Bài Giảng Cuối Cùng Về Sự Từ Bỏ

Ngày 26 tháng 4 năm ấy, Quảng trường Thánh Phêrô không rợp cờ Vatican, không vang lên những giai điệu hùng tráng của hợp xướng Sistine, cũng không có những dải nhung tím phủ kín các hành lang đá cẩm thạch nơi điện Tông Tòa như truyền thống vẫn thường thấy trong các dịp tang lễ Giáo hoàng. Bầu khí hôm ấy không mang dáng vẻ huy hoàng, nhưng lại thấm đượm một vẻ đẹp nội tâm, sốt sắng và bình an – như một buổi sáng Mùa Chay đan xen trong ánh sáng hy vọng của niềm vui Phục Sinh. 

Chỉ còn lại tiếng bước chân của người hành hương, những lời kinh thầm thĩ trong gió sớm, và ánh nắng nhè nhẹ rơi xuống một chiếc quan tài gỗ thông mộc mạc – giản đơn, khiêm tốn đặt sát mặt đất, với cuốn Kinh Thánh đặt ở trên, không hương nến, vòng hoa lộng lẫy… một hình ảnh gợi nhớ đầy sâu sắc về một đời sống trút bỏ đến tận cùng. Tang lễ ấy là tang lễ của Đức Giáo Hoàng Phanxico, người đã sống cả đời cho tin mừng khó nghèo, lòng thương xót, và bênh vực cho những con người nhỏ bé.

Tang lễ ấy không giống bất kỳ lễ tang nào trong ký ức gần nhất. Không ba lớp quan tài truyền thống. Không những cỗ xe tang nghi lễ chạm trổ tinh xảo. Không vương miện triregnum, không giày đỏ, không đệm nhung thêu chỉ vàng. Thậm chí, không có vòng hoa quốc gia – dù các nguyên thủ vẫn hiện diện, đứng lặng lẽ giữa cộng đoàn tín hữu như bao người hành hương khác. Một sự giản dị thinh lặng, nhưng vang vọng mạnh mẽ như một bài giảng cuối cùng – không bằng lời, mà bằng chính cuộc đời và cái chết.

Tờ The Times đã viết: “Ngay khi chết, ngài vẫn làm rung động thế giới bằng bài giảng về sự từ bỏ.” Và quả thật, cái chết của Đức Phanxicô không phải là dấu chấm hết, mà là dấu chấm than cuối cùng cho một đời sống không ngừng chất vấn thế gian bằng Tin Mừng nghèo khó.

Ngài – vị Giáo hoàng chọn ở lại Nhà Thánh Marta thay vì Dinh Tông Tòa.
Ngài – người lái chiếc Fiat nhỏ bé giữa đoàn xe sang trọng trong các chuyến tông du.
Ngài – người cúi xuống rửa chân cho tù nhân, cho phụ nữ, cho những người Hồi giáo trong Thứ Năm Tuần Thánh.

Điều gây xúc động mạnh nơi nhiều người là hình ảnh đôi giày ngài mang – đã mòn rách – đôi giày đã cùng ngài rong ruổi khắp những vùng ngoại biên, không mệt mỏi, để đến với những con người đau khổ, bất hạnh.

Trước khi qua đời, ngài đã chuyển toàn bộ lương bổng cho người nghèo, cho các tổ chức bác ái và các Giáo hội địa phương. Theo báo Ámbito (Argentina), khi ngài qua đời ngày 21/4/2025 ở tuổi 88, tài sản cá nhân chỉ còn vỏn vẹn 100 USD. Cử chỉ trao tặng gần như toàn bộ số tiền – khoảng 200.000 euro – cho công cuộc bác ái là minh chứng cuối cùng cho đời sống nghèo khó, khiêm nhường và bác ái không ngừng nghỉ của ngài.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha trở về trong vòng tay của những người nghèo – những con người ngài đã yêu mến suốt đời, những người ngài từng ôm lấy, từng rửa chân, từng bênh vực – đã được mời nâng đỡ thi hài ngài lần cuối. Một nghi thức không ồn ào, nhưng mạnh mẽ nói lên rằng: Người nghèo luôn có chỗ đứng trong trái tim ngài, cho đến hơi thở cuối cùng.

Nghi thức an táng tại phần mộ diễn ra kín đáo, riêng tư, như một sự trở về âm thầm, sâu lắng. Ngôi mộ của Đức Thánh Cha được đặt khiêm tốn tại một góc bên trong ngôi thánh đường Đức Bà Cả – nơi ngài luôn dành tình yêu đặc biệt cho Mẹ Maria. Không phô trương, không lộng lẫy, chỉ có một dòng chữ đơn sơ: “Fanxico.”
Đây không chỉ là tên gọi, mà là lời chứng đậm sâu về một linh đạo: sống trọn vẹn trong sự nghèo khó, từ bỏ, khiêm nhường. Một ước nguyện đã được ngài bày tỏ trong bản chúc thư cuối đời – rằng ngài chỉ mong được an nghỉ dưới chân Mẹ Maria, trong niềm phó thác trọn vẹn.

Sự từ bỏ trong tang lễ ấy không nhằm gây ấn tượng hay tìm kiếm sự khác biệt. Đó là một tuyên ngôn sâu xa: Giáo hội không thuộc về quyền lực, của cải hay nghi lễ lộng lẫy, mà thuộc về Đức Kitô – Đấng đã sống và chết trong trần trụi tuyệt đối, trong sự phó thác vẹn toàn.

Không ngẫu nhiên, ngài đã chọn tên gọi “Phanxicô” – vị thánh của sự nghèo khó và từ bỏ. Trong cái chết, ngài vẫn giữ trọn vẹn tinh thần ấy: một đời sống trút bỏ, không giữ lại điều gì, để hoàn toàn thuộc về Chúa.

Giữa tất cả sự giản dị ấy, nổi bật lên một chi tiết: màu đỏ.

Trong tang lễ, cộng đoàn Dân Chúa đã trình diện vị Giáo hoàng của mình trước Thiên Chúa trong lễ phục đỏ – không phải màu tím u buồn của tang tóc, nhưng là màu đỏ của máu, của lửa, của Chúa Thánh Thần.

Màu đỏ ấy như thầm thì với thế giới rằng: Giáo hoàng không chỉ là người lãnh đạo, mà là nhân chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Một tình yêu được viết bằng máu, được thắp bằng lửa, được sống bằng sự hiến trao không giữ lại gì.

Vậy, điều gì còn lại sau tang lễ ấy?

Không phải là cỗ xe tang, không phải là vòng hoa quốc gia, cũng không phải là nghi thức rực rỡ. Điều còn lại, là một tấm gương – một đời sống Tin Mừng giản dị, khó nghèo, một bài giảng cuối cùng vang vọng trong thinh lặng, nhưng lan xa hơn mọi bài hùng biện. Chất vấn Giáo Hội và cả thế giới về tinh thần nghèo khó, lòng thương xót, bác ái và công bình. Điều mà con người ngày hôm nay vẫn lảng tránh, để chỉ nghĩ cho quyền lợi của cá nhân mình…

An Bình