Nước trà
Tôi rất ít khi uống nước trà vì nó làm cho tôi khó ngủ. Nhưng trong một lần tĩnh tâm, tôi đã uống nước trà và nó đã để lại cho tôi một cảm nghiệm mới mẻ và rất sâu sắc.
Đó là công thức “nước + trà = nước-trà”. Bắt đầu bằng hai danh từ là “nước” và “trà”, giờ đây trở thành một danh từ mới là “nước-trà”. Không phải ngẫu nhiên mà có nước-trà, nhưng nó được pha trộn từ nước và trà. Nước giờ đây có màu và vị của trà. Nếu nước không hòa chung với một thứ gì đó, thì nước mãi chỉ đơn thuần là nước mà thôi. Cũng vậy, trà không pha trong nước thì trà cũng mãi chỉ là trà. Như vậy, có thể nói đó chính là sự hòa nhập hai trong một, mà không mất đi bản chất riêng của chúng. Từ đây, tôi rút ra một bài học cho bản thân, qua tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.
Trong tương quan với Thiên Chúa: Tôi thật sự cảm động với hình ảnh của bánh và rượu sau khi đã truyền phép: Bánh và rượu đã trở thành Thịt và Máu của Đức Ki-tô. Đó chính là sự giao hòa giữa thiên tính và nhân tính của Con Thiên Chúa. Thịt và Máu ấy đổ ra cứu chuộc con người, cho tôi được tham dự vào cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Người. Tôi cảm thấy rõ nhất thứ tình yêu ấy khi bản thân bị hiểu lầm, bị đau bệnh, rồi đến những lo toan cho cuộc sống, cho việc học hành… Tôi dâng tất cả lên cho Thiên Chúa làm của lễ. Khi đó, tôi được thông dự vào sự sống thần linh với Người, được Người đón nhận và Người đồng hành trong mọi biến cố của cuộc sống. Khi tôi được sống trong ân sủng đó, thì tôi phải có trách nhiệm trao ban những gì đã lãnh nhận cho người khác, để họ cũng có cơ hội được tham dự vào Bí tích Tình Yêu này.
Tôi rất hạnh phúc mỗi khi tham dự Thánh lễ, nhất là khi được rước Chúa Giê-su Thánh Thể vào trong lòng. Đó chính là lúc Chúa đang ở trong tôi và tôi được ở trong Chúa một cách sống động và gần gũi nhất. Đời sống và con người của tôi được hòa nhập trong Đức Ki-tô. Đúng là tuy hai nhưng là một. Tôi phải nội tâm hóa đời sống, để trở nên con người mới, như thánh Phaolô nói: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”. Nếu tôi sống mà không để Đức Ki-tô chiếm lấy, thì tôi vẫn mãi chỉ là con người cũ. Nói thế không có nghĩa là tôi sẽ tan biến trong Thiên Chúa, cũng chẳng có nghĩa là tôi sẽ mất hẳn sự hiện hữu riêng biệt của tôi khi ở trong Ngài, nhưng tôi vẫn là một ngôi vị được Thiên Chúa tạo dựng, yêu thương và chăm sóc một cách đặc biệt. Vì vậy, tôi được mời gọi để trở nên con người mới trong Đức Kitô, để Người ôm ấp và nuôi dưỡng tôi. Qua tôi, mọi người sẽ nhận biết một Đức Ki-tô Sống.
Trong tương quan với tha nhân: Như nước + trà = nước-trà, thì trong đời sống cộng đoàn chị A + chị B = chị A-B, phải có dấu “+” mới có dấu “=”. Mà dấu “+” kéo dài hàng dọc sẽ thành cây Thánh Giá. Như vậy, Chúa Giê-su chính là tâm điểm để nối kết chị A và chị B, rồi chị C… lại với nhau. Chúa Giê-su không thể ở ngoài, và chị em trong cộng đoàn được thuộc về Chúa, thuộc về Hội dòng và thuộc về nhau. Giờ đây, người ta sẽ không nói chị A tốt hay chị B tốt, nhưng vì chị A, chị B là những phần tử trong cộng đoàn, nên người ta sẽ nói là cộng đoàn tốt. Cộng đoàn không phải lúc nào cũng êm đẹp, mà có lúc này lúc kia, nhưng sau những lần va chạm đó làm cho chị em hiểu nhau, cảm thông và đón nhận nhau hơn. Còn đối với bản thân, tôi sẵn sàng là một dấu “+” với tất cả mọi người, với nhiều khác biệt về văn hoá, vùng miền, học thức… Càng cộng nhiều thì cuộc sống càng phong phú, đa dạng hơn. Giống như nước + trà + đá + chanh + đường chẳng hạn, thì ly nước trà đá đó càng thơm ngon và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, cũng có khi ngược lại, nhưng tôi vẫn chấp nhận thử thách đó.
Trong bài hát không ai là một hòn đảo có câu: “Tôi chỉ thực là người nếu tôi sống với anh em tôi… Thế giới này không ai là một hòn đảo, vườn hoa này không có loài hoa lạc loài…”. Quả vậy, cánh tay luôn luôn phải được nối dài, phải không ngừng có dấu “+” thì mới có dấu “=” và rồi đến lúc cũng không còn dấu “=” mà là một gạch nối “-”.
Hạt Cát Bụi
Học Viện Đức Maria – Mẹ Sự Sống