Mùa khói

Miền Bắc đang trong mùa gặt lúa vụ chiêm xuân. Chỗ nào cũng hối hả với thóc lúa. Công việc gặt hái vào những năm tháng này đã dễ dàng hơn nhiều. Thay vì phải gò lưng cắt lúa rồi thu gọn, đập, người nông dân đã có những phương tiện văn minh hơn.  Máy găt hoạt động liên tục, hết ruộng nhà này sang ruộng nhà người khác. Người nông dân chỉ việc đi theo máy gặt rồi gom những bao lúa và chở về nhà. Máy gặt đảo qua đảo lại, nhoáng cái là hết mảnh ruộng, lúa đi đàng lúa, rơm đi đàng rơm. Công việc trước đây kéo dài nhiều ngày với nhiều nhân công, nhiều vất vả, nay được giải quyết trong vài hôm, lại rất nhẹ nhàng.

Trước đây, người miền Bắc còn sử dụng rơm làm chất đốt hay lợp mái nhà, nên sau mùa gặt, mỗi gia đình phải lo thu gom rơm rạ về nhà, chất thành đống để sử dụng dần. Bây giờ nếp sống văn minh có nhiều tiến bộ, đã có bếp ga hay điện, rơm rạ hiếm khi được sử dụng làm chất đốt, cũng chẳng mấy nhà còn trâu bò mà lo tích rơm rạ. Thay vì thu rơm về nhà, người ta gom thành những đống to ngay trên ruộng, trên mặt đê hay ngay trên đường đi rồi đốt để lấy tro. Làm như vậy người ta giải quyết được số rơm, lại có tro để bón ruộng. Chính vì thế chỗ nào cũng thấy đốt rơm; trong đêm tối, thỉnh thoảng có những cơn gió thổi vào những đống rơm đang âm ỉ làm bùng lên những đốm lửa lập lòe. Chuyện đáng nói hơn là ai cũng tranh thủ đốt rơm nên có thể nói, cả một vùng quê, trời lúc nào cũng mù mù vì khói, dù lúc đó trời rất nắng. Có những lúc phải chạy xe qua một đám khói, chẳng trông thấy đường thấy xe phía trước, quả thật là nguy hiểm. Có lẽ nhà nào cũng đốt và quá quen rồi nên chẳng ai kêu rêu gì, cứ chịu vậy. Có những lúc khói mù mịt làm cay xè đôi mắt, nước mắt nước mũi chảy ra, chẳng biết kêu ai, thôi cứ chịu.

Quả là cả một vùng bị vây hãm trong luồng khói độc, nhưng dường như chẳng có biện pháp nào cả, người đốt cứ đốt và ai cũng phải hít những luồng khói này, kể cả người dâng lễ, dự lễ.

Đang là mùa gặt, nên đạo nghĩa cũng lơ là. Nhà nào cũng lo thu hoạch thóc lúa, chở về nhà, phơi phóng, sàng sẫy, chẳng còn thời giờ, cũng chẳng còn hứng thú, chẳng còn sức lực gì mà nhớ đến nhà thờ, đến kinh hạt.

Có những vùng ở Bắc Ninh này, nhiều giáo xứ chẳng còn bao nhiêu giáo dân. Có những ngôi làng trước đây từng là một giáo xứ lớn, vững mạnh, nổi tiếng, nay sau những đợt di cư vì nhiều lý do, nhất là do sinh kế, nay chỉ còn là cái tiếng, cái tăm, chứ thực lực chẳng còn là bao. Mỗi giáo xứ chỉ còn vài trăm người, sống rải rác đây đó, có nơi chỉ khoảng trên dưới một trăm. Vẫn là các giáo xứ nên các vị hữu trách vẫn cố gắng duy trì. Bởi vì bỏ thì dễ nhưng như thế thì làm sao đức tin của người giáo dân được nâng đỡ.

Có điều là mỗi linh mục phải quản nhiệm nhiều nhà thờ, nhiều giáo xứ nên thường tập trung cố gắng ở mức độ thu xếp để mỗi nơi có thánh lễ, nhiều là một tuần một lần, nhiều hơn thì không thể.

Vì mỗi vị phụ trách nhiều nhà thờ nên sẽ có những nơi thánh lễ được cử hành vào những giờ giấc tương đối thuận lợi, và những nơi khác thì cha chỉ đến dâng lễ vào một lúc nào đấy, rồi lại dành thời gian di chuyển và dâng lễ chỗ khác. Mỗi vị không thể ở tại chỗ nên cũng chẳng đủ sức để quan tâm đến nhà thờ, đến các sinh hoạt giáo xứ. Mọi việc, từ coi sóc nhà thờ, học kinh bổn… đều được giao cho các ông trùm, bà quản, làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Như vậy, cha có thể đến dâng lễ lúc nào thì giáo dân cũng cố phải thu xếp. Công việc ngày mùa có khi rất vội nhưng cũng bỏ đấy, chạy về rửa qua cái mặt, quàng thêm cái áo rồi đến nhà thờ. Lễ xong lo đóng cửa cho nhanh rồi lại ra đồng. Trong tình trạng như thế, hỏi sao có lòng say mê và thích thú cho được. Người thu xếp được thì đến tham dự thánh lễ, người bận quá thì thôi, bỏ luôn, chẳng nghĩ đến chuyện tham dự thánh dự thánh lễ ở nhà thờ bên cạnh.

Tại khá nhiều nơi, sau nhiều năm, nhà thờ, nhà xứ đều xuống cấp hư hại, chẳng có ai đủ quan tâm, lại cũng chẳng có kinh phí để tu sửa, đành chịu, có sao thì sử dụng như vậy. Do đó, chẳng lạ gì mà đa số các nơi này đều bụi bặm, nhếch nhác, tạm bợ.

Về phía giáo dân, vì cha xứ không có mặt thường xuyên nên ít khi được khuyến khích, đốc thúc. Người nào sốt sắng thì đi, không thì thôi, cũng ít khi được hỏi han khích lệ. Thêm nữa, vì số giáo dân quá ít nên chẳng có nhân sự làm việc. Có vài ông trong giáo xứ thì cứ xoay nhau mà làm, vừa lo kinh tế gia đình, vừa lo việc chung. Muốn tổ chức sinh hoạt thì cũng chẳng có người. Thành phần tham dự thánh lễ đa số là người lớn tuổi hay các em bé, thành phần thanh niên lèo tèo dăm người, vì đa số đã lên thành phố để học hành và làm việc.

Một cái nhìn lướt qua về tình hình Giáo hội. Chỉ là một thoáng về nếp sống đạo, cũng không hẳn là chính xác. Chỉ như một tâm tình gợi lên. Con người vẫn phải sống với những hoàn cảnh – như mùa khói của họ. Giáo hội cũng phải đồng hành với họ trong những hoàn cảnh này và giúp họ sống đức tin của mình.

Bắc Ninh tháng 6/2014

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật OP