Ngày 12/7: Thánh Phê-rô Khanh – Linh mục, tử đạo Việt Nam

Cha Phê-rô Khanh là người đạo đức từ thuở bé

Cha Phê-rô Khanh sinh năm 1780, năm thứ 41 đời vua Cảnh Hưng.

Từ thuở bé, cậu Khanh đã ngoan đạo và tốt nết. Cậu là con thứ hai trong một gia đình đạo đức. Cha mẹ cậu trước ở làng Hòa Duệ, tỉnh Nghệ An, sau chuyển lên ở làng Lương Khê để buôn bán làm ăn. Đây là một họ đạo thuộc xứ Thanh Chương, trong tỉnh Nghệ An, phủ Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, tổng Cát Ngạn. Hiện nay xứ Thanh Chương đã được chia thành ba xứ, họ Lương Khê thuộc xứ giữa là xứ Trung Hòa. Các cháu trong họ hàng của Cha Khanh ngày nay ở rải rác nhiều xứ và vẫn giữ đạo tốt.

Cậu Khanh dâng mình vào nhà Chúa từ năm 22 tuổi, sống ở đấy với Cha già Đạc. Ít lâu sau, cậu được vào học trường La-tinh. Cậu học rất giỏi. Đến khi mãn khóa lại về giúp Cha già Đạc.

Khi làm thày giảng, Thày Khanh tỏ ra nhân đức hơn các bạn cùng lớp. Thày thông minh đặc biệt, ít ai sánh kịp. Thày rất chăm dạy kinh bổn và giáo lý cho giáo dân, thường xuyên đi mở tuần làm phúc hết họ này sang họ khác. Đức Cha Mát-sông (Nghiêm) hồi làm Cha Chính địa phận thường khen Thày Khanh giầu tinh thần trách nhiệm, làm việc bổn phận đầy đủ. Sau khi Cha Khanh chịu chức linh mục, có lần Đức Cha Rơ-to (Liêu), trong thư đệ lên Tòa Thánh ngày 20-5 1843, đã viết một đoạn khen người sốt sắng đạo đức ngay từ khi còn là thày giảng.

Đức Cha trình Tòa Thánh như sau: “Khi Cha Phê-rô Khanh còn là thày giảng đã có tinh thần trách nhiệm cao, chu toàn bổn phận một cách cẩn thận giỏi giang, ai cũng khen ngợi. Thầy nết na lễ độ lắm, đến nỗi không bao giờ thấy một người nào nói điều gì xấu về Thày Khanh. Sống với thày, ai cũng công nhận tính Thày hiền lành và thật thà. Thày tuyệt đối vâng lời người trên, từ tốn xót thương người dưới, cho nên ai gặp thày cũng cảm thấy mến phục. Thời gian làm thày giảng, thày đã làm ích rất nhiều cho các linh hồn. Các đấng bề trên đều hài lòng về thày”.

Sau thời gian làm thày giảng, Thày Khanh ra địa phận Đàng Ngoài để học lý đoán. Học xong, thày lại trở về, và được Đức Cha Ghê-ra (Đoan) ở xứ Thọ Kỳ, coi sóc địa phận Nghệ-Tĩnh-Bình thay Đức Cha Lông-giê (Gia) ở Đàng Ngoài, đã truyền chức linh mục cho thày năm 1819, năm thứ 18 đời vua Gia Long.

Cha Phê-rô Khanh là một linh mục gương mẫu

Năm ấy, Cha Khanh 40 tuổi. Bề trên cử Cha đi coi xứ ngay. Cha bắt đầu coi xứ Trại Lê độ 6, 7 năm, rồi đổi ra xứ Thuận Ngãi (Quỳnh Lưu) 14 năm ; sau vào xứ Thọ Kỳ 1 năm, lại chuyển đến làng Truông xứ Thọ Ninh coi sóc được một năm thì bị bắt.

Luôn nhớ đến địa vị cao trọng của mình vì đã chịu chức thánh, Cha Phê-rô Khanh hằng tỏ lòng sốt sắng kính mến Chúa và yêu thương các giáo hữu. Cha nhiệt thành chăm lo chu toàn bổn phận mình, siêng năng làm các phép bí tích, mở tuần làm phúc và dạy dỗ khuyên bảo các giáo hữu; lắm lúc xem ra như Cha quên cả ăn uống ngủ nghỉ để cứu giúp các linh hồn. Dù đường sá khó khăn, dù thời tiết bất lợi, Cha cũng không quản ngại. Mọi người đến gặp Cha đều cảm thấy mình được Cha ân cần săn sóc, nhất là những người nghèo khó. Cha thương cách riêng những người ốm nặng hấp hối: có ai mời Cha đi giúp người ốm thì dù đang ăn cơm, Cha cũng bỏ dở, dù đêm đang ngủ, Cha cũng dậy đi ngay, không sợ đường xa, nguy hiểm, mưa gió, rét lạnh; không thể can ngăn được Cha. Ai cũng khen ngợi Cha là Cha xứ mà lúc nào cũng ăn ở hiền lành nhịn nhục, dù đối với con chiên bổn đạo, cũng không làm mất lòng họ bao giờ, cho nên ai cũng kính mến Cha. Ông Cường là người làng Thọ Ninh, cùng bị giam tù với Cha, đã nhận rằng: “Tôi chưa gặp được một Cha nào có lòng sốt sắng và nhân đức như Cha Khanh. Tôi cũng không thấy có Cha nào thương yêu lo lắng phần hồn phần xác cho các giáo hữu cách tận tụy như Người”. Ông Tô-ma Phục, người làng Trung Hậu, hồi còn trẻ ở Thuận Ngãi, đã kể như sau: “Tôi gặp Cha Khanh ở Thuận Ngãi, chính lúc Người ở Trại Lê ra thay Cha Phượng. Rồi tôi gặp Cha luôn, vì tôi cũng ở Thuận Ngãi là nơi có nhà xứ của Người. Tôi thấy Người nhân đức lắm. Thật là một Cha xứ hiển từ và sốt sắng. Người ân cần coi sóc các giáo hữu, thương giúp họ phần hồn phần xác. Còn Người thì sống nghèo khó nhiệm nhặt Tôi được nghe nhiều người khen ngợi Cha như vậy, và chính tôi cũng nhận thấy thế”.

Đức Cha Mát-sông cũng cảm phục Người mà nói rằng: “Cha Khanh được cất lên chức trọng chẳng khác gì như đèn treo lên cao để soi sáng mọi người trong nhà, vì vậy Cha càng nêu gương nhân đức hơn trước. Cha hết lòng chăm sóc đoàn chiên đã được giao phó cho mình. Cha siêng năng chu toàn nhiệm vụ dẫn dắt họ, nhiệt thành làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Cha lại có nhân đức hiền từ cách lạ lùng. Cha mau mắn vâng lời Bề trên và quan tâm chiều ý mọi người. Bởi vậy, Cha xứng đáng được Chúa chọn để đổ máu ra làm chứng đạo Chúa”.

Các con cái Người cũng được dạy dỗ kỹ càng, tập tành theo khuôn phép nhà Chúa. Do đó nhiều người đã đạt ý nguyện: tám người làm linh mục, trong đó có Cha Xuân, Quang, Trạch, Khoa, Trúc tử đạo; Cha Chất phải giam vì đạo hai năm rồi chết bệnh; Cha Diệu và Cha Trí chết già. Hai thày giảng của Người là Thày Ưu chết vì đạo và Thày Tuyển bị giam với Cha 5 tháng, sau nhiều lần phải gian khổ vì việc đạo.

Đó chính là những viên ngọc quý mà Cha Phê-rô Khanh đã sắm được để trang điểm triều thiên vinh hiển của Cha trên trời.

Cha Phê-rô-Khanh bị bắt giam

Khi vua Minh Mệnh ra lệnh cấm đạo, Cha Khanh phải trốn tránh để làm nhiệm vụ, nhất là những năm Người ở xứ Thọ Kỳ và xứ Ngàn Sâu.

Vua Minh Mệnh qua đời, thì vua Thiệu Trị lên nối ngôi, theo đúng đường lối của vua cha, nên có rất nhiều vị thừa sai bị bắt.

Hồi ấy Cha Khanh đang coi xứ Ngàn Sâu. Một hôm Cha Chính Mát-sông viết thư mời người đến nhà Chung gặp mình, người ra đi ngay. Dọc đường Người ghé vào thăm xứ Thọ Kỳ là nơi đã ở trước. Chẳng may, Người bị chó cắn và phải ở lại chữa một tuần. Vì đã gần Tết, nên không còn thời giờ về nhà Chung, Cha Khanh trở về xứ mình. Cha đi thuyền vì chân Cha chưa khỏi hẳn, không đi bộ được. Nhưng mới tới nửa đường, đến làng Tam Sa, Cha bị bắt. Hôm ấy là ngày 29-1-1842.

Ở Tam Sa có một đồn thu thuế. Các nhân viên đồn này vào soát thuyền Cha Khanh, thấy một sách nguyện, một dây để làm các phép và dầu thánh. Họ hỏi Cha rằng: “Ông cụ này mang sách gì đây, khăn vải này và những lọ dầu này là để làm gì? Cả ông cụ và cả anh thanh niên đi với cụ theo chúng tôi vào đồn”. Cha Khanh nhận ngay: “ Tôi là đạo trưởng”.

Hai người lính thu thuế là ông Tuyển và ông Đồng dẫn Cha với chú giúp vào phía sau đồn, bắt cả hai cha con đeo gông. Tình cờ lúc ấy, ông Hán là thư lại của quan huyện đi qua. Ông nghe biết đồn thuế vừa bắt được đạo trưởng mà chưa báo quan, ông vội đi báo trước rồi đưa ba chục lính tới. Ông hỏi các nhân viên đồn thuế rằn: “Tại sao bắt được đạo trưởng mà các anh không đi bẩm quan ngay?” Họ thành thực kể lại như sau: “Người có đạo muốn chuộc ông cụ ấy, chúng tôi bằng lòng. Họ hẹn đêm nay sẽ mang tiền chuộc đến”.

Ông Hán nghĩ ngay ra một mưu kế đánh lừa người có đạo để kiếm được mối lợi bất ngờ này mà vẫn giữ được hai người tù nộp lên quan. Ông sai mấy người đón gặp người có đạo và bảo họ rằng: “Chúng tôi đã giấu đạo trưởng với chú học trò ở một nơi an toàn, và để thay thế, chúng tôi đã dẫn một cụ già với một thanh niên khác lên nộp quan. Các ông đừng sợ, chúng ta sẽ cùng nhau thỏa thuận giá tiền chuộc”.

Những người có đạo hiểu âm mưu quỷ quyệt này, không ai ra mặt nữa. Ống Hán tức giận bất cả các lính đồn thuế phải đeo gông rồi giải họ về tỉnh Hà Tĩnh. Họ nộp 6 nén bạc thì lại được tha. Còn Cha Khanh, các giáo hữu tìm cách chuộc Cha, nhưng không thu xếp được, nên ngày 4-2-1842, Cha phải giải đến phủ Đức Thọ, thuộc thị xã Hà Tĩnh, giam ở nhà tù phía Tây.

Trong thời gian bị giam giữ, Cha phải tra hỏi nhiều lần. Vốn tính Cha rất nhát gan, nhưng khi phải tra hỏi hoặc bị ép bước qua ảnh Chuộc Tội, thì Cha lại hết sức vững vàng cương quyết. Nhiều lần các quan muốn tha cho Cha, nên khuyên Cha nhận mình là thày thuốc để các ngài có lý do mà tha, nhưng Cha không chịu, cương quyết nói lên sự thật mà thưa các ngài rằng: “Nếu tôi khai mình là thày thuốc, sau này có đạo trưởng khác phục vụ các giáo hữu, thì còn ai tin nữa!” Lần khác, các quan khuyên, thì người thưa rằng: “Tôi làm đạo trưởng khuyên dạy các giáo hữu phải nói sự thực, không được nói dối, cho nên tôi đã làm đạo trưởng thì không thể nhận mình là thày thuốc được, vì nhận như thế là nói dối. Quan lớn thương tha cho, tôi xin đội ơn, bằng không, quan lớn làm tội tôi hay chém tôi ra mấy mảnh, tôi xin vui lòng chịu”.

Suốt thời gian ở trong ngục, ban ngày Cha phải mang gông, đêm đến phải mang thêm cái cùm. Về sau Cha lại phải mang xiềng luôn cả đêm ngày. Mà xiềng nặng đến nỗi phải buộc dây treo lên cao thì Cha mới đủ sức chịu đựng. Dù phải khổ cực như vậy, Cha không hề tỏ vẻ buồn bã hoặc phàn nàn kêu ca. Chính Đức Cha Mát-sông đã nói: “Cụ Khanh đang vui lòng mang gông mang xiềng. Tôi không lạ gì, vì từ lâu, tôi đã biết rõ cụ có lòng đạo đức sốt sắng lắm”.

Làm tông đồ trong nhà tù

Quả thật, nguyên cách sống trong tù đủ làm chứng tỏ tường lòng đạo đức của Cha Khanh. Các bạn tù kể lại rằng Cha Khanh không hề bỏ đọc kinh; không có sách La-tinh thì Cha đọc kinh tiếng Việt. Cha còn lo khuyên các bạn đọc kinh cầu nguyện để được ơn trung thành đến cùng.

Cha luôn luôn tỏ vẻ niềm nở hiền từ với mọi người; gặp những ai bất bình với nhau, Cha giúp họ làm hòa mau chóng. Cha thường khuyên họ rằng: “Chúng ta ở trong tù là khổ cực rồi, sao còn ghét nhau cho khổ thêm”; có ai sai lỗi điều gì, Cha để ý khuyên giục người ấy hối hận và sửa chữa lỗi lầm. Cha còn quan tâm thương giúp họ về phần xác nữa: hễ Cha biết ai thiếu thốn, nhất là những người ốm đau bệnh tật, thì thế nào Cha cũng tìm cách cho, hoặc tiền bạc, gạo thóc, hay thuốc men. Chính bà vợ quan án hồi ấy phải chứng bệnh kiết tả ròng rã hai tháng trời, chữa chạy đủ cách, uống mọi thứ thuốc mà vẫn không khỏi. Về sau con trai quan án ấy hỏi thăm ông đội cai ngục xem trong các người tù, có ai biết nghề thuốc chữa được cho mẹ mình không. Ông đội trả lời rằng: “Có một đạo trưởng đạo Gia-tô có thể chữa bà khỏi”. Con bà quan hỏi thêm: “Ông có thể dẫn đạo trưởng ấy vào dinh quan được không?”

Ông đội vào gặp Cha Khanh để kể việc con quan án muốn nhờ Cha và hỏi rằng: “Cụ có muốn đi với tôi vào nhà quan để chữa cho bà ấy không?” Cha Khanh đáp lại: “Tôi chỉ có gông cùm, không có thuốc chữa bệnh”. Ông đội nài nắng Cha rằng: “Xin cụ cứ đi, trong nhà quan sẽ có đủ các thứ thuốc để cụ dùng”. Cha còn hỏi thêm: “Tôi bị giam tù, gông cùm ngặt thế này, nếu quan gặp tôi đi như vậy thì ngài sẽ làm gì tôi nữa?” Ông đội khẩn khoản thêm: “Xin cụ thương bà ta đau đớn, nếu quan biết cụ ra khỏi tù, chúng tôi xin chịu trách nhiệm, cụ đừng sợ, xin cụ đến chữa cho bà”.

Cha Khanh thấy họ nài nẵng thiết tha quá thì bằng lòng đi. Con quan án đón tiếp Cha hết sức lễ phép, mời Cha ngồi uống nước chè, rồi đưa Cha đến xem cái tủ đựng rất nhiều vị thuốc. Cha chọn năm loại cây, bảo chặt nhỏ, đem sắc, rồi lấy nước cho người ốm uống. Cha quay sang bảo cậu con quan rằng: “Cậu có thể hỏi ý kiến các thày lang để biết công dụng của thuốc này”. Cậu đáp lại: “Mẹ tôi sẽ uống thuốc cụ cho, chúng tôi không cần hỏi ý kiến ai”.

Ông đội lại dẫn Cha vào nhà tù. Hai giờ sau một người lính đến bái lạy Cha và nói rằng: “Bà chủ tôi đã đỡ nhiều, xin cụ dạy phải cho bà uống thuốc gì nữa?” Cha bảo: “Sắc đúng những vị ấy lần nữa cho bà uống” Hai giờ sau, người lính ấy lại đến, vừa vái chào vừa lễ phép thưa rằng: “Xin cụ yên lòng, bà chủ tôi sắp khỏi hẳn rồi. Bệnh tình mười phần đã đỡ được tám, chỉ còn hai”. Cha Khanh dặn người lính rằng: “Về sắc những vị ấy một lần thứ ba nữa cho bà uống, thì bà sẽ khỏi”.

Quả thật, sáng hôm sau, bà không đau đớn gì nữa. Người con trai bà sai lính mang một quan tiền và hai hộp chè, vào tạ Cha thay cho cậu. Thấy Cha không có ấm chén, người lính xin cha cứ nhận chè và hứa sẽ mang ấm chén của quan án vào để Cha dùng. Cha đáp lại: “Tôi gửi lời cám ơn cậu con quan lớn, cậu muốn gửi quà cho tôi, tôi không dám chê, nhưng tôi không thể nhận được”. Người lính nài nẵng: “Nếu cụ không nhận, thì tôi phải đòn chết mất”. Cha Khanh nghe nói thế thì nhận chè rồi biếu lại ông cai ngục, và Cha lấy tiền chia cho các bạn tù. Vợ chồng quan án nhớ ơn Cha và trọng đãi Cha lắm, xử đối với Cha dễ dàng. Nhân dịp ấy, Cha dạy cho vợ chồng cậu Xứng là con quan án cũ, cũng đang bị giam với Cha. Rồi Cha đã rửa tội cho tất cả gia cậu và giúp họ có công việc làm ăn.

Vì Cha tận tình thương giúp người khác như vậy, nên Chúa cũng soi lòng cho có nhiều người nhớ đến và giúp đỡ Cha. Đức Cha Rơ-to hết sức lo liệu giúp Cha Phê-rô Khanh phần hồn phần xác. Người cho các giáo hữu thường xuyên đến thăm viếng an ủi hầu hạ Cha, và sai bà Thuận bà Kính lo việc cơm nước hằng ngày cho Cha. Còn Cha Chất, Nghĩa, Lãng thì năng đến an ủi và giải tội cho Cha.

Cha Phê-rô Khanh phải trảm quyết

Khi vua Thiệu Trị lên ngôi, cơn bách hại bắt đầu dịu dần. Các Cha đã có thể đi lại làm phúc cho các giáo hữu. Nhiều tù nhân được tha. Nhưng Cha Phê-rô Khanh lại bị kết án trảm quyết.

Các quan nghe đồn Cha Khanh chữa khỏi được bà vợ quan án thì đều mến Cha và vì muốn tỏ lòng biết ơn, họ gắng sức khuyên Cha nhận mình là thày thuốc để họ có thể cứu sống Cha. Nhưng Cha Khanh cương quyết, trước sau vẫn xưng mình là đạo trưởng. Thấy không còn cách nào cứu Cha được nữa thì các quan, dưới sự chủ tọa của ông Nguyễn Khôi Trạch, lập án trảm quyết, tâu vào kinh đô Huế, xin vua châu phê. Trong thời gian này, Cha Chất hoặc Cha Lãng còn vào thăm và giải tội cho Cha được một lần sau hết.

Vua Thiệu Trị châu phê y án. Ngày 11-7-1842, án ra tới thị xã Hà Tĩnh, lời lẽ như sau:

“Đạo trưởng Khanh, sinh trưởng ở nước này, từ lâu đã cả dám theo tả đạo Gia-tô, đến nay chưa phải chịu hình phạt xứng đáng với tội ấy. Sau khi bị bắt, nó đã được các quan khuyên dụ đạp ảnh Chuộc Tội nhiều lần, nhưng nó không chịu nghe. Đã rõ nó là đứa ngoan cố, mù quáng và ngu xuẩn. Vì vậy, ta truyền cho nó phải chịu chém đầu ngay”.

Sáng sớm ngày 12-7-1842, ông cai ngục báo tin cho Cha biết. Rồi, vì trọng kính nhớ ơn Cha, ông dọn bữa sáng mời Cha dùng. Cha dùng qua loa theo phép lịch sự, rồi bắt đầu cầm trí cầu nguyện.

Đức Cha Mát-sông ghi lại rằng: “Từ lúc lập án cho Cha Khanh, ra như Cha trở thành một người khác hẳn. Cha không còn sợ hãi như trước. Khi được tin án trong kinh đã ra, và khi lính vào nhà tù điệu Cha đi xử, Cha bình tĩnh vui vẻ không hề biến sắc”. Cha cũng tỏ ra mạnh dạn kiên quyết trước những lời dụ dỗ cuối cùng của các quan. Các quan bảo sao, Cha cũng chỉ trả lời trước sau như một rằng: “Chết thì chết chứ bỏ đạo thì không bao giờ”.

Đến lúc thi hành án, Cha đi giữa 40 người lính cầm giáo đi hai bên, có quan cưỡi ngựa đi trước chỉ huy. Cha Khanh bước đi nghiêm trang, vừa đi vừa đọc kinh, nét mặt bình tĩnh vui vẻ, không buồn cũng không sợ. Đến Cồn Cỏ là nơi quen xử tù, người ta tháo gông cởi xiềng, rồi cho Cha quỳ lên chiếu, trói tay Cha vào cọc chôn dưới đất. Cha quỳ cầu nguyện một lúc, rồi nói: “Đã xong việc”. Quan Giám sát truyền lệnh: “Nghe hiệu não bạt lần thứ ba thì làm việc”. Lúc ấy có mưa bụi ở khắp các cánh đồng chung quanh pháp trường, nhưng chính nơi pháp trường vẫn tạnh ráo. Đây là một hiện tượng. Lý hình tiến đến chào Cha và nói rằng: “Xin cụ đừng trách tôi phạm tội ác này, vì tôi chỉ vâng lệnh vua”. Rồi người ấy vung gươm chém một nhát, đầu Cha rơi xuống đất. Lập tức, mưa ở chung quanh tạnh hẳn. Người ngoại có mặt ở đấy bảo nhau rằng: “Lạ quá, hôm nay oi bức thế nhưng lại có gió và tạnh mưa đúng lúc đạo trưởng qua đời”. Hôm ấy là ngày 12-7-1842.

Cất xác Cha Phê-rô Khanh

Cha Phê-rô Khanh vừa phải trảm quyết xong, thì rất nhiều người, cả lương cả giáo, đem giấy và vải kéo nhau vào thấm máu Cha. Họ tranh giành nhau vì ai cũng coi máu Cha là của quý. Họ còn cạo đất và đào cỏ nơi xử Cha đem về nữa.

Quan sai lính rao như sau: “Cho phép gia đình họ hàng đạo trưởng vào nhận xác về chôn cất”. Ông bếp Xuân nói với một người có đạo là bố thày Gio-an Tạ Hữu Thuận rằng: “Quan cho phép các ông cất xác, đây, ông nhận lấy”. Vừa nói, bếp Xuân vừa nắm tóc xách đầu Cha Khanh tung vào vạt áo của bố Thày Thuận đang giơ vội ra đỡ.

Thày Phê-rô Trần Trọng Tuyển thuê một người ngoại giáo khâu đầu lại. Hôm sau, ngày 13-7-1842, Thày Tuyển và Thày Thuận rước xác Cha về nhà Chung Kẻ Gốm giao cho Cha Chính Mát-sông. Họ nộp cho người cả những gông cùm và vải, giấy đã thấm máu Cha Khanh. Dù bấy giờ đang là giữa mùa hè nóng bức mà sau một ngày rưỡi, xác Cha vẫn tươi tốt, không có mùi hôi thối. Nhiều người trông thấy như vậy nói rằng : “Đúng là Cha ngủ chứ chưa chết”. Khi táng xác Cha, ai cũng phải bỡ ngỡ vì vẫn còn máu tươi ở cổ Cha chảy ra. Cha chính Mát-sông làm lễ cầu nguyện cho Cha, rồi vì nhà thờ đã bị triệt hạ chưa xây lại, nên xác Cha được an táng ở nền nhà thờ cũ. Năm 1846, nhà thờ mới đã hoàn thành, các con Cha là các Cha Xuân, Khoa, Quang, Trúc, Trạch, Chất, Diệu, Trí xin phép Cha Chính Mát-sông, cải táng Cha Phê-rô Khanh vào sau bàn thờ chính của nhà thờ mới.

Đến năm 1871, Đức Cha Gô-ti-ê (Hậu) truyền cất xác Cha Phê-rô Khanh vào tiểu, đóng ấn rồi rước đến một nơi xứng đáng hơn.

Năm 1881, Đức Cha Cơ-rốc (Hòa) lại cử hai Cha thừa sai là Cha Phê và Cha Trung cùng với Cha Khang coi xứ Xã Đoài và Cha Hanh là thư ký của Người, đến kiểm tra một lần nữa, rồi bọc vải, niêm phong và lại cất ở sau bàn thờ chính.

Cha Phê-rô Khanh được phong chân phúc

Tin tưởng Cha Phê-rô Khanh là đấng cầu bầu mạnh thế trước tòa Chúa, các giáo hữu năng đến bàn thờ cất xác Cha để lần hạt và khấn xin Cha thương giúp cho được mọi ơn lành hồn xác.

Từ khi Đức Cha Cơ-rốc thay mặt Toà Thánh tra xét việc Cha Phê-rô Khanh tử đạo, thì số người đến cầu nguyện với Cha càng ngày càng tăng lên rất nhiều. Không phải nguyên các giáo hữu ở gần miền này, mà cả những miền xa xôi cũng tìm đến cầu khấn với Cha và đã được Cha thương giúp rất nhiều.

Ngày 13-2-1879, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 ra sắc chỉ quyết định tra xét việc Cha Phê-rô Khanh. Đến ngày 13-12-1908, Đức Thánh Cha Pi-ô X ra sắc chỉ phong chân phúc cho Cha cùng với 32 đấng khác ( 20 đấng ở Việt Nam và 13 đấng ở Trung Hoa ).

Rồi ngày 11-4-1909, Đức Thánh Cha châu phê, và ngày 2-5-1909 thì công bố sắc phong ấy.

Từ ngày Cha Phê-rô Khanh chịu chết vì đạo (12-7 1842) đến ngày được phong chân phúc (2-5-1909) là 67 năm.

Hiện nay, hằng ngày vẫn có nhiều người xa gần, cả người có đạo lẫn người ngoại giáo đến cầu khấn Cha Phê-rô Khanh ở nơi còn giữ hài cốt của Người, nhất là ngày 18-2 hằng năm, là ngày lễ mừng kínhNgười. Qua các thư tạ ơn được công bố trong dịp lễ ấy, ta biết có rất nhiều người đã được chân phúc Phê-rô Khanh thương giúp cách đặc biệt.

Ta hãy tin tưởng cậy trông Người cầu bầu cho ta trong mọi cơn gian nan thử thách.

Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn phong Người lên bậc hiển thánh.

Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn