Ngày 12/7: Thánh A-nê Lê Thị Thành (Đê) – Giáo Hữu, tử đạo Việt Nam

Trải qua 300 năm bách hại, Giáo Hội Việt Nam có rất nhiều người nữ anh hùng đổ máu đào làm chứng đạo Chúa Ki-tô, nhưng chỉ có một mình bà A-nê Lê Thị Thành là người nữ duy nhất được Giáo Hội tôn phong lên bậc chân phúc.

Vì đạo mà phải bỏ quê hương

Bà A-nê Lê Thị Thành sinh khoảng năm 1781 ở làng Bái Đền tỉnh Thanh Hoá. Cha mẹ bà bổn đạo gốc, giàu có, sinh được hai con gái là bà và em là bà Thuộc. Cha bà khô khan không lo phần linh hồn, vì không có con trai nên ông lấy vợ lẽ. Ông Trường, em ông, rất đạo đức vì anh lỗi phép đạo, ông bảo chị dâu rằng: “Ở đây, tôi lo sẽ mất đạo, chị có muốn giữ đạo hẳn hoi, hãy theo tôi”. Bà này bỏ cửa nhà, đem hai con trốn đi, chỉ lấy 5 quan tiền ăn đàng.

Ông Trường và ba mẹ con bà Thành đưa nhau ra tỉnh Ninh Bình đến làng Phúc Nhạc, thôn Đông. Ở đây mẹ con buôn bán đủ ăn.

Năm 17 tuổi bà Thành kết bạn với một người làng tên là Nhật và sinh con trai đầu lòng đặt tên là Đê, từ đấy người ta lấy tên con trai mà gọi vợ chồng bà Đê, về sau sinh thêm được hai trai và ba gái nữa.

Gia đình gương mẫu

Ông Đê hiền lành, thật thà, đạo đức, có ba mẫu ruộng, có trâu cày và một mẫu thổ. Bà Đê ngoan đạo siêng năng đi nhà thờ, dù bận việc cũng vẫn đọc kinh tối sớm trong nhà. Một hay hai tháng xưng tội một lần. Chủ nhật hay ngày lễ trọng dù các cha ở xa, bà cũng cố gắng đi không bỏ. Vợ chồng sống hoà thuận, thương yêu, không cãi mắng nhau, không nói lời mất lòng nhau, không chửi rủa con cái bao giờ. Đối với người ngoài, ông bà cũng ăn ở hoà nhã nên được làng xóm quý mến.

Bà Đê siêng năng dạy dỗ con cái, nên con bà người nào cũng hiền lành nết na. Chính bà dạy chúng kinh bổn, tập xưng tội, các trẻ em gần đấy thường sang nhà bà học kinh bổn chung.

Khi con đến tuổi khôn, bà giục chúng đi nhà thờ đọc kinh, dự lễ, xưng tội, chịu lễ. Bà cũng dạy con cách làm ăn để sau này nên thân nên người. Khi con đến tuổi kết bạn, bà lo cho chúng lấy người có đạo hẳn hoi, bà hay đi lại thăm viếng bảo ban như lời bà Lu-xi-a Nụ là con út bà Đê đã khai trong vụ án phong chân phúc rằng:

“Cha mẹ chúng tôi lo gả chúng tôi cho ngươi đạo hạnh. Sau khi lấy chồng, mẹ tôi thường đến khuyên bảo tôi nhiều điều tốt lành. Một lần mẹ tôi bảo tôi: Con vâng theo thánh ý Chúa lấy chồng là gánh rất nặng. Con phải ăn ở ngoan, đừng cãi lại mẹ chồng. Hãy bằng lòng nhận mọi thánh giá Chúa gửi đến. Mẹ tôi cũng thường bảo vợ chồng tôi: chúng con phải sống hoà hợp, an vui, đừng để ai nghe thấy chúng con cãi cọ nhau”.

Bà Đê không giàu nhưng nếu có kẻ khó đến bà cho ngay. Ai phải thiếu thốn, bà giúp đỡ, không tiếc công, tiếc của.

Những năm cấm đạo, các cha không có chỗ ẩn thường đến nhà ông bà Đê. Ông bà đã làm một cái nhà riêng năm gian để các ngài ở cho kín đáo, người nhà không được phép vào. Bà Đê lo liệu việc cơm nước hẳn hoi. Dọn xong, các chú bưng cơm cho các đấng còn bà ít ra vào nơi ấy. Cha Phao-lô Khoan tử đạo ở nhà bà hai tháng. Cha Kim, cha Ngân, cha Thành cũng ở nhà bà. Cha Thành là người ở lâu hơn cả.

Phần thưởng đức bác ái là phúc tử đạo

Hồi đó vào tháng 2-1841 đời vua Thiệu Trị. Hai cha thừa sai là cha Bec-nơ[1] (Nhân) và cha Ga-li[2] (Lý) với hai linh mục Việt Nam là cha Thành và cha Ngân ẩn ở bốn gia đình xứ Phúc Nhạc. Cha Bec-nơ ở nhà ông tổng Thức, cha Ga-li ở nhà ông trùm Cơ, cha Thành ở nhà bà Đê.

Vậy chú Để con cha Thành không biết vì giận hay tham tiền đi tố cáo với cha Trịnh Quang Khanh rằng: “Có hai tây dương đạo trưởng ẩn ở làng Phúc Nhạc, tôi xin dẫn quan đi bắt”.

Ngày 20-3-1841 đời vua Thiệu Trị cũng là ngày lễ Phục Sinh, sáng sớm quan quân kéo đến làng Phúc Nhạc, vây thôn Đông từ xóm Lý đến xóm Giữa, từ ngõ Vực đến ngõ Tây. Bấy giờ cha Thành và cha Ngân đang làm lễ ở nhà ông đội Tựu nên ở ngoài vòng vây, còn cha Bec-nơ và cha Ga-li làm lễ ở nhà ông tổng Thức trong vòng vây.

Khi đã vây kín, quan truyền cho các đàn ông ở trong vòng vây phải ra chợ Nhạc điểm mục và giữ ở đấy, rồi sai lính đi khám từng nhà. Cha Bec-nơ làm lễ ở nhà ông tổng Thức, nghe tin báo quan quân vây kín, khó có thể thoát được. Cha không nói gì, vẫn tiếp tục làm lễ, lễ xong cha còn cám ơn một lúc, không tỏ dấu sợ hãi. Nhà Dòng Mến Thánh Giá Yên Mối có nhà lẻ ở Phúc Nhạc ngay cạnh nhà ông tổng Thức và nhà bà Đê. Ông tổng Thức sợ cha Bec-nơ bị bắt ở nhà mình thì đưa cha sang ẩn ở gác bếp nhà dòng, chỗ này rất kín, nhưng chẳng may vạt áo cha thò xuống, lính vào khám bắt được, lôi cha xuống, cha nhọ nhem, mình đầy bồ hóng. Chị Thanh và chị Khiêm dòng Mến Thánh Giá ẩn ở bờ tre thấy cha bị bắt thì khóc lớn tiếng. Lính nghe thấy đoán là hai chị giúp cha nên bắt cả hai.

Còn cha Ga-li ở ẩn nhà ông trùm Cơ gần nhà bà Đê chỉ cách một cái vườn, ông này dẫn cha đi hết nhà này đến nhà kia nhưng ai cũng từ chối nói rằng: “Xin cha đi ẩn chỗ khác, làm phúc cho chúng con, vì thế nên ông Cơ phải đưa cha đến vườn nhà bà Đê. Bà đưa cha ra cái rãnh ở bụi tre và nói: “Xin cha ẩn ở đây, nếu Chúa giữ gìn thì cha mới không bị bắt, nếu lính bắt được cha chúng sẽ bắt cả con”. Rồi bà và chị Nụ lấy rơm rạ che rãnh ấy. Nhưng lính đã trông thấy, chúng xông vào bắt cha và bà Đê. Chúng vào nhà bà hôi của, nồi niêu bát đĩa, quần áo, gạo thóc, chúng lấy hết.

Lính giải hai cha, bà Đê và hai chị dòng ra đình chợ. Chúng cũng bắt thêm năm người có đạo là ông Đê, ông Trương Oai, ông trùm Cơ, ông khán Hiếu, ông xã Tuệ và bốn người ngoại là các ông tư Phác, cai tổng Cơ, phó tổng Dư và khán Lễ. Chúng đóng gông tất cả, hai cha phải nhốt vào cũi và ngay hôm ấy giải tất cả về Nam Định. Bà Đê yếu sức vác gông nặng không nổi, phải nhờ người vác gông đỡ. Đi cả ngày cả đêm mới đến tỉnh.

Phải phạt vì thua đàn bà

Đến Nam Định, bà Đê phải giam ở dinh quan án cùng một trại với hai chị dòng Mến Thánh Giá, còn ông Đê giam ở trại khác.

Khi mới bị bắt bà sợ hãi, nhưng vừa ra khỏi làng bà lại vui vẻ bình an.

Quan Trịnh Quang Khanh tra khảo bà Đê và hai chị dòng ba lần mà lần nào cũng truyền đánh đòn dữ tợn.

Bà và hai chị dòng phải giam sáu ngày thì điệu ra công đường lần thứ nhất. Quan dỗ quá khoá và bảo: “Nếu chúng bay quá khoá ta sẽ tha ngay”. Ba người cương quyết không theo, thà chết còn hơn quá khoá. Bà Đê thưa rằng: “Lạy quan lớn, tôi theo đạo Gia-tô, tôi không dám bỏ”. Quan hỏi bà: “Hai tây dương đạo trưởng ở đâu đến?” Bà thưa: “Tôi không rõ, tôi chỉ biết một ông bị bắt trong vườn nhà tôi, nên quan bắt tôi làm oan gia”. Dù quan doạ nạt thế nào bà cũng không nói thêm. Quan thấy bà gan góc cứng cổ thì giận lắm, truyền đánh cả ba người. Trước lính dùng roi bảy phân, sau lấy thanh tre thanh củi mà đánh, chân tay mình mẩy sưng húp, máu chảy chan hoà. Sau trận đòn, về đến trại, bà nói với mọi người rằng: “Lính đánh dữ quá, người thế gian không thể chịu nổi. Khi phải đòn, vì có Đức Mẹ thêm sức nên không biết đau”.

Lần thứ hai, quan bắt ép bà Đê và hai chị dòng quá khoá, lại đe nếu không sẽ đánh đòn cho đến chết. Mới bị đòn bốn ngày trước còn đau lắm, song ba người can đảm quyết không nao núng. Quan truyền lính lôi qua thập giá. Nghe lệnh ấy bà sấp mình xuống đất kêu lên: “Lạy Chúa, xin thương giúp tôi, tôi không muốn chối Chúa tôi, nhưng vì tôi là đàn bà yếu đuối nên họ cậy sức lôi tôi qua Thánh Giá”. Quan tức giận, thét lính đánh thật đau, lính đã mỏi tay mà ba người lính dũng cảm vẫn không nao núng. Bà Đê đã già, quan không bắt lột quần áo để tra tấn như hai chị dòng. Một chị bị xúc phạm nói thẳng với quan rằng: “Quan muốn làm chúng tôi xấu hổ, nhưng như thế là quan làm chính vợ quan phải xấu hổ”. Nghe thế, quan phải để các chị mặc quần áo vào.

Khỏi mấy ngày, quan lại đòi cả ba người đến quá khoá nhưng thất bại. Quan truyền đánh bà Đê 60 roi rồi ra một lệnh khủng khiếp là nhốt ba người vào phòng kín, thả rắn độc vào để chúng cắn chết. Nhưng ba người ngồi im không động, rắn lại bò ra. Tức giận quá, quan thét: “Chẳng lẽ cả tỉnh Nam Định mà chỉ có ba đứa đàn bà này dám cưỡng tao và tao phải chịu chúng mày ư! Lính đâu, lôi chúng qua ảnh”. Ba người đồng thanh nói: “Quan dạy lính lôi chúng tôi qua ảnh thì tội quan mang, còn chúng tôi không quá khoá”. Không biết làm cách nào dụ dỗ ba người, quan truyền lính đánh chán tay. Bà Đê đau quá không đi được, lính phải vực về trại.

Sau quan Trịnh Quang Khanh sớ vào kinh rằng: “Ba người đàn bà ấy bất khẳng quá khoá”. Vua giận, phạt ông vì đã thua đàn bà.

Mặc áo hoa đỏ, đeo hoa tai vàng

Bà Đê phải đòn thịt nát máu chảy chan hoà, chân tay sưng thối, nhưng bà không một lời phàn nàn, lại vui vẻ luôn và ao ước chịu khó nhiều hơn nữa. Chị Nụ, con út bà đã khai trước toà phong chân phúc rằng: “Tôi đến thăm mẹ tôi nhưng lính không cho vào, họ gọi mẹ tôi ra sân nói chuyện với tôi một lúc. Thấy mẹ tôi mặc áo có những vết máu đỏ loang lở, đeo gông cụt thiết diệp, tôi không cầm nổi nước mắt. Mẹ tôi cười bảo: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa đỏ và đeo hoa tai vàng đấy”. Rồi mẹ tôi nói tiếp: “Con về coi sóc cửa nhà, đừng lo đến mẹ”. Chị An dòng Mến Thánh Giá, người Nhà Chung cử ra Nam Định coi sóc các tù có đạo nói rằng: “Bà Đê sốt sắng lắm, chẳng những bà đọc kinh tối sáng ở trong ngục, bà còn siêng năng lần hạt và ngắm đàng Thánh Giá. Bà phải giam mấy ngày tôi đã lo liệu đón cha vào giải tội cho bà”.

Chết rũ tù vai còn mang gông vì Chúa Ki

Bà Đê đã 60 tuổi, bị tra tấn dã man, nên kiệt sức dần, không ăn uống được. 15 ngày trước khi qua đời, bà bị sốt nóng, sốt rét, nhức đầu, mê hoảng, sau bị kiết lỵ. Nhà Chung lo liệu thuốc thang cho bà, nhưng bệnh càng tăng dần. Bà biết mình sắp chết thì vui mừng lắm. Chị An mời cha vào làm phép xức dầu và cho bà chịu lễ. Bà chịu các phép sốt sáng, lúc nào cũng than thở rằng: “Lạy Chúa tôi, Chúa đã chịu đóng đanh cho tôi; Chúa định cho tôi thế nào tôi xin chịu bằng lòng, tôi phó linh hồn và xác trong tay Chúa tôi, xin Chúa tha tội cho tôi”.

Khi bà ốm nặng, ông Đê và hai chị nhà dòng thay đổi nhau khuyên bảo, giúp đỡ bà. Lúc hấp hối bà tỉnh táo kêu hai tên cực trọng Giê-su Ma-ri-a cho đến chết. Hôm ấy là ngày 1-5-1841, phải giam trong ngục một tháng rưỡi, bà chết cổ vẫn con mang gông vì khi ốm nặng, ông Đê đã nhờ người vào xin quan tha gông nhưng quan không bằng lòng.

Nghe tin bà qua đời, quan truyền lính lấy giẻ thấm dầu đốt ngón chân để biết bà đã chết thật chưa, rồi giao xác cho bổn đạo. Xác bà được chôn ở Năm Mẫu. Bổn đạo thành Nam Định nói rằng: “Chúng tôi vào trại lĩnh xác bà thì thấy xác mềm mại thơm tho trắng trẻo hơn khi còn sống”. Đến tháng 11-1841, các con bà là ông khán Đằng và chị Lu-xi-a Nụ cải táng đưa về quê, xác bà còn nguyên vẹn và nhận được mặt, phải đổ vôi vào mới lấy được xương.

Hài cốt bà chôn trong vườn nhà bà ở Phúc Nhạc cho đến năm Tự Đức tam thập niên (4-1881), cha thừa sai Bản đưa hài cốt bà Đê về để trong đền riêng xây ở đất nhà thờ Phúc Nhạc cùng với bảy đấng tử đạo khác.

Bà A-nê Lê Thị Thành tức Đê được Đức Thánh Cha Pi-ô X phong chân phúc ngày 2-5-1909 và Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.


[1] Berneux

[2] Galli

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn