Đọc cuộc đời – Viết về một con người

Ngày xưa, khi mới vào nhà dòng Đaminh Bắc Ninh – Xuân Hòa, hình ảnh về một người cha, âm thầm, lặng lẽ xuất hiện trong tu viện, giữa tất cả các sơ, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên và thắc mắc về ngài. Nhưng khi được các dì nói chuyện sơ qua về cuộc đời của cha, tôi mới biết vì sao cha lại hiện diện ở đây.

Trong tinh thần gia đình, chúng tôi, đám đệ tử nhỏ nhất nhà dòng, gọi cha là “ông” mặc dù chẳng phân biệt đó là ông ngoại hay ông nội như ở gia đình. Nhưng chúng tôi đứa nào cũng coi ông là ông “tổng hợp”, rất hồn nhiên. Ông quí ơn gọi lắm, nhất là đám đệ tử. Ông luôn nhắc nhở chúng tôi phải học tập, cầu nguyện và phải sống chăm ngoan để sau này trở thành những nữ tu thánh thiện. Nhưng tụi nhỏ có hiểu gì sâu sắc đâu, cứ ngật ngù, chủ yếu ngoan, lắng nghe ông dạy giỗ bảo ban, rồi ông lại dúi cho quà.

Năm tháng qua đi, tôi cũng trở thành một nữ tu, nhưng tình cảm ông- cháu cứ theo tôi suốt cuộc đời. Khi nghe ông được Chúa gọi về lòng tôi se lại, một nỗi buồn nho nhỏ, một niềm vui lớn. Sở dĩ niềm vui lớn hơn vì tôi biết ông đã chuẩn bị cho chuyến đi này hơn 20 năm rồi. Từ ngày tôi mới vào dòng, ông đã nói như thế với chúng tôi. Cuộc ra đi của ông là niềm vui vì ông đã chạy hết cuộc đua và dành được vòng hoa chiến thắng.

Sau bao năm không gặp ông, nay tôi đọc lại cuốn sách : “Hồi Ký Về Mục Tử Nhân Lành”, mà tác giả chính là ông. Cuốn sách là món quà tinh thần mà ông gửi tặng cho giáo phận Bắc Ninh, cách riêng là người cha tinh thần Đức Cố Hồng Y Phao-Lô Giuse Phạm Đình Tụng. Trong đó cũng có phần ông viết về chính cuộc đời mình.

Đọc cuốn sách tôi mới hiểu được cuộc đời của ông. Tôi không biết phải dùng ngôn ngữ nào để diễn tả về con người của ông. Tôi cúi mình, đấm ngực, lệ tuôn rơi. Tôi quá cảm phục một con người, một tâm hồn dâng hiến, đầy đau khổ, nhưng luôn trong sáng và vững tin.
Cuộc đời ông gắn liền với vận mệnh đất nước. Sinh ra trong nghèo khó, sống dưới sự đe dọa của bom đạn chiến tranh, phải xa gia đình từ nhỏ. Bước vào đời tu khi tuổi đời còn quá trẻ, 10 tuổi. Từ khi theo Thầy Giê-su chí thánh, cuộc đời ông bước sang một trang sử mới. Trang sử được thêu dệt bởi tình yêu Giê-su, yêu Giáo Hội cách mãnh liệt và trung tín. Kể từ đây giáo phận là nhà, các mục tử là cha là mẹ, là anh em của mình.
Cuộc đời người môn đệ theo sát Chúa Ki-tô, ông cũng tự nhận mình là bản sao của thầy Giê-su, phác họa tất cả cuộc đời trần thế của Thầy. Cả đời tu gắn liền với chữ “chui”. Đi tu chui, chịu chức chui và cử hành Bí tích và hoạt động mục vụ cũng chui. Và cho đến khi chết ông vẫn là một linh mục chui. Dù vậy chưa bao giờ ông than trách Chúa, trái lại ông luôn coi trọng Thiên chức Linh mục là cao quí, mình bất xứng.
Một điều đặc biệt mà tôi nhận ra như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, sáng lên trong những trang cuộc đời của ông đó là lòng trung tín, tinh thần lạc quan và đầy hy vọng về tương lai của Giáo hội. Dù ở chốn cải tạo, không hy vọng ngày ra, nhưng ông vẫn một lòng gắn bó với Chúa, tìm cách liên hệ với giáo phận và không ngừng cầu nguyện cho tương lai mới của giáo phận.
Khi được tự do, ông lại tiếp tục vác thập giá đời mình với những căn bệnh nan y. Dù vậy ông vẫn luôn là một mục tử nhân lành, chứng nhân của niềm tin, kiên cường trong đau khổ, vững vàng cậy trông. Khi không hoạt động mục vụ, ông rút lui âm thầm, cầu nguyện, chung chia những thao thức, niềm vui nỗi buồn, cùng với sự thăng trầm thay đổi của giáo phận.
Cả cuộc đời ông là một bài ca Người tôi trung đau khổ, nhưng trung kiên. Người mục tử nhân hiền, trong sáng, thật thà và trung tìn. Ông ra đi để lại cho Giáo phận một tấm gương sống đức tin, một mục tử chân chính, mẫu mực như lòng Chúa ước mong. Cảm ơn ông, người cha hiền của chúng con.

Nguồn Facebook Dòng Đa minh Bắc Ninh