Ai là người trung tín: Giuđa Itcariốt hay Phêrô?
THẾ NÀO LÀ TRUNG TÍN?
Bạn có để ý không: Những ngày đầu Tuần Thánh, bài đọc I trong các thánh lễ đều là những Bài ca về Người Tôi Trung của Thiên Chúa. Chắc chắn có một ý nghĩa thần học nào đó mà chúng ta chưa hiểu hết và cần được giải thích thêm. Nhưng có thể thấy rõ, ý nghĩa sâu xa của các Bài ca này nói về Chúa Giêsu, Người Tôi Trung hoàn hảo của Thiên Chúa. Cũng từ Tin mừng hôm nay, ngẫm về sự trung tín, tôi suy nghĩ về hai nhân vật nổi bật: hai Tông đồ Giuđa Itcariôt và Phêrô.
Tất cả chúng ta đều biết về hai vị Tông đồ này: Một người bán Chúa, một người chối Chúa, tuyên bố không liên quan gì tới Chúa. Cả hai đều bộc lộ sự đoạn tuyệt với Chúa. Trước đó, cả hai người đã nhận được sự cảnh báo về sự bất trung. Nhưng một người cố tình không thay đổi ý định; một người đã tưởng rằng mình vững mạnh, nhưng rồi vì “tâm thần bấn loạn” phải áp dụng “định luật bảo toàn tính mạng” mà chối Chúa thẳng thừng. Sau cùng, cả hai đều ăn năn khóc lóc vì nhận ra lỗi lầm, sự bất trung của mình. Có chăng sự khác biệt là ở “đoạn cuối” của mỗi người?
Đó là sự bất trung nơi “người”, còn sự bất trung nơi mình? Ta có bao giờ chối Chúa vì một danh dự nào đó? Ta có bao giờ “bán” Chúa vì một mục đích, lợi lộc công khai hay thầm kín nào đó?… Có khi không cần hỏi, tự bản thân mỗi người chúng ta cũng thấy mình chẳng “khá khẩm” hơn các ngài bao nhiêu. Có khác là ở hình thức, mức độ và sự công khai hay không.
Trong suốt Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi ta nhìn lại con người mình qua những việc ấy, đặc biệt trong những ngày “nước rút” quan trọng này – Tuần thánh. Nhìn mình để thấy sự bất tín nơi mình, nhìn lên Chúa để thấy sự trung tín toàn vẹn của Chúa. Sự Trung Tín đã rửa lấp những lầm lỗi của ta để ta được sạch. Chúng ta cần để Người dựng lại “cây lau bị giập”, khêu lại “tim đèn leo lét” của mỗi người (x.Is 42, 3). “Cây lau” ấy, “tim đèn” ấy mạnh, yếu hay đang như thế nào thì chỉ người đó biết và Chúa biết, nhưng tất cả chúng ta đều biết: Người đã phải mang những vết thương để chúng ta được chữa lành (x.Is 53, 5).
Có ai dám chắc là Phêrô không bao giờ sai phạm nữa? Có ai dám chắc mình sẽ không bao giờ cố tình như Giuđa? Nhưng có một điều chắc chắn là nếu ta biết ăn năn trở về, tiếp tục đứng lên cho đến hết lần ngã cuối cùng, thì đó là điều đẹp lòng Chúa hơn cả, và đó là sự TRUNG TÍN của ta. Dẫu rằng hành trình cuộc đời mỗi người có những lý do dẫn đến sai phạm mà chỉ mỗi người mới biết và hiểu rõ. Nhưng điều cần BIẾT và HIỂU RÕ HƠN là đã có Đấng mang lấy thân phận của chúng ta, lầm lỗi của chúng ta, đã ngã cùng ta, chết cùng ta và thay cho ta. Chỉ khi nhìn lên Đấng ấy, ta mới có được SỨC MẠNH ĐỂ ĐỨNG LÊN cho tới hết lần ngã cuối cùng. Và cho đến lần cuối cùng ấy, nếu kiên tâm, cuộc đời ta sẽ là một CÂU CHUYỆN ĐẸP.
Trong 14 Đàng Thánh giá, nơi thứ bảy – Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai, có ghi rằng: “Xin Đức Chúa Giêsu ban ơn cho con được giữ lòng vững vàng đi đàng nhân đức một ngày một hơn”. “Lòng vững vàng” ấy là gì nếu không là noi gương các thánh, nhìn lên Chúa Giêsu, để cùng với ơn Chúa, chúng ta LUÔN BƯỚC TIẾP hành trình đức tin của chúng ta?
Lạy Chúa! Trong Chúa, chúng con không bao giờ yếu, chỉ là chúng con không biết mình mạnh. Xin cho chúng con nhận ra: trong Chúa, không bao giờ là muộn để đứng lên sau mỗi lần vấp ngã, là trở về sau mỗi lần đi xa! Amen!
Hv. Thủ Đức