Ngày 1/8: Thánh Bê-na-đô Vũ Văn Duệ – Linh mục, tử đạo Việt Nam

Ơn kêu gọi sớm nảy nở trong một gia đình đạo đức

Cha Bê-na-đô Vũ Văn Duệ sinh năm 1755 tại làng Quần Phương thuộc tỉnh Nam Định ở miền Bắc Việt Nam.

Từ khi còn bé, cậu là một trẻ em ngoan ngoãn, chăm đi nhà thờ, các giáo hữu địa phương thường khen câu Duệ có phúc lớn vì được sinh trưởng trong một gia đình đạo đức, cha mẹ sốt sắng, giữ đạo cẩn thận và dạy dỗ con cái giữ đạo cẩn thận nữa. Vì vậy cậu quyết tâm bỏ thế gian để dâng mình cho Chúa rất sớm. Thấy con còn ít tuổi cha mẹ cậu lo ngại, nhưng về sau, suy nghĩ lại lời ca dao quen thuộc này:

“Uốn cây từ lúc còn non,
dạy con từ thuở con còn ngày thơ”.

 

Cha mẹ cậu sẵn lòng quyết định dâng con cho Chúa, cho phép cậu Duệ đến với các cha Dòng Tên để được các đấng săn sóc dạy dỗ, vừa tập nhân đức vừa học hành, mong về sau nên người xứng đáng giúp việc Hội Thánh.

Cậu Duệ đã không phụ lòng của mẹ mình hy sinh dâng con cho Chúa, ước ao cho con nên thân nên người, làm ích cho các linh hồn. Cậu chăm chỉ học hành, chịu khó làm việc và siêng năng đọc kinh cầu nguyện cùng giữ luật phép Nhà Chúa và lời các cha khuyên dạy, nên cả tuần tự tiến lên đều đặn và mau chóng cho đến ngày chịu chức linh mục.

Sau khi chịu chức linh mục, Cha Bê-na-đô Duệ hằng nhớ ơn Chúa ban cho mình được lên bậc cao trọng ấy và chuyên lo làm sáng Danh Chúa cùng cứu linh hồn. Cha dâng trót hồn xác để theo thánh ý Chúa. Cha hay đau ốm lắm, nhưng Cha vẫn luôn vui vẻ bình tĩnh. Năm 1832, Bề trên địa phận thấy Cha già yếu lại có bệnh thì cho về họ Trung Lễ để nghỉ ngơi và dưỡng bệnh. Cha tìm mọi dịp để hãm mình, chỉ nằm trên tấm ván không chịu nằm giường, cũng chẳng chịu dùng màn, nên suốt đêm ngày, Cha hằng chịu ruồi muỗi hoặc kiến rệp cắn đốt liên tiếp. Có ai không hiểu ý Cha mà hỏi sao không triệt cho hết các giống bọ bẩn ấy đi, thì Cha lắc đầu và trả lời rằng: “Tôi đã già cả thế này mà chưa hãm mình được bao nhiêu, bây giờ lại nằm đây chẳng làm được việc gì, nên muốn chịu khó chút ít để đền tội”. Thế rồi Cha cứ để mặc cho những con bọ kia tiếp tục cắn đốt mình, và thản nhiên đọc sách Phúc âm. Chính nhờ việc suy ngắm lời Chúa đêm ngày như vậy, Cha thấy mình được rất nhiều ơn ích về phần linh hồn. Quả thật, Chúa giúp Cha già Duệ dọn mình kỹ càng có đủ sức mạnh đương đầu với cơn bão táp sắp ập tới.

Một linh mục chỉ điểm cho lính bắt mình

Đời vua Minh Mệnh, Đức Cha I-nha-xu Đen-ga-đô[1] (1) (Y) làm bề trên coi sóc địa phận Trung Đàng Ngoài (tức Bùi Chu ngày nay), thì có lệnh cấm đạo. Vừa nghe tin chiếu chỉ của vua đã được công bố, Đức Cha Đen-ga-đô đi trốn ở họ Trung Lễ, nên có dịp đến thăm an ủi Cha Già Duệ. Một lần, hai đấng đang chuyện trò vui vẻ với nhau, Đức Cha Đen-ga-đô hỏi đùa Cha Duệ rằng: “Cha Già có muốn lên tỉnh chơi không?” Cha Duệ hiểu ý Đức Cha và thưa ngay rằng: “Lạy Đức Cha, khi nào Đức Cha phải bắt thì xin cho con cũng được chịu bắt bớ theo Đức Cha”.

Quả thật, Cha Già Duệ hết lòng kính mến Đức Cha, chẳng khác gì người con hiếu thảo kính mến và hằng muốn ở gần cha mình luôn. Cho nên, khi Đức Cha Đen ga-đô bị bắt thật, thì người năng than thở những lời ông thánh Lô-ren-xô xưa đã khóc xin theo Đức Giáo Hoàng Xi-xtô bị bắt mà rằng: “Lạy Cha, Cha đi đâu mà chẳng cho con đi theo? Cha đi tế lễ, sao Cha chẳng cho người giúp lễ đi cùng?” Cha Già Duệ cũng khao khát theo chân Đức Cha Đen-ga-đô, dâng mình làm của tế lễ Chúa để được đổ máu cùng với ngài, làm chứng cho đạo.

Cha Già Duệ bấy giờ đã 83 tuổi, thường xuyên đau ốm, không đi đâu được, mà trong lòng vẫn ước ao đến gặp các quan để xưng đạo ra cách tỏ tường. Nhưng các giáo hữu thì rất lo sợ. Khi nghe tin quan quân sắp đến vây làng mình, họ đưa Cha đi trốn ngoài cánh đồng, ở trong lều dựng cho các người mắc bệnh hủi. Họ muốn phòng trước không để Cha bị bắt ở trong làng và gìn giữ dân làng được bình an. Nhưng họ vẫn một lòng kính mến Cha, cử một người đàn bà săn sóc giúp đỡ Cha, rồi họ trình Cha rằng: “Hễ quan quân có đi qua đây mà lên tiếng hỏi, thì Cha đừng nói gì. Xin Cha để chúng con nói với lính mà nhận Cha là ông của chúng con”. Cha Duệ không chịu, và khuyên các con chiên của mình rằng: “Chúng con không nên nói thế. Cha đã chịu bảy chức thánh, Cha không có con cái, nên chúng con đừng bảo người ta như thế. Cứ để quan hỏi thì Cha sẽ nói rõ Cha là đạo trưởng”.

Tuy bảo các con chiên như thế, nhưng Cha không chịu đợi đến lúc quan hỏi, Cha ở trong lều mà vẫn sốt ruột, chốc chốc lại kêu lên rằng: “Tôi là cụ đạo đây, xin các quan đến mà bắt, tôi đang ở trong lều này”. Có mấy người lính đi qua nghe tiếng người kêu như vậy thì rủ nhau vào trong lều ấy để xem. Cha Duệ thấy lính tới hỏi vội rằng: “Có phải anh em đi tìm đạo trưởng không? Chính tôi cũng là đạo trưởng đây”. Mấy người lính mừng rỡ bắt Cha ngay giải đi nộp cho quan Trịnh Quang Khanh đang ở gần đấy.

Hôm ấy là ngày mồng 3 tháng 6 dương lịch.

Tìm sức mạnh ở Thánh Giá Chúa Giê-su

Quan Thượng Trịnh Quang Khanh vừa gặp thấy Cha Duệ già yếu bệnh tật thì chỉ hỏi qua về tuổi tác, nơi ở và việc làm của người rồi bảo rằng: “Thôi ông đã già lắm rồi thì ta giải ảnh xuống đất cho ông lão bước qua để ta tha cho mà về”. Cha Duệ đáp lại ngay rằng: “Quan lớn đừng bảo tôi làm như vậy, không bao giờ tôi nghe đâu”.

Bấy giờ trời sắp tối, nên quan sai lính đưa Cha vào chùa gần đấy nghỉ qua đêm. Cha chẳng được ăn uống của gì, suốt đêm chỉ nghe lời lính canh sỉ nhục và cười nhạo.

Đến sáng, họ giải Cha về tỉnh Nam Định, đến tòa quan án. Quan bảo người rằng: “Ông bước qua thập tự đi thì ta tha cho về”. Cha vẫn thưa lại mạnh dạn vững vàng như hôm trước. Quan án thấy thế truyền cho lính đóng gông, nhốt Cha vào ngục, tối đến còn bắt Cha mang cùm nữa, mặc dù Cha đã già cả ốm yếu.

Từ hôm ấy, Cha Duệ phải ra tòa để các quan tra hỏi nhiều lần. Khi Cha ở trong ngục giam thì các quan cho người nhà đến tận nơi mà dỗ dành hoặc xem ý tứ Cha thế nào để tìm cách làm cho Cha vâng lời quan mà khóa quá. Nhưng nhờ ơn Chúa thương gìn giữ và nâng đỡ Cha cách đặc biệt, nên tuy đã già nua tuổi tác, ốm đau luôn, lại phải giam trong tù hỏi hám bẩn thỉu, mang gông mang cùm và chịu mọi hình khổ khác, mà Cha vẫn vững vàng chống lại hết các mưu chước người ta bày ra để thúc giục cha bỏ đạo.

Trong ngục giam, Cha chỉ có một chiếc chiếu giải lên đất mà nằm. Có người thương Cha già cả yếu đuối ốm đau thì mang chăn đến để Cha đắp, nhưng Cha nhất định không lấy và bảo người ấy rằng: “Tôi cứ hay nghĩ đến Chúa Giêsu xưa nằm trên Thánh giá, nên thấy mình nằm chiếu này vẫn còn êm ái quá”. Chỗ Cha nằm lại dột nữa, nên mỗi lần mưa, nước dột xuống ướt đến cả một gian nhà, người ta thương định đưa Cha đi ở nơi khác, nhưng Cha vẫn thản nhiên can họ thế này: “Không việc gì đâu, cứ để tôi ở đây cũng được, ướt rồi lại khô, chẳng sao. Tôi chỉ nghĩ đến phúc đời sau. Tôi chỉ mong được đổ máu ra vì đạo thánh Chúa.

Khi Cha Duệ nghe tin Đức cha Hê-na-rét (Minh) và Thày Chiểu vừa được tử đạo rồi, thì nghĩ mình cũng sắp được phúc ấy. Vì vậy, Cha gọi người đàn bà đạo đức vẫn săn sóc giúp đỡ Cha trong ngục mà dặn dò kỹ càng như sau: “Cha không sợ chết, Cha chỉ mong chóng được xử để theo chân Đức cha Hê-na-rét. Con đã nghe ai nói gì về ngày ấy chưa? Con để ý nghe ngóng thêm, hễ biết tin gì thì đến trình Cha ngay.

Ít ngày sau, Cha được tin Đức cha Đen-ga-đô đã chết trong cũi, mà còn phải đem xác đến nơi xử để chịu chém. Cha cảm động và đau đớn quá, bỏ nốt chiếc chiếu, rồi nằm đất không. Người đàn bà đạo đức kia đến xin Cha dùng chiếu để đỡ rét và khỏi sinh bệnh, nhưng Cha từ chối, vì Đức cha đã chết rồi còn phải đem đi xử mà con cái dám nằm lên chiếu thì thật không phải. Nói thế rồi Cha Duệ chỉ lo một việc dọn mình chịu xử, đêm ngày cầm trí đọc kinh cầu nguyện, xin Chúa ban ơn giúp mình thắng trận sau hết.

Quả thật, Cha đã sắp phải đương đầu với trận chiến cuối cùng, vì ngày 28-6-1838, các quan đệ vào kinh, xin vua Minh mệnh xét bản án đã lập chung cho Cha Duệ và Cha Hạnh. Vua ưng thuận và châu phê ngay. Vua còn ra lệnh cho các quan tỉnh Nam Định phải chém đầu cả hai cha ngay, mặc dù Cha Duệ đã 83 tuổi, mà cứ luật nước bấy giờ ai đã 80 tuổi chỉ phải tù chung thân, không phải xử tử. Như vậy, Cha Duệ chịu chết vì đạo, là chịu một án không lập theo đúng luật phép nước, chỉ vì Cha là đạo trưởng và vì vua quan thời ấy ghét đạo. Nhưng Cha Duệ được tin này thì vui mừng hết sức, không hề nghĩ mình bị xử bất công. Cha cầm trí dọn mình sốt sắng để lĩnh nhận phúc trọng Chúa sắp ban cho.

Trận chiến cuối cùng

Sáng ngày 1-8-1838, lính điệu Cha Duệ đến toà quan Án. Tới cửa dinh quan, đứng một lúc thì thấy Cha Hạnh cũng được giải đến. Cả hai cha vui mừng vì biết mình cũng được đi xử với nhau. Thật hạnh phúc và vinh dự cho hai cha được đổ máu ra vì Chúa. Trước khi lên đường ra pháp trường, quan Án còn hỏi lại từng cha rằng: “Bây giờ là lúc đi xử, nhưng nếu ông xuất giáo, vẫn còn kịp, ông sẽ được tha ngay và trở về sống với dân làng, nếu không thì phải trảm quyết. Cha Duệ thưa lại rằng: “Tôi vốn mong ngày được chết vì đạo Chúa tôi. Nay được mãn nguyện thì tôi vui mừng lắm, tôi không bao giờ xuất giáo”. Cha Hạnh cũng thưa dứt khóat như vậy. Nên quan Án giao hai cha cho lính đem đi xử.

Đến cửa thành phải đợi lâu, chờ người ta dắt voi về cho quan cưỡi. Trời nắng gắt quá, nhiều người đi theo động lòng thương Cha Duệ già yếu ốm đau, biếu cha chiếc chiếu để che cho khỏi nắng, nhưng Cha chỉ cám ơn, không dùng chiếu, Cha muốn chịu khó đến cùng. Chúa cũng chiều ý Cha như vậy nên dù quan quân thấy Cha già yếu không còn đủ sức đi thì cho đi võng, nhưng vẫn bắt người đeo gông. Cha Duệ được võng đi trước Cha Hạnh. Cha cầu nguyện và làm dấu Thánh giá trên mình luôn luôn. Một người lính đi trước Cha Duệ cầm thẻ ghi hàng chữ này: “Đạo trưởng Vũ Văn Duệ bất khẳng xuất giáo luật hình trảm quyết. Người lính này quay lại khuyên Cha Duệ rằng: “Cha đã già, hãy xuất giáo đi thì bà con sẽ đưa về phụng dưỡng, nếu Cha không chịu bỏ đạo chắc phải xử tử”. Cha Duệ vẫn cương quyết thưa lại là mình chỉ muốn chết vì đạo. Có một người đàn bà khi trước nuôi Cha, sau xuất giáo, bấy giờ cũng theo đám đông đến gần thì bị Cha mắng rằng: “Mày đã xuất giáo còn đến đây làm gì”.

Khi tới nơi xử, cả Cha Duệ và Cha Hạnh cùng cầm trí cầu nguyện. Lính tháo gông và xiềng cho các cha, rồi bảo Cha Duệ ngồi xuống đất và trói Cha Hạnh vào cọc. Quan Giám sát cưỡi voi ra lệnh, thì cùng một lúc, hai lý hình chém đầu cả hai cha và tung hai đầu ấy lên.

Đây chính là phúc trọng Cha Duệ mong đợi đã lâu. Hôm nay Cha được đổ máu mình ra vì Chúa. Đúng lúc đầu cha rơi xuống thì các thiên thần Chúa sai cũng vừa tới đón Cha lên thiên đàng chầu Chúa và lĩnh phần thưởng tử đạo

Dưới đất, đám đông theo Cha đến đây, giáo lương lẫn lộn, kéo nhau vào thấm máu Cha và Cha Hạnh, nhặt đồ dùng của các đấng về làm dấu tích. Quan quân xua đuổi thể nào họ cũng chẳng chịu về không.

Theo lệnh quan, người ta chôn xác và đầu Cha Duệ và Cha Hạnh ngay tại pháp trường. Mãi lâu sau, bổn đạo mới chuyển di hài hai cha về an táng ở làng Lục Thuỷ thuộc địa phận Bùi Chu.

Cha Bê-na-đô Vũ Văn Duệ cũng như Cha Đa-minh Nguyễn Văn Hạnh đã được phong chân phúc ngày 27-5-1900 triều Đức Thánh Cha Lê-ô 13, và phong hiển thánh ngày 19-6-1988, triều Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II.


[1] Delgado

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn