Đôi nét về giáo xứ Nghĩa Hạ

Giáo xứ Nghĩa Hạ cách Tòa Giám Mục Bắc Ninh khoảng 25 km về phía đông bắc. Đây là một trong những giáo xứ cổ kính của giáo phận Bắc Ninh với bề dày lịch sử gần 200 năm đón nhận đức tin. Giáo xứ hiện có 4 họ đạo với 978 nhân danh, gồm có họ nhà xứ Nghĩa Hạ, Trại Đồng, Trại Dược và Cổ Đèo. Nghĩa Hạ đã từng là giáo xứ lớn với bề dày lịch sử và sự phát triển mạnh mẽ về đời sống đức tin. Trải qua những thăng trầm của lịch sử bởi chiến tranh, di cư, thiếu vắng linh mục coi sóc trong thời gian dài, giờ đây giáo xứ Nghĩa Hạ đang hồi sinh và phát triển mạnh mẽ.

  1. Họ nhà xứ Nghĩa Hạ

Họ nhà xứ Nghĩa Hạ nằm trên địa bàn thôn Nghĩa Hạ, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Phía Đông giáp với giáo xứ Bắc Giang (5km), phía Tây giáp giáo xứ Thiết Nham (3km), phía Bắc giáp giáo xứ Trung Lai  (3km). Số giáo dân hiện nay của họ nhà xứ Nghĩa Hạ là 768 nhân danh. Giáo xứ nhận thánh Tôma Aquinô làm bảo trợ.  Người dân nơi đây đa số làm nghề nông, một số ít bạn trẻ làm tại các công ty. Thu nhập của người tín hữu nơi đây ở mức trung bình, một số hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn.

Người dân ở giáo xứ Nghĩa Hạ không còn nhớ chính xác Tin Mừng đã được gieo vào  mảnh đất  này từ bao giờ. Tuy nhiên, giáo xứ Nghĩa Hạ đã có một vị đầu mục là Phêrô Thân Đình Sâm, nằm trong số 100 vị đầu mục chết vì đức tin ngày 4/4/1862, đang được chôn cất tại nhà thờ giáo xứ Nghĩa Hạ. Điều này chứng tỏ người dân Nghĩa Hạ đã đón nhận Tin Mừng trước đó rất lâu rồi. Ngay khi hạt giống Tin Mừng được gieo vào mảnh đất Nghĩa Hạ, Tin Mừng ấy đã không ngừng phát triển, thấm nhập vào đời sống người dân. Đức tin vô giá ấy được lưu truyền, giữ gìn bằng mồ hôi nước mắt lẫn máu đào cho ngày nay và  mai sau.

Theo lời kể của cụ Phêrô Thân Đình Tâm (sinh năm 1912) được nghe các cụ kể lại, năm 1865, nơi đây đã là một họ đạo đông đúc tập trung trong làng Trại Giẻ (gọi là Trại Giẻ vì bên cạnh làng có một rừng cây giẻ của cụ lý Học). Số người đó đủ để bảo vệ, giúp đỡ nhau trong lúc nguy nan, đủ sức xây dựng nhà thờ to nhỏ. Như vậy, theo phỏng đoán của các cụ, các bậc tiền nhân của giáo họ đã đến đây lập nghiệp với thời gian gần 200 năm.

Ngôi nhà thơ đầu tiên của giáo họ không ai biết là xây dựng từ năm nào, có lẽ đã có trước ngôi nhà thờ hiện tại cả hàng chục năm. Nhà thờ này có chiều dài là 18m, rộng 6m, cao 2,2m, mái ngói, tường gạch.  Hiện nay, ngôi nhà thờ cổ này được dân họ sửa lại để làm nhà khách và phòng nghỉ cho quý cha về dâng lễ.

 

Ngôi nhà thờ hiện tại của giáo xứ được xây dựng năm 1902, với chiều dài là 43m, rộng 18m, cao 2,9m;  một tháp chuông cao 25m với 2 quả chuông, quả thứ nhất  nặng 100kg, quả thứ hai nặng 110kg. Tổng diện tích khuôn viên nhà chung là 2.800m2.

 Khi xây dựng nhà thờ, giáo họ có khoảng 500 nhân danh. Tuy có ít người nhưng mọi người đã tận tâm, tận lực, hy sinh góp của góp công. Giáo họ mua lại được hai cái đình làng Phúc, làng Cầu để lấy gỗ về xây dựng nhà thờ. Thời đó không có xe, không có máy, vậy mà mọi công việc lớn nhỏ đều trôi chảy. Giáo họ xây dựng được một thánh đường nguy nga tráng lệ, với những cột kèo toàn lim, mỗi cái nặng cả tấn, với ba bàn thờ sơn son thiếp vàng, trạm trổ hoa văn rồng bay phượng múa, những nghệ nhân ngày nay khó ai sánh bằng. Qua đó đủ thấy tinh thần mạnh mẽ và lòng đạo đức của các cụ. Từ nay, giáo dân nơi đây có một nơi thờ phượng khang trang, đẹp đẽ, sánh vai với các xứ đạo tầm cỡ trong giáo phận, đã có nơi để sớm hôm  thờ phượng, xướng ca, ngợi khen danh Chúa cả sáng.

Vào khoảng năm 1910, giáo họ xây dựng được dãy nhà có 6 gian, nằm hai bên tháp chuông nhà thờ, để phục vụ cho các sinh hoạt của cộng đoàn, mọi người nơi đây hay gọi với cái tên là ‘nhà quản cư’. Dãy nhà này  tồn tại đến năm 1998 thì được giáo họ phá bỏ.

Vào thời cha già Chiểu, cha già Kính, cha già Tuân coi xứ Thiết Nham, Trại Giẻ là họ lẻ của Thiết Nham. Trại Giẻ thời đó cũng là một giáo họ lớn của xứ Thiết Nham.

Năm 1928 cha già Đốc về lập xứ. Giáo họ Trại Giẻ được tách ra khỏi giáo xứ Thiết Nham và được nâng lên thành xứ với tên gọi mới là giáo xứ Nghĩa Hạ. Từ nơi đây, dân xứ đã nhận biết bao ơn lành của Chúa, hàng vạn thánh lễ dâng lên để cảm tạ, ngợi khen Thiên Chúa, bao nhiêu nghi lễ rửa tội cho mọi người được làm con Thiên Chúa, bao nhiêu lễ hôn phối chúc lành cho đôi bạn được hạnh phúc, triển nở trong tình yêu Thiên Chúa…

 Cũng trong năm này, cha già Đốc đã khởi công xây dựng tháp chuông hiện nay của  nhà thờ. Kể từ đây, Nghĩa Hạ luôn có cha xứ ở trực tiếp cho đến biến cố năm 1954: gồm có cha già Quyền, cha già Khoan, cha già Huấn, cha giáo Cảnh và sau cùng là cha già Uẩn coi sóc lúc đất nước phân đôi năm 1954.

Năm 1940, số giáo dân nơi đây  đã lên tới 1200 nhân danh, năm 1954 là 1800 nhân danh.

Biến cố năm 1954, dân nơi đây di cư đi nam, chỉ còn 24 hộ gia đình ở lại với khoảng 109 nhân danh. Những người ở lại cũng không được bình yên, họ luôn bị chính quyền rình rập, gây ra cho nhiều khó khăn, đau khổ, hòng ép những người ở lại nản chí mà bỏ đạo. Vì chọn sống theo đức tin nên nhiều người thời đó đã bị lưu đày, tù tội như: cụ chánh Tôma Aquinô Bùi Văn Hẻo, cụ trùm Tôma Thân Văn Nhạc, cụ Tôma Bùi Văn Tứ… Dù phải chịu nhiều kìm kẹp, bắt bớ, các cụ vẫn một lòng trung tín, luôn tin tưởng phó thác nơi vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.

Sau năm 1954, giáo xứ Nghĩa Hạ cũng không còn có cha ở trực tiếp nữa. Nỗi lòng biệt ly người đi người ở, những người còn ở lại như những đoàn chiên bơ vơ không người chăn dắt.

Thời cha già Năng, cha già Niêm, cha già Châu, coi sóc vùng Bắc Giang, thỉnh thoảng về cho lễ ở giáo xứ vào mùa chay và lễ quan thầy. Bình thường muốn đi lễ, mọi người phải sang giáo xứ Bắc Giang để dự lễ. Từ khi cha Giuse Nguyễn Tiến Giản mất (1988), các dịp lễ trọng, mọi người phải đi xe đạp hoặc đi bộ về Tòa Giám Mục dự lễ.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhưng người dân thuộc giáo xứ Nghĩa Hạ vẫn duy trì đời sống đức tin. Có thể nói, giáo xứ tồn tại được đến ngày nay là nhờ vào ơn Chúa và nhờ vào việc giữ lòng đạo đức bình dân qua việc cùng nhau đọc kinh sớm tối hàng ngày, và qua những sinh hoạt phụng vụ bình dân như: dâng hoa, nguyện ngắm, suy tôn Lời Chúa ngày Chúa nhật và lễ trọng…Cho đến bây giờ bà con giáo dân  vẫn luôn duy trì  đều đặn ngày ba buổi đến nhà thờ cầu nguyện.

Trong thời gian  cha Đaminh Nguyễn Xuân Hùng, cha Giuse Nguyễn Huy Tảo và cha Đaminh Tân (chính xứ Bắc Giang) (1998 -2020) quản nhiệm thêm giáo xứ Nghĩa Hạ. Hàng tuần giáo xứ một tuần có 3 lễ. Niềm vui lớn lao đối với giáo xứ Nghĩa Hạ vào ngày 04/7/2020, cha Đaminh Nguyễn Quang Thiều là cha xứ của giáo xứ và đến ở trực tiếp với Nghĩa Hạ sau 66 năm giáo xứ không có mục tử trực tiếp coi sóc.

Cha Đaminh Nguyễn Quang Thiều

Nghĩa Hạ có rất nhiều hội đoàn đã được thành lập và hoạt động tích cực như huynh đoàn Đa Minh giáo dân với 60 thành viên, hội Giuse hiện có108 thành viên, vẫn duy trì sinh hoạt đều đặn. Hội Mân côi với 50 thành viên, thứ bảy hàng tuần khấn Đức Mẹ, thứ năm đầu tháng chầu thánh thể. Hội Lòng Chúa Thương Xót thành lập năm 2012 hiện có 30 thành viên. Hội Legio Marie thành lập năm 2007, hiện có 30 thành viên, sinh hoạt đều đặn vào thứ ba, tư, năm theo thủ bản của hội Legio. Hội Khôi Bình với 72 thành viên, thứ năm hàng tuần có chia sẻ Lời Chúa và thúc đẩy việc giúp đỡ nhau trong đời sống. Hội kèn với 24 thành viên mới được thành lập năm 2013. Ca đoàn thánh gia gồm có 25 thành viên. Huynh trưởng giáo lý viên có 15 thành viên. Thiếu nhi thánh thể hiện có 130 em học giáo lý đầy đủ vào tối thứ bảy và Chúa nhật hàng tuần.

Nằm kế cạnh bên nhà thờ là nhà huynh đệ của Tu hội Đức Mẹ hiệp nhất. Các dì giúp giảng dạy giáo lý cho các em thiếu nhi trong cả xứ và đồng hành trong các hoạt động của nhà xứ.

  1. Giáo họ Cổ Đèo

Họ Cổ Đèo nằm trên địa bàn của thôn Trại Dược, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Cổ Đèo là một giáo họ non trẻ, nhỏ bé, nằm gần dãy núi Cổ Đèo, chắc cũng chính vì thế mà người dân nơi đây đặt tên cho giáo họ cái tên thật gần gũi và thân thương như vậy. Cách họ Cổ Đèo khoảng 1km có núi Ao Trời. Người dân nơi đây kể lại, xưa trên đỉnh núi này có một cái ao và có nhiều cá, vì thế được người dân nơi đây đặt tên là núi Ao Trời. Hiện nay, ao trên núi này vẫn còn.

Cổ Đèo cách nhà xứ Nghĩa Hạ 2km. Giáo họ nhận thánh Gioan Tẩy Giả làm bổn mạng (lễ kính 29/8). Cổ Đèo hiện nay có 18 nhân danh. Nghề nghiệp chủ yếu của bà con giáo dân nơi đây là làm ruộng.

Cổ Đèo – giáo họ mới được thành lập năm 2006. Trước đó, các gia đình trong họ Cổ Đèo sinh hoạt trong họ đạo Trại Dược, cách Cổ Đèo khoảng 1km. Do đường sá đi lại khó khăn, cho nên ông Đaminh Lê Văn Thả và bà Maria Ngô Thị Hiền, đã hiến phần đất của gia đình với diện tích 1500m2 để làm nhà thờ, với ước nguyện mong sao có chỗ tối sớm đọc kinh, học giáo lý, giúp con cháu sống đạo. Ngôi nhà thờ giáo họ được hai ông bà khởi công xây dựng năm 2002. Trong thời gian xây dựng, ông bà gặp nhiều khó khăn do chính quyền ngăn cấm và nhiều người ngăn cản. Đứng trước những khó khăn thử thách, hai ông bà vẫn kiên trung, đặt trọn niềm tín thác nơi Thiên Chúa, và tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ ban ơn giúp sức cho ông bà đạt được ước nguyện. Điều kì diệu đã xảy ra, với bao nhiêu nỗ lực của hai ông bà và nhờ ơn Chúa, ngôi nhà thờ nhỏ bé  cũng được hoàn thiện sau 4 năm xây dựng, để rồi đúng ngày 12/3/2006, ĐGM. Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến về làm phép nhà thờ. Nhà thờ giáo họ Cổ Đèo dài 12m, rộng 6m, cao 4m, có một quả chuông nặng 35kg. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nhà thờ, ông bà còn xây dựng được một căn phòng để các cha về dâng lễ có chỗ nghỉ ngơi và một gian bếp nhỏ. Hơn thế nữa, ông bà còn quyên góp xây dựng được một tượng đài kính Đức Mẹ, đã được cha tổng đại diện Giuse Nguyễn Đức Hiểu làm phép ngày 26/02/2015.

Từ khi có nhà thờ đến nay, hàng tuần giáo họ có một thánh lễ vào tối thứ hai. Chỉ với 18 nhân danh, việc đọc kinh tại giáo họ vẫn được ông bà và các cháu duy trì đọc vào tối thứ 6, 7, và chủ nhật hàng tuần. Từ góc khuất của dãy núi, tiếng chuông văng vẳng vang  lên, như mời gọi mọi người hãy đến để lãnh nhận ân sủng Chúa.

Từ sự nhiệt thành và quảng đại của bà con giáo dân nơi đây, ước mong sao giáo họ Cổ Đèo nhỏ bé này ngày một thăng tiến, vững mạnh trong đức tin, để đem Tin Mừng đến cho mọi người xung quanh.

  1. Giáo Họ Trại Đồng

          Giáo họ Trại Đồng nằm trên địa bàn thôn Trại Đồng, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cách nhà xứ Nghĩa Hạ khoảng 3km. Giáo họ nhận thánh Giuse làm thánh bảo trợ, lễ kính ngày 1/5 hàng năm.

Tin mừng đã được loan báo tại Trại Đồng từ bao giờ thì không ai  còn nhớ, chỉ biết rằng ngôi nhà thờ khang trang của giáo họ hiện tại được xây dựng từ năm 1921. Tuy được thành lập từ lâu, nhưng cho đến nay, giáo họ Trại Đồng chỉ mới có được 118 nhân danh. Ngôi nhà thờ cổ kính của giáo họ gần trăm năm tuổi .

          Trước năm 1954, Trại Đồng là một họ lớn của xứ Nghĩa Hạ với 50 hộ gia đình vào khoảng gần 300 nhân danh. Giáo dân đông nên cộng đoàn nơi đây đã xây dựng được một nhà thờ kiên cố và rộng rãi, với chiều dài 27m, rộng 7,5m và cao 5m, một quả chuông nặng 30kg. Qua dòng thời gian và chiến tranh, nhà thờ Trại Đồng đã phải trải qua hai lần tu sửa. Năm 1965, nhà thờ bị bom đánh nứt và nghiêng tường phải nhà thờ, năm 1999 được sửa đại tu và đến năm 2003 thì hoàn thành.

Như những giáo họ khác trong vùng đất Bắc Giang, Trại Đồng cũng trải qua nhiều biến cố lịch sử. Từ một giáo họ sầm uất, năm 1954, giáo dân nơi đây di cư đi nam hết, chỉ còn ba gia đình ở lại. Dân trong họ giáo hiện tại là con cháu của ba cụ: Giuse Nguyễn Ngọc Minh, Giuse Nguyễn Minh Lộc và cụ Giuse Nguyễn Văn Thanh.

Thời cha Niêm, cha Châu, cha Giản, cha Hùng, cha Tảo, cha Tân coi sóc Bắc Giang, giáo họ Trại Đồng thinh thoảng có các cha về dâng lễ vào dịp mừng lễ bổn mạng của giáo họ. Ngày  nay, Trại Đồng có lễ thường xuyên hơn, một tuần có một lễ vào tối thứ tư.

 Dù trải qua rất nhiều khó khăn thử thách, đời sống đức tin của giáo dân vẫn được duy trì. Để nuôi dưỡng và phát triển đời sống đức tin, giáo họ đã thành lập hội Mân Côi, Huynh Đoàn Đa Minh giáo dân và hội Giuse. Dòng ba Đa Minh với 7 thành viên, thường xuyên viếng thánh thể và đọc kinh trưa. Hội thánh Giuse gồm có 21 thành viên, hàng tháng có duy trì chầu thánh thể và chia sẻ chung. Hội Mân côi có 15 thành viên. Hiện tại, giáo họ chưa đào tạo đượ giáo lý viên, vì thế, việc giảng dạy giáo lý phải nhờ đến các dì Tu hội Đức Mẹ hiệp nhất bên giáo xứ Nghĩa Hạ sang dạy vào Chúa nhật.

 Ngày nay bà con giáo dân vẫn đều đặn ngày hai buổi tới nhà thờ cầu nguyện, viếng Mình Thánh Chúa,  cha xứ về dâng thánh lễ mỗi  tuần một lần.

Ước mong đời sống đức tin cũng như kinh tế của người dân trong giáo họ Trại Đồng ngày càng phát triển để xứng đáng với bề dày lịch sử và  gặt hái được nhiều thành quả để mừng kỷ niệm 100 năm đón nhận Tin mừng vào năm 2021.

  1. Giáo họ Trại Dược

          Nhà thờ giáo họ Trại Dược nằm trên địa bàn thôn Trại Dược, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Trại Dược nằm giữa lưng chừng đồi Trại Dược và cách nhà xứ Nghĩa Hạ khoảng 3km. Giáo dân ở đây sống xôi đỗ với 75 nhân danh. Đa phần bà con giáo dân nơi đây canh tác nông nghiệp, một số bạn trẻ đi làm việc trong các công ty.

          Người dân nơi đây không còn nhớ Tin Mừng đã được gieo vào mảnh đất  này từ bào giờ. Chỉ biết rằng, ngôi nhà thờ hiện tại của giáo họ được xây dựng năm 1927 và trước đó, giáo họ Trại Dược đã trải qua hai đời nhà thờ.

          Ngôi nhà thờ thứ nhất của giáo xứ được được xây dựng trên đỉnh núi Trại Dược. Nhà thờ được xây từng trình mái lợp rạ. Theo như các cụ kể lại, xưa kia, xung quanh núi Trại Dược này, từng có các gia đình Công giáo ở rất đông. Nhà thờ được xây dựng nơi cao ráo, ở gần trung tâm của núi.

          Nhà thờ thứ hai của giáo họ được xây dựng dưới chân núi, cách nhà thờ hiện nay khoảng 50m.  Nhà thờ thứ ba được xây dựng là ngôi nhà thờ hiện tại của giáo họ. Được  xây dựng năm 1927, chiều dài của nhà thờ là 20m, rộng 9m, cao 3m. Có một tháp chuông mới được xây dựng cao 8m, quả chuông nặng 51kg. Nhìn ngôi nhà thờ cổ kính của giáo họ, chúng ta cũng nhìn thấy được sự hy sinh, quảng đại, tinh thần đạo đức của các bậc tiền nhân đã xây dựng giáo họ.

          Trước năm 1954, đây là một họ giáo đông đúc với gần 70 gia đình. Sau năm 1954, dân di cư đi miền Nam gần hết, chỉ còn lại ba gia đình là những bà góa ở lại. Từ một họ giáo với những với những truyền thống lâu đời, nay giáo dân đi di cư hết, mọi sinh hoạt tôn giáo rầm rộ xưa kia nay không còn, chỉ có mấy người ở lại trông coi nhà thờ tối tối đến đọc kinh. Có những lúc giáo họ  tưởng chừng bị xóa sổ. Trải qua dòng thời gian, nhà thờ ngày một xuống cấp, hư hỏng nặng, ba bà đã xuống xin Đức Hồng Y Giuse Phao lô Phạm Đình Tụng sửa chữa nhà thờ. Trải qua nhiều lần tu sửa nhà thờ mới tồn tại được tới ngày nay.

          Thời cha Niêm, cha Năng và cha Châu coi sóc vùng Bắc Giang, giáo họ Trại Dược thỉnh thoảng có các cha về dâng lễ vào dịp mừng bảo trợ của giáo họ, nay giáo họ có lễ đều đặn một tuần một lễ vào tối thứ ba.

          Hiện nay, giáo họ Trại Dược có 19 hộ gia đình với 75 nhân danh. Giáo họ có hai hội đoàn. Huynh đoàn dòng ba Đa Minh có 10 thành viên, đọc kinh vào các buổi trưa. Hội Giuse  thành lập năm 2014, hiện tại hội vẫn sinh hoạt chung với hội Giuse trong nhà xứ Nghĩa Hạ. Thiếu nhi có các dì tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất sang dạy.

          Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, giáo họ Trại Dược vẫn tồn tại được đến ngày hôm nay. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì Ngài đã gìn giữ và che chở giáo họ. Xin Chúa ban cho giáo họ ngày một kiên vững trong niềm tin và phát triển mạnh mẽ.

TT Bắc Ninh

Tin liên quan