Ngày 1/5: Thánh Gioan Louis Bonnard Hương – Linh Mục, Lễ nhớ tuỳ chọn

Cậu Gio-an Lu-i Bô-na sinh năm 1824 ở tỉnh Ly-ông (Lyon) nước Pháp. Cha mẹ cậu rất đạo đức, năm lên 12 tuổi ông bà thu xếp cho cậu dâng mình cho Chúa. Cậu Bô-na sức học bình thường nhưng hiền lành đạo đức nên ai cũng mến.

Được ơn Chúa soi sáng, cậu ước ao đi giảng đạo cho dân ngoại chưa biết Chúa thật. Đây là việc rất quan trọng phải được Chúa kêu gọi cách đặc biệt mới dám dấn thân vào cuộc sống nguy hiểm vất vả ấy. Sau khi cầu nguyện bàn hỏi cẩn thận, cậu Bô-na vào đại chủng viện Pa-ri, dâng mình truyền giáo cho dân ngoại. Sợ bị ngăn cản, cậu kín đáo ra đi, rồi mới viết thư từ biệt an ủi cha mẹ.

 

Mối lo âu thành sự thực

Sau khi chịu chức linh mục, Cha Bô-na được cử đi truyền giáo ở Lào, Cha đến phố Mới (Singapore) tìm đường vào nước Lào, bị ngăn trở, Cha phải sang Hồng Kông, ở đây Cha được cử sang giúp địa phận Tây ký.

Năm 1850 Cha Bô-na đến địa phận, Đức Cha Rơ-to (Liêu) giữ Cha ở lại Nhà Chung học tiếng Việt Nam và đặt tên là Cha Hương. Đức Cha khen Cha Bô-na đạo đức, hiền lành, vâng lời và rất khiêm nhường.

Năm 1852, khi Cha đã thạo tiếng, Đức Cha cử Cha coi sóc xứ Kẻ Trình, Kẻ Báng. Năm ấy vua Tự Đức mới ra sắc chỉ cấm đạo ngặt. Thấy các Cha phải bắt, phải giam, phải chết vì đạo thì Cha hằng ước ao mình được phúc trọng ấy, nhưng dù thế Cha vẫn lo trốn tránh như lời Chúa dạy, để giúp linh hồn người ta và để bổn đạo khỏi phải khốn khổ vì mình.

Chẳng bao lậu Chúa đã nhận lời Cha cầu xin, một dịp bất ngờ xẩy đến, chính Cha đã tìm cớ thoái thác vì sợ nhỡ nhàng cách nào sẽ làm hại bổn đạo, nhưng Chúa đã định, công việc phải hoàn thành.

Vậy cũng trong năm 1852, Cha Bô-na và năm linh mục Việt Nam đến làm phúc cho làng Kẻ Báng. Sau đó, họ Bối Xuyên mời Cha Bô-na đến làm phúc. Cha ngại không muốn đi nhưng bổn đạo xin nài mãi, vì nể họ, Cha đã nhận lời nhưng trong lòng vẫn lo có sự bất trắc xảy đến.

Ở họ này có một quan mới phải cách chức, ông muốn lập công với nhà nước, đến mật báo quan Huyện. Quan đưa quân về vây làng ngay. Hôm ấy là sáng chủ nhật, dân làng không biết, vừa làm lễ xong, Cha đang bù các phép cho trẻ em, bỗng thấy bên ngoài xôn xao, Cha hiểu ngay vội vàng cởi áo dòng, định lội qua ao chạy ra cánh đồng nhưng lính đã vây kín mặt này, chạy sang lối khác, nước sâu đến ngang lưng vừa lội vừa ngã, một lúc sau lính bắt được Cha, Thày Kim giúp Cha và chú Bá. Lính giục Cha đi nhanh, Cha mệt bảo họ rằng: “Ai cần thì đi trước, còn tôi đến lúc nào cũng được, không việc gì phải vội”, bấy giờ họ mới đi thong thả.

Đến huyện, quan chỉ hỏi Cha tên là gì, đến Việt Nam từ bao giờ, đã đi những đâu, từ đâu đến Bối Xuyên. Cha trả lời các câu hỏi nhưng nhất định không chịu khai mình đi từ đâu đến Bối Xuyên. Quan truyền đóng gông cả ba Cha con.

Đến tối quan bảo dọn cơm cho Cha ăn, nhưng không biết Cha quen dùng thế nào thì đến xin ý kiến Thày Kim. Khi ngủ lính cũng cho Cha nằm ổ rơm nhưng vì quần áo ướt nên cả đêm ấy Cha không chợp mắt.

Đức Cha Rơ-to nghe tin Cha Bô-na bị bắt thì sai một người chắc chắn đi lo việc chuộc Cha, nhưng quan không nghe cũng không tiếp.

Hôm sau Cha phải giải về Nam Định, vì đường trơn, quan cho Cha đi cáng, dọc đường người ta kéo ra xem rất đông.

Đến tỉnh, quan để ba Cha con ở một nơi, sau bắt Cha ở lại một mình, còn hai người kia giam trong ngục. Đôi khi Cha lại cảm thấy buồn nhưng suy đến Thánh Giá Chúa, Cha lại được an tâm.

Hương thơm xông trước tòa Chúa

Quan Thượng tra hỏi Cha bốn lần. Lần thứ nhất quan hỏi tên tuổi, quê quán, vào đất này bằng cách nào. Người thưa đầy đủ. Quan hỏi thêm: “Ở đất Bắc ông đã ở những làng nào?” Cha thưa: “Tôi ở nhiều nơi không nhớ hết, nhưng dù nhớ tôi cũng không nói”. Quan bảo rằng: “Không nói sẽ phải đòn”. Cha thưa rằng: “Đánh thì đánh, tôi không nói vì làm hại bổn đạo”. Quan lại bảo rằng: “Khóa quá ta sẽ tha, nếu không ta đánh đòn và kết án tử hình”. Cha đáp rằng: “Tôi không sợ đòn, không sợ chết, tôi bỏ quê hương, tôi sang đây giảng đạo, tôi lại bỏ đạo ư?”

Lần thứ hai quan hỏi như lần thứ nhất, Cha chỉ đáp: “Những điều ấy tôi đã nói rồi. Tôi không bỏ đạo, quan muốn làm gì thì làm, tôi không sợ chết”.

Lần thứ ba quan đòi Cha và Thày Kim ra công đường, cố ép Cha phải khai những nơi đã ở, đã đi qua. Cha đáp rằng: “Tôi thà chết chẳng thà khai ra làm hai người ta, tôi là người ngoại quốc mà còn biết thương dân huống chi các quan là cha mẹ dân lại muốn làm hại dân thì thực không phải”. Rồi quan hỏi Thày Kịm dồn dập cố ý để thày luống cuống nói lung tung. Cha thấy thế nói nhỏ với quan rằng: “Xin quan lớn thương dân, đừng tra khảo hai người này kẻo sinh xôn xao”. Quan lắng tai nghe rồi nói với các nhân viên ở chung quanh rằng: “Ông này nói tiếng Việt sõi lắm”.

Lần thứ tư quan hỏi như các lần trước, Cha chỉ trả lời ngắn gọn, vì có người xin Cha đừng nói dài, các quan sẽ dựa vào đấy để khép án, nên trong bản án các quan đưa ra nhiều điều bịa đặt buồn cười. Cha không ký án, quan Thượng đến gần cắt nghĩa, Cha chỉ viết tên mình, quê quán, nghề nghiệp, các quan cũng cứ đệ án ấy về kinh.

Khi Cha bị giam, Đức Cha sai Cha Tịnh kiệu Mình Thánh vào cho Cha và mấy người tù ở đấy, hôm ấy đúng vào ngày thứ sáu tuần thánh. Cha vui mừng viết thư cám ơn Đức Cha, xin Đức Cha, các Cha tha những sự lỗi, và xin Đức Cha chúc lành cho mình được vững vàng xưng đạo đến cùng.

Đức Cha viết thử lại rằng: “Tôi sẵn sàng chúc lành cho Cha, chẳng những lần này mà ngay từ khi Cha mới sang đất Việt, đặt tên Cha là Hương tôi có ý chúc Cha nên như hương thơm xông trước tòa Chúa và đáng được Chúa thương nhận”

Cha cũng viết thư từ giã cha mẹ rằng : “Khi cha mẹ được tin con phải bắt, phải giam cầm khổ sở, phải đổ máu ra vì Chúa Giêsu, xin cha mẹ đừng buồn đừng khóc, cha mẹ hãy vui mừng vì con được Chúa ban cho phúc trọng này, bây giờ cha mẹ phải xa con nhưng sau này cha mẹ sẽ được gặp con trên nước thiên đàng”.

Ngày 30-4, sáng sớm án trong kinh đến Nam Định, quan còn ngủ, một viên chức có đạo xem trộm rồi báo các cho mấy người biết Cha Bộ-na phải xử ngày hôm nay. Tin ấy lan dần, mới trưa mà bổn đạo đã kéo đến rất đông ngồi chật ních ở cửa thành là nơi đoàn giải tù phải đi thế các quan càng đông hơn. qua. Thấy thế các quan hoãn đến hôm sau, không ngờ hôm sau lại càng đông hơn.

Một toán quân voi ngựa rất đông đưa Cha ra pháp trường gần bờ sông, cách tỉnh một quãng đường dài. Cha mang gông đeo xiềng, đi bộ, nét mặt vui tươi hớn hở.

Đến nơi, Cha quỳ cầu nguyện sốt sáng. Lính trói Cha vào cọc. Quan Giám sát xuống voi đến vuốt tóc Cha và nói mấy câu không ai nghe rõ rồi quan lên voi, truyền ra hiệu, một nhát gươm sắc bén đưa linh hồn thánh về trời như làn hương thơm ngát bay lên trước tòa Chúa cao cả.

Lính đánh dữ quá, người ta không thể vào thấm máu được. Lính lấy quần áo Cha dính đầy máu, xé ra bán cho bổn đạo.

Xác và đầu Cha đưa xuống thuyền bỏ ở nơi thật xa, vì quan dạy phải đem theo lương ăn đủ ba ngày. Khi thuyền các quan sắp nhổ sào thì một Thày Sáu và hai thày giảng đã xuống thuyền đi trước có ý xem lính bỏ xác Cha ở quãng nào.

Đến đêm, độ canh hai, thuyền các quan xuống khỏi Tam Toà, họ vất xác và đầu Cha xuống sông rồi quay về. Chiếc thuyền chài quay lại mò được xác và đầu Cha đem về táng ở làng Vĩnh Trị.

Cha Lu-i Bô-na được phúc tử đạo ngày 1-5-1852 mới 28 tuổi. Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho Cha ngày 27-5-1900. Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong Cha lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn