Chúa nhật tuần V – Mùa Thường Niên

Bài đọc 1: G 7,1-4.6-7

Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng.

Bài trích sách Gióp.

1 Bấy giờ, ông Gióp lên tiếng nói :

Cuộc sống con người nơi dương thế
chẳng phải là thời khổ dịch sao ?
Và chuỗi ngày lao lung vất vả
đâu khác gì đời kẻ làm thuê ?

2Tựa người nô lệ mong bóng mát,
như kẻ làm thuê đợi tiền công,

3cũng thế, gia tài của tôi là những tháng vô vọng,
số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.

4Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm : “Khi nào trời sáng ?”
Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi : “Bao giờ chiều buông ?”
Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng.
6Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa,
và chấm dứt, không một tia hy vọng.

7Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho,
cuộc đời con chỉ là hơi thở,
mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.

Đáp ca: Tv 146,1-2.3-4.5-6 (Đ. x. c.3a) 

Đ.Hãy ca ngợi Chúa đi !
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ.

1Hãy ca ngợi Chúa đi !
Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào !
Được tán tụng Người, thoả tình biết mấy !2Chúa là Đấng xây dựng lại Giê-ru-sa-lem,
quy tụ dân Ít-ra-en tản lạc về.

Đ.Hãy ca ngợi Chúa đi !
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ.

3Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ,
những vết thương, băng bó cho lành.4Người ấn định con số các vì sao,
và đặt tên cho từng ngôi một.

Đ.Hãy ca ngợi Chúa đi !
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ.

5Chúa chúng ta thật là cao cả,
uy lực vô biên, trí tuệ khôn lường !6Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy,
bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen.

Đ.Hãy ca ngợi Chúa đi !
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ.

Bài đọc 2: 1 Cr 9,16-19.22-23

Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

16 Thưa anh em, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng ! 17 Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công ; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. 18 Vậy đâu là phần thưởng của tôi ? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.

19 Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. 22 Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. 23 Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.

 

Tung hô Tin Mừng: Mt 8,17

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Ki-tô đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta. Ha-lê-lui-a.

 

Tin Mừng: Mc 1,29-39

Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

29 Khi ấy, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy ; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. 37 Khi gặp Người, các ông thưa : “Mọi người đang tìm Thầy !” 38 Người bảo các ông : “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” 39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

Suy niệm (Andrew)

Những ngày cuối năm, chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán, ai cũng đang tất bật cho những công việc của riêng mình. Thánh Mác-cô trong bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Đức Giêsu cũng đang bận rộn và tất bật với công việc hàng ngày của Ngài. Đức Giêsu bận rộn không phải là để tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng là tìm lợi ích cho tất cả những người mà Ngài gặp gỡ.

Thánh Mác-cô cho chúng ta biết rằng, ngay khi rời khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giêsu đã đến ngay nhà của ông Si-môn và An-rê để viếng thăm gia đình. Khi đến nơi, thấy bà mẹ vợ của ông Si-môn đang lên cơn sốt, Đức Giêsu ngay lập tức chữa lành bệnh cho bà. Sau khi đã dùng bữa trưa với gia đình, Đức Giêsu lại tiếp tục chữa lành mọi kẻ ốm đau và xua trừ ma quỷ ra khỏi nhiều người. Công việc của Đức Giêsu bận rộn cho đến khi Ngài đi nghỉ đêm. Hôm sau, sáng sớm Ngài thức dậy, đến nơi hoang vắng cầu nguyện, để tiếp tục làm việc cho một ngày mới. Ngài đã đến nơi khác để rao giảng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ. Tất cả những công việc bận rộn của Chúa là vì mưu cầu lợi ích cho người khác.

Tôi đang bận rộn, tất bật công việc của mình vì mục đích gì? Tôi có đang sống cuộc đời của mình vì người khác không? Hay tôi chỉ ích kỉ sống cho bản thân mình? Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chăm chỉ làm việc vì tha nhân như Chúa đã vất vả, tất bật làm việc vì những người mà Chúa đã gặp hôm nay. Xin Chúa cho chúng con biết sống vì anh em của mình, đừng bao giờ sống ích kỉ chỉ vì bản thân. Amen.

 

KHỔ KHI KHÔNG KHỎE (Cha Đaminh Nguyễn Xuân Trường)

Ai cũng thích sống mạnh khỏe, chả ai dại gì lại mong bệnh tật. Tuy nhiên thực tế chúng ta không thể tránh được bệnh tật. Bệnh tật trở thành điều hiển nhiên trong vòng đời mỗi người: Sinh, lão, bệnh, tử. Vậy Chúa làm gì với bệnh tật và sức khỏe của chúng ta?

  1. Bệnh tật.Phúc Âm nói rõ: “Chúa chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật.” Chúa là Đấng chữa lành bệnh tật. Đáng tiếc là trong đời sống tôn giáo, nhiều khi người ta lại nghĩ bệnh tật do Chúa gây ra! Nên mới có những câu kết án: Nó bệnh tật thế là do Chúa phạt đấy! Rồi lại có những lời khuyên nghe rất đạo đức: Ông bà bệnh tật thế này là do Chúa gửi thánh giá cho đấy, chịu khó mà vác nhé! Rồi chính bản thân người bệnh cũng than thở: Chúa ơi, sao lại để con bệnh tật đau khổ thế này? Ôi, chả lẽ Chúa lại cứ thích làm khổ con người vậy sao? Oan cho Chúa quá. Có bố mẹ nào muốn con cái mình bị bệnh tật không? Không. Và Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót chắc chắn không đời nào lại muốn con cái Ngài bệnh tật. Chúa chỉ muốn chữa lành.
  2. Khỏe mạnh.Ngày xưa đói, người ta hỏi thăm nhau: Ăn uống gì chưa? Ngày nay no ấm, người ta hỏi thăm nhau: Có khỏe không? Người ta quan tâm ăn thứ gì, uống thuốc gì cho khỏe. Thậm chí người ta còn bảo: có sức khỏe là có tất cả. Nhưng hãy cẩn thận hiểu cho đúng về sức khỏe. Nếu chỉ hiểu sức khỏe về cơ bắp vạm vỡ cao to, thì nhiều người làm thuê khỏe hơn ông giám đốc nhiều. Thế nên, phải hiểu sức khỏe một cách toàn diện cả về thể xác lẫn tâm hồn. Cùng với chữa lành bệnh tật thân xác, Chúa còn chữa lành bệnh tật tâm hồn bằng việc trừ quỷ. Chúa còn bồi bổ sức khỏe tinh thần bằng rao giảng và cầu nguyện.

Chúa là Đấng chữa lành – đó là Tin Mừng để chúng ta cậy trông phó thác, sống an vui và hy vọng. Đồng thời, chúng ta cũng cần noi gương Chúa mở lòng mở tay chữa lành những đau khổ của tha nhân. Amen.

Gióp, Chúa Giêsu và đau khổ (cha Denis McBride CSsR)
Người khốn khổ
Ngày xửa ngày xưa, ở một vùng đất xa xôi, có một người đàn ông ngay chính không phạm tội gì tên là Gióp. Ông có một người vợ yêu thương, bảy con trai ba con gái và khối tài sản lớn nhất vương quốc. Ông không bao giờ lợi dụng quyền lực và đặc quyền mình được hưởng. Ông dùng sự giàu có để tiếp đón mọi người và ảnh hưởng của mình để trợ giúp kẻ khó khăn. Không ai đến nhà Gióp xin giúp đỡ mà thất vọng. Nhưng lòng đạo và sự tinh anh của ông bị thử thách. Gặp một loạt thảm họa, ông mất gia đình, bạn bè, tài sản, công việc. Hung tin liên tục đến báo cho ông những biến cố kinh hoàng, mất mát, bi kịch. Ông Gióp xé áo, cạo đầu, phục xuống đất và cầu nguyện : “Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi; xin chúc tụng Danh Chúa.” Điều duy nhất Gióp không mất đó là niềm tin vào Chúa.
Rồi ông Gióp bị ghẻ lở từ lòng bàn chân cho đến đỉnh đầu. Vợ ông bảo hãy nguyền rủa Chúa và chết đi, nhưng ông vẫn một niềm tin vào Chúa. Người đàn ông được coi là nhân vật vĩ đại nhất phương đông giờ đây phải chịu đựng bệnh tật và bao thảm họa đến cho gia đình mình. Ông Gióp đã làm gì để phải chịu hậu quả khủng khiếp như vậy? Nạn nhân của Chúa tại sao lại là ông chứ không phải ai khác ?
Tại sao ông Gióp phải chịu đau khổ ? Sao một người vô tội lại phải chịu số phận như vậy? Vào thời Cựu Ước, người ta cho rằng đau khổ có liên quan trực tiếp đến hành vi của con người, đau khổ là hậu quả của phạm tội. Quan điểm này được những người bạn đến an ủi ông nói ra. Họ lý luận rằng ông Gióp hẳn đã phạm tội rồi; và nên thừa nhận tội lỗi của mình trước Thiên Chúa đi thôi. Nhưng ông phản đối : ông không phạm tội gì, ông luôn yêu mến Chúa và những người lân cận, ông tôn trọng cả Thiên Chúa lẫn con người. Ông thậm chí còn mời cả Chúa ra tòa giải quyết.
Tại sao đau khổ?
Dù Gióp từ chối tin rằng đau khổ ông phải chịu là hậu quả của tội lỗi, nhưng ông lại không có câu trả lời nào thỏa đáng. Thế là ông lại chia sẻ câu hỏi muôn đời của những nạn nhân : “Tại sao lại là tôi?” Khi không có câu trả lời, ông vẫn vững niềm tin vào Chúa nhưng chẳng còn lý do nào để hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi. Ông tuyệt vọng và chấp nhận thế, như chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất hôm nay, ông chuyển sang thứ triết lý mệt mỏi :
Gia tài của tôi là những tháng vô vọng,
số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.
Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm : “Khi nào trời sáng ?”
Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi : “Bao giờ chiều buông ?”

Dù vận mệnh có thay đổi tốt hơn, ông Gióp cũng không bao giờ có được câu trả lời cho câu hỏi về đau khổ. Ông khẩn khoản hỏi Chúa. Ông chịu nỗi đau mà ông không đáng phải chịu. Ông là biểu tượng của tất cả những người vô tội trong lịch sử thắc mắc về nỗi đau của họ. Như triết gia Jacques Maritain nhận xét : “Người may mắn là người biết tại sao mình đau khổ”. Hoàn cảnh ông Gióp quen thuộc với tất cả chúng ta, nếu ít người trong chúng ta cảm nhận được sự vô tội của ông, thì hầu như tất cả chúng ta đều biết đến nỗi đau, sự thống khổ hoang mang của ông và tự hỏi tại sao lại bị như vậy ?
Chứng tá Giêsu
Khi Chúa Giêsu đối diện với nỗi đau cụ thể của con người, Ngài không dừng lại ở câu hỏi “tại sao phải đau khổ” nhưng hành động để chữa lành người đau khổ. Trong Tin Mừng hôm nay, cả đoàn người bị quỷ ám, bệnh tật, nghe đồn thổi … đang đứng đầy trước của nhà. Chắc ai trong số họ cũng thắc mắc tại sao mình đau khổ thế này, nhưng tất cả đều có chung niềm hy vọng được Chúa quan tâm. Hy vọng của họ không đặt sai chỗ. Chúa Giêsu quan tâm đến cảnh khốn cùng và chữa lành cho họ. Qua một đêm, vào sáng sớm, Ngài tìm một nơi vắng vẻ cầu nguyện, các tông đồ tìm thấy lại báo : mọi người đang tìm Ngài. Khi tin tức về Chúa Giêsu lan ra, mọi ông Gióp trong thị trấn đều xuất hiện trình bày vết thương của mình. Chúa Giêsu như một phòng cấp cứu và Ngài thừa biết ở thị trấn tiếp theo cũng sẽ không khác gì. Ngài đối diện với người bệnh bằng tình yêu Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Ngài đã đến.
Những câu hỏi về đau khổ của ông Gióp không được trả lời trong Tin Mừng. Chúa Giêsu có thể có những câu hỏi của riêng mình về nỗi đau khổ vô tận vây quanh Người, cũng như Ngài sẽ có những câu hỏi của riêng mình khi cuộc khổ nạn đến. Nhưng dù câu hỏi của Ngài là gì, Chúa Giêsu vẫn cam kết chăm sóc người bệnh. Đó là chứng tá của Ngài. Và những kẻ theo Ngài không ngừng trông thấy Chúa chữa lành.
Qua chứng tá của Chúa Giêsu, chúng ta bám chắc sự thật rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong sự yếu đuối và mong manh của chúng ta, trong bệnh tật và đau khổ của chúng ta. Chúng ta có thể thấy sự chăm sóc của Thiên Chúa phản ánh nơi các bác sĩ, y tá, tuyên úy bệnh viện và tất cả những người muốn xoa dịu nỗi đau con người. Đó là lòng thương xót của Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, là sự quan tâm của Thiên Chúa trong hành động. Tất cả họ đều có lý do để thắc mắc, phản đối, tức giận khi nhìn thấy người vô tội phải chịu đau khổ. Nhưng họ vẫn tiếp tục. Như Chúa Giêsu, họ là nhân chứng liên lỉ cho lòng xót thương của Thiên Chúa.
Nguyễn Minh Đức (Nhà thờ Nà Phặc) chuyển ngữ