làm sao để biết một người trong khi xã hội hôm nay định nghĩa con người bằng những gì bên ngoài?

Để có được câu trả lời, trước nhất ta vẫn phải đi vào mối tương quan của Chúa Giêsu, tức là bắt đầu một sự liên lụy: đón nhận, thử thách, đau khổ, phục sinh. Sống đời sống cộng đoàn, người tu sĩ cũng phải mang lấy chiều kích này. Chấp nhận liên lụy với nhau để có thể gặp gỡ, nói với nhau về nhau, đi từ cái “tôi” sang cái “chúng ta”. Bắt đầu một mối tương quan của một gia đình thực sự, nơi đó mọi tu sĩ có thể thông hiệp với nhau trong sự sống đích thực.

Trong sự liên lụy, ta tìm được AI, trong AI ta sẽ tìm được CÁI GÌ. Sẽ thật hạnh phúc và triển nở khi mỗi tu sĩ sống và cảm nghiệm được mối dây liên lụy với Đức Ki-tô và với tha nhân.

Thảo Uyên – Học Viện Đức Maria, Mẹ Sự Sống