Cảm nghiệm về Chủng Viện An-tôn Đạo Ngạn

“Ðức cha Ða Minh Hoàng Văn Ðoàn là giám mục Việt Nam đầu tiên coi sóc giáo phận Bắc Ninh (1950-1955). Ngài lập lại Chủng viện Antôn Ninh Ðạo Ngạn (bị giải tán từ năm 1947), xây tòa giám mục, trường trung học Vinh Sơn Liêm, nhà in Chân Phước Cẩm và cử 8 cha trẻ đi du học” (sách “Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Niên Giám 2004”, trang 562).

Như vậy Chủng Viện An Tôn Ninh có 3 hoặc 4 giai đoạn, mà hai giai đoạn đầu ở Đạo Ngạn, khác với mấy giai đoạn sau. Giai đoạn 1 là thời Đức Cha Chỉnh (Eugène Artaraz, 1932-1947). Giai đoạn 2 là thời Đức Cha Đoàn (1950-1955). Giai đoạn 3 ở ngoài Giáo phận; trước ở Phước Lý, Biên Hoà (1955-1957), rồi ở Thủ Đức, Gia Định (1957-1965, 1966?). Thời đó “Bắc Ninh trong Nam”có chủng sinh, nhưng gửi đi học ở chủng viện Bùi Chu Sàigòn, rồi cv. Phát Diệm Phú Nhuận, hay cv. Hà Nội (Chợ Lớn?), v.v. Còn chủng viện An Tôn Thủ Đức trở thành Trung Học Đức Minh cho tới 1975. Giai đoạn 4 tương tự Do Thái còn dân mà không còn đất, khi các cựu chủng sinh An Tôn Ninh tản mát ra, người ở California như cha Nguyễn Đức Trọng, cha Nguyễn Đình Đệ, cha Nguyễn Đình Truyền (hậu duệ), hay ông Cố Nguyễn Văn Nhàn, ông Nguyễn Văn Nhuệ, v.v.; người ở Texas như ông Nguyễn Hữu Đức, ông Trần Quang Thuận, ông Trần Việt Văn, v.v.; hoặc người ở trong Nam như cha Nguyễn Văn Thân, cha Nguyễn Văn Nhuận, cha Nguyễn Thế Hoạt, cha Nguyễn Văn Tăng, ông Nguyễn Minh Hưng, v.v.

Giai đoạn 5 không phải Chủng Viện Đạo Ngạn, mà là Chủng Viện ở Xuân Hòa, do sáng kiến cần thiết của Đức Cha Cosma. Bài này khơi dậy Nén Hương Lòng để tri ân các Vị đã tạo nên thế hệ chủng sinh An Tôn Ninh, gốc từ Đạo Ngạn.

Trước hết thành kính tri ân Đức Cha Đa-Minh Hoàng Văn Đoàn. Như Niên Giám 2004 đã ghi “Ngài lập lại Chủng Viện An Tôn Ninh Đạo Ngạn (bị giải tán từ năm 1947)”. Kỷ niệm “để đời” là năm 1950, tại Thọ Ninh, lần đầu tiên đứa trẻ này được hôn nhẫn một Đức Cha, Ngài lại nhận nó là “con”! Nhờ vậy tôi được vào ở trong Nhà Xứ, chuẩn bị thi vào Chủng Viện An Tôn Ninh Đạo Ngạn; chuẩn bị lên “ở với Đức Cha” trong khi chính Ngài còn ở tại Phòng Áo của Nhà Thờ Chính Toà, đợi xây xong Toà Giám Mục. Hơn 60 năm về trước, việc thi vào Chủng Viện rất gắt gao vì trẻ thi rất nhiều mà khả năng thâu nhận của chủng viện, tức là “thi đỗ” lại ít. Chúa thương tôi đỗ.

Chưa có Toà Giám Mục, nên Đức Cha Đoàn gửi tôi ở Nhà Xứ Đạo Ngạn. Một đứa trẻ trên 11 tuổi, lần đầu tiên bỏ làng, phiêu lưu đi Gia Lâm, Hà Nội, tới Bắc Ninh, qua Thị Cầu, vượt Sông Cầu để tới Đạo Ngạn xa xăm. Rồi đặt chân vào cổng Chủng Viện: Sao nó cao thế, rộng thế, đẹp thế! Bước vào trong, đứa trẻ ngẩn ngơ nhìn bốn dinh thự hai tầng, nối liền nhau, giữa là vườn hoa như Thiên Đàng! Đó là bốn toà nhà chính, dùng làm Nhà Nguyện, Nhà Hội, các lớp học, phòng ngủ của các Cha Giáo, và hai Phòng Ngủ lớn, mỗi phòng tưởng có tới năm, bẩy chục giường cho chủng sinh. Còn nhiều nhà nữa:Từ Cổng nhìn vào, phía trái là khu Nhà Cơm của Cha Cha, rồi đến Nhà Cơm các chú.Giáp theo là khu Nhà Bếp mà suốt 5 năm (1950-1955) chúng tôi không được tới nếu không có phép. Lý do vì dễ phạm tội mêăn“cắp”, gây ra thiếu thốn khi tới giờ cơm. Cùng về phía trái, sâu hơn vào trong, là Nhà Chơi, với mấybàn pingpong, lúc nào cũng đông các chú tranh nhau “rackets” trong giờ nghỉ. Một bên của Nhà Chơi và ra xa hơn, là Khu Nhà Vệ Sinh với mấy chục buồng, ngồi chồm hổm, xong việc thì xúc tro phủ lên và đẩy qua lỗ, giữ làm phân bón ruộng vườn. Phía bên kia của Nhà Chơi là lối đi như bờ ruộng để ra sông, nơi các chú tắm giặt thoả thích. Đàng sau toà nhà đối diện với toà nhà có Cổng Chính, là sân bóng đá, hồi đó tôi thấy rộng mênh mông. Có tranh hùng lớn vào ngày 19 tháng 3 hàng năm vì các chú được chia thành Đội Giuse đấu với Đội Các Thánh; mỗi Đội đều có các “fans” ủng hộ gào thét vang trời. Còn nhiều nữa, nhưng tưởng cần vào “bên trong” của Chủng Viện An Tôn Đạo Ngạn.

Có nhiều kỷ niệm đẹp. Khoảng một chục Cha Giáo, mỗi Đấng mỗi vẻ. Cha Giáo Thân Toàn Vũ dạy toán và Anh Văn, nghiêm nhưng các chú phục sự chân thật. Cha Giáo Nguyễn Bá Thi làm Giám Thị, một việc dễ bị sợ nhưng các chú “mê” vì Ngài dí dỏm. Cha Nguyễn Thiện Thuật dạy Lịch Sử, Địa Dư, Ngài đánh pingpong giỏi.Cha Chính Nguyễn Văn Bảo kiêm Giám Đốc, nhớ Ngài là tôi nhớ hình ảnh “Người Cha Nhân Từ”. Cha Nguyễn Văn Liêm, OP. độc đáo với cái đèn pin bấm “xoè xoè”, áo trắng dài và nụ cười thanh thản. Cha Đào Duy Thứ dạy Anh Văn bằng thủ bản tiếng Pháp “Englais sans peine”. Cha Nguyễn Văn Tố dạy Vạn Vật là nguồn vui lúc Ngài cho hai tay vào túi áo chùng thâm, đủng đỉnh cười. Cha Hương Phong nhạc sỹ hút hồn các chú khi Ngài đánh nhịp, nhất là các bài nhiều bè. Rồi Cha Chính Phương với cái khăn quàng đen Mùa Đông, trong dáng điệu mảnh khảnh, trang nghiêm mà nhân từ.

Và chiều sâu gây dựng nên “tôi là tôi hôm nay” được thể hiện qua nhiều việc thông thường nhưng ảnh hưởng mạnh mẽ, cũng như việc to lớn bất thường, nên ảnh hưởng lại càng mạnh mẽ. Thí dụ giờ Nguyện Ngắm ban sáng hàng ngày: Ngày nào cũng như nhau, ai cũng giống ai, đọc cùng một giọng ê a, ngừng cùng một khoảng cách để yên lặng suy gẫm, v.v. Tôi -và tưởng các chú khác cũng thế- thường dồn chú ý cho hết giờ nhiều hơn là cho hết… lòng, vì lòng buồn ngủ. Nếu ngủ gật thì không sợ mất lòng Chúa mà sợ mất lòng Cha Cố Thi, sợ Ngài ghi vào “Sổ Đen”, v.v. Nay sau trên 60 năm, tôi có mực thước hay không, tôn trọng kỷ luật tới đâu, lương tâm thế nào, là do ảnh hưởng của nhiều việc li ti từ xưa, như từ Đạo Ngạn. Còn gì thông thường bằng việc giữ yên lặng trên nhà ngủ sau hồi chuông cuối cùng! Để yên lặng thì đôi guốc gỗ không được lộp cộp. Thế là nhiều chú đi tìm vỏ xe tăng thiết giáp của Tây sót lại, hoặc lốp ô tô cũ,đo cắt rồi đóng dưới guốc choêm lại bớt mòn. Nhiều việc li ti tương tự không ai tính trước, nhưng “Chúa tính” để tạo nên Bầu Khí Gia Đình khi đám trẻ châu đầu mà cắt, mà cho nhau cái đinh, mà giữ cho chặt, mà đóng đúng chổ, có khi chí choé vì trật, vì giành nhau. Nếu giầu sang thì tưởng khó có được bầu khí gia đình, bầu khí“thương yêu gần gũi bằng việc làm” này.

Chủng Viện Đạo Ngạn vửa cổvừa tân vì Đức Cha Đoàn lập lại năm 1950, thì một, hai năm sau Ngài đã cho lớp trên của tôi đi “du học” Hà Nội. Đó là lớp của cha Nguyễn Đăng Chí, của các “anh” Đỗ Văn Túc, Nguyễn Tiến Thịnh, Vũ Huy Thiện (Quan Làng), nhất là“cha anh” Đinh Đồng Thượng Sách, v.v.

Việc Đức Cha Đoàn gửi các cha đi du học bên Âu châu, như Cha Già Nguyễn Đức Trị, cha Cố Chấn, Cha Nhã, Cha Toản, v.v., và việc gửi các chú ra Hà Nội, những việc này đã mở rộng cái nhìn cho các chú ở Đạo Ngạn như tôi, như “Quan Làng” Kiểm, hoặc cha Đinh Trọng Tự, cha Nguyễn Công Hoán, hay cha Nguyễn Huy Cẩm, v.v.

Chủng sinh An Tôn Đạo Ngạn lừng danh với áo dài đen, mũ cối, dép cao xu. Chúng tôi “vui như Tết” khi được mặc đồng phục rồi xếp hàng đôi, đi bộ sang chào Đức Cha. Từ lâu trước, các chú đã giặt quần áo; không có bàn ủi, thì khi đã phơi khô, sẽ phủi phủi vuốt vuốt, cẩn thận gấp lại, và còn vuốt tới vuốt lui cho thẳng băng. Lấy phấn đánh mũ trắng toanh, và cọ xát đôi dép cao xu láng coóng! Tôi nhìn thòm thèm cái mũ vàđôi  “săng-đan” của anh Đình ( quê Hoàng Mai) vì cái gì trên người anh cũng đẹp như “ông Lý”, còn tôi như “anh Mõ (làng)”. Rồi “đoàn quân” các chú hiên ngang vượt qua sông Cầu, vào Thị Cầu, ngang qua Thanh Sơn, tưng bừng tiến vào Nhà Thờ Chính Toà Bắc Ninh, vang lừng hát bài kính Đức Mẹ “Salve, Regina, mater misericórdiae”. Đưọc hầu Đức Cha là như hầu Đức Thánh Cha. Với tuổi còn non, tôi chỉ biết đến thế. Và kính mến Chúa, kính mến Đức Mẹ, Các Thánh cũng biểu lộ theo cùng một cách. “Quen quá hoá nhàm” nên chúng tôi chia trí và huých nhau trong Nhà Thờ, nhưng nghiêm trang, chú ý nghe khi “lâu lâu Đức Cha dạy một lần”.

Nhìn lại, điểm nổi bật là Chủng Viện An Tôn Ninh Đạo Ngạn cho tôi Tình Thương như Gia Đình. Chữ “Gia Đình” thâm nhập vào máu huyết, nên năm 1971, Cha Cố Nguyễn Đức Chấn đặt trông coi nội trú, tôi đã treo một bảng lớn ở Chủng Viện An Tôn Thủ Đức cũ, trở thành một phần của trường trung học, bảng đề “Gia Đình Nội Trú Đức Minh”. Mười năm sau, 1981, lần đầu tiên mời các người gốc Bắc Ninh họp Mừng Xuân ở Giáo Xứ có cha Nguyễn An Ninh làm Quan Nhiệm trong TGP Los Angeles (nay là Cha Đại Diện của Đức Cha ở Mỹ), tôi đã gọi là “Họp Gia Đình Bắc Ninh”. Rồi gần 30 năm nay, tôi lập ra và hướng dẫn “Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình”. Chữ “gia đình” thành quen thuộcở Mỹ, Canada, Âu châu, Úc châu, Nhật Bản, Bắc, Trung, Nam VN. Và tạiđây, San Jose, nơi ông Trần Văn Tiến là Hội Trưởng của Chi Hội Gia Đình Bắc Ninh mà ông Cố Nguyễn Đình Tống luôn gắn bó, nếu có ai biết đến tôi, thì dễ gắn liền với chữ “Gia Đình”. Tất cả như được khơi nguồn từ cái nôi “Gia Đình An Tôn Ninh Đạo Ngạn”.

Hướng về Chủng Viện ở Xuân Hoà do Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt xây dựng:

Cuối tháng 6, 2013, tôi mở Khóa Thăng Tiến Hôn Nhân trong GP. Bắc Ninh, tiện dịp nói với Cha Chu Quang Tòng: “Thật vui mừng nghe Đức Cha Cosma sắp xây Chủng Viện ở Xuân Hoà”. Cha Tòng sửa lại: “Sắp xong rồi”. Đây là tương lai rực rỡ cho người tín hữu Bắc Ninh, vì Đoàn Chiên được bảo đảm có Chủ Chiên lâu dài. Đức Cha đã đại trùng tu Nhà Thờ Chính Tòa, hoàn thành Trung Tâm Thánh Tâm Bắc Giang, Trung Tâm Thánh Mẫu Từ Phong. Rồi Đại Hội Giới Trẻ cho cả Giáo Tỉnh Miền Bắc, Giáo Phận có Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể, có tổ chức Thanh Niên Học Sinh. Từ đó mở trang sử cho tương lai là Chủng Viện ở Xuân Hoà!

Biết nói gì ngoài cõi lòng tri ân: Tri Ân Chúa; tri ân Đức Cha; tri ân Gia Đình Bắc Ninh trong Giáo Phận, trong Nam và Hải Ngoại, như Chi Họ Gia Đình Bắc Ninh ở Bắc Cali, Nam Cali, ở Houston, Denver, Nebraska, hay ở Florida,  v.v.

Lm. Phêrô Chu Quang Minh, S.J.

Tái bút:

1- Cảm ơn ông Nguyễn Văn Nhuệ đã bổ túc tên các Cha Giáo và tên nhiều “anh” lớp trên lớp dưới.

 2- Xin cáo lỗi nếu lầm tên hoặc điều gì. Đâylà cảm nghiệm cá nhân về 63 năm trước, không là sử liệu.