Ba cơn cám dỗ của linh mục trẻ
Là người Công Giáo, chắc hẳn mỗi người chúng ta đều đã từng nghe biết đoạn Tin Mừng kể về những cơn cám dỗ của Đức Giêsu. Câu hỏi mình đặt ra để suy gẫm là: Những cơn cám dỗ nào thường xuyên vây bủa tôi kể từ khi lãnh nhận thừa tác vụ linh mục, sau 5 năm thi hành sứ vụ?
- Đói và hóa bánh ăn
Thú thực, tôi chưa có kinh nghiệm về việc bị đói tới mức hoa mắt, chóng mặt, hoặc đói tới mức thèm được ăn một thứ gì đó. Thế nhưng, khi nhìn từ góc độ này, tôi lại thấy bị cám dỗ về sự no đủ tới mức quá đà theo kiểu “ngại từ chối dự tiệc”. Bởi lẽ, người Việt chúng ta rất quảng đại với người tu và hãnh diện khi được chiêu đãi họ. Thậm chí, nhiều người còn để dành những món ngon, các thứ đặc sản cho những dịp như thế. Đương nhiên, rượu, bia hoặc đồ uống là thứ không thể thiếu và việc được cụng chén 100 % với người tu là cả một niềm vinh dự. Và như một lẽ đương nhiên, có chuyện không hay khi linh mục trẻ uống rượu bia. Xin mọi người cầu nguyện cho chúng con là những linh mục trẻ.
- Trên nóc Đền Thờ và việc gieo mình xuống để được Thiên Chúa cứu
Nếu hiểu cơn cám dỗ này theo nghĩa “ép Chúa phải theo ý mình” thì rõ ràng trong suốt những năm qua, tôi bị hành hạ liên lỉ bởi cơn cám dỗ đó. Không ít lần đã lầm tưởng rằng khi học xong chủng viện và sau khi chịu chức linh mục, tôi thông biết mọi sự, có thể giải đáp được mọi vấn đề của anh chị em giáo dân, coi ý mình là ý Chúa và bắt ép Thiên Chúa chiều theo ý hướng cá nhân. Hình ảnh một cha xứ “toàn năng” vẫn luôn lé lói xuất hiện bất cứ lúc nào trong tâm trí của tôi. “Mình là cha xứ – ý cha xứ là ý Chúa.” Có lẽ vì thế, xu hướng gia trưởng, độc tài, độc đoán, chuyên quyền, hách dịch, kiêu căng, tự cao tự đại ngày một gia tăng nhiều hơn theo tuổi linh mục. Quả thực, không khó để nhận ra cơn cám dỗ này nhưng vượt thắng nó lại là cả một vấn đề nan giải. Xin mọi người cầu nguyện cho chúng con là những linh mục trẻ.
- Bái lạy tà thần và vinh hoa, lợi lộc
Khi xét lại bản thân và phản tỉnh, tôi thấy đây là cơn cám dỗ về sự bất trung. Việc chu toàn các giờ kinh thần vụ và tuân giữ ba lời khuyên Tin Mừng (khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục) là những điều mà mình đã thề hứa cách công khai là sẽ tuân giữ trọn đời. Thế nhưng, tôi nhận ra rằng lời thề hứa đó rất dễ bị phớt lờ, bỏ qua hoặc quên lãng. Cơn cám dỗ về việc bỏ đọc kinh xuất hiện mỗi ngày. Việc giữ đức khiết tịnh còn bị cám dỗ cách tinh vi hơn, xảo quyệt đến độ có thể vi phạm bất cứ lúc nào mà không hề nhận thức được điều đó. Một đời sống thật sự khó nghèo về vật chất dần dần trở thành điều xa xỉ giống như ai đó vẫn bông đùa là “khó mà nghèo”. Đức vâng phục không còn được giữ cách tuyệt đối theo nghĩa chỉ vâng phục trong những điều vừa ý, còn những điều trái ý xem ra chỉ vâng phục trên môi miệng mà thôi. Xin mọi người cầu nguyện cho chúng con là những linh mục trẻ.
Trên đây là những cơn cám dỗ mà tôi đã nhận ra khi nhìn lại bản than sau năm năm thi hành sứ vụ linh mục. Xin mạnh dạn chia sẻ với anh chị em để cùng nhau, chúng ta vượt thắng các cơn cám dỗ theo gương Chúa Giêsu hoặc cảm thông cho nhau khi nhận ra mình đã yếu đuối, vấp ngã, và rồi tìm ra cách thế thích hợp để dìu dắt nhau đứng dậy mà bước tiếp. Xin mọi người cầu nguyện cho chúng con là những linh mục trẻ chúng con.
Nguyên Nguyên