Tuổi nào cho em
Giữa vòm trời cao xanh của thành phố phồn hoa, náo nhiệt, những bông bằng lăng tím trên những con phố ngắn dài, sắc màu ấy không lấn át được cái nắng giòn tan cuối tháng năm rát bỏng. Tạm biệt tuổi học trò đã lâu, bất chợt, khi ngang qua một cổng trường giờ tan tầm, khi bầy ve cùng hòa điệu với những cô cậu học trò trong tiếng nói cười, tôi chợt nhớ mình của những ngày ấy và của ngày hôm nay – khi tôi là một nữ sinh dưới mái trường trung học.
Tôi như muốn dừng lại, tạt té ở một góc ký ức nào đó, để nhìn kỹ mình của hôm qua và gửi lời biết ơn tới bao con người đã ghé thăm và nâng đỡ tôi trên mỗi đoạn hành trình. Và tôi cũng muốn hòa mình cùng các em học sinh, sinh viên trong vai một sĩ tử giữa mùa thi, mùa chia tay, mùa ghi dấu bước ngoặt trong hành trình lớn lên của mỗi người. Cùng nhịp bước náo nức ấy, tôi không quên thầm thĩ một lời nguyện chúc cho những ước mơ tràn đày hy vọng gửi tới các em, và tới tất cả những cô cậu học trò đủ mọi thành phần, lứa tuổi đang mang trong mình thao thức được lớn lên và tung cánh vào tương lai.
Đó là những đoạn đường trong chuyến hành trình. Tôi xin được trở lại.
***
Tuổi lên 6…
Nó vào lớp một, mẹ mua cho nó chiếc túi cước có sọc xanh, sọc đỏ cùng phấn trắng, bảng đen và que tính… Nhưng nó lại thích thêm vào trong chiếc túi của mình những chiếc gai bưởi vừa dài, vừa nhọn để bất cứ khi nào nó cũng có thể lăn lê bò toài tập viết trên những mảnh lá chuối mà nó cố lắm mới hái được sau vườn nhà. Gai bưởi mà viết trên lá chuối bánh tẻ thì đậm nét lắm! “Đậm” nên nó nhớ lâu, nhớ mãi. Những ngày chập chững đến trường, vì chưa biết viết hay gọi tên hai từ “thiếu thốn” nên ngay trong cảnh thiếu thốn ấy, nó vẫn luôn vui vẻ với tất cả những gì nó nhận được. Mãi về sau, khi nó không còn là đứa trẻ 6 tuổi, nó mới hiểu rằng nhờ hoàn cảnh đó mà nó biết trân trọng, yêu con chữ, yêu màu mực tím, yêu trường, yêu lớp cùng giấy trắng tịnh khôi hơn…
Tuổi 12…
Nó vào cấp II, bố tặng nó chiếc xe đạp cũ. Tuổi của xe lớn hơn tuổi của nó. Khối sắt ấy nặng hơn cả số kg mà 12 năm bố mẹ chăm nuôi nó cực nhọc. Trên con đường làng đất đỏ, bóng nó loắt choắt như chú chim ri tập bay. Làm bạn với cái tuổi dở dở ương ương ấy, xe đạp tối ngày bị giận, bị hù bỏ xó vì “bạn già ấy” hết tuột xích lại lủng lốp… Nhìn tay chân mặt mũi lem nhem, áo quần xộc xệch cùng cái bụng rỗng giữa buổi trưa nắng gắt, có ai mà lại không thương nó thật nhiều?
Tuổi 16…
Khuôn mặt nó phúng phính như trăng mười sáu. Đôi mắt biết vui, biết buồn, biết khóc, biết cười, trái tim biết thổn thức bâng quơ… Nó hay suy tư hơn, và hay đặt dấu hỏi cho tương lai của mình? Để có được câu trả lời tốt nhất, nó biết mình phải miệt mài đèn sách, phải vượt khó để chuẩn bị những hành trang cho hành trình mới phía trước…
Năm tròn 18…
Nó dời làng quê thân yêu, bắt đầu cuộc đời sinh viên nơi phố thị ồn ã. Những năm tháng ấy dạy cho nó biết cách tự lập, tự quản lý chính mình và cố gắng vun đắp cho bản thân những kỹ năng, những trải nghiệm cần thiết giữa cuộc sống muôn màu, muôn vẻ nhưng cũng đầy phức tạp và cám dỗ. Nửa ngày trên giảng đường, còn nửa ngày nó làm thêm đủ các sự: Nào phụ quán cơm, bán súc xích thuê, gia sư, phát tờ rơi… Mùa hè Hà Nội nóng như cái chảo rang, nó khoái nhất là trốn lên thư viện tìm truyện và tuyển thuyết để đọc. Hết giờ về với gói mỳ tôm là xong. Cô sinh viên chăm chỉ thường mang về phòng một đống len và đan suốt mùa đông để phụ đỡ bố mẹ trả phí điện nước nhà trọ. Ngày Chúa Nhật nó dành trọn cho Chúa và cho chính mình. Có những khó khăn của quãng ngày ấy mà không phải ai cũng thấy được nhưng nó tin Chúa biết và hiểu hết tất cả. Con mắt đức tin đã dạy nó phải nhìn bằng trải nghiệm của con tim nữa.
***
Và hôm nay…
Khi ngồi ghi lại những ký ức này tôi thấy một nỗi xúc động khó tả, đó không là một nỗi nhớ dông dài nhưng là một nỗi nhớ cần thiết để tôi biết ơn ngày hôm qua và trân trọng tất cả những gì của ngày hôm nay. Cuộc sống này vốn dĩ đã bộn bề lo toan cho công việc, gia đình, bổn phận, trách nhiệm, sứ vụ… Ký ức là nơi lưu giữ kỷ niệm, những bài học đầu đời mà chợt một lúc nào đó nó giúp người ta lại tìm thấy động lực bước tiếp nhờ biết “trở về” và “dừng lại”.
Một chút nhớ để biết ơn.
Một chút nhớ để cố gắng, để bắt đầu lại.
Ai bảo những năm tháng “đi học” toàn những thơ mộng chỉ có hoa tươi, nắng đẹp?
Nhưng đúng và đủ hơn phải nói đó là những năm tháng chan hòa những niềm vui, nỗi buồn, thẫm đẫm những khó nhọc để rồi vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Chiến thắng chính mình trong những mùa thi, trong những ngông nghênh của tuổi mới lớn. Để hôm nay tôi biết Chúa và biết mình hơn.
Với tôi đó là những năm tháng ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Khi đi qua tuổi ấy, tôi mới hiểu “món quà” mà Thiên Chúa gieo xuống trong mỗi giai đoạn cuộc đời là gì? Thời gian cũng là một tặng phẩm Thần Linh, nhưng nó có sinh ích hay không còn phụ thuộc vào mỗi chúng ta rất nhiều. Khi mà đà tiến của những phương tiện vật chất cứ không ngừng chen lấn nhau trong thế giới của cả trẻ con và người lớn. Tôi tự hỏi:
Liệu thời nay có còn những cô cậu học trò túm tụm cùng nhau ôn bài, học nhóm nữa không? Liệu còn những giờ chơi đá cầu, nhảy dây dưới sân trường rợp bóng nữa không? Hay những màn hình điện thoại, máy tính thu hút các em hơn bởi trong đó một thế giới xa tắp sẽ hóa gần, một ảo tưởng sẽ hóa thật trong chớp mắt. Bởi chỉ cần một cái “quệt tay” là các em sẽ có và thấy tất cả? Liệu có nhất thiết phải tốn tiền mua sách và lật mở từng trang mà đọc đọc, chép chép? Và liệu những cuốn lưu bút hay những bài thơ chép tay tặng nhau trên giấy trắng mực thơm còn mang lại niềm vui khôn xiết như thủa xưa ấy? Những câu hỏi ấy cũng đang chất vấn chính tôi – một người lớn.
Khi không còn ở tuổi học trò hay sinh viên nữa nhưng tâm tình của người học trò tôi mãi còn giữ đó và vẫn mang theo trong mình. Bởi tôi biết cuộc đời này bao la rộng dài, có biết bao nhiêu điều phải học, phải tập, để sống cho nên “người” hơn, để dù bao nhiêu tuổi, dù ở đâu tôi vẫn dễ dạy, dễ bảo và dễ thương hơn với Chúa, với người.
Cuối cùng xin tạ ơn Chúa – Người Thầy tuyệt vời của tôi. Xin cảm tạ Mẹ Maria – Bà Giáo tận tụy, bao dung và luôn chở che tôi mỗi khi tôi bước đi trên chuyến hành trình của mình. Mẹ nhắc cho tôi biết rằng: Không phải đường ray nào cũng đưa tôi đến bến Hạnh phúc, nhưng khó khăn, bất trắc, gian nan vẫn còn đó! Khi tin chắc rằng có Chúa và Mẹ đồng hành, tôi không có lý do gì phải “sợ”, chỉ sợ lòng người lữ hành “ngại núi e sông” mà thôi!
Một ngày tháng 5/2024
Violet