Hạt giống Tin mừng nảy mầm trên núi rừng Tây Bắc
Ngồi nhâm nhi chén rượu táo Mèo, thưởng thức món thịt nhím nướng, thịt lợn Mán hấp và món măng rừng, nghe những câu chuyện thú vị về đời sống đức tin, những chứng nhân Tin mừng của anh chị em giáo dân ở Mộc Châu, Sơn La, Điện Biên làm cho người viết ngỡ ngàng như đang nghe chuyện cổ tích, những câu chuyện tưởng chỉ có trong truyền thuyết nhưng lại có thật ở thế kỷ XXI.
Gác lại phía sau bao công việc hàng ngày, mấy anh em linh mục giáo phận Bắc Ninh, cha Giuse Đỗ Đình Tư CssR, cùng một số giáo dân lên đường khám phá miền núi rừng Tây Bắc từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 5 năm 2014.
1. Tiếng chuông ngân vang nơi cao nguyên Mộc Châu
Điểm dừng chân đầu tiên của phái đoàn là Mộc Châu. Cao nguyên Mộc Châu nổi tiếng với khí hậu mát mẻ nằm trên địa bàn tỉnh Sơn La, cách Hà Nội 200 km. Mộc Châu có một cộng đoàn Ki tô hữu được quy tụ vào những năm 2000. Khác với những du khách bình thường đến với Mộc Châu để chiêm ngắm cảnh đẹp thiên nhiên, thưởng thức trái cây và uống sữa bò; chúng tôi bị ấn tượng bởi tháp chuông độc nhất vô nhị trên thế giới, tháp chuông Mộc Châu chẳng khác gì tháp Epphen ở Pháp. Sở dĩ người viết dám so sánh tháp chuông ở nguyện đường Mộc Châu với tháp Epphen là vì hai cây tháp này cùng được làm hoàn toàn bằng sắt. Quả chuông gắn ở trên tháp nhà nguyện Mộc Châu cũng khác thường vì chuông được làm bằng loa phóng thanh.
Tháp chuông nhà nguyện Mộc Châu
Vừa nhâm nhi chén trà Mộc Châu vừa nghe vị ban hành giáo kể về đời sống đức tin giáo dân nơi đây. Để có được tháp chuông và anh chị em giáo dân nghe được tiếng chuông trên vùng cao nguyên thơ mộng, chúng con đã phải kiên cường đấu tranh thời gian dài mới có thể dựng nên được ngọn tháp này, ông nói.
Vị ban hành giáo kể tiếp, anh chị em chúng con ở đây chủ yếu là người vùng xuôi di cư lên làm ăn, vì kế sinh nhai thôi nhưng chúng con vô tình trở thành những sứ giả mang Phúc âm lên vùng cao nguyên Mộc Châu, con tin chắc rằng chúng con là những hạt giống Tin mừng được gieo vào mảnh đất Mộc Châu này. Vì sống cách xa nhau, có những hộ gia đình sống cách nhà nguyện đến 50 km, nên mỗi khi có cha lên dâng lễ, các vị ban hành giáo phải báo cho anh chị em giáo dân bằng hai phương tiện chính là chuông loa phóng thanh và chuông điện thoại.
Đang ngồi nghe câu chuyện thú vị thì tiếng chuông vang lên chẳng khác gì tiếng chuông của những quả chuông đồng bình thường nơi những ngọn tháp nhà thờ vùng xuôi mời gọi mọi người đến cầu nguyện và tham dự Thánh lễ. Chẳng biết tiếng chuông loa phóng thanh sẽ vang vọng được bao xa, nhưng đã mời gọi biết bao tâm hồn hướng về nhà Chúa.Tiếng chuông đánh thức tỉnh nhiều tâm hồn đang ngủ mê trên cao nguyên với vẻ đẹp hoang sơ đến mê hồn.
Tiếng chuông vừa dứt, anh chị em giáo dân lác đác đến nhà nguyện vì hôm nay có các cha tới dâng lễ. Sau Thánh lễ, một vị ban hành giáo cám ơn phái đoàn. Cách riêng, cám ơn cha Tư vì chục năm về trước, ngài đã cùng với quý cha dòng Chúa Cứu Thế đến khai phá và phục vụ cộng đoàn giáo dân Mộc Châu.
2. Hạt giống Tin mừng đâm trồi trên phố núi Sơn La
Sau một quãng đường dài đoàn chúng tôi đến phố núi Sơn La vào lúc mặt trời đứng bóng, cái nắng chói chang đầu hè cùng với hơn nóng gió Lào khiến du khách thấy như đang đứng giữa sa mạc Sahara. Tuy nhiên, lòng chúng tôi lại cảm thấy mát lạnh vì một số giáo dân gốc Bắc Ninh hay tin phái đoàn lên Sơn La đang chờ đón tiếp.
Cách đây mấy năm trên các phương tiện thông tin thấy anh chị em tín hữu kiên trì đấu tranh để các cha có thể dâng lễ ở nơi được coi là vùng trắng về tôn giáo. Nhưng có lên đến đây, có gặp gỡ và lắng nghe những chứng nhân đức tin bằng xương bằng thịt. Nghe những câu chuyện cổ tích về niềm tin sắt son thời hiện đại mới cảm nghiệm đức tin sâu sắc của anh chị em tín hữu Sơn La còn hơn cả lý tưởng của những đồng chí ở nhà tù Sơn La mấy thập niên trước.
Tham dự buổi dâng hoa kính đức Mẹ của các em thiếu nhi vào đúng ngày kính nhớ Mẹ hiện ra ở Fatima. Chứng kiến anh chị em giáo dân đi tham dự Thánh lễ đông đúc, sốt sáng làm người viết nhớ tới lời bài hát “ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong vui sướng….”. Tuy đời sống đức tin và sinh hoạt tôn giáo vẫn gặp nhiều cản trở, nhưng giờ đây cộng đoàn phố núi đã bám rễ sâu vào mảnh đất phi nhiêu mầu mỡ, và dần dần đâm trồi nảy lộc.
3. Thiên Chúa là tình yêu…. giữa chảo lửa Điện Biên
Những ngày này, bầu khi vui mừng và lo lắng đan xen lẫn lộn trên cánh đồng Mường Thanh, vui vì vừa kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, lo vì Biển Đông đang dậy sóng. Đối với nhóm nhỏ người Ki tô hữu ở Điện Biên thì tâm trạng lại khác, chắc chắn họ vẫn vui mừng và lo lắng như bao người dân bình thường khác, nhưng niềm vui và lo lắng của người tín hữu Điện Biên được soi sáng bởi tình yêu Thiên Chúa.
Vừa nhâm nhi chén rượu sâu chít, vừa kể về Thánh lễ đầu tiên ở vùng chảo lửa Điện Biên, một anh giáo dân nói: cách đây mấy năm cha Bình từ Sapa sang thăm Điện Biên, chính quyền đã không cho ngài dâng lễ, nhưng anh chị em giáo dân tha thiết xin cha cử hành Thánh lễ, vì nếu hôm ấy cha không dâng lễ được thì không biết bao giờ ở Điện Biên này mới có Thánh lễ. Ý thức được tầm quan trọng và là đòi hỏi chính đáng, cha Bình đã quyết định dâng lễ cho giáo dân cho dù không được phép. Còn anh chị em giáo dân một lòng một dạ, họ vượt qua nỗi sợ hãi cho dù có thể bị bắt bất cứ lúc nào, những thanh niên khỏe mạnh nắm tay nhau tạo thành vòng tròn để bảo vệ cha mặc áo lễ và dâng lễ.
Đang ngồi nghe anh chị em giáo dân nói chuyện thì có mấy người đến gặp cắt ngang câu chuyện. Hỏi ra mới biết họ ở tận giáo phận Vinh xa xôi mới lên đây làm, biết tin có các cha đến thăm và dâng lễ nên đến xin đi nhờ xe vì mới lên nên chưa biết đường đến nhà nguyện. Không chút do dự, chúng tôi đồng ý và cùng nhau đến nhà nguyện cử hành Thánh lễ.
Sau Thánh lễ là dịp anh chị em giáo dân quây quần thăm hỏi, chia sẻ, động viên nhau trong công việc cũng như về đời sống đức tin. Thấy họ ngồi nói chuyện rất lâu cho dù trời đã muộn, hỏi ra mới biết mỗi khi có Thánh lễ là dịp để họ gặp gỡ nhau.
Chứng kiến những cử chỉ yêu thương, những việc làm cụ thể, nghe chuyện của những hạt giống Tin Mừng bất đắc dĩ, chúng tôi cảm thấy cộng đoàn Ki tô hữu nhỏ bé nơi đây chẳng khác nào cộng đoàn tín hữu tiên khởi. Chắc rằng anh chị em giáo dân trên cánh đồng Mường Thanh đang sống và thực hiện theo di chúc của Thầy chí thánh: Anh em hãy yêu thương nhau… để người dân Điện Biên nhận ra Tin mừng của Đấng Phục Sinh.
Hành trình khám phá miền sơn cước xa xôi là chuyến đi phưu lưu đầy thú vị, chiêm ngắm cảnh núi rừng trùng trùng điệp điệp mới cảm nghiệm được công trình sáng tạo kì diệu của Tạo Hóa. Tưởng rằng du khách sẽ mang Tin vui và khích lệ cho những con người hiền hậu miền sơn cước. Nhưng ngược lại, những câu chuyện, những ánh mắt khát vọng yêu thương, những cái bắt tay nồng thắm, lòng hiếu khách, những bài thánh ca vang vọng giữa núi rừng thể hiện niềm tin sắt đá khiến chúng tôi vững tin và hăng say hơn trong sứ vụ loan báo Tin mừng.
Điện Biên ngày 15/5/2014
Xương Giang
Một số hình ảnh:
Nhà nguyện Mộc Châu
Phố núi Sơn La
Điện Biên Phủ
Tin liên quan