Ngày 1/8: Thánh Đa-minh Nguyễn Văn Hạnh (Diệu) – Linh mục, tử đạo Việt Nam

Theo ơn kêu gọi tu dòng từ thuở bé

Cha Đa-minh Nguyễn Văn Hạnh sinh năm 1772 ở làng Năng A, thuộc tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam. Từ khi còn là một em bé ngoan ngoãn trong một gia đình công giáo, cậu Hạnh đã có lòng sốt sắng đạo đức và muốn đi tu như các cha dòng thánh Đa-minh đang giảng đạo ở miền ấy. Cậu đến xin Đức Cha I-nha-xu Đen-ga-đô (Y) nhận mình vào nhà dòng. Đức cha nhận rồi gửi Đức cha Liêm coi sóc và dạy dỗ cậu những điều cần cho được sống trong nhà Chúa để sau này có thể giúp việc Hội Thánh.

Cha Liêm tận tâm săn sóc cậu, mà cậu thì hết lòng ngoan ngoãn theo ơn Chúa và vâng phục cùng tuân giữ mọi điều Cha Liêm dạy. Vì vậy khi được chịu chức linh mục đoạn, Cha Hạnh được mặc áo dòng thánh Đa-minh ngay, và đến ngày 22-8-1826, được khấn trọng thể trong dòng.

Từ nay, Cha Hạnh càng thêm lòng sốt sắng cứu giúp các linh hồn.

Lòng khao khát chịu chết vì đạo

Gặp cơn cấm đạo ngặt, Cha bình tĩnh trú ẩn ở làng Quần Anh Hạ, tiếp tục làm việc giúp các con chiên. Được ít lâu, ở làng này cũng không yên, nên có hai người làng Quần Anh Hạ đưa cha sang trốn ở làng Kiên Trung. Về sau, chính hai người này lại đổi lòng, giả vờ đến làng Kiên Trung đón Cha trở về làng Quân Anh Hạ, nhưng giữa đường lại đem Cha nộp cho quan. Hôm ấy là ngày mồng 7 tháng 5 năm 1838.

Cha bị điệu ngay về dinh quan. Nhưng khi đến cửa thành, Cha nhất định không chịu bước vào, vì các quan đã cho đặt sẵn một ảnh Chuộc Tội ở giữa lối đi. Lính tráng dụ dỗ đe doạ thế nào Cha cũng đứng yên, rồi bảo lính phải cất ảnh đi, nếu không thì Cha cương quyết đứng ở đây mãi. Một lúc lâu sau, lính mới chịu cất ảnh đi rồi giải Cha Hạnh vào bẩm quan.

Quan Thượng bắt Cha khai lý lịch rồi hỏi Cha đã dạy bổn đạo những gì? Cha Hạnh thưa rằng: “Tôi dạy mọi người ăn ở ngay lành lập công phúc, đừng làm việc gì xấu xã để khỏi phạm tội”. Quan Thượng khen Cha dạy dỗ người ta như thế thì tốt, nhưng còn sự bỏ đạo của cha ông tổ tiên dân nước mình mà theo tà đạo từ bên Tây truyền sang là việc không phải, ông nên nghĩ lại cho kỹ rồi hãy xuất giáo thì sẽ được tha ngay. Cha Hạnh quả quyết thừa lại rằng: “Xin quan lớn đừng khuyên tôi như thế, vì không bao giờ tôi bỏ đạo. Trái lại, trong gương hai Đức cha là thày dạy tôi, tôi cũng chỉ mong được chết để làm chứng đạo thật như các ngài”.Quan Thượng nghe Cha nói mình đang mong được chết, thì vừa bỡ ngỡ vừa tức giận, nên quát mắng Cha rằng: “Sao lại có đứa dại dột đến thế này! Sống chẳng muốn lại mong được chết! Cũng có trí khôn, cũng làm cụ đạo cả, mà sao không biết suy nghĩ trước sau như thằng Duyệt đấy, trước kia đã trót rồi thì thôi, nay hiểu ra, sẵn lòng trở về theo phép vua, tuân cứ luật nước, ta đã tha cho về ngay rồi. Bây giờ đến lượt ông cứ làm như vậy, ta cũng sẽ tha ngay”.

Cha Hạnh vẫn thản nhiên thưa lại mạnh mẽ vững vàng rằng dù có phải chết vì đạo cũng vui lòng, còn ai bỏ đạo thì mặc người ấy, phần mình nhất định không bao giờ làm việc xấu xa hèn hạ như vậy.

Quan Thượng muốn dụ dỗ thêm nên hỏi thử xem nếu những người theo đạo Gia-tô tin mình sẽ được lên thiên đàng sau khi chết thì những người không theo đạo ấy, như chính quan Thượng đây chẳng hạn, chết rồi sẽ ở đâu? Cha Hạnh nói thẳng với quan rằng: “Không được lên thiên đàng thì phải xuống hỏa ngục là điều chắc chắn, rồi đến bấy giờ quan sẽ biết”. Quan Thượng đang cầm quạt liền lấy giá quạt vừa vụt vào người Cha, vừa chửi rủa tục tĩu, lại sai lính đánh thêm 15 roi cho thỏa cơn giận. Còn Cha Hạnh cứ bình tĩnh vui tươi đón nhận mọi sự khó ấy. Quan truyền đóng gông và đeo xiềng cho Cha. Lính tráng tuân lệnh quan, Cha Hạnh giúp đỡ họ mau mắn tra gông và lắp xiềng vào cho mình. Rồi Cha đeo gông xiềng rất nặng ấy mà chịu giam, chịu đói trong ngục. Lính canh theo đúng lời quan truyền, không cho Cha ăn của gì. Rồi cứ để Cha đói nhọc như vậy, họ điệu Cha ra công đường nhiều lần, nghe các quan khuyên răn dụ dỗ hoặc đe dọa và đánh đòn, mong làm cho Cha đau đớn khổ cực quá, không đủ sức chịu đựng thì sẽ phải khóa quá, hoặc ký giấy bỏ đạo, nhưng lần nào Cha cũng cương quyết, trung thành theo Chúa, không chịu thua bất cứ mưu mô xảo kế nào của các quan trên.

Một hôm các quan truyền đem mẫu ảnh Đức Mẹ Ma-ri-a ra để Cha bước qua thì cũng sẽ được tha. Các quan khuyên Cha đừng dại dột ngoan cố, vì đây không phải ảnh Chúa chuộc tội, mà chỉ là hình một người đàn bà, các quan đã thương liệu mọi cách cho Cha được sống mà vẫn không phạm gì đến Chúa, nên Cha chớ liều thân vô ích. Cha không đáp lại, nhưng khoan thai bước đến nơi đặt ảnh, giơ hai tay nâng ảnh lên từ từ mà hôn kính rất sốt sắng. Các quan càng tức giận hơn, truyền đánh Cha đủ 100 roi liền ngay lúc ấy, vì tội quá yêu mến và hôn ảnh một người đàn bà, lại nhận người ấy là Đức Mẹ của mình, Cha Hạnh chịu đủ 100 roi, nét mặt tươi vui như một dũng sĩ vừa chiến thắng khải hoàn.

Các quan không còn nghĩ ra được cách nào liệu cho Cha bỏ đạo, dỗ dành cách ngọt ngào êm ái cũng không được việc, mà đe dọa và làm khổ Cha cách dữ tợn nhất cũng vô ích, trước sau Cha chỉ một mực ôn tồn bày tỏ ý mình: “Tôi vui lòng chết vì đạo”.

Một bản án được châu phê và truyền thi hành ngay

Các quan không biết làm gì nữa thì quyết định lập án cho Cha Hạnh. Hồi ấy, Cha Bê-na-đô Duệ, người làng Quần Phương, tỉnh Nam Định, cùng bị bắt giam ở đấy cũng nhất định không khóa quá, nên các quan lập án chung cho cả hai mà sớ vào kinh rằng: “Chúng tôi đã vâng lệnh vua mà tra khảo hai tên tù này là Vũ Văn Duệ và Nguyễn Văn Hạnh, cả hai cùng là người bản quốc. Chúng nó cùng mắc phải mưu chước dối trá của bọn người bên Tây sang, nên theo đạo Gia-tô đã lâu. Chúng nó tin theo những sự dối trá, rồi dạy cho nhiều kẻ khác tin theo nữa. Chúng tôi đã khuyên bảo nhiều, nhưng chúng nó không nghe. Dù đức vua ra chiếu chỉ cấm đạo ấy rất ngặt, chúng cũng chẳng sợ, chúng dại dột mê tín quá, đến nỗi ra như lạc trí, không sao gột bỏ được những điều đã tin và đã ăn sâu vào lòng chúng.

“Chúng tôi đã bắt và tra khảo chúng hai, ba lần, nhưng làm cách nào chúng cũng không chịu bỏ đạo, dù đánh đòn trước sao sau vậy. Cho chúng đau đớn đến chết, chúng cũng cứ một mực”.

“Quả thật là chúng ngu dốt, nhưng lại tưởng mình khôn ngoan thông thái, không chịu nghe ai răn bảo; đối với lệnh vua phép nước, chúng cũng cả gan cưỡng lại như vậy, tội chúng không thể tha thứ được nữa, lũ đáng ghét ấy phải chịu phạt xứng đáng để làm gương cho kẻ khác. Mà chúng tôi có luận phạt chúng, rồi lập án rất nặng, chúng cũng không còn lẽ gì kêu trách được. Vì vậy chúng tôi luận cho cả hai đứa phải trảm quyết.”

Đến ngày 28-6, các quan đệ án này vào kinh xin vua xét. Vua ưng thuận và châu phê ngay. Vua cũng ra lệnh cho các quan tỉnh Nam Định phải thi hành án ngay.

Vui mừng và nhẫn nại chờ mong ngày xử án

Cha Hạnh nghe biết tin này thì hết sức vui mừng, sốt sắng tạ ơn Chúa và dọn mình sẵn sàng, mong chờ ngày được chịu chết, để nên giống Chúa Kitô xưa đổ hết máu mình ra vì thương yêu loài người. Cha Hạnh phải chịu nhiều hình khổ rất dữ tợn mà vẫn bình thản nhẫn nại. Cha còn có cam đảm giảng lẽ đạo trước mặt các quan, bênh vực đạo công giáo là đạo thật, chỉ dạy các giáo hữu ăn ở theo đức công bằng và yêu thương, cho nên Cha vui lòng xưng đạo ra trước mặt mọi người cho đến hơi thở cuối cùng.

Các giáo hữu đã bị bắt và đang phải giam ở đấy thấy Cha Hạnh chịu khổ cực đau đớn như vậy cách vui lòng, thì ai cũng cảm thấy bạo dạn hơn, mạnh mẽ hơn và khuyến khích nhau vững vàng giữ đạo đến chết. Họ thấy Cha chịu tra tấn dữ dội nhiều lần trước mặt các quan, lại phải đánh đập tàn nhẫn trong ngục giam, vì lính tráng rất hung ác.

Dù có án trong kinh ra rồi, mà các quan vẫn muốn dỗ Cha Hạnh bỏ đạo thì nghĩ ra mọi thứ mưu chước, nhưng vô ích cả, chỉ vì Cha được Chúa giúp sức cho, nên không có mưu chước nào của loài người thắng nổi.

Hôm 25-7-1838, lính điệu đi xử Cha Chính Giu-se Phéc-năng-đê (Hiền) đang cùng bị giam ở đấy. Họ cũng giải Cha Hạnh đến dinh quan An, rồi bắt Cha chuyển sang một nhà ngục khác. Khi Cha Hạnh ra khỏi dinh quan Án, mà thấy lính tráng giải đi lối khác thì mừng lắm, vì tưởng mình cũng được điệu đi xử cùng với Cha Chính.

Đến ngày 28-7-1838, có một quan khác thấy Cha Hạnh vừa thông thái vừa đức độ, không phạm tội gì phản dẫn phản nước mà phải chết thì động lòng thương, nên sai một thày ký lục đến thăm rồi dỗ Cha rằng: “Quan lớn sai tôi đến nói chuyện với Cha, xin Cha vâng lệnh vua mà xuất giáo, quan lớn tôi sẽ tư giấy kêu giúp và Cha sẽ được tha ngay”. Cha Hạnh thưa rằng: “Thày về bẩm quan lớn có tha thì tôi sống, không tha mà giết thì tôi vui lòng chịu chết, không bao giờ tôi bỏ đạo. Dù sống dù chết tôi cũng vẫn theo đạo Gia-tô “Cha đã nói quả quyết như vậy nhiều lần, mà quan cũng chưa lấy làm đủ. Quan còn sai người nhà quan đến gặp Cha nữa mà hỏi, Cha có muốn sống không? Cha thành thực thưa rằng: “Chúa định cho tôi tôi chết, tôi sống thì tôi sống theo thánh ý Chúa. Nếu Chúa định cho tôi chết, tôi vui lòng chết vì đạo Chúa, không phàn nàn gì”.

Quan nghe người nhà kể lại những lời thưa thì tức giận, cho đòi Cha đến công đường, đánh Cha mà bảo rằng: “Mày muốn sống thì hãy bỏ đạo, không nghe ta thì phải chết”. Cha Hạnh vẫn cương quyết bằng lòng chết vì đạo, không chịu bỏ đạo.

Mấy người lính đứng gần đấy thấy thái độ của Cha thì thầm khuyên Cha rằng: “Ông mà cứ thưa như vậy mãi sẽ không thoát chết đâu”. Cha Hạnh công nhận ý kiến của họ: “Phải! Các chú nói đúng. Tôi phải chết là điều chắc chắn rồi, hôm trước tôi tưởng mình được chết cùng một ngày với Cha Chính Phéc-năng-đê, tôi đã mừng, ngờ đâu đến hôm nay vẫn chưa được phúc tử đạo, nên tôi buồn lắm. Không biết tôi còn phải chờ đợi bao lâu nữa”.

Nghe những lời ấy, hẳn là quan đã quá rõ lòng cương quyết của Cha Hạnh, và thừa hiểu có dỗ dành đe dọa Cha thêm cũng vô ích. Nhưng ma quỷ là loài không biết xấu hổ, nên dù đã thua nhiều trận, nó vẫn bày thêm mưu chước mới để xui giục các quan mê hoặc Cha. Nó cám dỗ không được, thì dùng các quan là những tôi tớ của nó, mong hòng Cha sa ngã.

Vì vậy, các quan lại hội nhau, cử một quan Thượng biện khôn ngoan đến thăm Cha. Quan này dùng lời lẽ êm ái lịch sự mà nói với người rằng: “Quan lớn tôi thấy Cha đã gần đến ngày phải xử, thì buồn và thương Cha lắm. Các quan cử tôi đến xin Cha bỏ đạo đi, thì quan lớn tôi sẽ đưa Cha về nhà quan lớn tôi để săn sóc”. Một lần nữa, Cha Hạnh lại nói rõ lòng mình, chỉ ước ao được chết vì đạo Chúa, sao các quan không cho xử, còn bảo đến ở nhà quan lớn nào nữa? Quan Thượng biện lại dỗ Cha bỏ đạo thì quan lớn sẽ tha ngay rồi cho giữ chức Điều hộ[1] quan lớn. Cha Hạnh thưa ngay: “Dù tôi được làm quan Thượng, tôi cũng không bỏ đạo, mà chỉ mong chịu chết vì đạo để được làm con Thiên Chúa thật”.

Các quan thấy Cha Hạnh gan dạ mạnh mẽ như vậy

  thì ngã lòng, không hy vọng dụ dỗ được Cha nữa, nên định xử ngay cho xong việc.

Chịu thử thách và cám dỗ đến ngày cuối cùng

Thế là sáng ngày 1-8-1838, khi Cha Hạnh còn đang nghỉ, đã thấy các quan và lính tráng động đạt rộn rã. Các bạn tù đánh thức Cha dậy mà rằng: Có lẽ các quan đến điệu Cha đi xử bây giờ chăng? Cha Hạnh nghe nói thế thì mau mắn dậy ngay, cầm trí đọc kinh cầu nguyện. Rồi thấy quan lãnh binh vào bắt Cha đem đi xử. Cha Hạnh cám ơn và từ giã các bạn tù, rồi bình tĩnh ra đi.

Lính tráng điệu Cha đến tòa quan Án. Khi gặp Cha Duệ đã tới cửa dinh quan trước mình, Cha Hạnh nói to với Cha Duệ, mà mọi người ở đấy đều nghe rõ rằng: “Các quan đem Cha đi xử cùng với tôi đấy, Cha có biết không? Không ai nghe tiếng Cha Duệ trả lời thế nào, nhưng trông nét mặt Cha vui vẻ hài lòng vì được cùng đi với Cha Hạnh.

Cả hai Cha vào tới tòa quan án rồi, thì quan nhìn thẳng vào Cha Hạnh mà nhắc lại rằng: “Bây giờ là lúc đem đi xử, nếu muốn sống và bỏ đạo cũng còn kịp, nếu không bỏ đạo thì phải trảm quyết”. Cha Hạnh thưa rằng: “Từ lâu tôi đã ao ước chịu chết vì đạo. Nay đến ngày tôi được thoả lòng trông mong thì tôi vui mừng lắm. Tôi xin chịu chết mà không bỏ đạo”.

Quan cũng hỏi Cha Duệ như vậy, và Cha Duệ cũng thưa như Cha Hạnh, nên quan giao cả hai Cha cho lính tráng điệu ra pháp trường.

Đến cửa thành, hai Cha phải giãi nắng lâu, đứng chờ, vì con voi còn ở ngoài đồng chưa về, nên quan chưa có voi để cưỡi đi.

Có rất đông người, cả bên lương cả bên giáo, theo hai Cha đến tận nơi xử. Cha Hạnh già 60 tuổi vẫn phải đeo gông nặng lắm và có xiềng quấn kín từ cổ xuống chân, vì vậy lính tráng phải đặt người lên chông mà khiêng đi. Dù khổ cực đau đớn như thế, Cha vẫn vui vẻ; thấy đông đảo các giáo hữu đi theo, Cha khuyên bảo họ chịu khó vững lòng giữ đạo, rồi từ giã họ rằng: “Chúng con hãy nghỉ lại bình an. Cha với Cha Duệ về thiên đàng trước hưởng hạnh phức vô cùng, sau này sẽ đón chúng con”.

Trước mặt Cha, có một người lính cầm thẻ ghi hàng chữ như sau: “Đạo trưởng Gia-tô Nguyễn Văn Hạnh theo đạo rối, bất khẳng khóa quá, luật hình trảm quyết”. Cha xin xem thẻ ấy, nhưng lính không cho, Cha vẫn thản nhiên bảo đây chính là án của Cha mà Cha xin xem, sao lại không cho xem? Nhưng lính cũng không cho.

Cha Duệ đi trước, cũng có lính cầm thẻ dẫn đầu.

Khi hai đấng vừa tới pháp trường, Cha Đa-minh Hạnh nói lớn tiếng bảo Cha Bê-na-đô Duệ rằng: “Đã sắp đến lúc chúng ta được đổ máu vì đạo thật, chúng ta hãy sốt sắng cầu xin Chúa ban đủ sức mạnh để chúng ta can đảm chịu khó cho nên, thỏa lòng chúng ta ước mong bấy lâu”.

Thế là cả hai Cha cầm trí cầu nguyện. Lính tráng bắt đầu tháo gông tháo xiềng cho hai Cha. Họ bảo Cha Duệ ngồi xuống đất, còn Cha Hạnh phải trói vào cọc. Cha bảo lý hình rằng: “Cố mà làm cho khéo thì sẽ được thưởng”.

Quan Giám sát ngồi trên mình voi, thấy hai Cha đã cầu nguyện xong thì ra lệnh thi hành án trảm quyết: hai lý hình chém đầu hai Cha cùng một lúc, đoạn tung đầu lên để quan biết đã chém thật rồi, thì reo lớn tiếng rằng: “Hai cụ đạo bị chém rồi”.

Lập tức, mọi người chạy ùa vào, cả giáo hữu, cả kẻ ngoại, họ thấm máu hai Cha, họ tranh nhau lấy đổ dùng của hai đấng tử đạo về giữ làm kỷ niệm. Quan quân và lính tráng ngăn cản thế nào cũng không được.

Bấy giờ có quan tài đã mang đến sẵn, nên quan truyền chôn xác và đầu hai Cha ngay ở đấy. Mãi sau các giáo hữu mới lo liệu mang xác hai Cha về an táng ở làng Lục Thủy thuộc địa phận Bùi Chu.

Đức Thánh Cha Lê – ô XIII đã phong chân phúc cho Cha Đa-minh Hạnh ngày 27-5-1900.

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong Người lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.

 


[1] Điều hộ: Thày thuốc được triều đình cho phép chữa bệnh cho nhân dân hay binh lính.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn