Ngày 28/4: Thánh Phao-lô Phạm Khắc Khoan – Linh mục, Lễ nhớ tuỳ chọn

Xuất thân từ một gia đình ngoại giáo

Cha Phao-lô Phạm Khắc Khoan sinh năm 1771, tại làng Bồng Hải, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, trong một gia đình ngoại giáo. Về sau cha mẹ Người đưa con cái đến lập cư ở Trại Bò, thuộc xã Duyên Mậu. Trại Bò là một họ đạo thuộc xứ Hảo Nho, bây giờ thuộc xứ Hiếu Thuận, có cố Thạch coi sóc. Cố đã lo liệu cho cả gia đình Người được phúc gia nhập đạo Chúa, làm con cái Chúa, lại nhận cho cậu Phao-lô Khoan dâng mình vào Nhà Chúa Trời, ở với cố, tại nhà xứ Hảo Nho.

Về sau, khi cậu Khoan được làm thày giảng thì Bề trên sai đến làm thày Cai ở Nhà Chung Vĩnh Trị. Những người quen biết thày hồi ấy đều làm chứng thày có lòng đạo đức sốt sắng, ngay thẳng và hoà nhã dễ ở với kẻ khác, nhất là thày hay thương giúp người nghèo khó; còn phần thày thì hằng hãm mình nhiệm nhặt, chê bỏ những sự sang trọng thế gian và mọi cách nuông chiều thân xác.

Một linh mục khắc kỷ và quảng đại

Từ khi được chịu chức linh mục, Cha Phao-lô Khoan càng làm gương sáng và càng nổi tiếng về các nhân đức ấy, nhất là nhân đức hãm mình nhiệm nhặt. Hằng ngày, Cha chỉ dùng hai bữa cơm thanh đạm, buổi sáng, lễ đoạn, chỉ uống vài chén nước chè. Dù khi khó nhọc vất vả, cũng như khi tuổi tác yếu nhọc, Cha vẫn ăn chay suốt mùa Chay Cả, và các ngày chay khác; lại khuyên giục cả nhà cũng ăn chay như vậy.

Trong suốt cuộc đời linh mục, Cha chỉ đi bộ, không chịu để ai võng cáng mình bao giờ. Quần áo Cha mặc chỉ may bằng vải thường, dù khăn đội trên đầu cũng thế. Cha cố ý sống một đời khắc kỷ để có thêm phương tiện giúp đỡ những người nghèo. Cha xử rộng rãi với họ, cho tiền của và tậu đất làm nhà cho họ ở.

Cha Phao-lô Khoan rất chịu khó giảng giải cho bổn đạo và khuyên dạy người trong nhà Chúa. Đối với bổn đạo, Cha thường chú ý tập cho họ giữ đức công bằng và đức trong sạch, vì Cha đã biết, ai giữ mình sạch tội về hai điều ấy, chắc chắn sẽ được rỗi linh hồn. Đối với người trong nhà Chúa, Cha hay khuyên về nhân đức khiêm nhường và nhân đức vâng lời, lại dạy họ năng tập nhớ mình ở trước mặt Chúa. Dù khi ở nhà xứ hay khi đi làm phúc ở bất cứ họ nào nơi nào, Cha cũng nhẫn nại ngồi tòa giải tội. Cha luôn tỏ ra dễ dàng và nhịn nhục, có người xưng tội lâu, hoặc trời đã khuya Cha cũng gắng sức, chẳng để ai phải về không. Vì vậy, các giáo hữu kính mến Cha lắm.

Cha Phao-lô Khoan bị bắt

Khi được cử làm chính xứ Phúc Nhạc, thì Cha Khoan đã ngoài sáu mươi tuổi. Bấy giờ có ba Cha Phó giúp người, nhưng Cha Xứ vẫn chịu khó làm việc để nên gương sáng cho mọi người. Mỗi tháng một lần, Cha đi thăm các họ Phúc Nhạc, Đông Biên, Tôn Đạo và nhà dòng Yên Mối. Cha coi xứ Phúc Nhạc được mấy năm thì bị bắt ở làng Đông Biên. Hôm ấy là ngày 24-8-1837.

Chiều hôm trước, Cha Phao-lô Khoan đi thăm người ốm ở làng Trại Bò. Khi trở về đến làng Đông Biên thì trời đã tối. Hồi ấy ông Phó Tổng Dụ đứng ra nhận trại Đông Biên để dân ngoại khỏi quấy, cho nên Cha Xứ vào trọ nhà ông một đêm, định sáng sớm hôm sau đi ngay. Nhưng ông Phó Lý trong làng biết và báo cho Lý trưởng. Ông này không có đạo, giả vờ đến thu thuế nhà ông Phó Tổng Dụ, dò xét tình hình, rồi chờ đêm khuya mới cho tuần tráng tới vây. Sáng sớm hôm sau, Cha vừa ra khỏi nhà, đã thấy họ đang nấp ở khắp bụi tre chung quanh nhà ông Phó Tổng Dụ. Cha không còn cách nào đi thoát. Lý trưởng dẫn tuần tráng xông vào bắt Cha cùng với hai thày giảng tên là Thanh và Hiếu.

Nhã nhặn lịch sự nhưng cương quyết cam đảm

Cả ba Cha con bị giải lên tỉnh ngay. Dọc đường, gặp ông Nhàn là em ruột Cha ra đón, xin nộp mình thay, Cha không cho, lại bảo em mình rằng Cha lấy làm mừng lắm vì đã đến ngày giờ được chịu khó vì Chúa Giê-su. Đến tỉnh Ninh Bình, ba cha con cũng vẫn được giam cùng với nhau ở dinh quan Án, dòng dã ngót ba năm trời. Cha đã sáu mươi tám tuổi, dù già yếu, dù phải tra tấn mấy kỳ, phải đánh đòn nhiều trận, dù chịu khổ cực mọi cách, ở nơi chật hẹp bẩn thỉu hôi hám thế nào, Cha cũng vẫn một mực bình thản cương quyết, không sờn lòng, không giao động, trước sau chỉ nhã nhặn can đảm thưa lại một điều: “Dù sống dù chết, tôi không bỏ đạo”.

Khi Cha phải đứng trước mặt các quan xét xử mình, Cha vẫn thưa những lời mềm mại lịch sự hẳn hoi, nhưng ngay thẳng và cương quyết. Lần đầu tiên, quan Tuần phủ Ninh Bình khuyên Cha khóa quá, Cha thưa lại rằng: “Bẩm quan lớn, quan lớn dạy thế thì thực không phải”. Quan Tuần hỏi lại Cha: “Không phải à? Theo lời ta thì sống không theo lời ta thì chết. Đứng trước hai con đường sống và chết, ta bảo cho ông chọn lấy con đường sống, thế mà lại không phải ư?”.

Cha Khoan êm đềm thưa lại: “Trình quan lớn, thí dụ quan lớn đã mang ơn đức vua bấy lâu, nếu gặp lúc giặc nổi lên quấy phá, mà vua sai quan lớn đi dẹp yên. Nếu quan lớn sợ chết, không tuân lệnh vua, lại theo giặc, thì quan lớn chẳng phụ ơn vua lắm sao. Mà ăn ở như thế thật là không phải. Phần tôi đã chịu ơn Thiên Chúa từ thuở bé, mà quan lớn khuyên tôi bỏ Thiên Chúa thì chẳng phải là khuyên tôi một điều trái lẽ ư?”.

Quan Tuần nghe Cha lý sự như vậy thì tức giận, đập bàn quát mắng, rồi sai lính đánh Cha 12 roi mây.

Đến trước mặt quan Án, Cha còn bị đánh mắng nhiều hơn nữa, vì Người vẫn cãi lý rành mạch, mặc dù quan án nói quyết rằng: “Ông già rồi mà còn dại, sao chẳng nghĩ lại cho kỹ để hiểu biết mình nhầm lẫn cả thế, sao chẳng vâng lời vua, lại nghe mấy thằng tây xui dại mà chết cho uổng mạng”. Cha vẫn bình tĩnh thưa lại gọn gàng: “Sống chết tôi không bỏ đạo”.

Quan Tuần và quan Án thấy uy quyền của mình không lay chuyển nổi tấm lòng sắt đá của vị linh mục già này và có nêu lý lẽ gì ra đe doạ dụ dỗ, thì Người cũng sẵn sàng đối lại ngay bằng những lời biện hộ rất phân minh, cho nên hai ông đã triệu tập hội đồng các quan tỉnh để xử. Nhưng Cha Khoan vẫn một mực trung thành: “Thà chết, không bỏ đạo”. Các quan thấy vậy, truyền đem gông thiết diệp (bằng sắt) bắt người đeo thay gông cũ cho nặng hơn, rồi giam người riêng ra. Họ bàn nhau dụ dỗ từng người một cho dễ. Có một quan Án đòi Cha lên mà bảo: “Hai đầy tớ ông đã giác ngộ và khóa quá rồi, ông còn ngoan cố cưỡng lại mãi làm gì?” Cha Khoan tưởng thật thì buồn phiền đau đớn lắm. Đến hôm sau, có một người đàn bà vào thăm và trình kín với Cha rằng: “Hai thày giảng của Cha vẫn cam đảm xưng đạo ra mạnh mẽ đến nỗi mọi người đều khâm phục, cả các quan cũng lấy làm khiếp. Bấy giờ Cha Khoan mới vui mừng và hết lòng tạ ơn Chúa.

Buồn tiếc vì chưa được tử đạo

Hội đồng các quan cũng không thuyết phục được Cha Phao-lô Khoan, nên đồng lòng khép án cho Cha phải trảm quyết, bêu đầu ba ngày làm gương cho mọi người sợ. Cha Khoan nghe tin ấy thì mừng lắm vì sắp được đổ máu làm chứng cho đạo và về cùng Chúa. Nhưng không được mấy ngày, Cha lại phải buồn tiếc, vì khi các quan đệ án xử Cha vào kinh, thì vua Minh Mệnh chưa y án trảm quyết, lại cải án ấy như sau: “Thằng có tội ấy lừa dối người ta đã lâu, đến trước mặt các quan, nó cũng không chịu khóa quá, thật nó đáng chết. Nhưng nó đã ngoài 60 tuổi, chẳng sống được bao lâu nữa, thì phạt nó như hai đầy tớ nó là giảo giam hậu”.

Bởi vậy, Cha phải giam thêm mấy tháng nữa. Chúa muốn thương an ủi Cha, nên trong thời gian này, có một Cha khác kín đáo vào tù, giải tội và kiệu Mình Thánh cho Cha chịu được năm, sáu lần. Cha lấy làm vui mừng vì được chịu phép cực trọng ấy. Bổn đạo cũng có nhiều người đến thăm viếng Cha. Đức Cha Rơ-to (Liêu) thì viết thư an ủi Cha. Lính canh thấy Cha điềm đạm đức hạnh dường ấy thì đều tỏ lòng cung kính Cha. Khi Cha đọc kinh, họ cấm các tù nhân khác không được nói chuyện ổn ào làm phiền cho Cha. Bổn đạo thấy thế mang mấy nén bạc đến cho các lính canh, thì những người này tháo cùm tháo xiềng, đổi gông nhẹ cho Cha và để Cha đi đọc kinh cùng với Thày Thanh và Thày Hiếu. Ông cai đội chỉ phàn nàn thương tiếc Cha sẽ phải chết. Phần Cha thì lại mong chóng đến ngày giờ hạnh phúc ấy.

Tuy vậy, Cha vẫn còn phải chịu nhiều nỗi khổ cực khác, vì bị giam lẫn với những người trộm cướp trong nơi chật hẹp hôi hám bẩn thỉu, lắm muỗi, lắm rệp … nhưng Cha hằng tỏ nét mặt tươi tỉnh vui vẻ, chỉ mong chóng được phúc tử đạo. Khi bổn đạo đến thăm, Cha chỉ xin họ cầu nguyện cho Cha chóng được phúc trọng ấy. Bấy giờ Đức Cha Rơ-to đã lo liệu cho một người nuôi các đấng trong tù. Bổn đạo cũng dâng nhiều của cải và quà bánh cho các Đấng. Cha Khoan dùng mọi của ấy để nuôi mười người bạn tù. Còn Cha, dù ở trong tù, vẫn ăn chay thường xuyên các ngày thứ sáu, và rửa tội được hai trẻ nhỏ đang lúc hấp hối.

Nhẫn nại và vui vẻ đón chờ phúc tử đạo

Ngày 22-11-1839, vua Minh Mệnh ra sắc chỉ truyền các quan phải liệu cách bắt Cha Phao-lô Khoan bỏ đạo. Các quan lại mời Cha lên ăn trầu uống nước để lựa dịp dụ dỗ. Nhưng thay vì cảm hoá Cha, thì chính các quan lại được Cha cảm hóa. Lời lẽ lý sự đanh thép, nhưng dịu dàng và lịch sự của Cha khiến cho hết thảy các quan đều khâm phục và mến tiếc. Các quan dỗ Cha Khoan rằng: “Ông khóa quá đi cho chúng tôi mừng, vì chúng tôi biết ông lắm”. Cha điềm đạm trả lời: “Tôi suy đi nghĩ lại kỹ càng rồi. Mà lạ thay càng suy nghĩ kỹ, tôi càng thấy đạo tôi theo là chính đạo, tôi càng sẵn lòng giữ đạo tôi cho đến chết”.

Các quan lại đòi Cha ra công đường mà phân trần thêm: “Đức vua thương ông lắm vì ông là người bản quốc, ngài dạy giam ông để chờ ông suy nghĩ lại mà biết mình đã nhầm, rồi sửa lại mà khóa quá thì ngài tha ngay. Phần ta cũng thương ông lắm, ông hãy vâng lệnh vua để ta tha ngay bây giờ. Nay có chỉ của vua truyền ông khóa quá đây, ông đừng cưỡng nữa”.

Cha Khoan thành thật thưa lại rằng: “Đội ơn đức vua, bẩm quan lớn, tôi biết ơn quan lớn thương tôi, nhưng tôi đành phải làm bận lòng quan lớn, không thể vâng lời đức vua và quan lớn. Tôi chỉ xin quan lớn làm ơn cho tôi biết sớm ngày nào tôi phải xử để tôi lo liệu việc riêng mà từ giã thế gian”.

Quan hứa sẽ cho biết sớm, rồi mời Cha vào trong nhà ăn trầu uống nước, nói chuyện thân mật mong dỗ được Người. Nhưng quan hỏi điều gì thì Cha thưa lại điều ấy có lý sự rõ ràng. Quan tâm sự với Cha rằng: “Ta tiếc ông lắm, ông khóa quá đi, để ta tha và ông ở lại với ta, thì ta mới vui mừng được”. Cha Khoan cũng tâm sự với quan ấy rằng: “Cám ơn quan lớn thương tôi. Giả như tôi khóa quá sẽ được tha, rồi về lại giữ đạo thì vua và các quan cũng chẳng biết, nhưng mà gian giảo như vậy thì mắc tội phạm đến Thiên Chúa, phạm tội lừa dối vua và các quan, lại phản bội những người đã nghe tôi giảng đạo bấy nay. Xin quan lớn xét. Phần tôi càng suy nghĩ kỹ, tôi càng quyết chí, thà chết nghìn lần chẳng thà bỏ đạo”.

Quan nghe những lời lẽ ấy thì im lặng một lúc, quay sang nói với nha lại rằng: “Người can đảm lý sự thế này, ép làm sao được?”.

Một người tù lý sự nhưng luôn luôn lễ độ

Rồi quan hỏi Cha Khoan rằng: “Tôi hỏi thật, có thể nào ông cứ nói, chẳng lẽ ông muốn chết thật à?”. Cha thản nhiên mỉm cười mà thưa lại rằng: “Bẩm quan lớn, làm gì có ai muốn chết. Con vật còn sợ chết, phương chi con người có trí khôn biết suy nghĩ thì càng sợ chết hơn. Có điều này khác là một đàng bỏ đạo để được sống và đàng khác giữ đạo thì phải chết, mà chúng tôi tin đạo, nên biết chắc chắn dù phải chết vì đạo thì rồi cũng sẽ được sống lại và lên thiên đàng hưởng hạnh phúc mãi mãi. Vì vậy, chúng tôi không sợ chết. Kẻ trước người sau, ai cũng phải chết. Nếu bây giờ chúng tôi bỏ đạo để được sống, cũng chỉ là sống thêm ít lâu nữa, rồi sau cũng chết mà lại mang tội chối Chúa chúng tôi thờ. Thế là phản bội, không xứng đáng làm một người ngay chính. Quan lớn đã xử theo tình mà hỏi thật, thì tôi cũng xin thưa lại thành thật nếu quan lớn thương cho để tôi sống, tôi xin cám ơn quan lớn. Bằng không, tôi cũng xin vui lòng. Tôi suy nghĩ kỹ từ lâu, từ thuở xưa, từ thời ông Hoàng Trớt cấm đạo, mà tôi đã phải ẩn trốn mãi”. Quan hỏi lại: “Ông Hoàng Trớt là ai?” Cha Khoan điềm đạm kể rằng: “Ông ta là người thuộc dòng họ Tây Sơn, nổi lên chống nhà Lê rồi ra Kẻ Chợ[1], chúng tôi cũng được vào yết kiến vua, và ngài ban phép cho chúng tôi được giảng đạo khắp cả nước ta. Ngài truyền rằng: “Các ông hãy giảng dạy cho dân, hãy khuyên bảo mọi người yên ổn làm ăn, đừng ai dại dột theo thằng Hoàng Trớt là đứa làm bậy, gây sự xôn xao trong nước”.

Vâng lời vua Gia Long, chúng tôi đã khuyên dân thờ phượng Thiên Chúa, cầu nguyện cho vua quan và dân chúng được bằng yên. Chúng tôi cũng dạy dân giữ đạo hẳn hoi, chăm chỉ làm việc lành, đừng cãi nhau, đừng hà hiếp nhau, đừng cờ bạc rượu chè và các việc tội lỗi khác. Nếu bây giờ tôi chối đạo Thiên Chúa, thì chẳng những phạm đến chính Chúa, lại không tuân lời vua Gia Long truyền cho chúng tôi giảng đạo, và cũng là lừa dối các giáo hữu đã nghe tôi giảng đạo bấy lâu. Họ nhận tôi là Cha của họ, mà tôi dám bỏ đạo thì họ sẽ nghĩ về tôi thế nào, xin quan lớn xét”.

Quan lắng tai nghe Cha Khoan nói. Đoạn quan im lặng một lúc, rồi bảo mọi người xung quanh rằng: “Các người nghe ra chưa? Con người cam đảm lý sự quá. Ta làm gì được?”. Quan cũng quay lại nói với Cha Khoan như sau: “Này, ta biết ông nhất định không bỏ đạo giữ từ bé, nên ta không để hai đầy tớ ông ở cùng với ông kéo chúng theo ông. Ta đã gọi chúng trước, nhưng bảo thế nào chúng cũng không nghe ta và chúng cũng bạo dạn như ông, cũng bằng lòng chết để lên thiên đàng mà được vui vẻ sung sướng hơn ở dưới đất này. Nhưng ông biết sao được là có thiên đàng thật mà dạy cho chúng nó tin như vậy?” Cha khiêm tốn thưa lại: “Bẩm quan lớn, ở dưới đất này, vua cũng có chức quyền, ngôi thứ, của cải để thưởng những người dân trung thành, phương chi Thiên Chúa dựng nên muôn vật lại không dành phần thưởng cho những người ăn ở trung tín với Chúa sao? Chúa thưởng chúng tôi ở đâu, thế nào, và thưởng những gì, thì chúng tôi gọi phần thưởng ấy là thiên đàng”.

Quan chưa phục lý hẳn, nên hỏi thêm: “Nhưng ông biết đâu là có Thiên Chúa dựng nên muôn vật?” Cha Khoan đáp ngay rằng: “ Bẩm quan lớn, biết được như vậy có khó gì đâu ạ? Tôi vẫn quen dạy các giáo hữu của tôi trông xem và suy nghĩ về các vật, các loài, các hiện tượng thường thấy trong trời đất, hết thảy đều có trật tự vững bền, nhờ đó họ hiểu ra rằng phải có một Đấng cao trọng thông minh vô cùng dựng nên muôn vật và đặt ra trật tự ấy. Cho nên vũ trụ bao la này là chính quyển sách dạy chúng tôi biết có Đấng ấy, mà chúng tôi gọi Đấng ấy là Thiên Chúa, và chúng tôi biết ơn, yêu mến cùng thờ phượng Thiên Chúa hết lòng”.

Quan nghe đến đây thì quay sang nói với nha lại mà khen Cha Khoan rằng: “ Ông này ăn nói chắc chắn và hay lắm thật. Ta cũng phải phục lý. Ông ta nói chắc chắn đĩnh đạc, thong thả, chín chắn, chẳng phải người thường đâu, chắc hẳn là có thiên đàng”.

Sự tha thứ của đạo Ki-tô

Một lúc sau, quan lại mượn chuyện Cha Duyệt mà thử xem Cha Khoan có đổi ý không. Quan khuyến khích Cha rằng: “Thú thật với ông là ta rất cảm động, ta thương ông thật tình, và muốn cứu ông lắm. Nhưng lệnh vua cấm đạo cũng rất ngặt. Nếu ông không chịu khóa quá, thì không có cách nào liệu cho ông thoát chết. Vậy ta hỏi thực, cụ Duyệt đã vâng lời vua mà khóa quá thì ông có giận ghét cụ ấy không?” Cha Khoan dùng chính điều răn Chúa truyền mà trả lời quan: “ Bẩm quan lớn, luật đạo chúng tôi dạy không được giận ghét ai, nên tôi cũng không giận ghét Cha Duyệt”.

Quan ngạc nhiên kêu lên: “ Lạ nhỉ! Đạo không cho giận ghét ai. Thế thì ông cụ Duyệt chối đạo rồi vẫn được lên thiên đàng à?” Cha Khoan công nhận: “Phải, nếu sau khi phạm tội, mà thật lòng ăn năn hối cải, rồi đền tội cho xứng, thì cũng sẽ được lên thiên đàng”.

Quan theo lý tự nhiên mà phản đối lời Cha Khoan rằng: “Ta nghĩ ông cụ Duyệt không thể nào lên thiên đàng được nữa, mà có lên thì chắc chắn là các ông cũng đuổi ngay, chẳng để cho ông ấy vào”. Cha Khoan bình tĩnh cười mà phân trần thế này: “Quan lớn chưa hiểu Thiên Chúa, cũng chưa hiểu chúng tôi. Tôi xin dùng một thí dụ cho dễ hiểu: giả như có một người cũng có chức quyền như quan lớn, quan ngồi cùng một sập với quan lớn. Chẳng may, người ấy lỗi phạm với vua về một điều nặng, vua phạt ngay, truyền cách chức, bắt ông ta đi khổ sai trên rừng. Về sau, ông ta biết tội mình, phàn nàn lắm và chịu khó làm nhiều việc tốt để đền tội lập công. Vua thấy thế, lại thương ông, tha tội cũ và phục chức cũ cho ông. Vậy khi ông ấy trở về lại ngồi cùng sập với quan lớn, quan lớn có dám đuổi ông ấy không? Cũng vậy, nếu Cha Duyệt đã ăn năn đền tội đủ, đáng được Chúa tha và cho lên thiên đàng thì chúng tôi mừng, chứ còn chấp tội của Cha sao được?”. Nói đến đây, Cha Khoan vừa dứt lời thì quan kêu lên rằng: “Thôi, thôi, ta chịu ông. Ông chẳng phải người vừa”. Rồi quan cho người dẫn Cha về ngục.

Vui mừng mong chờ án trảm quyết

Sau khi thử mọi cách, quan biết rõ không thể dụ dỗ Cha bỏ đạo được, nên khép án trảm quyết cho Cha và đệ vào kinh. Lần này vua Minh Mệnh châu phê ngay.

Cha Khoan biết tin mừng lắm, nhưng vẫn chưa được vui mừng hoàn toàn. Vì án trong kinh ra đến tỉnh thì đã gần Tết, nên các quan hoãn đến ra giêng mới xử. Cha Khoan nhẫn nại mong ngóng phúc trọng ấy. Chẳng may đến sau Tết, quan Tuần cũ đổi vào kinh đô, quan Tuần mới tới nhậm chức lại muốn dụ dỗ thử, nên Cha phải giam thêm mấy tháng nữa. Rồi một hôm, quan truyền đòi cả Cha Khoan và Thày Thanh, Thày Hiếu ra công đường mà bảo: “Chúng bay hãy suy nghĩ cho chín, đừng dại dột mãi, vì chỉ còn một con đường sống là nghe lời tao mà khóa quá, nếu không thì chẳng có cách nào cứu chúng bay khỏi chết được”.

Cha Phao-lô Khoan thưa thay cho tất cả mà nói quả quyết rằng: “Chúng tôi suy nghĩ chín chắn từ lâu rồi. Nếu muốn khóa quá bỏ đạo thì chúng tôi đã làm việc quái gở ấy từ lâu rồi. Nhưng chúng tôi thà chết không thà phản bội như thế. Và chúng tôi quyết không bao giờ đổi ý. Vì vậy, tôi nghe nói án xử chúng tôi đã ra tới đây từ mấy tháng nay, nên chúng tôi chỉ chờ mong quan lớn sớm thi hành án ấy như phép vua dạy”.

Quan Tuần thấy Cha nói cứng các như thế, không hy vọng dụ dỗ được, nên chỉ định đến ngày 28-4-1840 sẽ xử cả ba người.

Bình tĩnh và vui vẻ ra đi

Cha Phao-lô Khoan được tin ấy thì vui mừng và sốt sắng dọn mình đón nhận phúc trọng người khát vọng từ lâu. Ngày 27-4, áp ngày xử, Cha nguyện ngắm quá nửa đêm. Đến sáng 28, chính Cha dọn cơm cho lính canh ăn và têm trầu để mời các quan sắp đi xử. Cha còn 5 quan tiền, đem phát hết cho các bạn tù, rồi làm phép chúc lành cho họ. Khi các quan vào ngục ra lệnh giải Cha đi xử, bao nhiêu người đang phải giam ở đấy, dù có đạo hay không, thì ai cũng khóc, vừa thương vừa tiếc vừa nhớ Cha. Còn Cha thì vui mừng hân hoan, bước ra khỏi ngục, giơ tay làm phép lành cho mọi người rồi xướng kinh Tạ ơn. Hai thày giảng hòa tiếng hát theo. Rồi ba cha con vừa đi vừa hát cho tới pháp trường. Dọc đường, thấy giáo hữu kéo nhau đi theo mình rất đông, thì Cha giảng mấy lời khuyến khích họ rằng: “Anh em cứ bằng yên vui vẻ, chúng tôi đi chịu chết thế này không phải vì có tội gì phạm đến vua quan hay dân nước ta đâu. Hôm nay chúng tôi đổ máu ra chỉ vì muốn cương quyết trung thành giữ đạo Chúa, không khóa quá, không chối đạo thật. Bởi vậy, anh em cũng hãy can đảm vững vàng giữ đạo, sau này anh em sẽ được vui vẻ hạnh phúc đời đời với Chúa trên thiên đàng”.

Bài ca Al-lê-lui-a nơi pháp trường

Ra tới pháp trường, Cha còn lớn tiếng an ủi các giáo hữu, tôn vinh Thiên Chúa, cầu nguyện cho vua được thịnh trị và đừng cấm đạo thật nữa, để dân nước được bình an.

Khi lính tháo gông, cởi xiềng cho Cha rồi, và sửa soạn sắp chém, thì Cha cất tiếng hát Al-lê-lui-a ba lần; các quan chạy đến gần Cha mà phân trần và xin rằng: “Các ông chết chẳng phải tại chúng tôi. Xin các ông đừng oán chúng tôi. Các ông đừng để máu các ông đổ ra làm khổ chúng tôi”.

Cha Phao-lô Khoan ngồi vào chiếu các giáo hữu đã giải sẵn cho Cha. Một ông đội cai lính đem đến cho Cha một chén nước lã, vừa run sợ vừa khấn vái rằng: “Nam-vô-a-di-đà-phật! Tôi sắp phạm tội này ngoài ý muốn của tôi. Xin cụ đừng chấp”. Họ trói hai cánh tay Cha, nhưng không buộc vào cọc. Bấy giờ lý hình chém một nhát, sả một miếng thịt lớn ở cổ Cha. Có lẽ vì sợ và mất bình tĩnh, nên người này phải chém tới nhát thứ ba, đầu Cha mới đứt và rơi xuống đất. Lý hình cầm đầu giơ lên cho quan giám sát xem, rồi tiếp tục chém đầu Thày Thanh và Thày Hiếu.

Quan quân giải tán, các giáo hữu chờ đến đêm, lấy trộm xác cả ba Đấng về chôn cất ở làng Yên Mối. Thày giảng Huân bọc đầu Cha Phao-lô Khoan trong vạt áo mình rồi khâu vào cổ Cha trước khi táng xác. Đến khi qua cơn cấm đạo, họ lại chuyển hài cốt Cha Phao-lô Khoan về làng Phúc Nhạc.

Máu tử đạo chữa lành bệnh

Hồi ấy, nhà dòng Mến Thánh Giá Thành Đức (thuộc địa phận Phát Diệm), có chị Mến ốm đau lâu, các ông lang đã chê không chữa nữa. Chị vừa có nhiều nhọt mưng mủ đau đớn, vừa mắc bệnh sốt và bệnh lỵ. Thấy trong mình đau đớn nhức thối mãi không đỡ, không ngồi dậy được, ăn uống cũng phải có người giúp như trẻ em, ông lang thì chê rồi, nên chị Mến yên một bề dọn mình chết, và đã chịu các phép sau hết. Chị em trong nhà dòng cũng đã sửa soạn việc chôn cất chị, đoán chừng chị chỉ sống được vài ngày nữa. Nhưng hôm ấy, bà Mẹ dạy cho chị Mến uống một chút máu của Cha Khoan tử đạo. Chị Trưởng nhà này lấy mảnh vải thấm máu Cha, cắt một miếng bằng ngón tay út, đặt trong chén, rót nước vào rồi quấy đi quấy lại, thấy nước đỏ đỏ và xông mùi thơm từ mảnh vải thấm máu Cha vẫn xông ra. Chị Trưởng mang cho chị Mến uống.

Sáng sớm hôm sau, chị em đến thăm chị Mến thì thấy chị nói ngay rằng: “Đêm qua tôi thấy dễ chịu, bớt đau và bây giờ thấy đói”. Chị em ngạc nhiên hết sức, vì chị Mến đã bỏ ăn ba bốn ngày rồi, thuốc men chị cũng không chịu dùng nữa. Bỗng hôm ấy chị lại ăn uống được như người khoẻ mạnh bình thường. Và chị khoẻ thêm dần, đi xa đi gần, làm việc rửa tội cho các trẻ em sắp chết.

Các ông lang đã chữa cho chị Mến trước kia đều nói quyết chị đã được Cha Thánh Khoan chữa cho khỏi bệnh, thuốc thông thường không thể chữa khỏi được. Cả nhà dòng Mến Thánh Giá cũng tin thật như vậy, và coi đó là một phép lạ. Chị Trưởng Mát-ta Siêng nhà dòng Mến Thánh Giá Vĩnh Trị và chị Trưởng An-na Phượng nhà dòng Mến Thánh Giá Thành Đức đã làm chứng về phép lạ này.

Cha Phao-lô Khoan được phong chân phúc

Năm 1843, Đức Thánh Cha Gơ-rê-go-ri-ô XVI dạy điều tra xem Cha Phao-lô Khoan có chịu tử đạo thật không. Rồi đến ngày 27-5-1900, Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho người. Thế là khắp thiên hạ biết Cha Phao-lô Khoan đã được hạnh phúc thật trên thiên đàng. Các giáo hữu, nhất là các giáo hữu Việt Nam phấn khởi trông cậy kính mến Cha Thánh Khoan, lại luôn nói gương người mà chịu khó giữ đạo Chúa. Trong những buổi khó khăn, các giáo hữu miền quê Cha quen xin Cha cầu bầu cho mình, cho giáo hữu khắp nước Việt Nam được bình an, nhất là cho các đấng bậc trong Hội Thánh được can đảm theo Thánh ý Chúa và thương linh hồn các con chiên mình như Cha Thánh Khoan thuở xưa.

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn phong Người lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.


[1] Tên cũ của thủ đô ngày nay

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn