Chủng sinh Bắc ninh hành hương theo chân các thánh tử đạo Bắc ninh (ngày hai)

Sau khi thăm viếng nơi làm việc của các thánh tử đạo trên mảnh đất giáo phận Bắc Ninh thân yêu trong ngày thứ nhất, anh em chủng sinh giáo phận đã dành những ngày còn lại để đến với quê hương các ngài. Trong ngày thứ hai này (21.08. 2013), anh em chúng tôi đến với Giáo phận Bùi Chu để thăm nơi sinh thành của hai thánh tử đạo: Vinh sơn Đỗ Yến và Phê-rô Nguyễn Văn Tự.

Ngay từ 4 giờ sáng, bốn mươi anh em chủng sinh giáo phận cùng với cha Đa minh Nguyễn Văn Bích, Phó Ban Ơn gọi của giáo phận, đã rời Tòa Giám Mục Bắc Ninh để đến Giáo phận Bùi Chu, thăm viếng quê hương hai vị mục tử hết lòng hy sinh vì đoàn chiên nói trên.

Sau khi đọc kinh sáng và điểm tâm trên xe, chúng tôi đến điểm dừng chân đầu tiên là Tòa Giám mục Bùi Chu để dự thánh lễ an táng Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, vị mục tử nhân hiền, dành trọn vẹn con người và cuộc sống của mình để chăm lo cho giáo phận có bề dày lịch sử này.

1

Khi chúng tôi đến nơi thì trời đổ cơn mưa thật lớn, xe lại không được phép vào tận nơi, vì có rất đông bà con giáo hữu đến hiệp dâng thánh lễ tiễn đưa ngài về nơi an nghỉ cuối cùng. Ý thức được mình đang đi hành hương, cha con chúng tôi hòa mình vào đoàn người đông đảo, đi trong mưa đến nơi tham dự thánh lễ. Thật kỳ lạ, càng vào sâu chúng tôi càng thấy đông đảo anh chị em giáo hữu tới hiệp dâng thánh lễ. Điều này làm cho chúng tôi được khích lệ rất lớn, vì biết rằng có rất nhiều người yêu mến Giáo hội và cảm phục các vị chủ chăn. Có lẽ ai trong chúng tôi cũng ý thức được rằng mình phải cố gắng hết mình để tiếp bước tiền nhâ

Sự ý thức có lẽ khắc sâu trong chúng tôi hơn khi mỗi người được tham dự thánh lễ an táng đầy xúc động này. Trong bài giảng lễ, giữa hàng ngàn giáo hữu cùng đông đảo Quý Đức Cha, Quý Cha và Quý Tu sỹ, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo đã cho cộng đoàn thấy được những công lao và sự tận tâm lo lắng của Đức Cha cố Giuse dành cho giáo phận Bùi Chu. Ngài cũng động viên Đức Cha Tô-ma kế vị cùng với bà con giáo dân Bùi Chu tiếp tục xây dựng và phát triển giáo phận trong sự tín thác vào Chúa, sẵn sàng để thì hành lời Đức Mẹ căn dặn các gia nhân trong đám tiệc xưa: “Người bảo gì, cứ làm theo” (Ga 2,5), cũng là khẩu hiệu của Đức Cha cố Giuse khả kính.

Gương sáng của các mục tử: hết lòng yêu thương và hy sinh vì đoàn chiên, cùng với sự tín thác vào sự chúc lành của Thiên Chúa, qua sự chuyển cầu của Đức Mẹ và các thánh, làm cho tôi thấy mình cần phải học hỏi gương nhân đức từ các ngài nhiều hơn. Điều này càng thôi thúc chúng tôi về với quê hương các thánh Yến và thánh Tự để thêm lòng mộ mến và ra công tìm hiểu hơn nữa. Thánh lễ kết thúc, cũng là lúc trời nắng đẹp như mời gọi chúng tôi sẵn sàng lên đường đến quê hương thánh Yến.

Đúng 12 giờ trưa, khi tiếng chuông Truyền Tin được rung lên từ nhà thờ Bắc Tỉnh, quê hương cha thánh Vinh Sơn Đỗ Yến, cũng là lúc chúng tôi đến nơi. Do cha xứ bận công việc giáo phận, nên Ban hành giáo đã tiếp đón chúng tôi. Tuy đã muộn nhưng các ông bà vẫn sẵn lòng khoản đãi chúng tôi bữa cơm rau dưa đơn sơ, thân mật và ấm áp tình người.

Chúng tôi định tranh thủ sau giờ cơm để tìm hiểu về Cha thánh Vinh sơn và giáo họ Bắc Tỉnh, nhưng khi ra đến nơi thì có khá đông bà con đã ở trong nhà thờ. Vậy là đúng 13 giờ 30 chúng tôi tiến hành nghi thức tôn kính và ôn lại tiểu sử Cha thánh Vinh sơn tại nhà thờ.

2

Chúng tôi khởi đầu giờ này bằng việc đọc kinh viếng Chúa Giê-su Thánh Thể với bà con giáo dân. Tiếp đến ông trùm có lời giới thiệu chúng tôi cho cộng đoàn và bài giới thiệu về Giáo họ Bắc Tỉnh. Thật bất ngờ cho chúng tôi, khi biết rằng Bắc Tỉnh ngày nay là làng Trà Lũ, nơi được giáo sỹ I-ni-khu truyền đạo đầu tiên vào Việt Nam năm 1533. Vào năm 1670 Bắc Tỉnh cũng là giáo họ đầu tiên được thành lập trên đất Trà Lũ. Có thể nói, Bắc Tỉnh là nơi đầu tiên được gieo mầm Đức tin cho dân Việt. Đây cũng là nơi sản sinh ra nhiều đấng bậc, trong đó thánh Vinh sơn Đỗ Yến (…) đứng đầu, bên cạnh đó còn có 4 trong 5 anh hùng tử đạo được Giáo hội tôn phong lên hàng Tôi Tớ Chúa; ngoài ra đây cũng là quê hương của Đức cha Đa minh Lê Hữu Cung (1898 – 1987) cùng nhiều linh mục, tu sỹ khác.

Tiếp đến thầy Giuse Tâm trình bày lược sử về Cha thánh Vinh sơn Đỗ Yến (1764 – 1838), linh mục dòng Đa Minh. Ngài được biết đến trong chân dung linh mục cao niên khả kính,đạo đức, hiền lành, luôn hiện diện giữa giáo hữu trong mọi cơn thử thách. Hơn 40 năm ngài tận tụy với đoàn chiên khi coi sóc các xứ ở Kẻ Mốt (Gp. Bắc Ninh), sau là Kẻ Sặt (Gp. Hải Phòng). Thời vua Minh Mệnh cấm đạo gắt gao (1838), cha ra sức khuyên bảo và ban các bí tích cho các giáo hữu trong kín đáo. Đến khi biết quan quân lùng bắt gắt gao, sẽ ảnh hưởng đến sự an nguy của giáo hữu, ngài đau lòng phải ra đi trong sự phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ít lâu sau ngài bị nộp. Trước những dụ dỗ chối đạo ngài dứt khoát: “Tôi không là thầy lang. Tôi là Thầy Cả chuyên giảng đạo và tế lễ Thiên Chúa. Tôi sẵn sàng chịu chết vì lẽ đó, chứ không nói dối để được sống”. Cuối cùng, ngài chịu tử đạo ngày 30.06.1838 gần họ Bình Lao, Hải Dương. Tám tháng sau, ngài được giáo dân Thọ Ninh (Gp. Bắc Ninh) cải táng vào nhà thờ họ mình.

Cha Vinh Sơn Đỗ Yến được Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII phong Chân phước vào 27.05.1900 và ĐTC Gioan Phaolo II phong Hiển thánh năm 19.06.1988.

Cha thánh Vinh sơn để lại nhiều ân phúc cho hậu thế qua lời chuyển cầu của ngài lên Thiên Chúa. Nhưng ngài để lại cho chúng ta gương sáng ngời của người mục tử hết lòng với đoàn chiên, và trung tín với ơn Chúa đến cùng. Đó cũng là gương sáng để anh em chủng sinh chúng tôi noi theo. Xin ngài cầu cùng Chúa ban cho anh em chúng tôi biết góp phần làm cháy lên “Ánh sáng Đức tin trên đất Bắc Ninh” thân yêu.

Chúng tôi kết thúc chuyến thăm viếng quê hương thánh Yến bằng những lời cầu nguyện và dâng hương lên tượng đài thánh nhân cùng các tôi tớ Chúa trong khuôn viên tượng đài. Chia tay đông đảo giáo dân Bắc Tỉnh, chúng tôi lên đường thăm viếng đền thánh Phê-rô Nguyễn Văn Tự ở Ninh Cường, Nam Định.

Trên đường đi, chúng tôi may mắn được vào thăm cha Giuse Bá (bạn cùng lớp với cha Đa minh Bích) và Giáo xứ Tích Tín.

3

 

May mắn thay, cha đã dẫn chúng tôi con đường ngắn để đến với quê hương thánh Phêrô Tự.

 

 

4

Đúng 16:15 chúng tôi có mặt và cầu nguyện trong Thánh đường thánh Phê-rô Nguyễn Văn Tự. Sau khi cầu nguyện và nhận phép lành từ cha Giuse Bá, chúng tôi có dịp thăm hỏi và chụp hình lưu niệm với một số bà con giáo dân nơi đây.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Cha thánh Phê-rô Nguyễn Văn Tự, linh mục dòng Đa Minh.Sinh tại làng Ninh Cường năm 1796. Thụ phong Linh mục năm 1826, coi xứ Đức Trai (Kẻ Mốt) – Gp.Bắc Ninh và bị bắt vì đạo ngày 29 tháng 6 năm 1838. Phúc tử vì đạo ngày 5 tháng 9 năm 1838, tại Bắc Ninh. Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII phong chân phước ngày 27 tháng 5 năm 1900. Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II phong Hiển thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988.

Hiện nay, tại Giáo phận Bắc Ninh, nhà đào tạo ứng sinh linh mục nhận ngài là quan thày, lấy tên là: Nhà ứng sinh thánh Phê-rô Nguyễn Văn Tự; tọa lạc bên cạnh nhà thờ Xuân Hòa, xã Đại Xuân, Quế Võ, Bắc Ninh.

Tiếp theo quê hương thánh Phê-rô Tự, chúng tôi được cha Bá dẫn ghé thăm Đền Thánh Mân Côi – Giáo xứ Ninh Cường, cách đó không xa lắm. Nơi đây ghi dấu ấn rất sâu đậm trong công cuộc truyền giáo vào Việt Nam. Bởi bên ngoài khuôn viên Đền Thờ, chúng tôi được cha quản nhiệm giới thiệu cho biết bia đá ghi dấu cha I-Ni-Khu đặt chân truyền đạo vào Việt Nam. Cũng nơi đây, ghi lại nhiều kỷ niệm về Nhà Tràng đào tạo giáo sỹ đầu tiên; nơi đây cũng là mảnh đất đào tạo nhiều đấng bậc có tên tuổi và công lao cho giáo hội Việt Nam. Vào trong Đền Thánh, sau khi đọc kinh viếng Đền Thánh Mân Côi, để lĩnh ơn toàn xá trong năm Đức Tin, chúng tôi được cha quản nhiệm hướng dẫn cho nhiều điểm đặc biệt của nhà thờ và cách bố trí. Rất ý nghĩa và hữu ích cho tương lai mục vụ và học tập của chúng tôi.

5

Sau khi chia tay quý cha trong tiếc nuối vì còn nhiều điều chưa kịp hỏi, anh em chúng tôi lên xe tạ ơn Chúa, tri ân các thánh đã ban cho chúng tôi một ngày bình an bằng giờ kinh chiều. Ngày hành hương thứ hai kết thúc bằng việc nghỉ ngơi lấy sức cho ngày tiếp theo tại Thái Bình.

9 10 11 12 13 14 15 17 18 20 21 22

Thiên Đức

Tin liên quan