12 Thánh Tử Đạo Bắc Ninh: Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh & Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự

 Quý độc giả thân mến,

Năm 2018  giáo hội Việt nam mừng kỷ niệm 30 năm  117 vị tử đạo được phong hiển thánh (19/6/1988 – 19/6/2018). Trong thư công bố Năm Thánh tôn vinh các thánh tử đạo Việt Nam. Các vị mục tử Việt nam tha thiết: “Mời gọi mọi tín hữu chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.Việc học hỏi này vừa giúp chúng ta hiểu biết hơn về lịch sử Hội Thánh và Các Thánh Tử Đạo, vừa thúc đẩy chúng ta noi theo gương sống của các ngài.”

Trong số 117 vị thánh tử đạo, giáo phận Bắc Ninh vinh dự đóng góp 12 thánh. Vì vậy, đáp lại mời gọi của hội đồng giám mục Việt nam. Website giáo phận sẽ lần lượt phổ biến Hạnh Tử Đạo của 12 vị thánh giáo phận Bắc Ninh. Ngoài ra, giáo phận còn xuất bản tập sách nhỏ: Tiếp Bước Tiền Nhân, Xây Dựng Hội Thánh,  cuốn sách  này tóm gọn về cuộc đời của 12 vị hiển thánh và địa chỉ lưu giữ linh cốt của các ngày. Cũng vậy, cuốn sách này còn có danh sách , năm sinh, nghề nghiệp, chức việc và quê quán của 100 vị đầu mục là cha ông chúng ta cùng chịu tử đạo tại cổng tả thành Bắc Ninh ngày 4/4/1862. Phần cuối của cuốn sách có nghi thức và các kinh thường đọc  trong các cuộc hành hương năm thánh tử đạo Việt Nam.

Vì vậy xin quý độc giả đón xem hạnh 12 thánh tử đạo sẽ được đăng lần lượt trên website giáo phận, và  tìm đọc cuốn sách: Tiếp Bước Tiền Nhân, Xây Dựng Hội Thánh  đã được phổ biến ở nhiều nơi trong giáo phận.

1.THÁNH GIUSE HOÀNG LƯƠNG CẢNH

        TRÙM HỌ, DÒNG BA ĐAMINH (1763 – 1838)

THÁNH GIUSE HOÀNG LƯƠNG CẢNH (pdf)

Cụ Giuse Hoàng Lương Cảnh sinh năm 1763, dưới thời chúa Trịnh Doanh[1] tại làng Van[2], tỉnh Bắc Ninh nhưng sinh sống ở làng Thổ Hà, nay thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Theo cha Gioan Kim Nguyễn Đức Việt Châu[3], ngay từ nhỏ cụ Cảnh đã được may mắn sống với cha già Huy ở làng Thổ Hà, được cha dạy dỗ về đời sống đạo đức và rèn luyện các nhân đức, nhất là đức hy sinh. Nhờ vậy mà cụ đã được nhiều người nhìn nhận là hiền lành, hay thương giúp đỡ những người bệnh tật già yếu và sống đạo đức.

Khi tới tuổi lập gia đình, cụ quen biết và kết bạn với một thiếu nữ Công giáo tại làng Thọ Bá. Hai người sống rất hạnh phúc bên nhau, cùng khuyến khích nhau thăng tiến đời sống đạo đức trong gia đình. Nhờ sống với cha già Huy từ nhỏ, cho nên cha đã truyền cho cụ nghề làm thuốc, chữa được rất nhiều người bệnh, nhất là chữa miễn phí cho những người nghèo khó không có tiền bạc. Cụ có một số thuốc gia truyền chuyên trị các thứ bệnh của phụ nữ và trẻ con. Nhờ thế mà cụ rửa tội được rất nhiều trẻ em trước khi chết. Cụ có lòng yêu mến, chuyên lo cho các việc trong họ đạo. Vì sự hy sinh và quảng đại của cụ nên mọi người trong họ đạo Thổ Hà đều tin tưởng và quí trọng, đã bầu cụ làm trùm họ. Một điểm rất nổi bật trong đời sống của cụ là đời sống cầu nguyện. Cụ không đi tu nhưng sống như các vị tu hành. Suốt ngày cụ chỉ đọc kinh cầu nguyện, có thể nói cầu nguyện là hơi thở của cụ. Sáng tối và trong ngày, khi nào rảnh rỗi là cụ lần hạt Mân Côi dâng kính Đức Mẹ.

Một ngày kia trong làng có ông Hương Bích, vì thấy cụ Cảnh được lòng mọi người nên sinh lòng ghen tương đố kỵ. Ông này đi tố cáo cụ trùm Cảnh là người rất sùng đạo, hay chứa chấp và giúp đỡ các đạo trưởng. Cụ trùm Cảnh không hề hay biết điều này, nên khi có người mời đi chữa bệnh và rửa tội cho một em bé cụ liền đi ngay. Sống trong thời buổi cấm đạo, cụ Cảnh biết rõ đi rửa tội là việc rất nguy hiểm cho mình, nhưng cụ vẫn nhất quyết ra đi để cứu lấy các linh hồn. Khi đến bến đò Thổ Hà, cụ Cảnh gặp quan quân kéo đến. Phát giác ra cụ là người Công giáo, quân lính bắt cụ đeo gông và giải về nhà giam tỉnh Bắc Ninh cùng với cha Phêrô Nguyễn Văn Tự, thầy Đa Minh Úy, ba ông trùm khác và một giáo dân.

Khi bị bắt, cụ Giuse Cảnh đã 75 tuổi. Bị giam trong ngục, tuổi cao sức yếu nhưng cụ vẫn bị đeo gông, xiềng xích tay chân, bị đánh đập và làm nhục nhã đủ điều. Ngày 12 tháng 7 quan lớn cho điệu tất cả những người Công giáo ra toà. Quan dọa nạt, đánh đập tàn ác, sau bắt từng người phải bước qua Thánh Giá nếu muốn  tha cho về. Mấy người cùng bị bắt với cụ Cảnh, vì sợ đòn vọt và nhát gan quá nên đã lần lượt nghe lời khuyên dụ của các quan, bước qua Thánh Giá để được tha. Còn lại bảy người là cha Phêrô Tự, cụ trùm Giuse Cảnh, thầy Đaminh Uý, thầy Phanxicô Xaviê Mậu, ba thanh niên là Mới, Đệ, và Vinh. Quan thấy cụ trùm Cảnh cao niên nên xếp ngang hàng với cha Phêrô Tự, còn hai thầy và ba thanh niên thì xếp vào chung với nhau, hy vọng trẻ tuổi thì dễ dàng chinh phục hơn.

Lần khác, quan lại cho gọi cụ Hoàng Lương Cảnh ra hầu toà. Các quan ngon ngọt khuyên cụ: “Này cụ già, năm nau cụ đã 75 tuổi rồi, chúng tôi không muốn làm khổ cụ, nhưng chỉ vỉ vâng lệnh vua mà thôi. Vậy giờ đây cụ nghe chúng tôi mà bước lên Thánh Giá này thì cụ được về ngay thôi”.

Cụ trùm dõng dạc trả lời các quan: “Bẩm lạy các quan, việc các quan tha cho tôi về thì tôi cám ơn các quan, còn việc bỏ đạo, bước qua Thánh Giá thì không thể được. Tôi đã giữ đạo từ nhỏ, nay các quan bảo bỏ thì dứt khoát là không thể được, dù phải trăm ngàn sự đau đớn bởi đòn vọt và phải chết thì tôi xin sẵn lòng chịu hết. Bỏ đạo thì không”.

Các quan lại hỏi:“Vậy ông đã chứa chấp các đạo trưởng thì nay các đạo trưởng ấy ở đâu?” Cụ trả lời: “Tôi có giúp đỡ và đôi khi cho các ngài ở một hai ngày. Nhưng sau đó các ngài đi đâu và tới ở nhà ai thì tôi không biết.” Các quan thấy cụ thật thà, nói năng chững chạc thì tỏ lòng trọng kính. Các quan lại hỏi cụ: “Này cụ già! Cụ đã thấy nhiều người bước qua Thánh Giá, trẻ cũng có mà cả những người già nữa cũng vậy. Có cả những người bỏ đạo rồi đi tố cáo các linh mục nữa; còn cụ, sao cụ cứng lòng thế? Cụ không sợ chết à?”

Cụ Cảnh đáp lại: “Những người phản bội Chúa thì họ cũng có thể phản bội vua và các quan dễ dàng, không thể tin họ được. Còn những người đi tố cáo các linh mục thì cũng giống thằng Giu-đa xưa tham tiền, đem bán Thầy mình là Chúa Giêsu vậy. Thật đáng khinh bỉ”. Các quan lại hỏi cụ: “Họ bắt Chúa rồi họ làm gỉ? Cụ được dịp nói về Chúa cho các quan nghe: “Khi quan quân tới bắt Chúa thì Chúa hỏi họ: “Các anh đến bắt ai”. Họ thưa: Giêsu Nazareth. Chúa trả lời: “Chính tôi đây”. Chúa nói câu đó thì quan quân lính đều ngã xuống đất hết. Chúa lại cho họ đứng dậy và đưa tay cho họ trói lại. Họ bắt Chúa đeo xiềng xích cũng giống xiềng xích cha Tự đang mang đây”.

Nghe cụ nói xong, các quan lại cho lính dẫn cụ trở về ngục. Sau cuộc đối chất với các quan, cụ trùm Cảnh cảm thấy mình vững tâm và can đảm hơn, không sợ chết, không sợ bị hành hạ thân xác nữa. Cụ khích lệ và nhắc nhở anh em đọc kinh cầu nguyện. Cụ rất thuộc kinh nên cụ đọc rất nhiều kinh cho mọi người trong tù nghe. Một phần nhờ vậy mà những người cùng bị giam chung với cha Tự và cụ trùm Cảnh đều hăng hái, cương quyết và rất anh dũng trước mọi hình khổ.

Các quan biết cụ trùm Cảnh và cha Tự là hai người không thể thuyết phục được, nên quyết định làm bản án gửi về triều đình. Nhưng trước khi làm bản án, các quan lại cho điệu cụ trùm Cảnh ra toà khuyên dụ thêm một lần nữa. Các quan hỏi cụ: “Cụ Hoàng Lương Cảnh, chúng tôi đã đặt cây Thánh Giá trên mặt đất, bây giờ chúng tôi yêu cầu cụ chỉ bước qua một lần thì chúng tôi tha cho cụ”.

Cụ Cảnh thinh lặng bước tới chỗ cây Thánh Giá, cung kính ôm Thánh Giá và trân trọng hôn rồi nói với các quan: “Xin các quan tha lỗi cho tôi, tôi không thể làm khác được.” Sau đó cụ lẩm bẩm đọc kinh. Thấy cụ đọc kinh, các quan bảo cụ đọc to lên, cụ liền đọc lớn tiếng:“Lạy Chúa Giêsu là đàng ngay nẻo thật, xin Chúa thương ban bình an cho chúng con. Xin Chúa chỉ đàng dẫn lối cho chúng con đến cùng Chúa. Xin Chúa ban cho các vua chúa, quan quyền được bình an khoẻ mạnh. Xin Chúa giúp đỡ vua khôn ngoan biết thương dân trị nước”. Các quan ngạc nhiên khi nghe cụ đọc tới những câu khấn nguyện cho vua quan…. Quan tổng đốc ngạc nhiên hỏi cụ: “Tại sao lại cầu nguyện cho vua quan là những người đang hành hạ mình như thế?” Cụ bình tĩnh trả lời: “Chúa dậy chúng tôi phải yêu thương những người làm hại chúng tôi cơ mà!”

Quan thấy cụ già yếu, tội nghiệp nên khuyên dụ cụ hết lời, nhưng cụ vẫn giữ vững ý định của mình. Dù có phải chết thì cũng chịu chết, chứ dứt khoát không thể bỏ đạo, bỏ Chúa. Cụ xin quan: “ Xin quan cứ làm án cho tôi như án cha Tự, được vậy thì tôi mừng rỡ vô cùng”.

Ngày 2.9.1838 vua Minh Mệnh tuyên án: “ Đạo trưởng Nguyễn Văn Tự và đạo mục Hoàng Lương Cảnh phải trảm quyết tức khắc; còn các tên: Hà Trọng Mậu, Bùi Văn Úy, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Văn Mới và Nguyễn Văn Vinh, phải giam giữ cẩn thận và khuyên dụ bỏ đạo, nếu không nghe thì bị xử giảo”. Ngày 4 tháng 9 năm 1838, quan tỉnh Bắc Ninh nhận được bản án từ triều đình gửi về. Khi được tin sẽ bị xử trảm, cha Tự và cụ trùm Cảnh vui mừng giã biệt các bạn tù và cầu chúc họ vững vàng, trung kiên với Chúa đến cùng.

Trước lúc lên đường thụ án, viên cai ngục vì mến cụ trùm Cảnh ở tuổi già yếu, muốn mời cụ dùng một chén nước trà để lấy sức, ông nói với cụ trùm Cảnh:“Này cụ, tôi thương mến cụ lắm, nay biết tin cụ sắp phải hành quyết, vậy tôi muốn mời cụ dùng với tôi môt ly nước trà đề lấy sức mạnh mà chiụ sự khó”. Cụ Cảnh vui vẻ cám ơn và nói: “Tôi xin hết lòng cám ơn ông, giờ này tôi chẳng còn thiết ăn uống gì nữa, tôi chỉ mong theo chân cha tôi ra pháp trường chết để làm chứng cho Chúa thôi”.

Sáng ngày 5 tháng 9 năm 1838 cha Phêrô Nguyễn Văn Tự trong bộ áo dòng trắng, cụ trùm Giuse Hoàng Lương Cảnh cũng khoác trên mình tấm áo dòng ba Đaminh bước theo sau cha Phêrô Tự tiến ra pháp trường. Cả hai đều vui tươi, luôn miệng đọc kinh cầu nguyện. Cụ trùm Giuse Cảnh cổ đeo gông, tay cầm tượng Thánh Giá Chúa Giêsu, pho tượng cụ đã nâng niu suốt trong 2 tháng ở trong tù. Khi đi gần tới nơi xử, mấy người con cháu của cụ theo sau nói lớn:“Bố ơi, ông ơi! Chúng con thương bố, các cháu thương ông lắm. Khi bố về Trời, xin nhớ cầu nguyện cho chúng con, bố nhé!” Cụ Cảnh quay lại nói nhỏ:“Bố xin Chúa chúc lành và ban thêm Đức Tin cho mẹ và các con các cháu; Hãy sống đạo tốt lành, bố chỉ mong có thế thôi”. Mấy tên lính đẩy cụ đi nhanh hơn và quát lớn, cấm không cho ai được phép nói. Khi tới pháp trường Cổ Mễ[4], một người giáo dân đã sắm hai chiếc gối lớn đặt ngay chỗ xử, để khi chém thì máu các vị thấm vào gối đó. Hai vị tôi tớ trung kiên của Chúa quì trên chiếc gối sốt sắng cầu nguyện. Khi ba hồi chiêng trống vang lên, lý hình vung gươm thật cao chém một nhát, đầu cụ trùm Giuse Hoàng Lương Cảnh lìa khỏi cổ. Những người lương giáo xô nhau tới thấm máu và tranh nhau xé những tấm áo dòng, đem về chữa bệnh và trừ tà. Sau đó theo lệnh,  người ta phải chôn xác cụ ngay nơi bị xử. Đêm thứ hai mấy người lương ra đào lấy xác cụ và bán lại cho giáo dân làng Thổ Hà 36 quan để rước về an táng tại nhà thờ họ của mình[5].

Đức Giáo Hoàng Lêo XIII đã tôn phong cụ Giuse Hoàng Lương Cảnh lên bậc Chân phước ngày 27 tháng 5 năm 1900, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong ngài lên bậc Hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

 

2. THÁNH PHÊRÔ NGUYỄN VĂN TỰ

LINH MỤC DÒNG ĐAMINH (1796 – 1838)

THÁNH PHÊRÔ NGUYỄN VĂN TỰ (pdf)

Cha Phêrô Nguyễn Văn Tự sinh khoảng năm 1796 tại Dâu 5, làng Ninh Cường,  xứ Ninh Cường, nay thuộc xã Trực Phú, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Ðịnh, Giáo phận Bùi Chu. Gia đình gửi cha đi tu hồi còn nhỏ. Đức Chúa Trời đã ban cho cha những nhân đức lạ lùng. Ngài rất siêng năng, cần mẫn trong việc làm cũng như việc học, vì thế các Bề trên rất thương và tín nhiệm. Năm 30 tuổi, ngài chịu chức Linh mục. Ngày 14.1.1827 ngài khấn trọn tại Dòng Ðaminh do cha Amandi chủ lễ.

Trong suốt mười năm trời, cha phục vụ dân chúng hết lòng. Trong hồ sơ phong thánh cho cha, họ đã làm chứng rằng cha có một đức bác ái rất cao độ đối với mọi người. Cả cuộc đời cha là một chuỗi ngày cầu nguyện không ngừng. Lúc nào giáo dân cũng tìm thấy cha trong một trạng thái rất thân mật với Chúa và thiết tha với đời Linh mục.

Ðầu năm 1838, Bề trên sai cha cai quản xứ Kẻ Mốt (Ðức Trai). Ông trùm Quang luôn luôn đón tiếp cha. Tại nhà ông Quang có một vườn chuối và trầu rất rậm rạp. Xung quanh khu vườn là những lũy tre cao như một bình phong che kín. Khoảng giữa vườn lại có một hàng rào vây quanh bằng cây sậy và lá trầu. Đó là chỗ trú ẩn thật chu đáo cho cha.

Dân làng Kẻ Mốt gồm toàn người Công giáo nên quan quân cho rằng chắc hẳn ở đó phải có một vị Linh mục trú ẩn. Vì thế ngày 29.6.1838 họ đến bao vây cả làng. Cha Tự muốn tìm nơi khác để trú ẩn nhưng ông Quang khuyên cha nên ở lại. Theo ông, không còn nơi nào kín đáo hơn vườn của ông. Tuy nhiên, để tránh khỏi bị nhòm ngó, ông Quang đưa Cha Tự đến một gia đình đạo đức khác  là nhà bà Thảo. Bà này khi gặp cha đã nói: “Xin mời cha vào ở, con thà chết chẳng thà bỏ cha”. Thầy giảng Úy đã đích thân lo tu bổ và xây cất nơi trú ẩn này. Thầy làm một lầu và một hầm. Cha Tự ở hầm và thầy ở trên. Thầy nghĩ nếu lính vua có bắt được, thì họ sẽ bắt thầy trước, thầy hy vọng không ai ngờ rằng cha đang ở dưới hầm.

Lính vào làng tìm kiếm Giáo sĩ trong các nhà họ đạo, họ không tìm thấy cha nhưng họ tìm thấy tràng hạt, ảnh tượng và áo lễ. Các trưởng lão trong làng phải hùn nhau trả tiền để làng khỏi bị phá hủy. Một số giáo dân vì yếu đức tin và sợ hãi nên đã bỏ đạo. Tất cả các trưởng gia đình phải đi ra đình làng để lấy khẩu cung. Năm thanh niên vì nhất định không bỏ đạo nên đã bị đánh mỗi người 15 roi. Ông y sĩ Ninh vì không chịu nổi đòn vọt nên đã xưng ra chỗ cha ở. Đầu tiên ông xin hạn một tháng, nhưng vì bị đe đánh thêm đòn, ông xin gia hạn một ngày.

Ông y sĩ Ninh bị dồn thúc đã đi đến nhà ông Quang và cả hai đồng ý đi nộp cha Tự. Nhưng vì họ hiểu rằng hành động này rất bỉ ổi nên một mặt muốn nộp cha. Mặt khác muốn tránh tai tiếng. Họ đến nhà bà Thảo, nói dối rằng đã tìm được một chỗ trú ẩn khác tốt hơn ở làng Hương và báo cho cha biết là đúng hai giờ đêm hôm đó sẽ đến và đưa cha đi. Hai giờ điểm. Ba tên đầy tớ ông Quang đến dẫn cha Tự đi. Dọc đường hai cha con ông Quang gặp cha và đưa cha vào nhà ông Loan gần đó. Thầy giảng Úy và một tên đầy tớ cùng đi với cha Tự. Ông Loan đưa ba người vào một phòng kín trên gác nhà.

Sáng sớm hôm sau, ông Loan lại sai đầy tớ giấu ba thầy trò tại vườn mía. Đến trưa, tên đầy tớ đưa ba thầy trò ra đường và lập tức lính và ba đầy tớ ông Loan trực sẵn, bắt cả ba thầy trò. Khi thấy họ vây quanh, cha Tự kêu lớn tiếng làm cho tất cả lính tráng ngã ngửa người ra cũng như trường hợp đã xảy ra cho Chúa Giêsu trong vườn cây dầu. Có người đã minh chứng rằng, trời đang sáng bỗng dưng tối sầm, làm nhiều người rất sợ hãi. Thấy vậy quan quân rất tức giận, không kiềm chế nổi nên lấy thanh kiếm đánh cha, sau cứa kiếm vào môi khiến máu chảy lênh láng.

Trường hợp này, cũng như trường hợp Giuđa, tiền của là căn cớ mọi tội lỗi. Ngày hôm đó cha Tự bị trói và đưa ra công đường, nơi đó có ông Loan là trưởng làng cởi trói cho cha. Khi lính trói cha quá mạnh, xương cánh tay của cha sai khớp, làm cho cha rất đau đớn. Ông Loan nói với cha: “Xin cha cứ nộp sáu lạng bạc, chúng tôi sẽ cho cha về”. Cha Tự trả lời: “Tôi đã mất tiền của trước kia để khỏi bị bắt, bây giờ Chúa đã thương ban cho tôi được tuyên xưng Ngài, tôi sẽ không trốn chạy nữa. Tôi không có tiền để đưa cho các ông. Các ông hãy nộp tôi cho quan ngay”. Quân phản bội biết rằng không thể làm gì hơn nên trói cha lại và dẫn cha tới làng Sĩ An. Quan tòa nói với cha: “Cha đã bị trói tại đâu trong ba bốn ngày nay?” Cha trả lời: “Giả sử như không có ông Loan thì khi nào ông sẽ bắt được tôi?” Quan không trả lời mà lại ra lệnh bắt tất cả những người Công giáo phải bước qua Thánh Giá, sau đó, quan bắt cha Tự cũng phải bước qua. Cha Tự đã ôm chầm lấy Thánh Giá và hôn kính. Ngài nói dõng dạc: “Tôi là Linh mục, tôi không bao giờ chà đạp Thánh Giá, vì đó là dấu Chúa chọn để cứu chuộc nhân loại. Nếu quan tha thì tôi được sống, bằng không tôi sẵn sàng chết”. Nhưng thật khốn khổ thay, trước những lời lẽ và gương sáng của chủ chiên, con chiên bổn đạo của cha vẫn lần lượt bước qua Thánh Giá. Khi thấy họ làm thế cha kêu khóc: “Xin Chúa và Mẹ hãy tha cho bổn đạo con!”

Nhưng cha được an ủi đôi chút khi thấy thầy giảng Úy và một vài người khác không chối đạo. Sau đó họ quyết định đưa các tù nhân về tỉnh Bắc Ninh. Trên đường về Huyện Lương Tài, cha Tự đã nói chuyện với quan huyện và cho ông biết các lời vu khống về đạo Công giáo. Trong tù, cha nhận thấy một cuốn sổ tay của cha mà họ đã tịch thu, trong đó có một tờ bìa ghi tên các người Công giáo. Cha xin họ cho cha đọc sách đó trong khi bị giam. Họ cho cha đọc và khi thấy vài tờ sách có tên tuổi, địa chỉ của những người Công giáo, cha sợ họ bị liên lụy, vì thế cha muốn hủy bỏ nhưng không biết làm sao được vì có lính canh rất cẩn mật. Cha xin một chậu nước để rửa mình, mục đích là để gột rửa hàng tên nhưng cũng không được vì có một tên lính theo dõi luôn. Cha lại xin một manh chiếu để đuổi muỗi vì cha bị muỗi hành hạ không ngủ nổi. Dự định là khi có manh chiếu cha có thể dùng để che và như vậy cha có thể nhai nuốt mấy tờ giấy có địa chỉ đó, nhưng vì bị khát và đói khô cổ nên cha cũng không thể nào nuốt nổi. Trong dịp này quan lại muốn làm tiền cha, họ đòi cha 20 lạng bạc, nếu có, cha sẽ được tha và muốn làm cho cha tin họ, họ đã lấy bớt gông cổ ra nhưng cha trả lời: “Chúa đã cho tôi được chịu đau khổ vì Ngài, tôi sẵn sàng chấp nhận, bổn đạo của tôi không có tiền”. Thấy không thể kiếm được tiền, chúng lại bắt cha đeo gông và ngày hôm sau cha bị dẫn giải về tỉnh Bắc Ninh.

May mắn thay, người lãnh binh chịu trách nhiệm giải cha Tự là ông Chánh, một người ngoại đạo rất tốt, để ý về cha và tỏ ra rất thương cha. Ðược cấp trên cho phép, ông cắt bớt gông cùm, và cha chỉ phải đeo một phần nhỏ. Ông cũng làm một ghế tre nhỏ để cha ngồi khi bị cáng. Khoảng trưa, tất cả đã tới làng Do và mọi người dừng chân để nghỉ ngơi. Quan tòa cho trải chiếu sẵn để cha ngồi và ông mời cha ăn chung. Nhưng cha Tự xin phép được ngồi riêng vì biết rằng khoảng cách cấp bậc giữa cha và quan rất xa. Ông ta không đòi hỏi nữa và chỉ bắt cha dùng phần ăn của ông thôi.

Sau bữa ăn trưa, họ lại bắt đầu tiếp tục đi, họ gặp một bà bán hàng nồi, bà ta nói với cha: “Tôi thờ trời đất và Thần Phật, tôi rất nghèo không có của gì để dâng cúng, tôi chỉ có cái chậu nhỏ này, nhưng tôi muốn dâng cha với cả tâm hồn tôi, cha có nhận không? Khi cha khát cha có thể dùng nó mà chứa nước”. Cha Tự chấp nhận món quà đó và cám ơn bà.

Chúng ta chỉ có thể tóm tắt trong gần ba tháng mà Cha Tự đã phải trải qua trong tù. Thường thường cha bị tra tấn, lúc được hứa hẹn hão huyền, lúc bị đe dọa để bắt ép cha chối Chúa. Nhưng chúng ta được biết qua các chứng nhân, tất cả các mưu mẹo đều hỏng cả. Ngài không bỏ qua một dịp nào để không giảng đạo cho các bạn tù và các người thẩm vấn. Khi thấy một số giáo dân chối đạo cha đã than khóc và có lúc cha đã quở trách họ làm cho một số người phải kinh khiếp.

Khoảng trưa ngày mồng 3.7,1838, khi nhìn thấy một cây Thánh Giá lớn để tại cổng thành Bắc Ninh, họ bắt cha phải bước qua, cha nhất định không đi và cứ đứng tại chỗ, cha nói như ra lệnh khiến quân lính phải cất đi. Cùng lúc quan tòa hỏi cha để lấy lại những cuốn sách mà họ đã tịch thu. Quan tỉnh biết là nhóm người tù đã tới nơi, trong khi chờ đợi, họ trải chiếu cho cha ngồi và bắt lính phải hầu trà. Tên lính này tỏ vẻ khinh bỉ cha và rót nước vào cốc thường, quan tòa sửa mắng tên lính và bắt hắn rót nước cho cha vào tách trà thật đẹp và bắt một đầy tớ quạt cho cha. Về chiều, họ nộp cha cho quan trên, họ lại đặt cây Thánh Giá trên lối đi và cha lại dõng dạc như truyền lệnh, và họ phải cất Thánh Giá đi. Khi gặp quan thượng, quan cầm cuốn sách đã bị xé mấy tờ, quan hỏi cha: “Tại sao cuốn sách này lại có ít tờ như vậy?” Cha điềm nhiên trả lời: “Khi vào thành, người ta bắt tôi đưa sách cho họ, tôi không chịu trách nhiệm khi tôi không có sách”.

May mắn thay, quan tòa đã hài lòng về câu trả lời khôn ngoan đó. Họ đưa cha vào tù, và từ đó cha phải mang xiềng xích nặng hơn. Cổ cha bị đeo một kiềng sắt và giây buộc cổ cũng bằng sắt dài tới quá đầu gối, lại có hai móc, hai móc đó buộc vào hai kiềng chân. Hình khổ này làm cha rất đau đớn không chỉ vì sức nặng nhưng vì cha cao hơn nên người phải cúi khòm lưng.

Khi vào tù cha gặp lại thầy giảng Úy, mà hai người đã bị tách rời từ trước. Một chút tiền đút lót đã mang hai cha con lại với nhau. Hai thầy trò nằm gần bên nhau và thủ thỉ truyện trò, nhờ đó, sau này có mấy giáo dân kể lại chuyện cha Tự nói với thầy: Nếu con muốn sống, cha sẽ nói mấy lời để con khỏi phải liên lụy và con có thể trốn thoát được“. Thầy giảng hỏi: “Vậy cha sẽ nói lời gì?” Cha trả lời: “Cha sẽ nói rằng con là người nấu ăn cho cha, và đó là đúng”. Thầy giảng trả lời: “Con xin cha đừng nói lời đó! Con chỉ có một ao ước này là chịu đau khổ và chết với cha”. Cha nói: “Ðược rồi, vậy cha sẽ nói con là thầy giáo, lời đó sẽ đưa con tới phúc tử đạo, nhưng con phải theo y lời cha nói và đừng để ý đến lời ai cả”.

Cả hai thầy trò rất đỗi vui mừng, họ cầu nguyện lâu giờ và sau đó thầy giảng xin xưng tội. Ngày hôm sau cha Tự bị điệu ra tòa, họ thẩm vấn cha về nhân số các Linh mục, khi nhận ra lũ bất tín, cha đã từ chối. Thấy vậy một người đã bỏ đạo tên là Tôn hỗn xược nói: “Nếu cha không nói, thì đòn vọt sẽ làm cha nói”. – “Anh lấy quyền gì để nói thế, nếu anh muốn thì anh cho tôi hầu quan”. Anh ta tức giận trả lời: “Cha hãy nhớ, cha chỉ là một tù nhân”. – “Ðúng vậy, tôi chỉ là một tên tù, vì tôi bị trói buộc bằng xiềng xích, nhưng đâu có phải vậy mà anh được quyền đánh tôi?” Người đứng cạnh đó bảo anh ta: “Anh đã theo đạo rồi chứ?” Anh ta trả lời: “Ðúng rồi, trước kia tôi theo đạo, nhưng thấy đạo vô ích, tôi đã bỏ”. Khi nghe vậy, cha rất bất mãn và bảo: “Anh không có đạo nghĩa gì cả, nhưng anh chỉ xu thời và tình cảm thôi. Anh có thể tới nơi mà tôi sắp tới không? Ðạo tôi là đạo thật, cả bao thế hệ trước tôi đã theo, cha mẹ tôi đã theo và bây giờ tôi đang theo”.

Các ký lục và đội trưởng rất cảm kích về lời nói của cha. Có kẻ tặng cha miếng trầu tỏ vẻ khâm phục ngài. Tên bỏ đạo rất tức giận, hắn đi tìm quan tòa ngay và thúc giục ông này tìm cách hành hình ngài càng sớm càng tốt. Quan tòa cũng cho gọi cha lên nhưng tên bỏ đạo Tôn càng bất mãn hơn vì thấy ông này đối với cha rất tử tế. Ông ta cho mời cha vào sân, bắt lính trải chiếu hoa cho cha ngồi. Quan tòa thấy cha đi lom khom nên hỏi cha duyên cớ. Cha nói: “Tôi sẵn sàng chết, nhưng trong khi chờ đợi, họ đeo xích ngắn làm tôi không đi thẳng được. Quan cho gọi người thợ đến và nối thêm hai vòng sắt nữa. Trong khi thợ làm việc thì quan chuyện vãn với cha. Quan tòa dùng mọi cách để bắt ép cha khai tên các vị Thừa sai ở các Miền Ðông Đàng Ngoài và Tây Đàng Ngoài. Cha chỉ cho biết tên một số vị mà chính họ đã biết, còn ngoài ra cha giữ yên lặng hoàn toàn.

Trong lúc ngồi hầu tòa, người ta mang thầy giảng Phanxicô Xavier Hà Trọng Mậu ra trước công đường. Quan tòa tra vấn thầy, thầy hiên ngang trả lời thầy là đệ tử chính của cha Tự. Ðiều này làm cha rất hài lòng và được an ủi phần nào vì những người khác đã bỏ đạo. Ðây là thầy giảng thứ hai của cha Tự đã anh dũng xưng đạo.

Một số ký lục bắt cha phải ký nhận là đã thăm hết mọi gia đình giáo hữu trong làng. Cha Tự chối vì lý do không đúng sự thật. Chúng làm thế để  có dịp cướp bóc các gia đình Công giáo. Ngày 10.7.1838 họ lại điệu cha ra hầu tòa và đưa cho cha xem ảnh tượng, áo lễ, và đòi biết ý nghĩa của các tang vật. Cha sẵn sàng giảng nghĩa cho họ. Quan lại cho biết ngày hôm sau có bốn vị trùm trưởng của bốn họ đạo sẽ bước qua Thánh Giá, tin này làm cha đau đớn vô cùng. Quan tòa tiếp tục hỏi cha về hôn nhân Công giáo cũng như lý do cấm lấy nhiều vợ. Cha giảng giải cho họ và sau đó họ lại điệu cha về ngục.

Cha lo âu về vấn đề 4 ông trùm sắp bước qua Thánh Giá nên khi bước vào nhà giam, cha nói lớn như để cho mọi người nghe: “Bước qua Thánh Giá là một điều mà Đức Chúa Trời rất gớm ghét, vì chính Chúa đã nói: “Ai chối ta trước mặt thiên hạ, Ta sẽ chối từ nó trước mặt Cha Ta ở trên trời. Vì thế chúng ta phải cầu xin Chúa ban sức mạnh và phải cầu xin bằng nước mắt và ăn chay”. Cha cứ nói như vậy mấy lần, sau đó cha thấy một số tù nhân ăn chay và cầu nguyện. Ngày hôm sau, khốn thay hầu hết đã bỏ đạo, trừ một cụ già 75 tuổi; Cụ già này là thầy lang Giuse Hoàng Lương Cảnh, hai thầy giảng Ðôminicô Úy, Phanxicô Xavier Mậu và ba người giáo hữu khác là Tôma Ðệ, Augustinô Mới và Stêphanô Vinh. Dông tố nổi lên đã sàng sẩy tách vỏ trấu ra khỏi gạo. Sự trung thành của cụ Cảnh, hai Thầy giảng và ba Tín hữu đã làm cha vơi bớt nỗi ưu phiền. Cha Tự và cụ Cảnh bị kết án xử giảo, còn năm người kia mỗi người bị đánh một trăm roi và bị kết án lưu đày tại Bình Ðịnh. Án này đã được gửi về kinh đô Huế để xin phê.

Ông vua khát máu này tỏ vẻ vui sướng vì sự trừng phạt của bảy vị xưng đạo. Tuy nhiên ông vẫn chưa hài lòng lắm, vì cho rằng những hình phạt này còn chưa thỏa đáng. Ông đã bày mưu, tỏ vẻ như thương hại cha Tự và sáu người kia, và hứa nếu tất cả bước qua Thánh Giá thì ông sẽ phạt nhẹ, bằng không sẽ còn phạt nặng gấp trăm. Đồng thời ông cũng ban khen cho quan và lính.

Vì sắc chỉ do mưu mô của vua, ngày 9.8.1838, cả thảy bảy người bị điệu ra trước công đường. Cha Tự nghi ngờ những gì sẽ xảy ra nên càng cầu nguyện sốt sắng hơn. Cha Tự dẫn đầu sáu tù nhân ra trước công đường. Người ta thấy ba vị quan tòa đã ngồi sẵn cùng các ký lục, thẩm vấn và một số đông lính tráng. Trên một bàn khác có Thánh Giá và các đồ đạo đã bị chiếm đoạt trong các thánh đường. Cạnh đó cũng được bày ra một số hình cụ khủng khiếp để phạt những ai không chối đạo.

Đức Giám mục Marti viết trong bài tường thuật như sau: “Trước những hình khổ được bày ra, có ai trong chúng ta là không run sợ? Nhưng các vị này đã được ơn trên soi sáng phù hộ nên không hề run sợ và nao núng”.

Cha Tự bị điệu ra đầu tiên, một trong những quan tòa hỏi cha: “Cha có biết là đức vua rất thương cha không? Cha chỉ việc bước qua Thập Giá là vua sẽ khoan hồng đại lượng với cha. Vì cha vẫn còn trẻ (43 tuổi), hơn nữa cha vừa tới, nên chúng tôi rất buồn nếu phải xử án tử cho cha. Vậy cha nghĩ sao?” Cha Tự trả lời: “Tôi rất kính trọng đức vua, nhưng đồng thời xin quan cứ việc xử tôi như người theo đạo Đức Chúa Trời. Vì Ngài là Chúa cả trời đất nên tôi phải thờ lạy, nếu vua cho phép tôi được sống, tôi hết lòng đa tạ, bằng không nếu vua muốn xử án chết, tôi xin tuân theo, còn ngoài ra với bất cứ giá nào tôi cũng không thể làm theo ý vua”.

“Thôi, đủ rồi! Tôi đã quyết định rồi cha không phải bị hành khổ nữa!”

Cha Tự lại bắt đầu cầu nguyện càng sốt sắng hơn để xin Chúa duy trì đức tin cho hai thầy giảng và bốn giáo hữu.  Cũng theo lời tường thuật của Đức Giám mục Marti, để dụ dỗ cha quá khóa, ngày 19.8.1838 quan mời cha ngồi chiếu hoa và đàm đạo về giáo lý. Cha gợi truyện với quan: “Tôi luôn tôn kính ba cha”.

Ba cha nào?

Đức Chúa Trời là Cha trên trời, là Chúa Tể, là Vua, và cha dưới trần là đức vua, và cha thấp hơn nữa là cha của tôi.

– Tốt lắm, nhưng cha hãy nghĩ lại đi, nếu vua là cha thay Chúa, Ngài truyền cho cha phải bước qua Thập Giá mà cha không vâng lời, vậy cha không làm vua phật ý sao?

– Không phải vậy, khi vua và cha tôi truyền cho tôi làm điều xấu, như đạp qua Thánh Giá là dấu chỉ của Cha trên trời làm sao tôi có thể theo được?

– Vậy tại sao có bao nhiêu người phản bội cha tại làng Ðức Trai?

– Tôi dạy họ mọi ngày, nhưng cũng giống như quan vậy, có nhiều đứa con quan muốn cho họ trưởng thành tốt lành, vậy tại sao lại có người vâng lời, có người lại không tuân theo?

– Dân làng Ðức Trai đã bước qua Thập Giá, tại sao cha lại vẫn bướng không theo?

– Tôi đã nhận ân huệ của Chúa rất nhiều, Ngài đã cho tôi cả gấp trăm, gấp ngàn lần sánh với dân làng Ðức Trai, như vậy Ngài muốn tôi làm thủ lãnh dẫn giắt họ ra trận. Khi thấy kẻ thù họ thất đảm và chạy tán loạn, khổ cho họ. Còn tôi, tôi là tướng trận, tôi phải can đảm và trung thành với Chúa tôi. Nếu tôi cũng hèn nhát như họ thì thà rằng tôi bị chém đầu và liệng xuống sông hay bị một cơn bệnh không thể chữa được còn hơn, và vì thế tôi phải trung thành và chiến đấu cho tới cùng. Ngay chính quan đây, nếu quan là tướng lãnh của vua, mỗi ngày quan lĩnh gấp trăm lần lính, còn họ chỉ lĩnh có một phần, vì lính ít lương nên họ đói và vì đói nên thấy kẻ thù đến họ chạy trốn. Vậy quan có bắt chước họ mà chạy trốn không? Nếu quan bắt chước thì khổ cho quan vì vua sẽ không dung tha cho quan.

– Sau khi chết cha sẽ đi đâu vì cha đã trung thành với Chúa trời đất như vậy? Và những người Ðức Trai, người chối đạo, sẽ đi đâu?

– Tôi sẽ về trời với Chúa, và tất cả những ai ở Ðức Trai đã trung thành với Chúa hoặc sau khi chối, mà ăn năn trở lại cũng được về trời với Ngài. Còn những người đã quyết tâm chối Ngài cho tới cùng sẽ trở về lòng đất.

– Trời và lòng đất có nghĩa là gì?

– Xin quan hãy hiểu câu châm ngôn sau đây: “Sinh ký, tử quy. Ðời sống là một cuộc hành trình, còn chết là đi về nhà”.

– Ði về đâu?

– Các triết lý gia đã suy luận về nơi hạnh phúc cho những người tốt, và hỏa ngục là chỗ cho những kẻ xấu, chính quan là bạn của vua được sống sung túc trong nhà lầu nguy nga, còn tôi một phàm nhân làm mất lòng vua phải đeo xiềng xích và bị tống ngục.

– Ai là tốt, ai là xấu?

– Người tốt là những người đã thực hành giáo lý Công giáo, người xấu là những người không thực hành giáo lý Công giáo hay là những người theo đạo mà ăn ở bội bạc phản đạo.

– Vậy người Công giáo xấu là ai? Có phải là những người làng Ðức Trai không? Vua và tất cả những người không theo đạo có phải sa hỏa ngục không?

– Phải sa hỏa ngục.

– Tôi là quan và tôi đã trung thành với vua của tôi, cũng như cha, cha đã trung thành với Chúa của cha tại sao một người được lên Thiên Ðàng, còn một người phải xuống lòng đất?

Cha Tự khôn ngoan trả lời: Quan chắc hẳn sẽ không tin lời tôi nói, vì những lời này sẽ làm chướng tai quan.

– Hãy cứ nói đi!

– Quan trung thành với vua, thật đúng! Nhưng quan đã chọn lầm chủ. Thí dụ cụ thể, quan ra một tỉnh khác, quan gặp một ông vua, vua cho quan sống trong lầu cao lại đặt quan làm trấn thủ, quan nhậm chức. Nhưng sau một thời gian, vua thật của quan tới với đoàn tùy tùng. Ðương nhiên vua sẽ coi quan như người chống đối, và vua đó sẽ chém đầu quan.

Quan không nhịn được cười, tỏ vẻ cảm phục cách nói chuyện của cha rất lễ phép, đồng thời cũng rất chân thật. Tỏ ra ngưỡng mộ, quan sai lính hầu trà cho cha. Rồi hai người vẫn tiếp tục truyện trò: Tại sao cha không thờ cúng cha mẹ tổ tiên?

– Khi cha mẹ tôi còn sống tôi rất mực trọng kính các ngài, tôi lo lắng và săn sóc chu đáo, nhưng khi các ngài chết, các ngài không còn ăn uống nữa vì linh hồn là thiêng liêng không cần gì nữa. Cha mẹ của quan đã mất, mà quan vẫn còn thờ cúng chuối oản như là các ngài còn sống, nếu các ngài ăn được, các ngài đã dùng rồi. Còn như vàng bạc tiền nong gửi cho họ bằng cách đốt đi, nếu giả như họ dùng được tại sao quan lại không đốt vàng thật hay tiền thật? Làm vậy không phải là một trò diễu cợt người chết ư?

Quan thực sự cảm phục lối giải nghĩa đó và vì cứng lòng không muốn theo nên đã cho cha về tù và cho hai túi trà. Trong khi chờ đợi lệnh vua, cha Tự không bỏ qua một giây phút nào mà không cầu nguyện, hoặc an ủi hay khuyên nhủ con chiên bổn đạo trong tù. Cha giải tội cho họ, vì thế, có nhiều người đút lót cho lính canh để được vào nhà tù xưng tội với cha. Phần cha, cha cũng khao khát được xưng tội nên một ngày kia cha than thở cùng một người Công giáo: “Tôi rất đói khát mà không ai cho ăn, còn những cuộc viếng thăm này có ích gì?” Người này đã hiểu cha muốn nói gì liền đút lót ít tiền bạc cho cai tù, ông ta đã có thể đưa cha Phương vào tù. Khi quan canh thấy cha Phương ông ta đã nói: “Tôi biết ông là ai, và tôi cho ông vào tù vì tôi tin rằng một Linh mục Công giáo không thể phản bội tôi được”.

Hai cha ban phép giải tội cho nhau và cha Phương ra về vô sự. Từ khi Cha Tự biết ngày của mình đã gần đến. Để minh chứng tình yêu cho Chúa nên cha đã dọn mình sốt sắng. Cha tỏ ra rất vui vẻ và thanh thoát. Khi thấy giáo dân vào thăm có vẻ buồn, cha bảo họ không có gì để buồn cả, nếu họ buồn thì đừng vào. Khi nghe tin có ba người Công giáo đã anh hùng xưng đạo, cha vui vẻ gặp họ và gieo mình xuống hôn chân họ. Hành động này làm cho nhiều người cảm phục và mạnh dạn hơn. Trong tù cha đã gặp rất nhiều thử thách. Một số cai tù cho là cha được chiều đãi hơn vì có nhiều người đút lót nên tính lợi dụng cha để làm tiền giáo dân. Một lính canh tù tình nguyện lo cho cha ăn uống, hắn ta nuôi hy vọng sẽ được trả trọng hậu. Cha vô tình không biết và đã nhận lời, nào ngờ tên đó sau này đòi công quá lớn đến nỗi cha không thể có. Hắn ta làm nhục cha, vì thế cha Tự hứa sẽ xin giáo dân, nhưng vì với số tiền lớn như vậy không thể lo trong vài ngày được. Anh ta la lối mắng chửi và còn xui người khác cũng làm để thủ lợi. Ngoài việc đó, còn có những kẻ khác đến giảng thuyết cho cha bỏ đạo. Cha kiên nhẫn lắng nghe nhưng sau cùng cha phải xin ông chấm dứt.

Các quan dụ dỗ không được thì kết án cha Tự và cụ Cảnh phải xử giảo, nhưng vua cho như vậy là quá nhân đạo liền truyền cho hai vị bị chém đầu. Lệnh vua ban ra vào ngày 5.9.1838 cha vui mừng sung sướng và ngài loan báo cho giáo dân. Còn một ít tiền cha phân phát hết cho các bạn tù và đồng thời cha khuyên nhủ họ. Khi đã chuẩn bị sẵn sàng xong, cha bận áo dòng trắng của dòng Ðaminh rồi cha nâng niu cây Thánh Giá mà cha đã hôn kính cả ngàn lần trong thời gian tù tội. Cha thầm lặng cầu xin để chờ cho lính đến đưa ra pháp trường. Các lính canh tù thấy cha mặc áo trắng rất ngạc nhiên và họ xin cha cho biết ý nghĩa của nó. Cha nói: “Ðây là áo dòng mà tôi đã được hân hạnh mặc, mầu trắng chỉ sự khiết tịnh mà những người trong dòng thật quý mến. Còn đây là Thánh Giá mà vua đã bắt tôi bước qua, nhưng tôi đã không làm và vì thế tôi phải mang án chết. Tôi ao ước luôn luôn có Thánh Giá này trong khi tôi chết”.

Khi nghe tin cha bị xử trảm, rất đông giáo hữu cũng như ngoại giáo kéo nhau đến nhà tù; vì phải chờ đợi lâu, nên cha dùng dịp đó để giảng đạo cho họ. Cả tiếng đồng hồ ngài giảng về Chúa Giêsu và điều kiện cần thiết để được theo Ngài. Cha Tự cũng xin lính cho cha đứng trên một bục gỗ cao để dễ dàng đàm thoại với dân chúng, có lúc cha lớn tiếng kêu to: “Ngày hôm nay Đức Chúa Trời đã ban cho tôi một đặc ân, xin muôn đời ngợi khen Ngài, và riêng tôi, tôi xin cảm tạ Ngài hết lòng hết trí tôi”. Sự tươi tắn và hoan hỉ mừng vui tỏ lộ trên khuôn mặt tuấn tú của cha Tự làm cho một người lương phải kêu lên: “Kìa xem, ông đó đẹp trai biết bao! Tại sao họ nỡ tâm giết một người như vậy?”

Trên đường tới pháp trường, cha trùm kín mũ áo dòng và thầm thĩ cầu nguyện, cha đọc kinh cầu các thánh và các kinh khác. Nhiều người không thể thấy mặt cha vì mũ áo dòng đã che kín, họ xin lính đến để xin cha kéo mũ áo xuống cho dân chúng được nhìn mặt, cha đã làm theo. Mọi người được chiêm ngưỡng bộ mặt hân hoan quả cảm của cha, một bộ mặt trẻ trung, đầy sức sống và cương nghị thế mà bằng lòng chết. Có người bỡ ngỡ nói: “Kìa xem, ông ta giương Thánh Giá để quảng cáo đạo ông ta!” Có người lại nói: “Không phải vậy, ông ta chết vì cây Thánh Giá đó!”

Một tên lính đeo trước mặt cha một tấm bảng có chữ viết: “Nguyễn Văn Tự, tỉnh Nam Ðịnh, đã theo đạo Giatô, đạo giả và đã gây nhiều tai hại. Khi hỏi, ông ta đã thú nhận tất cả, và vì thế chúng tôi thi hành án chết của ông”.

Ðồi Xài Bông là nơi thường được dùng để hành quyết các tội nhân, nhưng đặc biệt Cha Tự không phải chết ở đó, họ dẫn cha về phía bên phải đồi (pháp trường Cổ Mễ). Họ tháo gông cho cha và trói chặt hai cánh tay ra đằng sau. Một giáo dân tên Hải Thạc (sau này cũng chết vì đạo) đã lấy cái gối và xin Cha Tự quỳ trên gối để cho máu thấm vào đấy. Vì cha là người cao lớn ngay cả lúc quỳ cũng vẫn còn cao, vì vậy cha phải cúi đầu xuống để cho anh lý hình làm việc dễ dàng hơn. Khi mọi sự đã chuẩn bị xong, một quan hô to: “Hãy dùng một nhát kiếm mà chặt đầu ông ta, rồi hãy tung lên trời và không ai được khâu đầu vào cổ!”. Hồi trống thứ ba vừa chấm dứt, lý hình vung tay chém nhưng đầu vẫn chưa rơi khỏi cổ, anh ta phải vung mạnh lần thứ hai đầu mới rơi khỏi cổ. Theo tục lệ thời đó, đầu tội nhân phải tung lên cao ba lần cho mọi người trông thấy. Lý hình vừa làm xong nhiệm vụ, thì cả lương lẫn giáo chạy xúm đến để thấm máu và tranh dành tất cả những gì của cha. Người ta chen lấn nhau đến nỗi một số người ngã trên vũng máu và làm cho cả đám người thấm máu của vị tử đạo.

Một số phép lạ xảy ra chứng tỏ Đức Chúa Trời đã muốn cho mọi người hiểu của lễ hy sinh mà cha đã dâng lên Chúa đẹp lòng Ngài bao nhiêu! Vừa khi cha được dẫn đến nơi xử thì trời bỗng dưng tối sầm lại và có ba tràng sấm vang dội. Rồi khi đầu cha rơi khỏi xác thì một đoàn sẻ bâu chung quanh như để chào đón linh hồn thánh thiện này. Một người Công giáo đã lấy khăn tay và thấm máu cha, lạ lùng thay ông thấy ba hình in rõ trên vải, một hình của cha Tự, một hình của tên lý hình và một hình chỗ cha bị xử tử. Một em bé ngoại đạo đã mắc bệnh đau bao tử nhiều năm, người ta cho em uống nước có hòa lẫn máu cha, tự nhiên em khỏe hẳn. Cậu Tham con quan Tuần đã lấy một miếng vải áo của cha. Ông Toàn muốn mua, cậu ta không bán vì cậu ta nói: “Từ khi tôi có miếng vải này, tôi khỏi bị ma quỷ quấy nhiễu”.

Xác Cha được lệnh chôn ngay tại gần đó, giáo hữu bỏ tiền chuộc rước về mai táng tại nhà thờ họ Nghĩa Vũ, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang[6].

Theo lời thầy giảng Tín thì một tên lính ăn xôi cúng bị quỷ nhập, thầy rảy nước thánh nó chỉ cười. Ông Loan nhớ là đã giữ cây kiếm tên lý hình dùng chém đầu cha Tự, ông lấy thanh kiếm ra và ép vào cổ anh bị quỷ ám, tức thì anh ta được lành ngay. Ðó là tất cả những sự lạ lùng mà Đức Chúa Trời đã làm để minh chứng lòng trung nghĩa của Cha Thánh Tự.

Ngày 27.05.1900 Đức Lêo XIII đã tôn phong cha Phêrô Nguyễn Văn Tự lên bậc Chân Phước, và ngày 19.06.1988, Đức Gioan Phaolô II tôn phong ngài lên bậc Hiển Thánh.

[1]  1720 – 1767

[2] Theo Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt cắt nghĩa trong cuốn sách của ngài: “CÁC THÁNH TỬ ĐẠO BẮC NINH”; bản văn gốc về tiểu sử thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh được viết bằng tiếng Latinh. Bản văn đó ghi tên làng là làng “Van”, không có dấu. Một số giáo dân Yên Lễ (xã An Dương, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) được ông bà truyền lại là dòng dõi thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh. Trong họ Yên Lễ lại có làng Ngàn Ván, nên nhiều người suy đoán đó chính là quê hương thánh nhân. Tuy nhiên, theo người địa phương, giáo dân chỉ mới đến sinh sống ở Ngàn Ván từ khoảng năm 1950. Còn ở Yên Lễ nói chung thì không ai xác nhận được là đã có giáo dân từ bao giờ, và cũng không ai biết gì về thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh. Sử liệu ghi thánh nhân là trùm họ Thổ Hà. Ngài đi rửa tội cho một em bé ở Thổ Hà và bị bắt ở bến đò Thổ Hà. Làng Vạn ở ngay cạnh làng Thổ Hà, cùng thuộc xã Vân Hà, trên bờ Sông Cầu. Xem ra Yên Lễ là một nơi xa xôi, thuộc vùng đồi núi, khó lòng được các nhà truyền giáo đến loan Tin Mừng từ giữa thế kỉ XVII, khi thánh nhân chào đời. Thời xưa các vị truyền giáo thường đi đường sông, nên các họ đạo thường ở hai bên bờ sông. Hiện nay ở Vân Hà không còn dấu vết về một họ đạo xa xưa. Có lẽ nhà thờ đã bị phá hủy và giáo dân phải chuyển đi nơi khác để tránh các cuộc bách hại trong thế kỷ XIX. Tuy nhiên theo danh sách các Linh mục Giáo phận Bắc Ninh năm 1953, có 2 Linh mục quê ở Vạn Vân là cha Đa Minh Niêm, sinh năm 1891, thụ phong Linh mục năm 1918, làm Cha xứ Mỹ Lộc; và cha Giuse Nguyễn Đức Huấn, sinh năm 1912, thụ phong Linh mục năm 1938, làm Cha xứ Vĩnh Yên. Như vậy có lẽ Vạn Vân là xứ hay họ đã có từ lâu đời mà hiện nay không còn nữa. Làng Thổ Hà ở tả ngạn Sông Cầu, còn làng Vạn ở hữu ngạn (nay thuộc phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh) cách đó gần 1 km và cách Tòa Giám mục Bắc Ninh hiện nay khoảng 5 km. Có lẽ thánh nhân sinh ra ở làng Vạn, cạnh làng Thổ Hà. Sau đó vào thời bị bách hại đạo, một số giáo dân, trong số ấy có con cháu ngài, chuyển lên Yên Lễ cách đó chừng 40 km, một số khác chuyển đến làng Vạn Vân gần đó.

[3] Cha Gioakim Nguyễn Đức Việt-Châu, gốc Giáo phận Bùi Chu. Khi xin gia nhập Dòng Thánh Thể cha mới học xong Triết. Cha xin vào Tỉnh Dòng Thụy Sĩ và được gửi sang Hoà Lan làm 2 năm Tập tại Nhà Tập Quốc Tế ở Venlo, do cha Henri Verhoven làm Giáo Tập. Hoàn tất những năm Tập tại Hòa Lan Thầy lại trở về Fribourg Thụy Sĩ để tiếp tục hoàn tất 5 năm Thần Học tại Đại Học Công giáo danh tiếng Fribourg. Sau khi Tốt Nghiệp thầy thụ phong linh mục cũng tại Fribourg năm 1972. Cha là nguời Việt Nam đầu tiên chịu chức linh mục trong Dòng Thánh Thể. Trong tư cách là chủ tịch Linh mục và tu sĩ hải ngoại tại Hoa Kỳ năm 1988, cha được cử là thành viên ủy ban xúc tiến hồ sơ 117 vị Chân Phước Tử Đạo Việt Nam để trình Tòa Thánh xin tôn phong các ngài lên bậc Hiển Thánh.

[4] Pháp trường Cổ Mễ nằm cạnh phía nam Sông Cầu, dưới chân một quả đồi, nay thuộc phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, cách nơi giam giữ các ngài khoảng 2 km, có thể gần địa điểm hiện nay là đền Bà Chúa Kho.

[5] Hiện nay, hài cốt thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh được lưu giữ tại nhà thờ họ Hương La, xứ Tử Nê, xã Tân Lãng, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, Giáo phận Bắc Ninh.

[6] Hiện nay linh cốt Cha Thánh Tự được lưu giữ tại nhà thờ xứ Trung Lai, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Giáo phận Bắc Ninh.

WGPBN

Tin liên quan