Tháng 11, bước đi trong niềm hy vọng
Trong tháng 11 này, chúng ta thường đến các nghĩa trang đọc kinh, cầu nguyện cho những người đã khuất. Người viết cũng tự hỏi: khi đứng trước các phần mộ, ngoài việc đọc kinh cầu nguyện, mọi người làm gì nữa? Trước những phần mộ của những người thân quen, người viết thường hồi tưởng về những kỷ niệm, dấu ấn với người đó. Với những ngôi mộ của người lạ, người viết thường để ý xem tên, tuổi, quê quán, nghề nghiệp, hay một dấu ấn, thành tích nào đó trong cuộc đời họ được lưu lại trên bia mộ…
Quả thật, chúng ta thường giới thiệu và nhìn nhận nhau dựa trên những gì dễ nhìn thấy và dễ kiểm chứng nhất: tuổi tác, nghề nghiệp, nhà cửa, xe cộ, bằng cấp, chức vị… Cũng nhiều người lấy đó làm tiêu chuẩn và cùng đích cho những phấn đấu trong cuộc sống. Cho nên, khi những điều ấy không còn hoặc có nguy cơ mất đi đồng nghĩa với việc cuộc sống của họ gần như không còn ý nghĩa và mất niềm hy vọng… Thực tế xã hội chứng minh điều ấy.
Nhưng với đức tin, người Kitô hữu còn nhìn về một ý nghĩa khác của cuộc sống này, ý nghĩa vượt trên mốc điểm ngày tháng hay những thành tựu, vật chất… Đó là niềm tin về một sự sống lại, về cuộc sống đời sau. Niềm tin đem lại hy vọng cho sự lặp lại quen thuộc của những hoạt động thường ngày, niềm hy vọng ngay cả trong mốc điểm cuối cùng là cái chết. Ông Góp là một minh chứng.
Là người ở đỉnh vinh quang của tất cả những gì mà con người thời đó thường mong muốn: tiền bạc, địa vị, con cái… rồi trong một ngày, ông Gióp mất đi tất cả. Trong cơn cùng cực của ông, những gì người khác nhìn thấy chỉ là sự cay đắng, tủi nhục. Dường như một đời sống đạo hạnh không đem lại hiệu quả tốt đẹp cho cuộc sống hiện tại của ông. Nhưng Kinh Thánh cũng cho thấy ẩn sau sự tàn tạ và những nỗi khốn cùng ông đang mang lấy vẫn là sức sống mãnh liệt của niềm hy vọng vào Thiên Chúa ông tôn thờ. Ông nói:
“Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống,
và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất.
Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ,
thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa.
Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người
Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ.” (G 19,25-27)
Kinh Thánh cho thấy ông được Thiên Chúa ban thưởng xứng đáng với những gì ông đã tuyên xưng (G 42,10-16).
Những gì con mắt thể xác chúng ta thường thấy là mỗi người đều đã được sinh ra, được hiện hữu trên cõi đời này. Chúng ta đang đi trong hành trình cuộc đời, hành trình ấy sẽ kết thúc vào một ngày nào đó chúng ta không biết, nhưng chắc chắn là sẽ có. Nhưng con mắt đức tin cho chúng ta thấy là “quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3,20) . Chúng ta được sinh ra trong Thiên Chúa và chúng ta đang trên hành trình trở về cùng Thiên Chúa. Đó là niềm tin và hy vọng của chúng ta.
Cùng toàn thể Giáo Hội, chúng ta đang chuẩn bị bước vào năm thánh 2025. Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta nhìn về Niềm hy vọng không làm chúng ta thất vọng. Cách riêng trong thánh 11 này, người Kitô hữu càng được nhắc nhở về thân phận lữ khách của mình, những khách hành hương của niềm hy vọng tiến về quê trời. Tất cả chúng ta đều trên một hành trình, có khác chăng là vị trí mỗi người trên hành trình ấy? Chắc chắn có người đã tới đích, có người gần chạm tới, và liệu có ai chẳng bao giờ chạm tới cùng đích ấy không?
Cầu nguyện cho những người đã khuất cũng là lúc mỗi người chúng ta nhìn về những quãng đường mình đã – đang – sẽ đi, là lúc chúng ta ý thức ta không thể đi một mình nhưng là hiệp hành, là đi cùng nhau bước đi trong niềm hy vọng, trong mầu nhiệm các thánh cùng thông công. Sự nối kết này cho ta thấy ý nghĩa hơn mỗi khi cầu nguyện, hy sinh và hãm mình. Vì hoa trái của những điều ấy không chỉ dừng lại nơi chúng ta, nhưng còn đổ tràn sang cho những ai đang cần tới sự trợ lực thiêng liêng của chúng ta.
Lạy Chúa!
Xin nhớ đến ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con,
Cùng tất cả mọi người quá cố mà chỉ một mình Chúa biết lòng tin của họ:
Xin Chúa tiếp nhận họ vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa,
Và ban cho họ cũng như chúng con sau này được sống lại viên mãn. Amen!
Học viện Mẹ Sự Sống