Thay đổi cách sống của Giáo hội

Ba trong số 21 vị Hồng y được Đức Phanxicô bổ nhiệm vào Chúa Nhật tuần trước đã nói với các phóng viên rằng Giáo hội cần phải từ bỏ phong cách “kim tự tháp” để chuyển sang phong cách “hiệp hành”.

Có thể nói, Giáo hội Công giáo lâu nay đã sống theo phong cách “kim tự tháp,” nơi quyền lực tập trung từ trên xuống, với giáo hoàng và các giám mục quyết định chính yếu. Mô hình này duy trì sự ổn định và truyền thống, nhưng hiện tại đang gặp thách thức.

Phong cách “hiệp hành”, do Đức Giáo hoàng Phanxicô đề nghị, lại hướng đến sự tham gia đồng đều của tất cả các thành phần trong Giáo hội, từ hàng giáo phẩm đến giáo dân. “Hiệp hành” không chỉ là lắng nghe, mà còn thúc đẩy đối thoại và tham gia vào quá trình quyết định, giúp Giáo hội phản ánh thực tế cuộc sống tốt hơn.

So sánh những gì đang xảy ra trong Giáo hội hoàn vũ và trong những tuần này, trong khóa họp thượng hội đồng, Đức Hồng y tương lai người Bờ Biển Ngà, Đức cha Bessi Dogbo đã nói về tầm quan trọng của việc lắng nghe lẫn nhau và các mối quan hệ đang có trong hội trường Phaolô VI, “trong bầu không khí đặc biệt của hiệp thông và chia sẻ”. “Chúng tôi ý thức rằng thực tế chúng tôi không đang thay đổi Giáo hội, nhưng chúng tôi đang trong một quá trình sẽ dẫn đến việc thay đổi cách mà Giáo hội được sống trong tương lai gần”. Về khả năng lắng nghe, Đức Tổng Giám mục giáo phận Abidjan kết luận, nó chính xác xuất phát từ sự thừa nhận lẫn nhau, điều này “cho phép mỗi người có được vị trí của mình trong đời sống của cộng đồng Giáo hội”.

Vị Hồng y tương lai tiếp theo, Đức cha Jaime Spengler, đã được hỏi về phong cách điều hành mà Thượng Hội đồng sẽ phải đảm nhận. Ngài lưu ý đến “sự phức tạp” của vấn đề trong một thế giới bị ảnh hưởng bởi “cuộc khủng hoảng dân chủ” lan rộng đến “các thể chế trung gian của xã hội”, do đó, “vấn đề về quyền bính” mang tính quyết định. Đức Tổng Giám mục Porto Alegre nhắc lại những lời của Đức Phaolô VI, người đã giải thích rằng con người “chú ý lắng nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu họ lắng nghe các thầy dạy thì đó là vì họ là những chứng nhân”. Do đó, quyền lực không nảy sinh từ một “yếu tố xã hội học” mà từ một chứng tá “đạo đức, luân lý và tôn giáo”.

Một khái niệm cũng được Đức Giám mục Isao Kikuchi đưa ra, ngài đã tuyên bố rằng chúng ta phải từ bỏ phong cách “kim tự tháp” để chuyển sang phong cách “hiệp hành”. Điều này sẽ không dẫn đến những hành động chỉ dựa trên “sự đồng thuận”. Đức Tổng Giám mục Tokyo giải thích: “Chúng ta phải chắc chắn hiểu tính hiệp hành theo cách tương tự”. Ngay cả trong “sự phân định chung, luôn có người phải đưa ra quyết định cuối cùng”.

Tôma Nguyễn lược trích từ Vatican News (Tý Linh chuyển ngữ)

Tin liên quan