Truyền giáo cho người có đạo?

Với câu hỏi ngây ngô của em, một thiếu nhi khoác trên mình chiếc khăn màu xanh thẫm. Em hỏi tôi: “Sơ ơi! Thế nào mới gọi là truyền giáo? Truyền giáo là phải đi đến những vùng đất xa thật là xa ạ? Còn nếu có “đạo” rồi cần truyền giáo nữa không ạ?” Đứng trước câu hỏi đơn sơ và tưởng chừng ngây ngô của em nhưng lại hàm chứa trong đó biết bao là ý nghĩa, đáng cho mỗi người Ki-tô hữu chúng ta cần phải suy ngẫm. Đúng vậy, có “đạo” rồi cần truyền giáo nữa không? Rồi khi ta sống trong một ngôi làng mà cả làng đã theo đạo rồi, thế thì truyền giáo là truyền cái gì cho nhau bây giờ?”.

Theo bạn? Có đạo rồi cần truyền giáo nữa không?

Tôi thiết nghĩ phải chăng truyền giáo chính là một cuộc hành trình đi và đến?

Quả đúng là “Truyền giáo là hành trình đi và đến”. Nhưng “đi” ở đây là đi như thế nào? Đến là đến đâu? Phải chăng là đi ra mua vé máy bay, bay đến Châu Phi mới là đi truyền giáo? Hay mua vé tàu lặn lội đại dương đến những vùng hoang đảo như mới là đi truyền giáo? Hay phải chạy đến các bản làng ở thật xa vùng thành thị? Hay phải đi vào tút rừng sâu đến với những người dân tộc thiểu số mới là đi truyền giáo? Những câu hỏi trên có thể đúng, cũng có thể chưa hẳn là đúng. Vì truyền giáo đâu bao giờ bị giới hạn bởi một không gian, thời gian hay một địa điểm cụ thể.

Cũng đúng thôi khi em hỏi: “Truyền giáo là phải đi đến những vùng đất xa thật là xa ạ?” Bởi thường thì trong tâm thức của nhiều người truyền giáo là phải đi đến tận Châu Phi hay ở một nơi nào đó thật xa, phải mời gọi được thật nhiều người theo đạo, và truyền giáo chỉ đạt kết quả cao khi ta rửa tội cho thật nhiều người. Điều đó không sai nhưng không hẳn là đúng và còn thiếu điểm tựa của tầng ý nghĩa để đi theo đúng như lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16,15-16; x. Mt 28,19-20). Vì nếu chỉ quan tâm đến việc làm sao để họ chịu rửa tội, nhưng rồi những tháng ngày phía sau ngày rửa tội thì sao? Truyền giáo thì không bị giới hạn vào khoảng cách xa gần nhưng quan trọng là làm sao cho họ cảm nhận được “đạo” trong người đi truyền giáo. Nếu giả như ta có đạo mà không sống đạo thì thử hỏi việc truyền giáo mang ý nghĩa gì? không khéo ta lại kéo người ta xuống hố thẳm với mình. Truyền giáo, có đôi khi đơn giản chỉ là đi ra khỏi vùng an toàn như cái kén bao phủ bản thân để đến với người hàng xóm bên kế nhà mình, để động viên, để sẻ chia… Đó cũng là ta đang truyền giáo rồi.

Có đạo rồi cần truyền giáo nữa không? Tôi thiết nghĩ là có. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn về gia đình của mình, làng xóm sẽ thấy, dù rằng cả làng là đạo toàn tòng, nhưng không phải cứ ai có đạo là sống đạo. Chính vì thế, tôi thiết nghĩ có đạo rồi vẫn cần phải truyền giáo. Vì giản đơn thôi, đôi khi truyền giáo chỉ đơn giản là đi và đến với chính những người đang sống ngay xung quanh chúng ta.  Truyền giáo là đi và đến, thể hiện việc truyền giáo bằng những việc làm cụ thể, bằng chính đời sống bác ái của mỗi chúng ta. Chúng ta đến thăm viếng những người già, người nghèo, người đau khổ, người bị bỏ rơi trong ngôi làng của mình, giúp đỡ họ, an ủi họ. Có khi chỉ đơn giản là trao nhau một nụ cười, một cái bắt tay động viên.  Điều quan trọng là qua những việc làm cụ thể, họ nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Kitô. Bởi vì, lời nói lung lay, gương lành lôi cuốn. Những hành vi bác ái cụ thể là những bài giảng hùng hồn nhất về Thiên Chúa. Đây là cách thức truyền giáo hiệu quả nhất.

Bạn thân mến! chúng ta là những Ki-tô hữu, là những người có đạo, và để trở nên những nhà truyền giáo thì chính chúng ta cần phải sống đạo và truyền giáo là sứ vụ chính yếu của mọi người Kitô hữu. Chúng ta không chỉ là người có Chúa Kitô, nhưng phải là người mang Chúa Kitô cho người khác.

Vậy, có đạo rồi vẫn cần truyền giáo và tái truyền giáo để làm sao mọi người nhận biết “Thiên Chúa là tình yêu” và sống trong tình yêu đó và lan tỏa tình yêu đó tới mọi người xung quanh!

Cô Muối