Lòng sùng kính Đức Mẹ của người tín hữu Kinh Bắc

Người Việt Nam có câu: “Phúc đức tại mẫu”, hình tượng người Mẹ dịu dàng, nhân hậu đã in sâu trong tiềm thức của mọi người con đất Việt. Đặc biệt, tại vùng Đồng bằng Bắc Bộ – nơi chịu ảnh hưởng sâu đậm của chế độ Mẫu hệ[1]người dân đã hình tượng hóa nhân vật lịch sử nữ giới lên bậc Thánh Mẫu Mẫu Thượng Thiên, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Bà Chúa Kho…[2] Từ niềm tin dân gian về sự che chở, bảo vệ của người mẹ đã đưa đến cảm thức rất gần với lòng yêu mến Đức Mẹ Maria của người Công giáo Việt Nam nói chung và của người tín hữu Kinh Bắc nói riêng.

Trong đời sống đức tin của người Công giáo, Đức Mẹ có một vị trí đặc biệt quan trọng; Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội và cũng là Mẹ của mọi tín hữu. Trong suốt lịch sử hơn 2000 năm qua, lòng sùng kính Mẹ được Giáo Hội thể hiện trong phụng vụ và qua lòng đạo đức bình dân. Tại giáo phận Bắc Ninh, với đặc trưng của một “giáo phận dòng”, lòng sùng kính Đức Mẹ được các thừa sai dòng Đaminh cổ võ từ rất sớm với nhiều nét đặc trưng thể hiện trong các sinh hoạt đức tin thường ngày tại các xứ họ. Các sinh hoạt đạo đức thể hiện lòng sùng kính Đức Mẹ của giáo phận Bắc Ninh trước hết là sự tiếp nối truyền thống đạo đức của Giáo Hội hoàn vũ, đồng thời có sự hội nhập, thích nghi với văn hóa Kinh Bắc tạo nên nét đẹp đạo đức rất đặc trưng. Cụ thể, nét đẹp đó được thể hiện qua rất nhiều hành động đạo đức đa dạng như: kinh nguyện, các việc đạo đức theo năm phụng vụ và trong đời sống sinh hoạt thường ngày.

Trước tiên, lòng sùng kính Đức Mẹ được thể hiện qua kinh nguyện. Cùng với hoạt động loan báo Tin Mừng, ngay từ buổi đầu các thừa sai đã mau mắn dạy các tín hữu lần hạt Mân Côi, đọc kinh Cầu Đức Bà, kinh Tuần cửu nhật kính Đức Mẹ hằng cứu giúp.. cùng rất nhiều các kinh nguyện cổ võ lòng yêu mến Đức Mẹ cho các tín hữu. Đồng thời các ngài cũng xây dựng Hội Mân Côi từ rất sớm tại các xứ họ để cùng chia nhau lần hạt. Hiện nay truyền thống lần hạt chung tại các giáo xứ vẫn được duy trì trong Hội Mân Côi và tại các gia đình.

Tiếp đến, lòng sùng kính Đức Mẹ được thể hiện rất đa dạng trong các sinh hoạt theo năm phụng vụ. Vào mùa chay, giáo dân vùng Kinh Bắc có truyền thống ngắm 15 sự thương khó của Chúa Giêsu và Đức Mẹ, nhằm diễn tả sự thương khóc cho cuộc khổ nạn của Chúa và sự đau đớn của Đức Mẹ:

“…Hỳ Khi các quan đóng đinh Con, thì cũng như đóng đanh trong lòng Đức Mẹ vậy, vì Người yêu con trên hết mọi hỳ hy hý sự, hý hy hy hỳ…”[3]

Sau khi ngắm sự thương khó, còn có dâng hạt để diễn tả nỗi buồn của Đức Mẹ khi đứng dưới chân thập giá:

“Maria Mẹ thảm sầu,

Tâm hồn từ mẫu cao sâu tuyệt vời

Hai hàng nước mắt tuôn rơi

Đứng bên thập giá, con người hiến thân…”[4]

Trong ngày thứ 6 tuần thánh, tại các xứ họ cũng tổ chức than quyển, để diễn tả Đức Mẹ khóc thương Chúa trong huyệt mộ. Nét đặc trưng của ngắm đứng, dâng hạt và than quyển là các lời đều được đọc theo quy luật thanh bằng trắc, ngắt nghỉ và ngâm nga khóc thương theo cung giọng chung của giáo phận.

Khi ra mùa, vào tháng 5 hay còn gọi là tháng hoa; khắp các xứ họ trong giáo phận lại tổ chức dâng hoa kính Đức Mẹ. Một giáo xứ có thể có nhiều đoàn hoa khác nhau, khi dâng hoa các em gái, các cô thiếu nữ hay các mẹ thường mặc áo dài truyền thống, dâng 5 sắc hoa để diễn tả các nhân đức của Đức Mẹ. Đồng thời ngâm nga những vần điệu du dương theo cung điệu dân gian:

“Chúng con mọn mạy phàm hèn

Dám đâu ghé mắt trông lên bàn thờ…”

Truyền thống dâng hoa tháng 5 là sự kế thừa cách sáng tạo truyền thống dâng hoa trên bàn thờ kính Đức Mẹ vào tháng 5 ở phương Tây. Truyền thống này đã trở thành một nét đẹp sinh hoạt rất đặc trưng tại giáo phận Bắc Ninh.

Đồng thời, trong đời sống sinh hoạt hằng ngày lòng yêu mến và tôn sùng Đức Mẹ cũng được thể hiện rất rõ nét. Khi vui, lúc buồn bên cạnh việc cầu nguyện với Chúa mọi người luôn nhớ đến việc cầu nguyện cùng Đức Mẹ:

“Hỡi anh, hỡi chị đi đâu

Qua đền Đức Mẹ mà cầu bình an.”

Hay khi ru con ngủ cũng ngâm nga lời kinh cầu Đức Bà… Và chắc hẳn chúng ta cũng không thể nào quên câu vè quen thuộc đã được các bà, các mẹ dạy từ thuở nhỏ để đọc mỗi khi gặp nguy hiểm: “Ma mả mà ma, ta con Đức Bà, ta không sợ ma”… Quả vậy lòng yêu mến Đức Mẹ được hun đúc và trở thành một nét đẹp rất riêng trong sinh hoạt của người tín hữu giáo phận Bắc Ninh.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của kinh tế, lòng đạo đức thể hiện tâm tình yêu mến Đức Mẹ ít nhiều có sự ảnh hưởng. Tuy nhiên, tại các giáo xứ đa phần vẫn giữ được các thực hành đạo đức tốt đẹp, nhờ đó lòng yêu mến Mẹ vẫn tiếp tục được duy trì và lan tỏa. Ước mong sao mỗi người chúng ta những người con của giáo phận Bắc Ninh, tiếp tục duy trì và phát triển truyền thống đạo đức tốt đẹp của cha ông, qua việc tích cực tham dự Thánh Lễ, các giờ đạo đức chung; để mảnh đất giáo phận Bắc Ninh tiếp tục trổ sinh nhiều hoa trái nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ.

Giuse Duy


[1]  Chế độ phụ hệ thời kỳ phong kiến Việt Nam chỉ là kết quả của giao lưu, tiếp biến văn hoá về sau giữa văn hoá Việt-Mường với văn hoá Tày-Thái và văn hoá Hán. Xem: “Nam quyền trong chế độ Mẫu hệ tại Việt Nam” Lý Tùng Hiếu.

[2] X trang 133, 142 Cơ sở Văn hóa Việt Nam; Trần Ngọc Thêm

[3] Ngắm thứ mười một, Sách hướng dẫn Ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu và Đức Mẹ, Giáo phận Bắc Ninh

[4] Kinh Bản Công giáo; giáo phận Bắc Ninh