Lời kinh cuộc đời – Di sản của Đức cố Hồng y Phaolô Giuse

Nhìn lại hơn nửa thế kỷ qua, giáo phận Bắc Ninh đã trải qua không ít giông tố và khó khăn. Đỉnh điểm là biến cố di cư 1954, số linh mục, giáo dân di tản hơn một nửa làm cho giáo phận trở nên hoang tàn. Đứng trước thực trạng đó, vào năm 1963, ngay sau khi trở thành giám mục chính tòa giáo phận Bắc Ninh, Đức cố Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đã củng cố giáo phận trong nhiều phương diện khác nhau; trong đó ngài đặc biệt chú trọng đến việc chỉnh sửa, sáng tác và xuất bản kinh bản Công giáo.

Với đặc thù của một giáo phận phận giàu truyền thống văn hóa, kinh bản của giáo phận Bắc Ninh có cung giọng và từ ngữ rất đặc trưng, truyền tải nét đẹp của đức tin và văn hóa. Tuy nhiên, khi đọc kinh chung với giáo dân ngài nhận thấy mặc dù mọi người rất thuộc kinh, song đọc sai nhiều từ. Cụ thể khi đọc kinh Trái Tim Chúa Giêsu, có người đọc ngược nghĩa hoàn toàn: trong mình “những” thấy tội lỗi, mọi người lại đọc trong mình “chẳng” thấy tội lỗi. [1] Sau khi tìm hiểu và suy nghĩ ngài đã sửa đổi để kinh bản trở nên đúng giáo lý, dễ nhớ và dễ thuộc. Hay thay đổi những từ Hán tự khó hiểu với giáo dân: “Phục rĩ chí tôn, Cao ngự chi thiên,…” bằng những từ ngữ gần gũi và hàm xúc hơn.

Đặc biệt, trong giai đoạn này do thiếu vắng linh mục và việc đi lại bị hạn chế nên việc dâng lễ, dạy giáo lý gần như không thể thực hiện ngoài Tòa Giám Mục. Do đó, trong thời gian Đức cha đi sơ tán tại Xuân Hòa, ngài đã có thời gian chuyển tải nội dung Phúc Âm, giáo lý thành thể thơ lục bát truyền thống. Điển hình nhất là Kinh tóm lược cuộc đời Chúa Kitô, lời kinh được chia làm hai phần chính, gồm 501 câu. Theo đó, diễn tả cuộc đời Chúa Giêsu, từ biến cố truyền tin đến vinh quang thiên quốc của Ngài.

“Cách đây đã hai mươi thế kỷ

Thiên Chúa sai một vị sứ thần

Đến Nadaret một thành

Vào nhà trinh nữ hiền lành nết na

Trinh Nữ ấy là Maria…”

(Trích Kinh tóm lược cuộc đời Chúa Kitô)

                                                          Hay:

“Thêm sức là phép ban ơn

Cho ta lĩnh thụ Thánh Thần Ngôi Ba

Ban ơn soi sáng trí ta

Giúp ta hiểu đạo tránh xa sai lầm…”

(Trích Kinh Nhiệm tích Thêm sức)

Kể từ đó, lời kinh ấy đã trở thành những áng thơ mềm mại đi vào đời sống của người đức tin vùng Kinh Bắc. Hình ảnh ông bà ngồi dạy cháu đọc kinh, hay các cô thôn nữ vừa lao động vừa ngân nga lời ca nhiệm tích đã không còn xa lạ tại các làng quê. Nhờ vậy mặc dù giáo dân ít có cơ hội học giáo lý, Kinh Thánh, nhưng đa phần đều nắm bắt được những giáo lý căn bản, cốt lõi của Đạo. Bên cạnh đó những lời kinh ấy còn đi kèm những lời khuyên nhẹ nhàng nhưng đầy ẩn ý sâu sắc:

“Dụ ngôn những cỏ lùng với lúa

Nhằm nói lên lành dữ sống chung

Dữ nhờ gương sáng đổi lòng

Lành qua chịu đựng lập công lâu dài”

(Trích Kinh tóm lược cuộc đời Chúa Kitô)

Bên cạnh việc sáng tác kinh bản, theo tinh thần của Công đồng Vatican II về hội nhập văn hóa, ngài khuyến khích sử dụng nghệ thuật dân ca quan họ trong việc thể hiện lòng đạo đức bình dân. Cụ thể ngài đã nhờ nhạc sĩ Hùng Lân, bạn của ngài sáng tác giai điệu dân ca của bộ lễ (hiện nay gọi là Bộ lễ Quan họ) và bản dâng hoa Thánh Tâm mang âm hưởng quan họ.

Đi qua những năm tháng khó khăn của giáo phận, những lời kinh do Đức cố Hồng y sáng tác đã phổ biến đến mọi thành phần dân Chúa, giúp nuôi dưỡng và củng cố ngọn lửa đức tin trong giai đoạn vắng bóng linh mục. Tuy hiện nay, hình ảnh các cụ ông cụ bà ngâm nga lời kinh để ru cháu ngủ, các đôi nam nữ thay phiên nhau khảo kinh để chuẩn bị được làm phép hôn phối, hay các em nhỏ cầm trong tay cuốn kinh bản vừa đọc vừa đố bạn… đã không còn phổ biến tại các giáo xứ. Các cuộc thi kinh cấp giáo xứ, giáo phận cũng không còn được tổ chức thường xuyên như trước. Thế nhưng, những lời kinh ấy vẫn âm vang trong lòng đất mẹ giáo phận và không ngừng được gìn giữ và truyền đạt cho thế hệ mai sau.

Ước mong sao mỗi người chúng ta sẽ luôn trân trọng những lời kinh quý giá, là di sản cao quý của Đức cố Hồng y đã dày công biên soạn. Qua việc học và truyền đạt cho thế hệ mai sau, nhờ đó chúng ta được nối kết với Thiên Chúa và nối kết với lịch sử hào hùng của tiền nhân với thế hệ tương lai.

Giuse Bảo Duy

[1] Đức cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Lm. Giuse Phạm Sĩ An