Chiêm ngắm cây Thánh Giá lịch sử

Tìm đến Nhà thờ Chính Toà Bắc Ninh vào mùa hoa gạo, tôi đứng lặng trước Cây Thánh Giá lịch sử. Ánh mắt tôi dừng lại trên từng đường nét của tượng Chúa chịu nạn – nơi dấu đinh hằn sâu, nơi thân thể hao gầy, nơi ánh mắt vẫn hiền từ dẫu đau đớn tột cùng. Bỗng dưng, lòng tôi tràn ngập một cảm xúc khó tả – vừa kính sợ, vừa tự hào, lại vừa xót xa.

Đây không chỉ là một cây Thánh Giá bằng gỗ. Nhưng là dấu tích của bao đau thương, của máu và nước mắt, của những người đã can đảm giữ vững đức tin trong thử thách. Tôi nhớ lại cảnh tượng trước đây các bậc tiền nhân – những người đã đứng trước Cây Thánh Giá này vào thời kỳ bách hại. Khi viên quan tàn bạo đặt Thánh Giá tại cổng thành trấn Kinh Bắc, ép buộc họ bước qua để chối bỏ đạo, có lẽ nhiều người đã run sợ. Nhưng rồi, chính nơi đây, các giáo hữu đã tìm lại được sức mạnh. Một sức mạnh không đến từ bản thân con người, mà đến từ chính Chúa Giêsu trên Thánh Giá – Đấng đã chịu đau khổ vì yêu thương nhân loại.

Tôi chạm tay lên Cây Thánh Giá, tưởng như chạm vào chính lịch sử của Giáo hội Việt Nam. Những vết thương của Chúa dường như đang lên tiếng, nhắc nhở tôi rằng: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13). Nếu Chúa Giêsu đã dám đi đến cùng con đường thập giá vì tôi, thì tôi có dám bước theo Ngài trong những hy sinh nhỏ bé đời thường không?

Cúi đầu, cảm giác xót xa, tôi nhớ lại những ngày cây Thánh Giá đã từng bị bỏ rơi, bị xem như một món đồ vô giá trị, khúc gỗ vô tri, thậm chí là một công cụ của ngoại bang, một chướng ngại cần phải xóa bỏ. Nhưng Thiên Chúa đã gìn giữ Thánh Giá ấy như gìn giữ chính đức tin của dân Ngài. Không một ai dám phá hủy nó. Không một thế lực nào có thể dập tắt ánh sáng từ thập giá. Và ngày hôm nay, hơn 200 năm sau, Thánh Giá vẫn hiên ngang đứng đó, như một chứng nhân kiên vững của Tin Mừng.

Giờ đây, tôi quỳ xuống. Lòng tôi thổn thức với một lời nguyện xin: “Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, con cảm tạ Chúa vì đã yêu thương con đến tận cùng. Xin cho con biết nhìn lên Thánh Giá mỗi ngày, để tìm thấy hy vọng giữa những khó khăn, can đảm giữa những thử thách, và lòng tín thác khi đối diện với thập giá đời con. Xin cho con đừng bao giờ bước qua Thánh Giá, nhưng luôn ôm lấy Thánh Giá với tất cả tình yêu.”

Tôi đứng dậy, làm dấu Thánh Giá trên mình. Trong lòng tôi giờ đây không còn là sợ hãi, nhưng là một niềm xác tín sâu xa: Thánh Giá chính là nguồn ơn cứu độ, là niềm hy vọng của cuộc đời con.

Miên Văn