Đức hồng y Oswald Gracias: Đức Thánh Cha Phanxicô đã mang lại “một mùa xuân cho Giáo hội” tại châu Á
WHĐ (26.06.2013) – Nhân dịp Đức hồng y Oswald Gracias, Tổng giám mục Mumbai, Ấn Độ, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu tham dự khóa họp thứ 4 Hội nghị Thường lệ lần thứXIII của Thượng Hội đồng Giám mục tại Roma (13&14-06-2013), phóng viên Gerard O’Connell (Vatican Insider) đã có bài phỏng vấn ĐHY Gracias về những âm hưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong suốt 100 ngày đầu tiên trong thừa tác vụ Phêrô cũng như nhiệm vụ của 8 vị Hồng y cố vấn của Đức Thánh Cha. WHĐ xin trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn này.
Đâu là những ảnh hưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Ấn Độ, nói riêng, và ở châu Á, nói chung, trong suốt 100 ngày vừa qua?
Rất tích cực! Rất tích cực ở một điểm này, vì [Ấn Độ] là một đất nước nghèo đang trên đà phát triển, nên Đức Thánh Cha đã có một ảnh hưởng ngay lập tức khi ngài liên tục bày tỏ mối quan tâm đến người nghèo, những người bị loại trừ, và kêu gọi một Giáo hội vì người nghèo. Người Công giáo Ấn Độ cũng như những người ngoài Công giáo rất ấn tượng về những phát biểu của Đức Thánh Cha. Ngài được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông, những phát biểu của ngài được truyền tải trên các trang báo xã hội, hình ảnh của ngài cũng xuất hiện rất thường xuyên.
Đó là ơn lành cho Hội thánh. Nó giống như mùa Xuân của Hội thánh. Đức Thánh Cha đã làm sáng lên bầu khí hân hoan, nhiệt thành và hứng khởi. Đấy là sức sống, sinh khí và nhiệt huyết của Giáo hội hôm nay. Người ta nói rằng đây là Hội thánh mà con người mong ước được thuộc về. Nhiều giáo dân đi lễ và xưng tội vì âm hưởng mà Đức Thánh Cha đã truyền cảm.
Ảnh hưởng của Đức Thánh Cha khá mạnh ở Ấn Độ, thế còn các nơi khác ở châu Á thì sao?
Tôi chưa có nhiều phản hồi, nhưng các giám mục mà tôi đã gặp, từ Pakistan, Sri Lanka, và Đức hồng y Tagle của Philippines, đều cho biết Đức Thánh Cha có rất nhiều ảnh hưởng ở các nước đó.
Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức hồng y [Gracias] vào nhóm tư vấn gồm 8 vị Hồng y. Phản ứng của Đức hồng y khi nhận được tin này như thế nào?
Tôi rất bất ngờ khi Đức hồng y Quốc vụ khanh gọi cho tôi và nói Đức Thánh Cha muốn tôi tham gia vào nhóm 8 hồng y tư vấn cho Đức Thánh Cha. Tôi đã thốt lên rằng tại sao lại là tôi? Tôi thú thật rằng tôi bất xứng và thấp kém, nhưng tôi cũng thấy rằng nhiệm vụ này rất lớn lao và tôi cảm giác như mình đang trốn chạy và đùn đẩy cho người khác. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng nhiệm vụ này rất thiết yếu, quan trọng và đầy trách nhiệm.
Đức hồng y đại diện cho châu Á.
Đúng, chỉ một mình tôi từ châu Á. Hiển nhiên là Đức Thánh Cha muốn thấy diện mạo của châu Á. Đức Thánh Cha biết tôi ở Ấn Độ. Sau Mật tuyển viện, Đức Thánh Cha và tôi có gặp nhau vài lần; chúng tôi có liên hệ cá nhân, trao đổi riêng về nhiều vấn đề của Giáo hội. Ngài biết quan điểm của tôi.
Đức hồng y thấy vai trò của nhóm tư vấn gồm 8 vị hồng y này như thế nào?
Thực sự tôi không biết. Tôi nghĩ nhóm tư vấn có thể làm nên điều khác biệt nếu Đức Thánh Cha muốn. Gần đây tôi đã nghe Đức Thánh Cha nói nhiều đến nhóm này và tôi cảm nhận rằng ngài kỳ vọng khá nhiều nơi chúng tôi. Nó giống như một nhóm tư vấn của các cha giám tỉnh Dòng Tên; nhóm tư vấn do chính giám tỉnh chỉ định. Các tư vấn giúp ngài đưa ra các quyết định, và sẵn sàng khi ngài cần tham vấn. Tôi nghĩ [nhóm tư vấn của Đức Thánh Cha] cũng vậy; đó là phương pháp của truyền thống Inhaxiô. Tôi thấy phương pháp này rất hiệu quả đối với các cha giám tỉnh Dòng Tên, và tôi không thấy lý do nào khiến phương pháp này không thể áp dụng thành công đối với Đức Thánh Cha.
Nhiều người nhìn nhận nhóm [tư vấn] này như một thể thức mới của tính hiệp đoàn.
Đúng, nó là thể thức của tính hiệp đoàn. Trong Công nghị trước Mật tuyển viện, Đức Thánh Cha đã nghe các hồng y phát biểu, và mọi người chia sẻ nhận thức của mình về vị giáo hoàng kế nhiệm sẽ như thế nào, xét về góc độ con người thì một người không thể gánh vác trọng trách và những đòi hỏi của sứ vụ giáo hoàng trong bối cảnh ngày nay, và với rất nhiều cảnh huống, vấn nạn và thách đố thì việc hình thành nhóm tư vấn như thế này rất cần thiết. Nhưng việc chọn một nhóm các tư vấn cụ thể như thế nào tùy thuộc vào Đức Thánh Cha. Đó là điều mà ngài quyết định tốt nhất cho Giáo hội. Đây là một quyết định mạnh mẽ và sáng tạo. Và, ngoại trừ một trường hợp, Đức Thánh Cha đã chọn tất cả các thành viên của nhóm tư vấn này từ thành phần đang thi hành mục vụ, để các ngài có thể nói với Đức Thánh Cha về thực trạng của Giáo hội.
Đây chính là những người mà Đức Thánh Cha tin cậy. Đó là những người sẽ trình bày với Đức Thánh Cha những nhu cầu của Giáo hội, những gì tốt nhất cho Giáo hội. Chắc chắn Đức Thánh Cha được tác động thiêng liêng, nhưng ngài cũng cần có những sự trợ giúp, đảm bảo, những ý tưởng tinh tế, và một tập thể để ngài có thể thử nghiệm các kế hoạch khác nhau.
Trong khuôn khổ Khóa họp ngày 13 tháng Sáu mà Đức hồng y tham dự, Đức Thánh Cha đã để bài diễn văn đã soạn sẵn sang một bên để ứng khẩu, trong đó có đề cập đến một thông điệp về đức tin sẽ sớm được công bố.
Đúng, phong cách của cuộc họp rất khác biệt. Trong quá khứ luôn luôn có bài diễn văn và đáp từ của Đức Thánh Cha. Nhưng ngài đã hành động rất thực tế: ngài bảo rằng “chúng ta hãy tận dụng bài diễn văn, mọi người sẽ nhận được bản văn ấy và có thể đọc sau, bây giờ chúng ta hãy trao đổi với nhau”. Vì thế chúng tôi chia sẻ với Đức Thánh Cha những suy tư của chúng tôi về Đại hội kế tiếp của Thượng hội đồng với những ý tưởng và đề nghị, những đột phá và đóng góp của Thượng hội đồng. Chắc chắn Đức Thánh Cha sẽ quyết định [dựa trên những trao đổi ấy].
Tôi nghĩ những gì Đức Thánh Cha đã làm [trên đây] rất là hữu hiệu, nhắm vào phương pháp và cách tiến hành hơn là nội dung công việc. Đó là một cách làm việc hoàn toàn mới, có sự tương tác, và Đức Thánh Cha đã đánh tan bầu khí căng thẳng. Ngay từ đầu ngài đã lắng nghe, góp ý và chia sẻ suy tư của ngài. Đức Thánh Cha đã đến chào hỏi từng người lúc bắt đầu buổi họp và ngài cũng làm như thế khi kết thúc. Ngài rất vui vẻ và bình dị.
Ngài đã nói đến thông điệp về đức tin sắp được công bố. Đức Bênêđictô XVI đã khởi sự và Đức Phanxicô vừa hoàn tất thông điệp ấy. Đức hồng y có ngạc nhiên về điều này?
Không! Chúng tôi đã nghe nói đến thông điệp về đức tin mà Đức Bênêđictô đã viết và, tất nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ấn ký. Tôi nghĩ đây là điều bình thường.
Hội nghị sau Thượng hội đồng đã làm việc dựa trên một Tông huấn về Tân Phúc âm hóa, nhưng nay Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ trì công việc này và sẽ viết một Tông huấn dựa trên những đề nghị của Thượng hội đồng để xem xét toàn bộ vấn đề “Phúc âm hóa tổng quát” trên bình diện rộng hơn.
Tôi có cảm giác rằng cách làm này sẽ hiệu quả hơn. Tôi có cảm giác rằng chúng ta đang muốn lắng nghe suy tư của Đức Thánh Cha [về Phúc âm hóa]; toàn thể Hội thánh muốn lắng nghe ngài. Ngài sẽ định hướng Giáo hội và chúng ta muốn mọi sự nằm trong định hướng ấy. Tôi muốn thấy quan điểm của Đức Thánh Cha [về giải pháp Phúc âm hóa].
Vậy, Đức hồng y hài lòng về việc Đức Thánh Cha chủ trì việc soạn thảo Tông huấn này?
Vâng, tôi rất hài lòng. Tôi nghĩ điều đó dễ hiểu, các chương trình mục vụ của Giáo hội sẽ được điều hợp tốt hơn. Tông huấn này sẽ không chỉ thuần túy là một tài liệu; đây sẽ là một Tông huấn với phong cách, văn phong và định hướng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tông huấn này sẽ thúc đẩy dân Chúa. Vì thế tôi hài lòng và mong đợi tài liệu này. Ngài sẽ công bố Thông điệp về đức tin trước, sau đó sẽ là Tông huấn có thể được công bố trước cuối năm nay.
Trong bài diễn văn soạn sẵn (đã nói trên), Đức Thánh Cha Phanxicô đã vạch ra “những bước triển khai” từ Thượng hội đồng Giám mục “để thúc đẩy những đối thoại và hợp tác hơn nữa giữa các giám mục với nhau và với giám mục Roma”.
Tôi nghĩ đây là điều mà chúng ta cần phải suy xét. Thượng hội đồng Giám mục đã hình thành từ cách đây 50 năm, vì thế đã đến lúc cần suy xét, lượng giá, để thấy những thành quả đã gặt hái và những gì có thể đạt hiệu quả hơn. Theo tôi thấy, Công đồng Vatican II muốn Thượng hội đồng mang tính liên tục của Công đồng, một khí cụ tiếp nối tinh thần và phương pháp của Công đồng với tính hiệp đoàn [và những giá trị tương tự].
Chắc chắn là Thượng hội đồng đã soạn thảo Tông huấn và ban thư ký đã cố gắng hoàn chỉnh bản văn đó. Nhiều thay đổi đã được điều chỉnh nhưng có thể đã đến lúc cần lượng giá xa hơn để nhận ra phương cách [làm cho Tông huấn] trở nên hữu hiệu hơn.
Trong Khóa họp ngày 13 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến toàn bộ vấn đề hôn nhân, những người trẻ chung sống ngoài hôn nhân, và những liên hệ tương tự như một vấn đề lớn dành cho Giáo hội. Đức Thánh Cha đã nói rằng ngài sẽ tham vấn 8 hồng y tư vấn khi nhóm họp vào tháng 10 sắp tới để tìm ra giải pháp tốt nhất cho toàn bộ vấn đề này: có thể được xem xét ở một Thượng hội đồng hoặc một hình thức khác. Đức hồng y có nhận thấy đây là đề tài nóng?
Đề tài này cũng đã được nhắc đến ở kỳ họp Thượng hội đồng vừa qua. Các giám mục đã trao đổi ở các cuộc thảo luận nhóm, và ngay cả lúc giải lao. Đây là một vấn đề mục vụ cần được nói đến. Tôi biết vấn đề này đã khiến nhiều giám mục lo lắng.
Có phải Đức hồng ý nói đến vấn đề ly dị và tái hôn?
Đúng, đó là vấn đề ly dị và tái hôn, và xử lý vấn đề này như thế nào, chăm sóc mục vụ ra sao? Rõ ràng đây là vấn nạn ở nhiều quốc gia hơn là chỉ ở Ấn Độ, nơi tuy đã có vài trường hợp [nhưng chưa đến mức báo động].
Tôi thấy hài lòng vì Đức Thánh Cha đã suy nghĩ đến vấn nạn này, và vì ngài không bảo rằng đây là vấn đề phải giữ kín. Tôi ngạc nhiên vì Đức Thánh Cha đã đề cập đến vấn đề này. Đó là vấn đề về mục vụ mà chúng ta không thể bỏ qua một bên. Đây là vấn đề liên hệ đến cuộc sống của con người, đến tinh thần, đức tin, đời sống đức tin và đời sống của Hội thánh. Chúng ta phải giải quyết như thế nào? Chúa chúng ta sẽ giải quyết như thế nào?
Có những vấn đề tương tự nào khác mà Đức hồng y muốn được đề cập đến trong trong thời gian này?
Tôi nghĩ đến toàn bộ vấn đề về tính hiệp đoàn và Tối thượng quyền. Tôi nghĩ vấn đề quan trọng hôm nay là mức độ tự do trao đổi trong tương quan giữa Giáo hội trung ương và các Giáo hội địa phương. Tôi nghĩ có nhiều thứ hơi bị quá tập trung vào Giáo hội trung ương. Vì thế, cần phải suy nghĩ xem làm thế nào để Giáo hội trở nên hữu hiệu hơn và [thực sự] là Giáo hội.
Trong một Thông điệp về đại kết, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề nghị góp ý để việc thi hành Tối thượng quyền có thể thực hiện cách khác. Có lẽ đây là thời điểm để chúng ta nhìn lại đề nghị đó. Có thể chúng ta sẽ không tìm ra được một giải pháp, nhưng rất cần bắt đầu suy nghĩ về điều đó. Điều đó có thể giúp cho vấn đề đại kết, nhưng tôi nghĩ nó cũng có thể giúp cho cấu trúc bên trong của Giáo hội.
Tin liên quan