Họp mặt Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng toàn quốc tại Giáo phận Hưng Hóa
Tổng số thành viên và khách mời tham dự cuộc họp mặt lần này là 41 người bao gồm 2 giám mục, 35 linh mục gồm triều và Dòng, 2 nữ tu, 1 nam tu sĩ và 1 giáo dân cũng nằm trong ban thường trực của Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng. Dù đường xá xa xôi cho các tham dự viên đến từ các giáo tỉnh miền Nam và miền Trung, các tham dự viên đều đến đúng hẹn để tham dự buổi họp mặt huynh đệ thường niên và cùng nhau chia sẻ, học hỏi về “Huấn luyện người môn đệ của Tin Mừng”.
Thánh lễ khai mạc cho những ngày họp mặt Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng do Đức Giám Mục Giáo phận Hưng Hóa Đaminh Hoàng Minh Tiến – ngài cũng là Chủ tịch của Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng chủ sự để chào đón các tham dự viên và vị khách mời đặc biệt đến từ Malaysia là Đức Tổng Giám Mục Simon Poh của Tổng Giáo Phận Kuching- chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Malaysia với bốn bài chia sẻ cho việc huấn luyện người môn đệ của Tin Mừng và những phương thế mới cho việc Loan Báo Tin Mừng cách hiệu quả.
Cha Tổng Thư Ký của Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng Đaminh Ngô Quang Tuyên cũng điểm lại một số hoạt động và sinh hoạt của Ủy Ban trong 2 năm qua với Bản Ghi Nhớ của Đại Hội Loan Báo Tin Mừng tại Đền Đức Mẹ Tân Hiệp thuộc Giáo phận Long Xuyên để cùng rút ra những gì đã làm được cũng như những hạn chế trong việc loan báo tin mừng. Những hạn chế chưa thực hiện đó ngài cũng mong muốn cuộc họp mặt lần này có thể được tháo gỡ khi các tham dự viên có thể đưa ra những góp ý và sáng kiến cho Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng cho những năm tới, cách riêng cho Năm Thánh 2025 ‘Cùng nhau Loan Báo Tin Mừng’ và Đại Năm Thánh của Giáo Hội Toàn Cầu vào năm 2033 khi Giáo Hội kỷ niệm 2000 năm Chúa Giêsu chết, sống lại và khai sinh Giáo Hội.
Trong những ngày họp mặt này, đại diện của các giáo phận lần lượt chia sẻ những khó khăn và thuận lợi trong việc loan báo tin mừng của giáo phận mình từ khi thành lập đến nay. Những thuận lợi là được các vị chủ chăn và các bề trên ủng hộ cũng như được sự cộng tác của nhiều đoàn thể, ban ngành và các dòng tu nam nữ. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn là thiếu ngọn lửa nhiệt tình truyền giáo trong hàng giáo sĩ, tu sĩ và các giáo dân. Một số giáo phận kỳ cựu ở giáo tỉnh Miền Trung như Qui Nhơn, Đà Nẵng, Huế thì người trở thành công giáo không tăng vì những yếu tố khách quan như sự kiểm soát của chính quyền, sự thành kiến đối với đạo công giáo từ xa xưa và giới trẻ công giáo thoát ly đi làm ở xa nên chỉ dừng lại ở việc giữ đạo. Các giáo phận ở giáo tỉnh Miền Bắc thì chỉ lo chú trọng việc xây dựng nhà thờ, các sinh hoạt lễ hội hoành tráng dù cũng có nhiều nơi chú trọng đến việc loan báo tin mừng cho các sắc tộc miền xuôi. Các giáo phận thuộc giáo tỉnh Miền Nam, cách riêng ở đồng bằng Nam Bộ, theo lời chia sẻ của các linh mục phụ trách về Loan Báo Tin Mừng, có thể ví như những cây lục bình trôi theo những con kênh và các dòng sông Nam Bộ, dù nhiều người cũng có nhiệt huyết truyền giáo nhưng cũng chỉ dừng lại ở những biển hiệu chứ chưa có những biểu hiện cụ thể nào. Các giáo phận ở miền Tây Nam Bộ có nhiều người địa phương mà đa số là sắc tộc Khmer, người Hoa và Champa đang thực hành các tôn giáo và tín ngưỡng địa phương như việc thờ kính ông bà tổ tiên, Phật giáo, Cao Đài, Hoà Hảo… nên họ cũng không mấy mặn mà về Công giáo. Các tác nhân loan báo tin mừng nhiệt thành luôn tìm mọi cách len lỏi vào nền văn hóa của họ để nói về Chúa cho những người lương dân cũng như những anh em các sắc tộc này qua những ngày đại lễ như Giáng sinh, Phục sinh.
Tuy nhiên, nhiều giáo phận cũng đã có những định hướng cụ thể cho việc loan báo tin mừng khi có những vị đặc trách và những những tác nhân loan báo tin mừng đầy nhiệt huyết luôn quan tâm đến việc sống còn của giáo hội là việc truyền giáo. Chỉ tiếc một điều là chúng ta chưa dám mạnh dạn đổi mới phương thức trong việc loan báo tin mừng và sống chứng nhân trong việc loan báo tin mừng.
Một đại diện giáo dân từng làm việc nhiều năm trong các phong trào công giáo tiến hành tại Miền Nam chia sẻ những ưu tư về việc loan báo tin mừng chính là việc sống đạo tốt chứ không chỉ dừng lại ở việc giữa đạo, sống nhân bản trưởng thành mà không cậy dựa vào uy tín và lời nói của các vị mục tử nếu vị mục tử ấy có những ý hướng không đúng. Người giáo dân cũng cần phải sống thánh thiện và nêu gương sáng trong đời sống hôn nhân gia đình khi biết chu toàn trách nhiệm làm chồng, làm cha, làm mẹ, làm vợ trong gia đình. Đây chính là lời chứng hùng hồn nhất vì nếu không sẽ trở thành phản tin mừng. Khi sống đúng và chu toàn như vậy thì lúc đó chỉ cần ‘thì thầm’ về Chúa với người khác thì mọi người sẽ dễ dàng đón nhận Tin Mừng và theo Chúa vì giáo dân là những người sống giữa đời và sống với đời.
Các tham dự viên thuộc 27 giáo phận được chia làm 5 nhóm để cùng nhau thảo luận về những ưu tư và đưa ra những đề nghị cụ thể cho Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng để mọi người cùng nhau làm việc hướng đến Năm Thánh 2025 và Đại Năm Thánh 2033 nhằm đáp ứng những nhu cầu cụ thể của từng giáo tỉnh và của Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng để mọi người cùng nhau cộng tác. Các tham dự viên thuộc 27 giáo phận cũng đưa ra một số nhận định và đề nghị thiết thực để Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng có thể xem xét và phúc trình cho kỳ họp thường niên của Hội Đồng Giám Mục tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Tà Pao vào tháng 9/2024 sắp tới. Những đề nghị cụ thể là cần có một Ban Thường Trực của Ủy ban Loan Báo Tin Mừng và Ban Đào Tạo Loan Báo Tin Mừng để huấn luyện, khuyến khích, động viên cho các Ủy Ban Tin Mừng các giáo phận cũng như các tác nhân truyền giáo. Đức Cha chủ tịch ủy ban và cha Tổng thư ký cần góp tiếng nói trong Hội Đồng Giám Mục về các hoạt động loan báo tin mừng ở tầm mức giáo phận cũng như tầm mức quốc gia để mọi người đều biết rằng đây là hoạt động chung của Giáo Hội chứ không phải là của một cá nhân. Bởi thế, cần có sự cộng tác của các hội dòng, các hội đoàn và các giáo dân. Các giáo phận cũng đều có đề nghị chung là cần có một cuốn cẩm nang và qui chế chung cũng như một ngân quỹ cho việc loan báo tin mừng. Các tham dự viên cũng đề nghị có một ngày truyền giáo cho Giáo Hội Việt Nam ngoài ngày Khánh Nhât truyền giáo hàng năm vào tháng 10. Và để chuẩn bị cho Năm Thánh truyền giáo 2025 cũng như Đại Năm Thánh của Giáo Hội vào năm 2033, các tham dự viên của 27 giáo phận cũng đề nghị là nên có một Kinh Truyền giáo cho toàn quốc và được đọc cách trang trọng trong các thánh lễ để nhắc nhở mọi người ý thức về việc loan báo tin mừng.
Đức cha chủ tịch Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng cũng là vị giám mục giáo phận Hưng Hóa nơi cuộc họp mặt đang diễn ra cũng có vài nhận định rất chân thành về những khó khăn cũng như những điều mà ngài cảm thấy chưa được như ý muốn là nhiều nơi và nhiều giáo xứ chỉ chú trọng bề ngoài qua các lễ hội hơn là đời sống nội tâm và ý thức về việc loan báo tin mừng cho muôn dân. Ngài cũng chia sẻ là ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn với các chính quyền địa phương dù chính quyền trung ương đã cởi mở hơn nhiều. Đó cũng là não trạng của những vị lãnh đạo trong giáo quyền của chúng ta khi trên bảo mà dưới không nghe vì chỉ biết hành xử theo ý riêng. Một khó khăn khác mà những tác nhân loan báo tin mừng phải đối diện là văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam chúng ta khác nhau nên làm việc truyền giáo phải luôn biết ứng biến và thích ứng. Nếu chúng ta còn áp dụng việc loan báo tin mừng bằng việc sử dụng vật chất như phát tiền, cho thực phẩm rồi sau đó dụ họ theo đạo thì thật sự không bền. Chúng ta phải theo lời dạy của Chúa là ra đi làm cho họ trở thành môn đệ, rồi rửa tội và dạy dỗ họ thì đó mới là cách loan báo tin mừng hữu hiệu. Bởi thế, các tác nhân loan báo tin mừng trước hết phải là người ‘có Chúa’, nghĩa là hiểu Chúa, biết Chúa, trở thành môn đệ Chúa rồi mới có thể nói về Chúa cho người khác. Những mục tử, những tác nhân loan báo tin mừng phải có cái tâm và có trách nhiệm trong việc mình làm chứ không chỉ an phận trong việc quản trị và muốn tìn giải pháp an toàn.
Những ngày họp mặt cũng là cơ hội để các tham dự viên gặp gỡ nhau trong những buổi chia sẻ, những bữa ăn huynh đệ, các thánh lễ và những chuyến đi đến các giáo điểm truyền giáo trong giáo phận do chính vị giám mục tổ chức. Mọi người có dịp hàn huyên, chia sẻ và cảm thấy gần gũi hơn.
Người loan báo tin mừng là người biết quên mình, luôn khiêm nhường, kiên nhẫn và tôn trọng đối tượng mình phục vụ. Những xì-căng-đan gần đây của những vị xàm tăng cũng là lời cảnh tỉnh cho chúng ta-những tác nhân loan báo tin mừng để chúng ta luôn biết nói với Chúa và nói về Chúa cho người khác chứ đừng đá lộn sân.
Trích lược từ giaophanhunghoa.org
Tin liên quan