Đài tưởng nhớ Thánh Giám mục Berriochoa Vinh tại Hương La
- Vị trí hầm trú
Bên cạnh Nhà thờ Hương La[1] có tượng đài tưởng niệm thánh “Giám mục hầm trú” Berrio Choa Vinh. Tượng đài này mặc dù nhỏ bé, nhưng được xây dựng trên phần đất xưa kia nguyên là căn hầm thánh Giám mục Berrio Choa Vinh đã trú ẩn để điều hành giáo phận Trung[2] dưới thời vua Tự Đức bách hại tín hữu Công Giáo. Xưa kia tại căn hầm này, thời gian đầu ngài sống chung với Đức cha Alcazar Hy, Đức cha phó giáo phận Đông, cho đến khi vị này phải rời xứ truyền giáo tạm lánh qua Macao. Chính tại hầm trú này, vị “Giám mục hầm trú” đã thành lập tòa Giám mục điều hành giáo phận Trung trong ba năm, gần trọn đời Giám mục của ngài đã ở nơi hầm này. Tất cả mọi sinh hoạt của ngài ở dưới hầm trú, trừ đôi lần giữa đêm, ngài ra khỏi đó để thăm và xưng tội với Đức cha Liêm, hoặc đi giúp các bệnh nhân, nhưng không vượt ra khỏi ranh giới hai làng Đức Trai và Tử Nê. Một vài lần ngài phải chạy trốn qua một hầm khác để tiếp tục ẩn nấp các cơn lùng bắt.
- Vắn tắt tiểu sử thánh Berriochoa Vinh
Đức cha Berriochoa Vinh sinh năm 1827 tại Elorrio (Vizcaya), Tây Ban Nha, dòng Ða Minh, Giám mục thừa sai người Tây Ban Nha, địa phận Ðông Ðàng Ngoài.
Tháng 8.1861, chiếu chỉ phân sáp của vua Tự Đức như một cơn hồng thủy tràn lan mọi thị xã cũng như thôn quê. Làng Hương La cũng không thể yên ổn được nữa. Đức cha Vinh liền xuống thuyền với linh mục Almato Bình, xuôi dòng xuống Hải Dương. Tại đây, ngài gặp Đức cha Liêm và thầy Khang đang ở trên một thuyền khác. Nhưng sau đó, thuyền ngài lại phải tiếp tục cuộc hành trình. Các giáo hữu giới thiệu hai vị trọ nhà một người ngoại giáo làm phó lý ở gần đó. Không ngờ cháu ông này đi báo với quan, khiến hai vị bị bắt ngày 25.10.1861 và bị đóng cũi giải về Hải Dương. Tại Hải Dương, Đức cha Vinh và cha Almato Bình gặp Đức cha Liêm trong một cũi khác. Đức cha Liêm đã bị bắt trước đó năm ngày. Ngày 01.11.1861, ba vị thừa sai cùng bị đem đi xử trảm tại Hải Dương.
Đức cha Berriochoa Vinh được tôn phong ngày 15/04/1906, tuyên thánh ngày 19-06-1988. Lễ kính vào ngày 1/11/năm, hài cốt được tôn kính tại quê hương ngài.
- Đôi nét về vị thánh vui tươi hài hước
Berrio Ochoa Vinh xuất thân trong một gia đình quý phái, đạo đức nhưng lại nghèo, tại làng Elorrio, giáo phận Vich, nước Tây Ban Nha. Cuộc đời Berrio Ochoa Vinh chịu ảnh hưởng rất nhiều đức tính tốt của song thân. Cậu học được nơi cha sự cần cù kiên nhẫn, và thừa hưởng nơi mẹ một đức tin sống động, lòng sùng kính Đức Maria và tính vui tươi hòa nhã với mọi người. Đặc biệt với thân mẫu, Berrio Ochoa Vinh vẫn hằng ôm ấp mối tình thắm thiết cả khi đã làm Giám mục mà chúng ta có thể thấy được, tình cảm vẫn dạt dào trong các lá thư viết về cho bà. Sau ngày chịu chức linh mục, cha Berrio Ochoa Vinh đã viết thư cho thân thân mẫu như sau: “Mẹ yêu dấu của con, hôm qua, ngày 14.08.1851, ngày mộng ước, ngày con được thụ phong linh mục… Con của mẹ giờ đây đã được tình thương Chúa nhắc lên phẩm chất cao cả, đến nỗi các thiên thần cũng phải run sợ…” (thư 16).
– Sau khi bàn hỏi với cha linh hướng dòng Tên tại Loyola, cha xin phép Giám mục qua dòng Đaminh. Lúc giã từ người quen, có người hỏi cha: “Cha đi đâu, và bao giờ chở lại?”. Cha đáp: “Tôi đi để quê tôi có người làm Thánh“.
– Ngày 30.03.1858, cha Berrio Ochoa đặt chân lên đất Việt Nam, đến trình diện cha chính Nam và Đức cha Xuyên tại Kiên Lao. Cơn bách hại đang ở cao điểm: Đức cha An mới bị tử đạo được tám tháng, thủ cấp của Đức cha Xuyên được treo giá vàng, nên thường xuyên ngài phải ẩn nấp.
– Trong thư 93 gửi về gia đình, cha Vinh đã ghi nhận: “Cánh đồng truyền giáo này không thấy lấy một ngày quang đãng, không ngày nào không phải cố gắng giữ nét vui tươi. Không ngày nào không có đau thương để khóc, không có lo toan để tìm phương bổ cứu, không có kẻ lạ mặt theo dõi hay quan quân truy lùng“. Và sườn núi Canvê trơn dốc của cha Vinh mới bắt đầu. Tại đây tất cả đều còn lạ lẫm: Ngôn ngữ, tập quán, đường đi, con người và bao nhiêu thứ phải làm quen, phải học.
– Đức cha Sampedro Xuyên, trước nguy cơ có thể bị bắt, đã chuẩn bị cho tương lai của giáo phận, ngài dùng quyền Tòa Thánh để chọn một Giám mục phó có quyền kế vị. Ngài đã chọn cha Berrio Ochoa Vinh. Đây là tâm sự của vị được tiến chức: “Thưa Đức cha, nếu được thì xin cất chén đó cho con… Con thấy lòng tràn ngập lo lắng, áy náy khi nghĩ đến địa vị mà Đức cha muốn đặt con lên. Nhưng điều mà môi miệng con nói thì con cũng xin nói cả tấm lòng, đó là xin vâng trọn ý Chúa, bây giờ và đời đời chẳng cùng“.
– Lễ tấn phong Giám mục Berrio Ochoa Vinh có “1 không 2”, quả thực có một không hai trong lịch sử Giáo hội. Đêm 25 rạng ngày 26.06.1858, Đức cha Xuyên cử hành lễ tấn phong trong nhà ông trùm Chi ở Ninh Cường. Lễ nghi được tiến hành âm thầm giữa đêm thâu, không một tiếng hát, không một người tham dự. Hai cha Riano Hòa và Carreas Hiển là phụ phong, bao tay, vớ tất không có, mũ ngọc của tân Giám mục làm bằng giấy bìa cứng cũng phủ giấy tráng kim, gậy ngọc là một cây nứa, đầu gậy cuốn bằng rơm cũng được bọc giấy tráng kim. Việc chuẩn bị cho ngày lễ, chúng ta hãy nghe ngài thuật lại trong thư gửi cho cha Orge ở Manila: “Con thú thật rằng, con muốn thoát khỏi vòng ràng buộc này. Nhưng biết bao lần Đức cha đã bảo con, nên theo lương tâm, buộc con phải vui nhận việc tuyển chọn… Con không giám cưỡng ý Chúa đã rõ rệt. Sau ngày được tuyển chọn, con chỉ còn vừa đủ thì giờ để cấm phòng. Con lắng nghe ngài phán trong thinh lặng, không có lấy một cuốn sách nào giúp tĩnh tâm, mà có tìm cũng không ra… Không phải chỉ thiếu sách cấm phòng, nhưng chiều áp lễ tấn phong, thấy rằng chỉ có độ một nửa khăn áo cần dùng trong nghi lễ, Đức Giám mục đại diện Tông tòa và con phải vội vàng hai tay kim chỉ đóng vai thợ may. Tạ ơn Chúa, tới đúng giờ đã định, chúng con cũng có ít khăn áo xứng đáng…” (thư 79).
– Sau ngày tấn phong, hai Đức cha và hai linh mục lên xứ Quần Cống. Được ít hôm, quan án sát Nam Định đến bao vây làng này, khiến mỗi vị phải đi một ngả. Đức cha Vinh phải chạy sang Trà Lũ, Đức cha Xuyên qua làng Thôn Đông, rồi đến Kiên Lao thì bị bắt ngày 08.07, và bị xử lăng trì ngày 28.07.1858. Từ nay, Đức cha Vinh phải một mình lãnh trách nhiệm toàn giáo phận Trung[3]. Theo ý vị tiềm nhiệm, Đức cha bỏ giáo phận trốn qua tỉnh Hải Dương, là nơi cuộc bách hại còn lắng dịu. Sau bốn ngày vượt sông băng lạch, ngài đến Cao Xá, tỉnh Hưng Yên, rồi tới nơi Đức cha Hermosilla Liêm và cha Almato Bình trú ẩn. Được ít lâu, ngài đã tìm được nơi trú ẩn mới trong vườn nhà anh Thăng, làng Hương La, xử Tử Nê (Bắc Ninh). Gia chủ đã đào cho ngài một hầm trú ẩn khá an toàn. Chính tại hầm này, vị “Giám mục hầm Trú” đã thành lập Tòa Giám mục trong gần trọn đời Giám mục của ngài.
– Khi nghe tin Đức cha Xuyên tử đạo, dầu kiên nhẫn và bình tĩnh, Đức cha Vinh đã phải phát biểu cách hài hước, nửa đùa nửa thật rằng: “Đức Giám mục khả kính Sampedro Xuyên để lại cho tôi một gánh quá nặng. Ngày nào tôi nhoai đến thiên cung, tôi sẽ tố cáo ngài“.
– Trong thư gửi cho một linh mục bạn, ngài viết : “Tôi còng lưng gánh một gánh mà tôi sợ, rất sợ, sợ đổ vỡ dọc đường…” Ba năm sống dưới căn hầm. Trong khi cơn bách hại ngày càng gia tăng. Các hung tin được loan báo tới tấp: Một, hai … rồi 18 linh mục tử đạo, các thày giảng và biết bao giáo hữu bị ngã gục vì đức tin chân chính. Trong một thư gửi cho Thánh Bộ Truyền Giáo, cha viết: “Rất có thể trong ít tháng nữa, giáo phận của tôi chẳng còn thừa sai, chẳng còn linh mục, không chủng sinh, không thày giảng và không biết còn nên nói thêm chăng, không còn bổn đạo” (Thư 93).
– Tuy sống gian khổ như thế, nhưng Đức cha Vinh đã không một lời rên rỉ, không một tiếng thở than. Cái “chương trình” thánh thiện trong vui tươi của anh chủng sinh vừa học vừa làm thời niên thiếu, giờ dây ngài vẫn trung thành thực hiện. Ta có thể thấy điều đó trong một thư gửi cho thân mẫu vào tháng 08.1860:
“Mẹ chí yêu lòng con, Mẹ hỏi con sống thế nào, ăn uống làm sao? Mẹ quý mến của con ơi! Con sống tươi lắm, con làm Giám mục cơ mà ! Còn thức ăn ngày nào cũng có. Đừng lo mẹ ạ, chúng con chẳng đói đâu. Nhưng mẹ tưởng hễ làm Giám mục là phải ngồi ngựa à? Không, chúng con tuột giầy ra giữa đêm hôm tăm tối, nhoài hết chỗ lội này đến quãng lội khác, vậy mà cứ vui thôi. Một hôm, con lội sáu dặm đường, trên mưa tuôn, dưới bùn trơn, con ngã soành soạch không biết bao nhiêu lần. Tuy là Giám mục, con cũng ướt như chuột và lấm bùn be bét. Nhưng giáo hữu ở đây tốt lắm, về tới nhà đã thấy họ đổ nước cho con tắm rửa sạch sẽ để chuẩn bị dâng lễ…” Ồ có lẽ mẹ bảo: Vinh nhỏ của mẹ ơi, sống thế xìu lắm! Không, chả buồn chả xìu chút nào mẹ ạ. Ở đây người ta sống mạnh, sống tươi, nhanh nhẹn lắm. Chúa an ủi chúng con trong lao nhọc. Con tuy là “trai già” mà nhảy qua vũng lội vẫn lẹ như sóc ấy. Mẹ ạ, Vinh trước đã là đứa con nhảy nhót qua núi đồi thì nay bộ mặt đầy râu của nó, cũng sẽ làm những tên quỷ già nhất ở trong hỏa ngục phải run sợ…”(Thư 116).
Quả thực, Berrio Ochoa Vinh phải có tâm hồn tươi trẻ và siêu nhiên lắm, thì mới có thể có được thái độ và lời lẽ dí dỏm tươi vui pha chút đùa bỡn như thế.
[1] Thông tin thêm: bên cạnh Nhà thờ Hương La còn có Nhà Tình Thương Hương La là nơi nuôi dưỡng các cháu khuyết tật do các nữ tu Đức Mẹ Hiệp Nhất đảm nhiệm. Nhà Tình Thương này đã có từ xa xưa, nhưng bị mai một vì hoàn cảnh xã hội. Đến năm 2000 được Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến cho tái tạo lại, cùng với sự giúp đỡ của Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng nên nay nhà được sử dụng cho mục đích nói trên.
[2] Địa phận Trung trong giai đoạn 1848 – 1936 gồm gp Bùi Chu và gp Thái Bình ngày nay.
[3] Địa phận Trung trong giai đoạn 1848 – 1936 gồm gp Bùi Chu và gp Thái Bình ngày nay.
Lâm Văn Trung