Bao giờ Lễ Lá?

Trong cuộc sống, có khi những điều rất bình thường lại gợi mở hoặc mang lại cho ta những tia sáng của đức tin, của niềm vui, cho ta thêm động lực sống. Một lần nữa, tôi lại có được kinh nghiệm ấy.

Vẫn là những câu chuyện ở nơi mà chúng tôi gọi là “Trung tâm vui vẻ” (Trung tâm chăm sóc người bệnh tâm thần), nơi mà chúng tôi thường đến vào Chúa Nhật hàng tuần để phụ giúp những công việc có thể. Hôm đó, đang khi ngồi cắt móng tay cho một bà cụ, một chị chạy đến, vui vẻ ngồi xuống hỏi tôi: “Sơ ơi, bao giờ thì Lễ Lá?” Tôi ngạc nhiên vì biết chị là người Công giáo, ngạc nhiên hơn nữa vì chị vẫn nhớ đến Lễ Lá. Tôi trả lời rằng 1 tuần nữa là đến Lễ Lá, là vào Tuần Thánh. Rồi chị kể cho tôi về những việc làm trong Tuần Thánh mà chị còn nhớ được. Hỏi ra tôi cũng mới biết nhiều năm trước đây thường có cha đến Trung tâm dâng lễ vào những dịp lễ trọng, nhưng rồi có những thay đổi, lâu lắm rồi việc dâng lễ không còn nữa. Và câu hỏi của chị cứ thoáng hiện trong đầu tôi suốt cả tuần: Bao giờ thì Lễ Lá?

Và đây, Lễ Lá đã đến rồi, Tuần Thánh đã bắt đầu và Mùa Chay cũng sắp kết thúc: Tôi đã làm gì và chưa làm được gì trong Mùa chay? Tôi có cảm giác mình đang ở giai đoạn “nước rút” vì thấy mình luôn chần chừ, ngang ngược trước những gì Chúa và Giáo Hội mời gọi trong suốt Mùa Chay. Vậy cần làm gì đây?

Tuần Thánh, Giáo Hội đưa con cái mình đến gần hơn với Chúa, sống gắn bó với Chúa hơn qua các cử hành Phụng vụ, để cảm nghiệm rõ hơn Tình Yêu Chúa dành cho con người qua cuộc Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu. Chắc chắn, ý thức sống tốt hơn những tâm tình trong Tuần Thánh sẽ là một cách cảm nghiệm, sự đáp trả. Nhưng thiết nghĩ, nếu chỉ dừng lại ở hình thức bề ngoài thì thật là uổng. Điều quan trọng là tâm tình. Để khi sống trong Tuần Thánh, mỗi người sẽ nhận ra: Tình yêu và Ơn Cứu độ của Chúa không hề xa rời cuộc sống của chúng ta. Để rồi một lần nữa, ta lại sấp mình thống hối ăn năn về những ngang ngược, lỗi phạm của chính mình, lại một lần nữa xin Chúa thứ tha,  và đi cùng Chúa trên Đường Thập Tự, để cùng biết chết, cùng được phục sinh với Người.

Quả thật, không dễ để tránh khỏi cảm giác uể oải khi giữa cái nắng Sài Gòn, xách xe lên đường đến Trung tâm. Rồi mỗi khi xong việc, ai nấy mướt mồ hôi và mệt… Nhưng cũng không thể chối bỏ có một “điều gì đó” nảy sinh, biến đổi, và lớn lên trong lòng mỗi khi chúng tôi cúi xuống cắt móng tay, móng chân cho từng người; mỗi khi đút những thìa cơm, thì cháo cho những cô bác nằm liệt không còn khả năng tự phục vụ… “Điều gì đó” ấy, tôi gọi là Sức Sống Phục Sinh.

Có thể không có Lễ Lá, không có các cử hành Tuần Thánh cho những người Công giáo ở “Trung tâm vui vẻ”, nhưng tôi nghĩ mỗi ngày ở đây hẳn là một chặng Đàng Thánh Giá không chỉ của chị, nhưng của nhiều người nữa. Và quan trọng hơn, nơi mỗi chặng Thánh Giá ấy luôn ẩn chứa và lan tỏa Sức Sống, để mỗi khi chào cô bác ra về, chúng tôi lại tự nhủ: tuần sau sẽ đến tiếp.

Lạy Chúa! Thời gian lúc nào chúng con cũng có, nhưng việc sử dụng đúng thời gian Chúa ban không phải lúc nào chúng con cũng ý thức và làm tốt. Xin giúp chúng con ý thức mình đang sống trong thời gian ân phúc, để chúng con cùng đi với Chúa trong hành trình thương khó của Chúa, để nhận ra Chúa cũng đang cùng đi với mỗi người chúng con trong hành trình cuộc đời! Amen!

Học viện Mẹ Sự Sống