Vài nét về Giáo xứ Phượng Mao

Giáo xứ Phượng Mao cách Tòa Giám mục Bắc Ninh 8km về hướng Đông. Trước năm 1954, Phượng Mao là một trong những giáo xứ lớn của giáo phận Bắc Ninh. Còn hiện nay, giáo xứ có 273 nhân danh sinh hoạt đức tin trong 3 giáo họ là Phượng Mao, Trại Phán và Trại Hà. Cha xứ hiện nay là cha Phêrô Nguyễn Văn Thủy, OP.

I. GIÁO HỌ NHÀ XỨ PHƯỢNG MAO

Các thông tin cơ bản

Địa chỉ: Mao Trung, Phượng Mao, Quế Võ, Bắc Ninh.

Năm thành lập: Khoảng đầu thế kỷ XX

Quan thầy: Các Thánh Anh Hài (28/12)

Các dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Hội Trưởng gia đình, Mân Côi, hội Lòng Chúa thương xót, Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể.

Giáo dân: Nhà xứ có 135 nhân danh (2021 sống tập trung trong thôn Mao Trung, xã Phượng Mao, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Bà con giáo dân chủ yếu làm nông nghiệp. Một số giáo dân tham gia vào các hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ – thương mại trên địa bàn.

Nhà thờ: Ngày 13/10/2000, nhà thờ Phượng Mao được khánh thành. Nhà thờ được xây dựng theo lối kiến trúc Ba-rốc, kết hợp với một số đường nét của kiến trúc Phương Đông. Nhà thờ rộng 12m, dài 22m, mái cao 12m, tháp chuông cao 18m treo 1 quả chuông nặng 70kg.

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Không rõ hạt giống Tin Mừng được gieo xuống mảnh đất Phượng Mao từ năm nào. Theo sử liệu, Phượng Mao là một trong những nơi đón nhận đức tin sớm nhất trong giáo phận Bắc Ninh (sau giáo xứ Xuân Hòa một thời gian ngắn). Khi Đạo Chúa đến với Phượng Mao, người dân nơi đây hân hoan đón nhận và xin gia nhập. Kể từ đó, đời sống đức tin nơi đây bắt đầu phát triển và lớn mạnh mặc dù phải trải qua rất nhiều gian nan thử thách. Trong cuộc bách hại Đạo Chúa dưới các triều vua nhà Nguyễn, Phượng Mao đã có 6 vị đầu mục chịu phúc tử đạo tại cổng tả thành Bắc Ninh ngày 04/04/1862.

Vào đầu thế kỉ XX, giáo họ nhà xứ Phượng Mao được chính thức thành lập. Năm 1917, nhà thờ Phượng Mao được xây dựng và hoàn thành với 9 gian. Kể từ đó, đời sống đức tin của nhà xứ Phượng Mao bước vào thời đại hoàng kim. Trước năm 1954, Phượng Mao là một giáo xứ lớn trên 1000 nhân danh. Tuy nhiên, năm 1954, khoảng 99% giáo dân Phượng Mao di cư vào Nam sinh sống (chủ yếu tại giáo xứ Từ Đức, Tổng giáo phận Sài Gòn). Sau đó, một số giáo dân gốc Phượng Mao đã tản cư sang Mỹ. Sau biến cố di cư năm 1954, nhà xứ Phượng Mao vắng bóng linh mục và giáo dân. Năm 1966, một số giáo dân từ Thái Bình lên Phượng Mao lập nghiệp góp phần làm cho đời sống đức tin ở Phượng Mao dần phục hồi. Bên cạnh đó, giáo dân gốc Phượng Mao xa quê hương nhưng tình yêu mến quê cha đất tổ vẫn còn đọng lại trong nơi sâu thẳm tâm hồn mỗi người. Vào khoảng thập niên 80, nhà thờ Phượng Mao bị phá đổ, giáo dân không còn nơi để cầu nguyện. Trong hoàn cảnh đó, từ khắp nơi xa xôi trong và ngoài nước, người dân gốc Phượng Mao đã đóng góp xây dựng nhà thờ mới. Nhà thờ mới được khánh thành ngày 13/10/2000. Từ khi khánh thành nhà thờ mới, nhà xứ Phượng Mao có cha Đaminh Nguyễn Văn Kinh về dâng Thánh lễ hàng tháng. Từ năm 2007, cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Huân về dâng lễ cho nhà xứ hàng tuần. Ngày 08/11/2009, Đức cha giáo phận đã bổ nhiệm cha Cosma Hoàng Thanh Quốc, dòng Đaminh Việt Nam làm cha chính xứ Phượng Mao. Đến năm 2015, cha Phêrô Nguyễn Văn Thủy, OP được bổ nhiệm làm cha xứ Phượng Mao. Kể từ khi có các cha dòng Đaminh về trực tiếp coi sóc, nhà xứ Phượng Mao không ngừng phát triển về cơ sở vật chất cũng như đời sống đức tin.

  1. Đời sống đức tin

Hiện nay, giáo họ nhà xứ Phượng Mao có 135 nhân danh. Trong tuần, nhà xứ thường xuyên có thánh lễ, đặc biệt là ngày Chúa Nhật. Ngoài ra, với lòng đạo đức sốt sắng, bà con giáo dân tự tổ chức đọc kinh cầu nguyện sớm tối hàng ngày. Giáo họ cũng có các hội đoàn đang hoạt động tích cực như: hội Mân Côi, hội Trưởng gia đình, Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Mỗi tháng, các hội đoàn tổ chức sinh hoạt và Chầu Thánh Thể. Tháng 5 và tháng 10, hội Mân Côi và các em thiếu nhi dâng hoa kính Đức Mẹ. Mỗi khi có giáo dân ốm đau, cha xứ cùng đại diện các đoàn thể tới thăm và tặng quà cho bệnh nhân. Khi có người qua đời, cha xứ và các đoàn thể không những lo hậu sự, mà còn tới đọc kinh tại nhà hiếu để cầu nguyện cho người mới qua đời. Nhìn chung, bà con giáo dân sống gắn bó, giúp đỡ và yêu thương nhau. Nhờ đó, đời sống đức tin của bà con giáo dân nhà xứ Phượng Mao ngày càng ổn định và thăng tiến. Hy vọng hạt giống Tin Mừng nơi mảnh đất Phượng Mao tiếp tục nảy mầm và không ngừng trổ sinh hoa trái.

 

  1. GIÁO HỌ TRẠI PHÁN

  1. Các thông tin cơ bản

Địa chỉ: Yên Lâm, Bằng An, Quế Võ, Bắc Ninh.

Năm thành lập: Khoảng đầu thế kỷ XX

Quan thầy: Thánh Phaolô trở lại (25/01)

Các dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi.

Giáo dân: Giáo họ có 80 nhân danh (2021) sống rải rác trong thôn Yên Lâm, xã Bằng An, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Giáo dân chủ yếu làm nông nghiệp. Một số bạn trẻ làm công nhân trong các khu công nghiệp. Đời sống kinh tế của giáo dân nơi đây tương đối ổn định.

Nhà thờ: Nhà thờ giáo họ Trại Phán được khởi công xây dựng năm 2000 và được hoàn thành năm 2002. Nhà thờ rộng 8m, dài 23m, mái cao 12,5m, tháp chuông cao 24m với 1 quả chuông nặng 80kg. Tổng diện tích đất nhà thờ rộng khoảng 2500m2.

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Giáo họ Trại Phán nằm cách Tòa Giám mục Bắc Ninh khoảng 10km về hướng Đông Nam. Giáo họ nằm trên địa bàn hành chính thôn Yên Lâm, xã Bằng An, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Mảnh đất Trại Phán được đón nhận đức tin vào khoảng đầu thế kỉ XX (do các cha dòng Đaminh ở Xuân Hòa đến truyền giáo). Lúc đó, người dân ở Trại Phán đã xin nhập Đạo Chúa vì nhận thấy đó là Đạo Yêu Thương. Dưới ánh sáng Tin Mừng, đời sống đạo của giáo dân ở Trại Phán những ngày đầu rất nhộn nhịp, vui tươi. Sau đó, giáo họ Trại Phán thành hình và trực thuộc giáo xứ Xuân Hòa. Dân họ mua được đất và xây dựng nhà thờ. Trước năm 1954, giáo họ có khoảng 300 nhân danh. Tuy nhiên, sau biến cố năm 1954, hầu hết bà con giáo dân Trại Phán di cư vào Nam sống rải rác ở Thủ Đức, Mông Triệu, Phước Lý, Hàng Xanh, Tam Hà… Lúc đó, chỉ còn 4 gia đình giáo dân ở lại quê hương sống đức tin và giữ nhà thờ. Trong những năm chiến tranh, ngôi nhà thờ của giáo họ đã bị bom đạn bắn phá. Những năm đó, giáo dân vừa ít lại vừa bị kìm kẹp nên các sinh hoạt đức tin gặp nhiều khó khăn. Nhà thờ không có điều kiện tu bổ nên càng ngày càng xuống cấp trầm trọng. Đến năm 1967, giáo họ phá bỏ phần mái nhà thờ và chỉ để lại phần tường để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra. Giáo dân phải tập trung đọc kinh cầu nguyện luân chuyển trong các gia đình. Đến năm 2000, giáo họ khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới và hoàn thành năm 2002. Cuối năm 2009, giáo họ Trại Phán được tách khỏi giáo xứ Xuân Hòa và sáp nhập vào giáo xứ Phượng Mao.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, giáo dân giáo họ Trại Phán luôn cùng nhau giữ gìn và củng cố đức tin. Nhờ đó, giáo họ đang dần phục hồi và phát triển về cơ sở vật chất cũng như về đời sống đức tin.

  1. Đời sống đức tin

Hiện nay, giáo họ Trại Phán có 18 gia đình Công giáo với 80 nhân danh sống rải rác trong thôn Yên Lâm. Từ ngày sáp nhập về Phượng Mao đặt dưới sự coi sóc của các cha dòng Đaminh, giáo họ thường xuyên có Thánh lễ vào tối thứ 3, thứ 5, thứ 7. Dù giáo họ Trại phán ít nhân danh nhưng mỗi khi có Thánh lễ, giáo dân tới tham dự khá đông. Giáo họ có các hội đoàn đang hoạt như: huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi. Hy vọng hạt giống Tin Mừng nơi mảnh đất Trại Phán sẽ tiếp tục nảy mầm và trổ sinh hoa trái.

 

III. GIÁO HỌ TRẠI HÀ

  1. Các thông tin cơ bản

Địa chỉ: Hà Liễu, Phương Liễu, Quế Võ, Bắc Ninh.

Năm thành lập: Khoảng cuối thế kỷ XIX

Quan thầy: Thánh Giuse thợ (01/05)

Giáo dân: Giáo họ có 38 nhân danh (2021). sống rải rác trong thôn Hà Liễu. Bà con giáo dân chủ yếu làm nghề nông, một số ít làm công nhân tại khu công nghiệp Quế Võ. Đời sống kinh tế tương đối ổn định.

Nhà thờ: Nhà thờ Trại Hà được xây dựng năm 1999 và được trùng tu năm 2013. Nhà thờ rộng 6m, dài 22m, mái cao 7, không có tháp chuông và chưa có chuông. Tổng diện tích khuôn viên nhà thờ rộng hơn 300m2.

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Hạt giống Đức tin được gieo vào mảnh đất Trại Hà chỉ sau Xuân Hòa khoảng vài năm. Khi đời sống đức tin ở Xuân Hòa ổn định, các cha bắt đầu loan báo Tin Mừng cho người dân Trại Hà. Được ơn Chúa soi sáng, người dân Trại Hà nô nức đón nhận Tin Mừng và xin nhập Đạo Chúa. Giáo họ Trại Hà dần hình thành và không ngừng lớn mạnh. Cuối thế kỉ XIX, giáo họ xây dựng được nhà thờ 8 gian, bằng gỗ lim với tháp chuông khá cao (gần giống với nhà thờ Xuân Hòa). Tuy nhiên, sau năm 1954, giáo họ Trại Hà chỉ còn khoảng 150 nhân danh. Những năm sau, giáo dân Trại Hà tiếp tục di cư vào Nam sinh sống rải rác ở nhiều nơi thuộc giáo phận Sài Gòn và Đà Lạt. Chỉ còn vài gia đình ở lại quê hương. Số giáo dân ở lại vừa ít lại vừa sống trong cảnh bị gò ép, dọa nạt nên các sinh hoạt đức tin gặp nhiều khó khăn. Ngôi nhà thờ của giáo họ bị chính quyền trưng thu làm nhà kho. Sau nhiều năm sử dụng mà không được trùng tu nên nhà thờ xuống cấp trầm trọng. Năm 1978, chính quyền đã tự ý tháo dỡ nhà thờ và lấy vật liệu để sử dụng vào các mục đích khác nhau. Mặc dù nhà thờ bị mất nhưng đời sống đức tin của giáo dân Trại Hà không bị mai một. Ngược lại, bà con giáo dân vẫn tập trung cầu nguyện và nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Nhờ vậy, giáo họ Trại Hà vẫn tồn tại và phát triển cho tới ngày nay. Cuối năm 2009, giáo họ Trại Hà được tách ra từ giáo xứ Xuân Hòa và sáp nhập vào giáo xứ Phượng Mao do các cha dòng Đaminh coi sóc.

Sau những thăng trầm của lịch sử, giáo họ Trại Hà đang dần phục hồi và phát triển về cơ sở vật chất và đời sống đức tin.

  1. Đời sống đức tin

Hiện nay, giáo họ Trại Hà có 38 nhân danh. Hàng tuần, giáo họ Trại Hà thường có thánh lễ vào tối Chúa nhật. Những ngày thường, bà con giáo dân vẫn tập trung tới nhà thờ đọc kinh cầu nguyện sớm tối. Với số giáo dân ít nên giáo họ Trại Hà chưa chính thức thành lập được hội đoàn nào. Các thành viên của hội Trưởng gia đình và Mân Côi vẫn sinh hoạt chung với giáo xứ. Ngoài ra, ở Trại Hà còn có nhiều công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, thường xuyên tới sinh hoạt và tham dự Thánh lễ. Hạt giống Tin Mừng ở mảnh đất Trại Hà hứa hẹn sẽ tiếp tục nảy mầm và trổ sinh hoa trái.

BTT Gp Bắc Ninh