Cha Giuse Hiểu, người mở đường
Từ xa xưa, tiên sinh Quản Trọng đã nói: “Nếu để lên kế hoạch một năm thì trồng lúa, mười năm thì trồng cây và trăm năm thì trồng người”. Quả thực, việc giáo dục con người luôn cần có thời gian và một chương trình cụ thể và thống nhất. Đặc biệt trong xã hội Việt Nam nói chung và giáo phận Bắc Ninh nói riêng hôm nay, người trẻ đang phải đối diện với những trào lưu dễ làm cho họ chùn bước đi vào tương lai. Trong hoàn cảnh xã hội bấp bênh như thế, để định hướng cho ơn gọi linh mục tương lai được vững vàng thì quả là một thách đố không hề nhỏ. Vì thế, năm 2009, cha Giuse Nguyễn Đức Hiểu đã cộng tác cùng Đức cha giáo phận để thành lập Nhà Ứng Sinh Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự để trở thành nơi vun đắp và khởi đầu cho ơn gọi linh mục của giáo phận Bắc Ninh.
Người mở đường – tôi muốn gọi cha Giuse đáng kính với danh hiệu như vậy. Là người mở đường, vì ngài là vị giám đốc tiên khởi của Nhà Ứng Sinh Bắc Ninh. Các cụ đã chẳng nói “vạn sự khởi đầu nan” đó sao. Thời gian đầu tiên của Nhà Ứng Sinh phải trải qua bao nhiêu khó khăn và vất vả. Nhân lực thiếu thốn, cơ sở vật chất hạn hẹp. Nhà Ứng Sinh ban đầu sinh hoạt trong khu nhà bị bỏ lại của quý sơ Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất. Ngôi nhà tưởng chừng như dột nát ấy đã làm nên ơn gọi của những thế hệ linh mục đầu tiên sinh ra từ Nhà Ứng Sinh này. Thời gian đầu tiên này, cha Giuse phải vất vả thật nhiều trong cương vị của một người giám đốc, một cha Tổng Đại Diện, một cha xứ của hai giáo xứ lớn và cổ kính là xứ Chính Toà và xứ Xuân Hoà, một linh mục phụ trách ơn gọi chủng sinh trong toàn giáo phận. Những giọt mồ hôi không thể thiếu và những giọt nước mắt cũng chẳng vơi. Ba năm sau khi thành lập, Nhà Ứng Sinh được chuyển sang khu nhà chung của giáo xứ Xuân Hoà cổ kính. Công việc của cha Giuse lúc này còn nặng nề hơn nữa khi các công việc giáo phận không được giảm bớt mà phải lo lắng cho việc tu sửa khu nhà ở, xây dựng khu lớp học và chuẩn bị cho một chương trình đào tạo ở một nơi hoàn toàn mới. Ngài đã đặt một nền móng vững chắc không chỉ cho ngôi nhà học 3 tầng nhưng là một nền móng chắc chắn cho các chương trình đào tạo của Nhà Ứng Sinh giáo phận Bắc Ninh. Quả thực, cha Giuse đã sống đúng như câu khẩu hiệu đời linh mục “Lạy Chúa, này con đến để thực thi Ý Ngài” (Dt 10,7). Dẫu khó khăn nhưng cha luôn mạnh mẽ tiến lên bởi cha đến để thực thi thánh ý của Thiên Chúa nơi mình.
Tôi gọi ngài là người mở đường vì Nhà Ứng Sinh là nơi mở đầu của một chặng đường dài trong ơn gọi trở thành một linh mục giáo phận. Mọi ứng sinh đến với Nhà Thánh Tự đều được sự chỉ dẫn tận tình và đầy yêu thương của Ngài. Nếu ai hỏi cha Giuse Hiểu là người thế nào thì tôi không ngần ngại nói ngài là một người dễ mến, trầm tính, khiêm nhường, thích cầu nguyện và say mê bí tích Thánh Thể. Ngài gầy gò nhưng không hề ốm yếu, ngài sợ những cơn gió của quạt điện nhưng chẳng ngại ngần những sóng gió của thời cuộc, của tù đầy hay của những miệng đời bon chen. Ba mươi ba năm “linh mục chui” chẳng làm cho cha Giuse cảm thấy mình thiệt thòi nhưng lại giúp ngài luôn bình tĩnh và bình an. Những nhân đức ấy sẽ trở thành một gương mẫu tuyệt vời cho những ứng sinh đang chập chững bước vào đời tu. Thật hạnh phúc biết bao khi bắt đầu đi tu mà gặp được một vị linh mục tốt lành và thánh thiện như thế.
Cha Giuse là người mở đường vì biết bao nhiêu người từ già trẻ lớn bé trong các xứ họ mà ngài đã đi qua được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy để bắt đầu hành trình đức tin của mình. Bằng tác vụ linh mục Chúa ban, cha Giuse đã cử hành các bí tích thánh để thánh hóa, để giảng dạy và để hướng dẫn mọi người đến cùng Thiên Chúa. Nếu mục tử là người đi trước đoàn chiên để dẫn đường và dò tìm hầu giúp cho chiên con tránh được những hiểm nguy thì cha Giuse đã đi trước như thế. Nếu mục tử là người ở giữa đàn chiên để hòa mình và mang trọn mùi chiên trên mình thì cha Giuse cũng đã hòa mình vào một đàn chiên như thế. Nếu mục tử là người đi sau đàn chiên để đảm bảo không để lạc mất con nào thì quả thực cha Giuse cũng đi cuối cùng đoàn chiên để cất từng bước mòn mỏi đưa các con chiên lạc của Bắc Ninh thân yêu này về cùng Chúa. Tạ ơn Chúa đã ban cho giáo phận Bắc Ninh chúng con một người linh mục tên Hiểu để ngài hiểu bản thân mình, hiểu đời, hiểu người và hiểu về Chúa và đem Chúa đến cho mọi người chúng con.
Trở lại với câu nói của tiên sinh Quản Trọng, nếu tôi được thêm một chút gì đó vào câu nói này thì tôi sẽ nói: “Nếu để lên kế hoạch một năm thì trồng lúa, mười năm thì trồng cây, trăm năm thì trồng người và ngàn năm, triệu năm thì trồng Chúa”. Có lẽ không chỉ giáo phận Bắc Ninh mới cần trồng Chúa trong lòng người nhưng có lẽ cả nhân loại đang cần một Thiên Chúa được vun trồng và lớn lên trong từng tâm hồn con người, trong từng gia đình và trong từng thôn xóm. Hãy để cho Chúa lớn lên và cùng với cha Giuse chúng ta cũng hãy thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, này con đến để thực thi Ý Ngài”.
Lm. Đaminh Nguyễn Văn Khang