Nghèo có đi tu được không?

Sáng nay, sau giờ dạy giáo lý, tôi có ghé thăm nhà của một em trong lớp, vì hôm nay em vắng học. Nhà em ở trong con hẻm. Đường vào quanh co, tôi phải hỏi bao người mới ra được cái địa chỉ nhà em. Đi qua bao nhiêu ngách cuối cùng cũng đến. Căn nhà nhỏ đơn sơ, cũ kỹ, lụp xụp. Thấy tôi đến, em hớn hở chạy ra chào rất vui vẻ. Biết tôi đến vì lý do gì, nên em nói ngay: hôm nay mẹ con ốm, con không thể tới lớp được. Em tuy ở xa thế, nhưng chưa bao giờ vắng một buổi học giáo lý nào. Em luôn có mặt đúng giờ và rất nghiêm túc. Người nhỏ nhắn, nước da đen nhẻm nhưng rất nhanh nhẹn và có duyên. Em nói với tôi em có ước muốn đi tu làm linh mục, vì vậy nên em rất siêng đi lễ, và thích được giúp lễ.

Sau khi chia tay ra về, em đi theo tôi một đoạn và em hỏi tôi:

“Dì ơi nhà con nghèo chắc không đi tu được phải không Dì?”.

Tôi hỏi em: “Sao con lại hỏi thế?”

Em nói rằng: “Mẹ con bảo nhà mình nghèo không đi tu làm cha được, vì mẹ con không có tiền để lo lễ tạ ơn, lo sắm đồ lễ cho con được. Mẹ còn nói là làm linh mục tốn nhiều tiền lắm”.

Chia tay em mà câu hỏi của em vẫn trong tâm trí tôi, làm cho tôi mãi suy nghĩ, tôi đưa vào giờ cầu nguyện tối của tôi. Câu hỏi của em làm cho tôi phải nhìn lại thực tế cuộc sống của những người đi tu như tôi hôm nay. Chúng tôi đã sống thế nào mà để cho người khác có một cái nhìn, cái suy nghĩ như thế.

Xã hội đang phát triển không ngừng, con người ta sống trong một xã hội đầy đủ tiện nghi, vật chất. Người tu cũng bị ảnh hưởng bởi cái sự hưởng thụ vật chất, cũng sống xa hoa, cũng có đầy đủ mọi thứ sang trọng có khi là không cần thiết.

Tôi nhớ, khi còn là sinh viên, tôi đi thiện nguyện cùng với phái đoàn của giáo phận. Trên đường về, chúng tôi ghé qua một Chủng Viện của một địa phận nọ. Tòa nhà khang trang, nội thất sang trọng, cha quản lý dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng. Bất ngờ trước vẻ đẹp lộng lẫy, anh Sơn, một giám đốc của một công ty lớn, cũng là thành viên trong nhóm thiện nguyện nói: “các thầy sống trong nhà đẹp thế này, xa hoa thế này sao mà cảm thông được với người nghèo.”

Câu nói như bông đùa của anh Sơn cho tôi một suy nghĩ!

Tôi cũng không biết tự bao giờ mà có tục lệ làm lễ tạ ơn sau khi được khấn dòng, được thụ phong linh mục, hoặc là năm năm, mười năm linh mục hay khấn dòng, và Thánh lễ tạ ơn làm rất long trọng, hoành tráng từ vài chục mâm đến hơn trăm mâm cỗ. Tôi thấy cha xứ nọ nói: quê mình ít người đi tu, nên có ai khấn sẽ tổ chức thật hoành tráng để thu hút ơn gọi. Qủa là một ý tưởng thật hay! Thế nhưng không biết sau khi khấn xong, hay sau khi làm linh mục thì bản thân người ấy sẽ sống ra sao, làm được gì cho tha nhân, nhưng trước hết là làm cái lễ tạ ơn cho thật to, thật oách cái đã.

Mỗi năm đến mùa phong chức hay khấn dòng thì nhiều người cứ phải chạy show đi ăn lễ tạ ơn vì được mời. Lễ tạ ơn nhiều quá, giờ mấy lễ đó không còn gì mới lạ, hấp dẫn hay ý nghĩa nữa mà đôi khi lại trở nên gánh nặng cho người được mời, cho cả gia đình vì phải gồng gánh lo tổ chức lễ.

Chiều nay tôi ghé thăm nhà sách công giáo. Nhớ lời của em hồi sáng, tôi đi một vòng qua chỗ bán đồ Thánh. Không biết tự bao giờ mà những đồ dùng trong Thánh Lễ lại có nhiều mẫu mã, nhiều chất liệu, nhiều loại giá cả như hôm nay, chẳng khác gì thời trang ngoài xã hội, kẻ có tiền thì mua đồ tốt, người ít tiền mua loại rẻ hơn. Đồ lễ cũng thế, cha nào có tiền thì mua loại tốt, cha nào ít tiền thì mua loại rẻ, nhìn vào chén lễ và đồ lễ sẽ thấy đẳng cấp. Nhìn thấy đồ lễ có đủ loại giá, từ một triệu cho đến hàng trăm triệu cũng có. Tôi tự hỏi sao Giáo Hội không quy định tất cả mọi thứ chén lễ, hay đồ lễ, …chỉ dùng cùng một loại chất liệu, một loại vải, …tất cả cùng giống nhau, giá cả cũng giống nhau, để linh mục nào cũng giống linh mục nào, không có cha giàu, cha nghèo, cũng không có Nhà Thờ giàu Nhà Thờ nghèo, để không có đẳng cấp, không có sang hèn trong những đồ ‘thánh’ này. Và để cho mọi người ý thức rằng Chúa mới là chính chứ không phải là những đồ vật đấy là chính.

Nhìn vào thực tế người sống đời tu hôm nay, chúng ta dễ bắt gặp hình ảnh những người tu ‘đẳng cấp’ ‘sang chảnh’ nơi quần áo, đồ dùng mà họ có. Biết bao người tu đã chạy theo cái hào nhoáng bên ngoài ấy để rồi đánh mất cái căn tính của người tu đó là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu- một Giêsu nghèo khó lúc nào không hay. Nhưng người tu hôm nay lại ‘khó mà nghèo’.

Có một thầy phó tế nọ chuẩn bị cho ngày lễ tạ ơn sau khi được thụ phong linh mục rất hoành tráng. Thầy mua chén thánh tám mươi triệu, và mỗi áo lễ là khoảng bảy tám triệu một cái. Thầy còn yêu cầu gia đình là phải gắn máy lạnh tất cả các phòng ngủ để đón khách đến vào ngày lễ tạ ơn. Bố mẹ chỉ là nông dân bình thường thôi, họ phải gồng gánh để chuẩn bị lo cho thánh lễ tạ ơn của con trai mình theo như ý nó muốn. Gia đình chắc phải chuẩn bị hàng trăm triệu đồng để lo cho cái ngày con trai mình bước lên bàn thánh. Rồi sau ngày lễ tạ ơn ấy, người linh mục này sẽ thế nào? Tôi không biết Chúa ở trong chén thánh tám mươi triệu có khác với Chúa ở trong chén thánh vài ba triệu không? Linh mục mặc áo lễ mười mấy triệu làm lễ có sốt sáng hơn linh mục mặc áo chỉ một hai triệu hay không? Hay giáo dân chỉ ngắm nhìn cái chén, trầm trồ vì cái chén đẹp mà chẳng thấy Chúa ở đâu trong cái chén ấy. Và có khi người ta chỉ lo ngắm cái áo xịn của vị linh mục, mà quên mất việc Chúa đang ở trong vị linh mục ấy.

Người nữ tu ngày nay cũng thế, dễ bị cuốn hút vào xã hội vật chất này. Nhiều nữ tu cũng làm lễ tạ ơn thật hoành tráng sau khi tuyên khấn lần đầu, trọn đời, hoặc kỷ niệm 25 năm, 50 năm khấn dòng. Người nữ tu ấy cũng chẳng thiếu thứ gì, thứ gì cũng đắt tiền, cũng sang chảnh mới chịu. Ngày nay chúng ta không khó để nhìn thấy những nữ tu giàu có, sang chảnh, sành điệu…

“Dì ơi nhà con nghèo chắc không đi tu được phải không Dì?”. Câu nói của em làm tôi ngẫm nghĩ mãi. Vì cách sống của chúng tôi như thế thì làm sao mà người ta không khỏi thắc mắc như cậu bé lớp tôi đã hỏi “nghèo có đi tu được không?”. Nếu người tu cứ sống như chúng tôi đang sống trong xã hội này, cứ hưởng thụ, cứ tiêu xài, …cứ tổ chức hết lễ tạ ơn này đến tạ ơn khác, thì thử hỏi làm sao người ta không nghĩ rằng ‘nghèo sao đi tu được’, làm gì có tiền để lo được như thế.

Ngẫm đi cũng phải ngẫm lại, tôi nhớ lời Đức Cha giáo phận dặn chúng tôi trong ngày lễ khai giảng. Ngài nhắc đi nhắc lại đến nỗi những lời dặn đó ngấm vào người tôi, thẩm sâu trong từng thớ thịt: “Chị em có thể nghèo về vật chất, nhưng không được phép nghèo về tri thức. Không được phép nghèo về lòng đạo đức, lòng yêu mến Chúa.”

Giàu và nghèo cứ lởn vởn trong tâm trí tôi. Bất chợt hình ảnh cha giáo dạy môn Kinh Thánh của tôi ở trường Thần Học hiện lên trong đầu tôi. Con người của ngài khiến tôi thật cảm phục. Nhìn cha giáo điềm đạm toát lên vẻ hiền lành và giản dị. Cha là con một trong gia đình. Bố làm giám đốc ngân hàng. Mẹ là bà chủ của chuỗi cửa hàng vàng bạc đá quý. Trước khi đi tu, cha lái xe hàng tỷ. Giờ làm cha, đi dạy học cha chạy con xe cub. Nghe bà cố cha kể lại: khi ông bà cố mua sắm đồ dùng cho cha, cha nói: con đã thuộc về nhà dòng rồi, có nhà dòng lo cho con rồi. Vả lại con phải sống đúng lời khấn khó nghèo của mình nữa. Cha còn dặn ông bà cố rằng: những người nghèo là con của con, nếu bố mẹ có, hãy cứ cho con của con.

Nhìn lại bản thân tôi là một người tu trong thời hiện đại này, tôi thấy chúng tôi đã bị nhiễm quá nhiều tinh thần thế gian, tinh thần hưởng thụ, thích cái hào nhoáng, tìm kiếm hư danh. Chúng tôi đã đi lạc con đường của Chúa. Xin cầu nguyện cho chúng tôi thật nhiều, để mỗi người chúng tôi biết nhận ra mà quay trở về con đường khiêm nhu của Chúa. Xin lỗi vì đã làm cho mọi người thấy hình ảnh méo mó của Chúa, đã làm cho mọi người hiểu sai về đời tu qua cách sống của chúng tôi.

Xin lỗi con! Vì đã làm cho con băn khoăn, lo lắng và mặc cảm khi nghĩ rằng ‘nghèo không đi tu được’. Con à, nghèo hay giàu đều có thể đi tu được, vì đó là ơn gọi do Chúa ban cho chúng ta. Con hãy kiên trì cầu nguyện và tiếp tục tham gia sinh hoạt của giáo xứ. Dì cầu nguyện cho con và sẽ luôn đồng hành cùng con. Xin Chúa chọn gọi và nâng đỡ con trong mọi ngày đời của con.

Sr. Maria Chu Yên – HV Đức Maria – Mẹ Sự Sống