Tài liệu hội Mân Côi tháng 04 năm 2020

 SUY NIỆM

MẦU NHIỆM MÂN CÔI

04/2020

*****

HMC 04.2020. A4 (pdf)    

Thứ ba thì ngắm: Đức bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá, ta hãy xin cho được lòng thanh bần .

          Tập nhân đức: Trong tháng này, chị em hãy tập đức khó nghèo.

I – LỜI CHÚA :   Xin đọc Tin Mừng Lc 2,1-14

  1. GỢI Ý SUY NIỆM:

Theo tâm lý tự, ai cũng thích giàu có, chẳng ai thích mình nghèo khó. Cho nên, vào dịp Tết người ta thường chúc cho nhau giàu sang phú quý, làm ăn phát đạt, chứ chẳng ai dám chúc cho nhau nghèo khó cả. Người ta thường nói: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. “Có tiền mua Tiên cũng được”.

Trái ngược với những ao ước tự nhiên, trong kinh Tám Mối Phúc thật, Chúa Giêsu lại chúc: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Như thế, chắc hẳn tinh thần nghèo khó nó phải làm cho con người giống Chúa, đủ điều kiện để đạt tới hạnh phúc Nước Trời thì liền sau lời chúc phúc ấy, Chúa mới hứa: “vì Nước Trời là của họ”.

Do vậy, chúng ta hãy cùng nhau suy gẫm xem nhân đức nghèo khó nó đem lại lợi ích gì cho con người, để từ đó ta mới có thể học hỏi và đem áp dụng nhân đức đó cho đời sống chúng ta.

Qua câu nói: “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. “Có tiền mua Tiên cũng được”, chúng ta nhận thấy câu nói ấy khẳng định rằng; tiền bạc, giầu sang là yếu tố quyết định mọi vấn đề về sức mạnh, sự thành công và nó đáp ứng mọi nhu cầu của con người. Nhưng lạ thay, câu nói ấy lại không hề nhắc tới chủ nhân của đồng tiền tức con người ? Càng không hề đả động tới yếu tố siêu nhiên (đối với người Kitô hữu chúng ta, tức Thiên Chúa) ?

Như thế, vô hình chung, tiền bạc, giầu sang trở thành “ông chủ”, còn chủ nhân của nó biến thành tên đầy tớ, và trở thành yếu tố tùy phụ chứ không phải yếu tố chính dẫn tới thành công. Đề cao đồng tiền, nó sẽ biến con người thành tên nô lệ như thế đó.

Có nhiều người vì quá đề cao tiền bạc vật chất, họ đặt giầu sang là mục đích cần nhắm tới bằng mọi giá….. Nhưng, xưa nay chưa ai thỏa mãn vì mình giầu đủ rồi, bởi tham vọng luôn lôi kéo con người vào vòng xoáy với một cái thùng không đáy. Có cái này, lại muốn có cái kia. Có cái hơi lỗi thời, lại muốn mốt mới. Cái đời thấp lại muốn nâng đời cao, muốn tiện nghi, hiện đại….. nói tóm lại mãi mãi cứ phải theo đuổi nó mà không sao buông bỏ được, khiến người có tham vọng không bao giờ thỏa mãn và chẳng khi nào bình an trong tâm hồn.

Khi còn nghèo khó thì có anh, có em, có cha mẹ, bạn bè, có tôn ti trật tự, có trên có dưới … bởi lẽ người nghèo thường sống tình cảm, dễ chia sẻ, dễ gần…. vì thân phận nghèo không dám sánh với người giầu sang, những người có chức, có quyền.

Trái lại, nhiều người lắm tiền nhiều của, họ tự nhấc mình lên một nấc thang khác, coi mình thuộc giới thượng lưu, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, họ tìm người giầu để chơi. Như thế, người nghèo bị bỏ rơi lại phía sau và một hố sâu ngăn cách giữa người giầu, người nghèo được tạo ra.

Khi quá đặt nặng về tiền bạc vật chất, con người sẽ mất dần hoặc mất hẳn tình cảm với người thân và với tha nhân. Tình thân được cân, đo bằng tiền bạc vật chất, “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”, tai hại nằm ở chỗ đó.

Đối với chúng ta, Chúa giầu hay nghèo. Theo tôi, Chúa là người giầu nhất. Vì tất cả vũ trụ này là của Chúa. Có ông tỉ phú nào trên thế giới giầu bằng Chúa không ? Những ông tỉ phú đó, cũng chỉ rất nhỏ nhoi, nằm trong vũ trụ của Chúa mà thôi.

Nhưng theo tôi, Chúa cũng là người nghèo nhất. Vì không ai trong chúng ta sinh ra trong chuồng bò hay một nơi nào đó nhốt súc vật. Vậy mà Chúa cả trời đất lại sinh ra trong một nơi nghèo khổ như vậy, không chăn ấm, nệm êm, sống nay đây mai đó, chết không có lấy một mảnh vải che thân.

Tại sao vậy ? Điều cốt lõi ở đây chính là Chúa không để cho tiền bạc, vật chất điều khiển Ngài. Tiền bạc vật chất cũng cần thiết, nhưng nó chỉ là phương tiện chứ không phải cùng đích. Cho nên, đừng bao giờ để tiền bạc vật chất điều khiển chúng ta.

Chúa cũng chẳng muốn chúng ta sống quá nghèo túng, cùng cực, không xứng với nhân phẩm của một con người. Bởi chính Chúa đã nói: “Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào”.

Điều quan trong mà Chúa muốn nhắc bảo chúng ta qua mầu nhiệm Mân Côi này là: Hãy thoát ra khỏi sức hút của tiền bạc, vật chất. Hãy sống với tinh thần nghèo khó, sống siêu thoát khỏi những quyến luyến về tiền bạc vật chất, đừng bao giờ để nó làm chủ cuộc đời ta, biến ta thành kẻ nô lệ.

Như thế, đức thanh bần hay nghèo khó làm cho ta “sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian”. Tìm kiếm vật chất nhưng không phải là cùng đích và không đánh mất chủ quyền. Như thế, cuộc đời ta dù có bần nhưng vẫn thanh, có nghèo ta vẫn trong sạch, thanh thoát khỏi những níu kéo của tiền bạc vật chất và thủ đắc một tâm hồn bình an. Sống như thế, ta mới biết tín thác vào Chúa. Sống như thế, ta mới thật sự trở nên giống Chúa và chiếm hữu được hạnh phúc Nước Trời Chúa hứa ban.

III. CÂU HỎI GỢI Ý 

1- Tôi có coi việc tìm kiếm tiền bạc vất chất bằng mọi giá và như cùng đích của cuộc đời tôi không ?

2- Tôi có coi tiền bạc, giàu sang, danh vọng, địa vị hơn Chúa không ?

3- Tôi có vì tiền của mà làm mất tình liên đới với cha mẹ, anh em bạn bè của tôi không ?

  1. Tôi có tự hào vì sự giàu sang của tôi mà coi thường, khinh chê người khác không ?
  2. Tôi có quảng đại chia sẻ bác ái cho những người nghèo cần tôi giúp đỡ không ?

* Cầu nguyện cho các chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.

  1. Anna Nguyễn Thị Phượng, gx Từ Phong, giáo hạt Bắc Ninh.
  2. Maria Trần Thị Sưu, gx Bảo Sơn, giáo hạt Vĩnh Phúc.
  3. Maria Nguyễn Thị Nhiễm, gx Bảo Sơn, giáo hạt Vĩnh Phúc.
  4. Anna Nguyễn Thị Thay, gx Hữu Bằng, giáo hạt Vĩnh Phúc.

Lưu ý:

1- Thế giới hứng chịu cơn đại dịch đang diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm. Xin chị em hãy nhắc nhở mọi thành viên trong gia đình hết sức thận trọng trong khi tiếp xúc gần với bất cứ ai.

2- Hãy tăng cường đời sống cầu nguyện, liên tục kêu xin Thánh Tâm Chúa Giêsu và dùng chuỗi Mân Côi làm sợi dây ràng buộc giữa chúng ta với Đức Mẹ, để Chúa và Mẹ bảo toàn chúng ta.

3- Đừng ai bỏ xưng tội, rước lễ, vì đó là bảo chứng phần rỗi đời đời và là sức mạnh thiêng liêng của mỗi người chúng ta.

  1. Để tránh lây lan, xin chị phụ trách gửi tờ chia sẻ cho các hội viên để chị em đọc, suy niệm và tập luyện nhân đức cho mình và cho chính gia đình mình. Không sinh hoạt nhóm cho tới khi hết dịch.
  2. Trong lúc dịch bệnh, hãy chi dùng những gì thật sự cần thiết, tránh lãng phí và biết chia sẻ giúp nhau vượt qua đại dịch.

                                                                                                                 Linh mục Phêrô Mai Viết Thắng

                                                                                                                         Đặc trách Hội Mân Côi

                                                                                                                           Giáo phận Bắc Ninh