Ngày 12/8: Thánh Mi-ca-e Nguyễn Huy Mỹ – Lý Trưởng, tử đạo Việt Nam

Cậu bé mồ côi ngoan ngoãn

Tên thật của ông Lý Mỹ là Nguyễn Huy Diệu sinh năm 1804, đời vua Gia Long. Theo một thói quen cổ ở Việt Nam, người ta thường lấy tên con mà gọi cha mẹ. Vì vậy từ khi ông Diệu có con đặt tên là Mỹ, ai cũng gọi là ông Mỹ.

Cha cậu là người ở trại Đại Đăng, giáp tỉnh Vân Sàng, về sau gọi là tỉnh Ninh Bình. Ông bỏ quê mình, đến ngụ cư tại làng Vĩnh Trị, lấy vợ và sinh được 8 con ở đấy. Cậu Diệu là con trai cả, tên thánh là Micae, lên 10 tuổi thì mồ côi cha, đến năm 12 tuổi lại mồ côi mẹ nữa. Tất cả 8 anh em phải ở với bà dì. Bấy giờ cậu Diệu có vẻ nhút nhát e thẹn, lúc nào cũng giữ nét mặt nghiêm trang, và rất ít khi thấy cậu nô đùa nghịch ngợm với các bạn. Sau khi cha mẹ qua đời, người ta thường gặp cậu lần hạt ở góc vườn nhà bà dì rất nhiều lần. Cậu lớn thêm mấy tuổi nữa thì dù nhà nghèo khó, bà dì cũng cố lo liệu cho cháu học chữ Nho và ít nhiều điều về nghề làm thuốc. Nhờ việc học hành và nhờ có xu hướng ưa sống vắng vẻ yên tĩnh một mình, nên cậu Diệu không hề mắc phải những thói xấu của giới thanh niên đương thời như cờ bạc.

Người chồng và người cha gương mẫu

Vì vừa thông minh vừa chăm học, nên đến năm 20 tuổi, cậu đã khá giỏi chữ Nho và bắt đầu làm thuốc được.

Bà dì lo cho cậu được kết bạn với có Mẫu là con gái ông Trùm Đích. Từ nay cậu Diệu càng tỏ ra nghiêm trang đạo đức sốt sắng hơn nữa. Cậu xử với vợ rất tốt, hiền lành nhưng cương quyết. Về sau, đối với con cái và người giúp việc trong nhà cũng vậy. Từ bấy giờ ở làng Vĩnh Trị ai cũng khen ông Mỹ là người gương mẫu cho toàn dân. Trong vụ án phong chân phúc cho ông, có một nhân chứng nói rằng: “Ông Lý Mỹ là gương mẫu cho cả xứ Vĩnh Trị”. Chính bà Ly Mỹ kể rằng: “Ông ấy siêng năng lần hạt và đọc kinh tối sớm, bắt cả vợ con cùng người nhà đọc nữa, không bỏ bao giờ. Dù lúc trong nhà lắm việc, ông cũng không chịu đọc kinh vắn tắt. Tối nào vợ con hoặc người làm có ai bận coi giữ trẻ hay làm việc gì cần ngay mà không đi nhà thờ được, thì ông bắt những người ấy ở nhà liệu lúc tiện đọc kinh chung với nhau, chính ông lại đọc sách cho họ nghe nữa.

Mỗi năm ông xưng tội 4, 5 lần. Lần nào cũng xét mình trước 2 ngày, ghi tội vào giấy cho khỏi quên. Chẳng những cả gia đình ông đi lễ các ngày chủ nhật và lễ trọng, lại đi lễ cả các ngày thường nữa. Trong mùa Chay, ông Mỹ ăn chay các ngày thứ tư và thứ sáu. Cả gia đình hòa thuận thương yêu nhau. Riêng ông coi sóc vợ con cách dịu dàng êm ái, không nói nặng lời bao giờ. Suốt đời ông chỉ mắng vợ rồi đánh bà một lần ba roi vì ngang tính không chịu đọc kinh. Ông coi sóc cẩn thận không để cho ai trong nhà bỏ lễ chủ nhật, nhiều hôm, ông bắt họ đi lễ ngày thường nữa, chính ông đi cùng với họ, xem lễ sốt sắng nghiêm trang, siêng năng chịu lễ, làm gương cho họ.

Ngày nay, nhiều người còn nhắc lại những gương sáng về lòng đạo đức và tình bác ái của ông Lý Mỹ đã ghi trong sách vở cho các giáo hữu noi theo. Khi các thanh niên trong xứ đến chào Cha Phê là Cha xứ Vĩnh Trị hồi ấy Người khuyên họ rằng: “Chúng con hãy noi gương bắt chước ông đồ Diệu, vì ông ấy thật là người đạo đức sốt sắng”.

Cùng với lòng đạo đức, ông Mỹ còn luôn nêu gương bác ái. Ông năng làm phúc giúp người nghèo khó, chẳng những chọn của tốt lành hẳn hoi, lại chú ý nói năng dịu dàng, khiến cho họ được an ủi vui lòng. Có một năm mất mùa, nhiều người đói khát, dù ông Mỹ không giầu, thì cũng giục giã vợ con làm phúc cứu giúp những người đói khổ ấy. Ông bắt người nhà nấu cháo để phát cho họ, không được cho gạo, sợ họ ăn sống mà sinh bệnh.

Ông Lý Mỹ nhân chức Lý trưởng

Dân làng Vĩnh Trị, cả lương cả giáo, ai cũng tín nhiệm ông Lý Mỹ là người đạo đức tốt lành, ngay thẳng và giỏi giang. Vì vậy khi ông Chánh Tổng qua đời thì các lý dịch hàng tổng kéo đến nhà ông Mỹ để mời ông ra nhận chức ấy. Nhưng hai lần vào mời, ông từ chối cả hai. Có lẽ ông sợ ra làm việc ấy sẽ liều mình lỗi phép đạo và khó giữ lòng sốt sắng. Về sau Đức Cha Ha-va[1] (1) (Du) khuyên ông gánh việc lý trưởng để che chở cho dân và giúp đỡ nhà chung, nên ông vâng lời.

Từ khi ông Lý Mỹ làm lý trưởng, bao nhiêu đức tính của ông có từ trước càng nổi bật lên trong lúc lo việc công. Khi xét việc dân thưa kiện nhau, khi chia của cải ruộng nương thuế má, ông xử công minh, không thiên tư ai, dù đối với bà con họ hàng cũng vậy. Ai có lỗi, ông cứ phép thẳng mà phạt. Ông luôn luôn nhớ mình là người có đạo, nên chức lý trưởng của mình cũng phải thi hành theo lương tâm người có đạo, và ông không chịu để những người trong quyền mình làm việc gì trái phép đạo. Hồi ấy, có một ông đồ, cũng theo đạo Gia-tô, dạy ông Lý Mỹ học chữ Nho từ thuở bé, cùng với rất nhiều bạn khác, cả lương cả giáo; nhưng số bạn bên lương đông hơn, và trưởng tràng cũng là người bên lương. Vì vậy, khi thày giáo cũ của họ qua đời, số học trò này muốn làm những việc mê tín theo thói quen những người ngoại đạo thường làm khi cất xác người chết. Ông Lý Mỹ nhất định không cho họ làm, rồi sai người đi mời hai thày phó tế và các thày giảng đến lo liệu đưa xác thày đồ theo đúng phép đạo.

Việc này làm cho nhiều người không hài lòng, nhưng không ai phản đổi ông Lý Mỹ vì hầu hết dân làng đều cảm phục mến chuộng ông, và danh tiếng ông đã đồn ra khắp cả tổng, ai cũng khen ngợi và kính nể ông. Đức Cha Rơ-to (Liêu) công nhận ông Lý Mỹ là người đã giúp nhiều việc lớn cho đạo vì xứ Vĩnh Trị là nơi có nhà xứ, có tòa Giám mục, có chủng viện và có trường các thày giảng.

Thật thế, chẳng những ông Lý Mỹ dùng quyền mình mà liệu cho dân sống bình an yên ổn và công minh chính trực, ông còn đích thân làm gương cho dân nơi theo nữa. Ông tận tâm giúp mọi người mà không để cho họ hầu lỡi mình. Nhiều lần ông còn lấy của nhà ra lo việc công. Ông xử thẳng phép với những người gian, đánh đòn để sửa lỗi, chẳng chịu tha không cho họ bao giờ. Vì vậy, về sau dân làng Vĩnh Trị không ai dám lấy trộm của ai, dù trong làng, dù ngoài đồng, dù lợn gà lạc, cũng không ai bị mất mát gì nữa. Cả hàng tổng đều khen làng Vĩnh Trị nghiêm hơn hết các làng khác. Đêm đến, chính ông Lý Mỹ đi soát và bắt những người đánh bạc. Có một người giúp việc nhà ông kể lại rằng: “Mỗi lần ông Lý Mỹ bắt được tôi và ba anh nữa đang đánh bạc, ông sai người đánh ba anh kia mỗi người 40 roi, còn tôi là người nhà của ông thì ông truyền đánh 60 roi”. Những người đàn bà mất nết hoặc lắm miệng hay cãi nhau chửi nhau, ông cũng sai người đánh đòn cho chừa. Hồi ấy ở làng Vĩnh Trị có một người đàn bà hoang thai đã hai lần, đến lần thứ ba, có người bàn với ông Lý Mỹ đuổi nó ra khỏi làng. Nhưng ông không nghe vì sợ nó đến sống nơi ngoại đạo sẽ hư thân và mất linh hồn. Rồi ông sai đánh đòn sửa phạt cho nó xấu hổ mà chừa. Trong khi sửa lỗi như vậy, ông không giận dữ gắt gỏng, vẫn nói năng khuyên bảo êm đềm như thường.

Một ông lý trưởng có đao gương mẫu

Nhiều người có đạo khi chưa làm việc công thì giữ đạo cẩn thận, nhưng bắt đầu ra làm việc công là bắt đầu khô khan chểnh mảng, lấy lẽ bận việc quan, bỏ hết việc đạo đức này đến việc đạo đức khác. Ông Lý Mỹ lại khác hẳn. Đang khi làm lý trưởng, ông vẫn siêng năng đọc kinh xem lễ và xưng tội chịu lễ như trước. Đối với dân làng, chẳng những ông coi sóc việc đời, ông còn chăm lo việc đạo nữa. Theo thói quen ở làng Vĩnh Trị bấy giờ, hễ ai làm lý trưởng thì làm đầu coi phiên tuần. Vì vậy, tối nào ông Lý Mỹ cũng bắt những người phiên tuần đọc kinh chung với mình, và nghe đọc một đoạn sách rồi mới chia nhau đi canh trong làng hay ngoài đồng.

Đến tuần làm phúc, ông đi soát và giục giã các thanh niên, các trẻ em đến nhà thờ học bổn và đọc kinh cầu nguyện. Những ai khô khan không đi xưng tội, lẫy lẽ mình nghèo đói vất vả làm ăn, không có giờ dọn mình, thì ông gọi đến nhà mình, cho ăn uống rồi khuyên bảo đi xưng tội ngay. Dân làng Vĩnh Trị thường kể lại rằng: thời ông làm lý trưởng, mọi người năng xưng tội, vì ông rất chú ý đến việc ấy, với các người đàn anh, thì ông khuyên bảo giục giã, với các kẻ đàn em thì ông lấy lời thẳng mà răn đe. Có một lần, đang mùa Chay, ông mời hàng xã đến nhà mình ăn uống như khi hội họp bàn việc làng. Khi đã đến đông đủ, ông lên tiếng khuyên giục họ đi xưng tội rồi đe rằng: “Ai bỏ xưng tội chịu lễ mùa Phục Sinh, nếu là người làng, tôi sẽ làm sổ nộp cho Bề Trên, nếu là người ngụ cư, thì sẽ phải đuổi đi”.

Ông Lý Mỹ cũng hiểu biết phúc trọng của những kẻ thuộc về Chúa cách riêng, nên chính ông làm gương và khuyên bảo mọi người ở khiêm nhường và tôn kính các người đã đi tu dâng mình cho Chúa.

Suốt mấy năm ông làm lý trưởng, trong nước phải cấm đạo ngặt, Nhà Chung phải tản đi hai lần, làng Vĩnh Trị cũng bị vây bắt. Có một lần, Đức Cha và các Cha còn ẩn trong làng chưa kịp chạy, thì các quan đã đến vậy, ông Lý Mỹ cứ bình tĩnh thản nhiên dẫn các quan đi khám mọi nhà mà chẳng bắt được đấng nào. Chính ông Lý Mỹ mạnh dạn vững vàng như vậy, rồi lại năng khuyên bảo người khác cũng phải vững vàng, đừng nao núng khi gặp gian nguy thử thách. Có một lần, ông khuyên cả các chị nhà dòng trong xứ rằng: “Chúa để cho vua cấm đạo, khác nào như ra đầu bài thi cho chúng ta. Vì thế, ai nấy phải cẩn thận, chú ý và bình tĩnh sáng suốt để làm bài cho đúng”.

Vì thế, khi quan Trịnh Quang Khanh bắt các lính có đạo miền Nam Định phải khóa quá, đúng lúc ông Lý Mỹ đang áp việc đê ở xa, ông vội gửi thư ngay cho 4 người lính Vĩnh Trị đang ở tỉnh mà khuyến khích như sau: “Xin anh em chịu khó, đừng ai khóa quá, mấy ngày nữa xong việc, tôi sẽ về và ra với anh em”.

Nhớ lại những lời ông Lý Mỹ quen nói từ trước, thì xem ra ông đã nghĩ đến và đã có lòng ước ao phúc tử đạo. Bà Lý cũng kể lại có lần ông hỏi thử bà rằng nếu ông được phúc trọng ấy thì bà có bằng lòng không. Bà thực lòng đáp lại là mình bằng lòng lắm. Ông Lý Mỹ nghe vợ nói thế rất hài lòng và vui mừng mỉm cười. Câu chuyện này vừa xảy ra hôm trước thì hôm sau quan đến vây làng và bắt ông Lý Mỹ. Mà đây chính là phần thưởng trọng nhất Chúa dành cho ông bởi ông đã sống một cuộc đời đầy công phúc.

Tấm gương kiên trung can đảm

Hồi ấy, quan Trịnh Quang Khanh được tin báo có đạo trưởng nam ẩn ở làng Vĩnh Trị, nên đang đêm kéo quân đến vây làng ấy. Ông Lý Mỹ cũng nghe đồn quan quân đến vây làng Vĩnh Trị, nên đi tuần cả đêm hôm ấy. Gần sáng, không thấy gì thì về nhà nghỉ. Một lúc sau, có người chạy vào ngõ kêu rằng: “Ông Lý ơi, quan bổ vây”. Ông xuống nhà ông Trùm Đích, đưa tin cho bố vợ biết, ông nói: “Cha con ta sống chết cùng nhau. Việc Chúa định đã đến rồi”. Đúng lúc ấy, thuyền ông Trịnh Quang Khanh cập bến làng Vĩnh Trị. Ông lên ngôi tại đình làng, cho đòi lý trưởng tới. Ông Lý Mỹ ra đình ngay theo lệnh quan. Bấy giờ đã có ba bốn kỳ mục đến trước ông. Quan truyền gọi mọi người trong làng từ 18 tuổi trở lên tới điểm mục, và quay sang bảo lý trưởng cùng các kỳ mục rằng: “Bao nhiều đạo trưởng ẩn trong làng này, phải đem nộp hết, không tuân thì sẽ mất đầu”. Ông Lý Mỹ thưa rằng: “Bẩm lạy quan lớn muôn tuổi, quan lớn đến dân chúng tôi, nếu bắt được một người tây dương, một đạo trưởng, hoặc một đồ thờ phượng gì luật nước ta cấm, thì tôi và gia đình tôi xin chịu tội”. Quan truyền làm giấy cam đoan, ông Lý Mỹ vâng mà viết giấy cam kết ngay- như sau: “Lý trưởng Nguyễn Huy Diệu xin làm tờ cam đoan như sau: Trong làng chúng tôi không có đạo trưởng cùng đồ đạo quốc cấm, nếu khai gian, tôi xin chịu nộp đầu cùng đầu vợ con tôi cho quan”.

Ông nghĩ rằng mình làm giấy này thì quan sẽ an lòng không khám xét nữa và dân làng sẽ thoát nạn. Nhưng khi quan nghe đọc đến câu “cùng đầu vợ con tôi cho quan” thì có tiếng ồn ào, rồi thấy lính dắt Cha Mai Năm và ông Trùm Đích vào. Quan quay sang hỏi ông Lý Mỹ rằng: “Này lý trưởng, tờ cam đoạn này chưa ráo mực đã không được y lời, mày tính thế nào bây giờ?”. Ông Lý Mỹ thưa lại: “Bẩm quan lớn, tôi xin chịu tội”. Quan hỏi thêm: “Sao mày quá mạn phép quan lớn như vậy.” Ông Lý Mỹ bình tĩnh thưa quan rằng: “Quan lớn thương tha thì chúng tôi được nhờ, bằng không thì chúng tôi xin chịu hình phạt như đã cam kết”.

Lập tức, quan truyền nọc ông Lý Mỹ ra đánh 40 roi đôi. Ông đau đớn lắm, nhưng im lặng không kêu tiếng nào. Chịu đòn xong, ông Lý Mỹ phải đeo gông, rồi lính đưa ông xuống thuyền giải ra tỉnh cùng Cha Năm và ông Trùm Đích. Đến trưa, tới bên Lục Bộ, có một người đàn anh làng Vĩnh Trị ghé vào bàn nhỏ với ông Lý Mỹ để về thu xếp mang tiền đi chuộc ông. Nhưng ông không nghe mà nhắn về rằng: “Dân làng thương tôi như vậy, tôi hết lòng cảm ơn. Nhưng xin dùng nghĩ đến việc chuộc tội, xin để tiền ấy mà giúp vợ con tôi cùng làm bữa cho dân ăn mừng khi đem xác tôi về làng”. Đến Phù Sa, quan đòi ông Lý Mỹ ra hỏi có khóa quá thì tha cho trở về ngay, nhưng ông không chịu khóa quá. Ra đến tỉnh Nam Định, ông Lý Mỹ phải giam trong cùng một ngục với Cha Mai Năm và ông Trùm Đích. Các quan biết Cha Năm là đạo trưởng, chắc không chịu khóa quá, nên không thúc giục, không ép người bỏ đạo mấy. Ông Trùm Đích đã già 70 tuổi nên các quan thương cũng không làm khổ.

Nhưng ông Lý Mỹ còn là thanh niên sắc sảo, giỏi giang, ăn nói khôn ngoan cứng cát, nên các quan làm khổ ông nhiều cách, và cương quyết bắt ông khóa quá. Vì vậy ông phải gông cùm tra tấn, đánh đòn rất dữ tợn. Người ta ước lượng ông phải chịu tới 500 roi, thịt rách nát hết chẳng còn chỗ nào lành; cổ chân cổ tay sưng tím vì bị trói chặt và mang gông xiềng nặng. Tuy thế, ông vẫn bình tĩnh tươi mặt và cương quyết. Nhiều lần ông đã kiệt sức rã rời, mà quan vẫn ra lệnh tiếp tục tra tấn đánh đòn ông cách tàn nhẫn vì mong ông không chịu nổi nữa sẽ khóa quá. Nhưng không hề thấy ông nao núng, các quan cũng phải sợ và phục ông gan dạ mà bảo nhau rằng: “Thằng này chẳng phải người thường, chết đoạn, chắc nó sẽ làm thành hoàng làng nó”.

Một hôm, quan sai lính kéo ông qua ảnh Chuộc tội rồi reo lên rằng: “A, ông Lý bước qua thập giá rồi!” Ông lên tiếng phản kháng như sau: “Bẩm quan lớn, quan lớn sai lính kéo voi ảnh Chuộc ti cũng được, phương chi tôi, nhưng tôi là người, tôi không điên dại mà bước qua ảnh Chúa tôi, tôi vẫn một lòng tôn thờ Chúa tôi”.

Các quan tìm cách để dụ dỗ ông Lý Mỹ, khi thì dỗ chung cùng với Cha Năm và ông Trùm Đích, lúc thì dỗ riêng một mình ông. Có lần quan bảo ông rằng: “Mày còn ít tuổi, giỏi giang, lý sự, coi sóc dân, ai cũng mến, mọi người được nhờ, sao dại dột như vậy, khóa quá đi mà về giúp dân, làm ích cho làng cho nước”. Ông Lý Mỹ thưa rằng: “Tôi không dại, vì khi chưa có tôi thì đã có dân và đã có người coi sóc dân, làm ích cho làng cho nước từ lâu đời rồi. Ngày nay dân nước ta lại biết đạo Chúa, biết người nào cũng có linh hồn, cho nên tôi phải coi giữ linh hồn tôi thật cẩn thận, không bao giờ tôi bỏ linh hồn tôi để nghe theo lời quan lớn”. Quan tỏ lòng thương vợ con ông Lý Mỹ mà nhẹ nhàng khuyên ông rằng: “Sao mày chóng quên vợ con mà chẳng thương chúng nó yếu đuối nheo nhóc? Dù chúng tao không sinh ra chúng, mà trông thấy hay nghĩ đến chúng, cũng động lòng xót thương, mày là bố chúng nó, sao chẳng chịu khóa quá rồi về nuôi dưỡng chúng nó hẳn hoi cho khỏi cảnh bơ vơ, mày mê mẩn không tính ra. Hãy nghe tao mà sớm tỉnh ngộ, đừng dại dột bỏ chúng khổ cực suốt đời”. Ông Lý Mỹ ôn tồn thưa lại rằng: “Bẩm quan lớn, tôi vẫn tỉnh, tôi không mê, nên tôi hiểu rõ vợ con tôi là của Chúa giao phó cho tôi, tôi coi sóc dạy dỗ khi có thể làm được, bây giờ Chúa định cho tôi ở trong tay quan lớn, tôi vâng ý Chúa, cũng như vợ con tôi vâng ý tôi, sao quan lớn muốn nài ép và truyền cho tôi chối Chúa tôi? Làm thể có phải lẽ không? Xin quan lớn xét lại”.

Các quan thấy ông Lý Mỹ nhất định không khóa quá, lại thưa những lời lẽ khôn ngoan cương quyết, thì tức giận lắm vì không nghĩ được cách nào thuyết phục nữa, ra như các quan phải thua người tù.

Quả thật, ông Lý Mỹ ra trước mặt quan không sợ hãi, nhiều lúc còn dám nói những lời lẽ táo bạo để tỏ lòng kiên trung với Chúa, không bao giờ theo lời quan dụ dỗ. Chẳng hạn, có một lần quan án giục ông khóa quá, ông từ chối như sau: “Bẩm quan lớn, giả như có giặc đến đây bắt chúng tôi đạp đầu quan lớn để chúng tôi được sống, thì chúng tôi đạp ngay. Nhưng ai bảo chúng tôi đạp ảnh Thiên Chúa là đấng chúng tôi tôn thờ, thì không bao giờ chúng tôi làm như thế”. Quan án nổi giận, tay đang cầm chiếc quạt lớn thì ném ngay vào mặt ông Lý Mỹ, trúng con mắt, khiến ông đau đớn quá mà ngã gục xuống.

Có quan khác hỏi ông Lý Mỹ rằng: “Thiên đàng là gì? Hãy nói cho ta nghe”. Ông không trả lời thẳng, nhưng giải thích như sau: “Nhát gươm mà quan lớn sắp sai người chém tôi, đó là chính đường lối dẫn vào thiên đàng.”

Lại có nhiều quan khác dỗ ngọt ông rằng: “Mày còn trẻ tuổi, thông thái, có thế lực trong dân, có cơ làm giầu và sống lâu hạnh phúc, mày hãy khóa quá đi thì sẽ được tha về ngay. Biết bao nhiêu đứa khác có đạo như mày cũng đã khóa quá cả, mày không thể noi gương chúng nó được ưĐược tha về rồi, có muốn giữ đạo nữa thì lại giữ như trước, có sao đâu…” Ông Lý Mỹ vẫn một mực trung thành với Chúa và mạnh dạn thưa lại: “Bẩm quan lớn, tôi đã đọc sách, đã suy lẽ đạo, đã biết đạo thật nên không thể bỏ được! Giả như có ai bắt quan lớn đạp đầu đức vua đã ban chức quyền cho quan lớn, hẳn là quan lớn không dám, thế mà quan lớn khuyên tôi đạp ảnh Thiên Chúa là Đấng tôi tôn thờ, có lẽ nào tôi dám làm việc ngỗ nghịch ấy! Tôi không tiếc sự sống đời này vì trước sau, thế nào cũng phải chết. Của cải chức quyền cũng không quyến rũ được tôi vì không có hạnh phúc trần gian nào sánh nổi với phúc tử đạo. Đối với vợ con tôi, tôi hết lòng thương yêu, nhưng tôi cũng sẵn lòng lìa bỏ vì tôi hiểu chắc chắn Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi sẽ gìn giữ chúng, rồi sau này sẽ cho tôi gặp lại chúng trên thiên đàng. Còn những kẻ khóa quá, chẳng khác gì hạng người phản bội đảo ngũ, có hay gì mà quan lớn khuyên tôi noi gương xấu của họ”.

Những lời lẽ anh hùng và tốt đẹp của vợ con ông Lý Mỹ

Các quan tưởng gợi lòng nhớ thương vợ con sẽ làm nhụt chí người tù vì đạo Chúa, nhưng sự thực lại khác hẳn, vì vợ con ông Lý Mỹ chính là những người đầu tiên khuyến khích ông kiên nhẫn vững vàng và can đảm.

Nhiều lần, bà Lý Mỹ bế con út mới được mấy tháng ra tỉnh thăm chồng, và yên ủi ông đừng bận tâm lo lắng cho vợ con. Bà nói quả quyết rằng nhờ ơn Chúa giúp bà sẽ nuôi dạy cả 4 đứa con nhỏ này đến nơi đến chốn. Một hôm, cô Mỹ là con gái cả của ông, mới lên 11 tuổi, trốn mẹ ra tỉnh thăm bố đang phải giam tù. Một mình cô đi bộ nửa ngày mới tới nơi, qua hai ba lần cửa có lính canh ngặt, cũng không sợ, vào tận nhà ngục dặn dò bố đừng khóa quá, cứ chịu chết đi còn hơn. Rất đông người làng rủ nhau đi thăm ông Lý Mỹ. Cậu Thanh Tường, mới 9 tuổi, là em giáp cô Mỹ, nhờ họ nói với bố cậu đừng bỏ đạo, cứ chết vì đạo đi, để được lên trời thẳng, đừng lo đến các con, vì Thiên Chúa đã sinh nên các con thì Thiên Chúa sẽ săn sóc các con.

Những lời tốt đẹp này do miệng trẻ nhỏ mới 9 tuổi nói ra thật đáng cảm phục. Ông Lý Mỹ thấy vợ con đạo đức sốt sắng như vậy thì được vui mừng yên ủi lắm. Ông nhắn về bảo vợ con ở nhà vững vàng giữ đạo, trông cậy Chúa thương phù hộ. Gặp những người đến tận nơi thăm mình, ông cũng chỉ khuyên họ vững lòng giữ đạo, chẳng hỏi chuyện gì khác.

Chịu đòn thay Cha

Thấy ông Trùm Đích là bố vợ mình tuổi già sức yếu đã có lần phần nàn lo lắng về các hình khổ sẽ phải chịu, thì ông Lý Mỹ sợ bố mình yếu sức không chịu đau đớn nổi mà sau ngã lòng khóa quá chẳng, nên ông kể cho bố nghe những lời lẽ tốt lành của cháu Mỹ và cháu Tường, rồi ông khuyến thêm rằng: “Cha đã nhiều tuổi mà trước sau cũng phải chết. Nếu chẳng chết vì đạo bây giờ thì ít lâu nữa cũng sẽ phải chết vì bệnh. Chết vì đạo thì làm sáng danh Chúa, vinh dự cho gia đình làng nước, và cha nắm chắc phần thưởng Thiên đáng. Còn chết vì bệnh, thì chưa biết hậu quả thế nào, nhưng nếu bây giờ cha khóa quá để về nhà đợi chết vì bệnh thì trông thấy rõ ràng chỉ mang tiếng là kẻ bỏ đạo, gia đình làng nước cũng mang tiếng lây, phần cha có thể liều mình mất linh hồn. Như thế thì hẳn ai cũng thấy rõ nên chọn cái chết nào. Quả thật nếu nuối tiếc sự sống đời này, thì tôi phải tiếc hơn cha vì tôi còn trẻ tuổi khỏe mạnh, nhưng tôi vui lòng bỏ sự sống đời này để làm sáng danh Chúa. Các con cha đã thành thân cả rồi, cha không cần giúp chúng nó nữa, mà nếu cha chết vì đạo thì lại làm gương sáng cho các con và các con cha được danh giá trước mặt mọi người. Phần tôi, vợ còn trẻ, con còn bé dại chưa làm gì được mà ăn, nhưng tôi sẵn lòng chết vì đạo, tôi tin thật Chúa sẽ lo cho vợ con tôi. Rồi khi đã lên thiên đàng, tôi sẽ cầu nguyên cho vợ con tôi nữa. Hay là cha có lo ngại vì những hình khổ đòn vt quá đau đớn, sợ mình không có sức chịu đựng, thì xin cha an lòng, cha cứ cương quyết can đảm giữ đạo Chúa đến cùng, bao nhiêu hình khổ roi đòn cha phải chịu, tôi xin chịu thay cha tất cả. Cha cứ lo một việc xưng đạo ra thật vững vàng để làm chứng cho mọi người biết cha tin đạo, giữ đạo thật và sẵn lòng chết vì đạo Chúa như chính Chúa đã chịu chết để cứu linh hồn chúng ta”.

Ông Lý Mỹ nói thế nào thì giữ đúng như thế. Mỗi lần quan gọi ông Trùm Đích ra chịu đòn thì ông Lý Mỹ đứng dậy ngay mà thưa quan rằng: “Cha tôi đã già nua tuổi tác yếu đuối, xin quan lớn cho tôi chịu đòn thay Cha tôi. Quan thấy ông là một người con hiếu thảo như vậy thì bằng lòng cho như lời xin. Có lần vừa chịu đòn thay cho bố vợ xong, ông Lý Mỹ về ngục nói với ông Trùm Đích rằng: “Lạ quá, nhờ ơn Chúa thương, khi quan đánh tôi không thấy đau mấy”. Mà thực ra thì mọi người đều biết ông Lý Mỹ phải tra tấn dữ tợn và đau đớn lắm. Khi ông chịu đòn ở sân công đường rồi về ngục thay quần áo thì thấy quần áo đã rách nát và dính đầy máu. Nhưng ông Lý Mỹ vẫn một lòng yêu mến đạo Chúa, coi các hình khổ như không, và sẵn lòng chịu chết vì Chúa, chẳng bao giờ nghĩ đến việc khóa quá trở về gia đình làng nước. Mà nếu ai nhắc đến những điều ấy, thì ông Lý Mỹ rất buồn và lên tiếng trách ngay. Có mấy người phiên tuần làng Vĩnh Trị rủ nhau ra thăm và nói với ông Lý Mỹ rằng: “Xin ông Lý liệu cách nào để được về với dân làng”. Ông mắng ngay rằng: “Ai khiến các anh đến thăm tối mà nói những điều lăng nhăng thế này? Tôi bảo thật, tôi mà về thì các anh sẽ hổ thẹn khóc lóc, nhưng khi đem xác tối về làng thì anh em sẽ hiện ngang vui mừng”.

Ông Lý Mỹ phải xử

Các quan đã khuyên dỗ, đe doạ và ép buộc ông Lý Mỹ khóa quá nhiều đều mất công vô ích, nên lập án tâu vua rằng: “Chúng tôi đã xét việc tên Mỹ đang làm lý trưởng xã Vĩnh Trị. Nó 34 tuổi, làm lý trưởng từ năm 16 triều vua Minh Mệnh. Hồi tháng 3 năm nay, nó nghe tin đạo trưởng Mai Năm đến ẩn trốn ở nhà tên Đích. Vì khi trước đã quen đạo trưởng, nên nó đi thăm hỏi nhiều lần. Tên Mỹ xưng mình sẵn lòng chịu tội, không dám phàn nàn. Chúng tôi nghĩ rằng nó đã theo đạo Gia-tô mà triều đình nghiêm cấm, bây giờ nhất định không chịu bỏ đạo ấy. Đạo trưởng Mai Năm trốn ở xã nó, nó không bắt nộp, lại giấu giếm và đến thăm nhiều lần. Chúng tôi đã khuyên bảo và tìm mọi cách bắt ép nó khóa quá, nhưng nó không chịu, cứ một mực chấp nê bất khẳng khóa quá. Thế là rõ tội nó bất tuân quốc pháp. Chúng tôi luận cho nó phải xử trảm quyết để làm gương cho kẻ khác sợ.”

Vua Minh Mệnh châu phê y như án. Khi ấy ông Lý Mỹ nghe tin đã có án trong kinh phát ra rồi, thì vui mừng và mong chóng đến ngày được xử. Ông xưng tội chịu lễ, dọn mình kỹ càng sốt sắng và thản nhiên chờ đợi phúc tử đạo. Đến ngày 12-8-1838, ông Mi-ca-e Lý Mỹ bị điệu ra pháp trường cùng với Cha Mai Năm và ông Trùm Đích. Ba đấng tươi tỉnh bước đi giữa hai hàng lính xếp hàng dài hai bên. Ông Lý Mỹ cổ đeo gông mà chân vẫn bước nhanh nhẹn, vừa đi vừa chào hỏi anh em bà con bạn hữu gặp ở dọc đường. Có lúc thì ông hát kinh tạ ơn Chúa, giơ tay đánh nhịp và rung xiềng để tỏ dấu vui mừng. Người ngoại giáo thấy ông vui vẻ tươi tỉnh thì khen là người anh hùng can đảm. Lúc gặp ông cả Thấu là anh em thúc bá dặn rằng: “Anh Lý vững vàng nhé!”, ông Lý Mỹ thưa rằng: “Anh cứ yên lòng, đừng lo, tôi không sợ khổ”.

Tới nơi xử, cả ba đấng quỳ cầu nguyện một chốc. Rồi ông Lý Mỹ lên tiếng xin xử Cha Mai Năm và ông Trùm Đích trước, để mình được xử sau cùng. Quan bằng lòng cho. Lý hình đòi ông Lý Mỹ cho 5 quan tiền thì sẽ xử một nhát gươm cho chết ngay mát mẻ, nhưng ông bảo anh ta rằng: “Tiền để giúp người nghèo thì tốt hơn, còn chú muốn băm vằm tôi thế nào cũng được”. Lý hình báo thù, chém nhát đầu tiên không phải khớp, lại đứt một miếng ở cằm. Ông Lý Mỹ đau ngã vật xuống. Lý hình chém tiếp 5 nhát nữa mới đứt đầu.

Đám rước xác trọng thể

Giáo hữu xứ Vĩnh Trị đưa xác ông Lý Mỹ về táng ngay ở trong vườn nhà ông vào lúc ban đêm. Toàn dân đốt đuốc thắp đèn và đánh trống ra đón rước rất long trọng. Các họ ở gần đường cũng ra đón chào rồi đưa về tận nơi để tỏ lòng kính. Về sau khi đạo được dễ dàng bình an, thì Đức Cha Rơ-to cho đến các Cha ngoại quốc, các Cha bản quốc, các người nhà Chúa, nhà dòng và các giáo hữu, ai cũng năng đến viếng mộ Cha Mai Năm, ông Trùm Đích và ông Lý Mỹ, nhất là mộ ông Lý Mỹ được mọi người sùng kính cách đặc biệt. Các họ đạo ở xung quanh xứ Vĩnh Trị coi ngày kỷ niệm ba đấng chịu xử như ngày lễ trọng. Bổn đạo đi lễ rất đông, viếng mộ các đấng, cầu nguyện sốt sắng lâu giờ, nhất là ở mộ ông Lý Mỹ. Mọi người kính ông Lý Mỹ như đấng có công trạng lớn, vì từ khi còn bé cho đến lúc chết, ông luôn làm gương sáng ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Khi ở gia đình, cũng như lúc làm việc dân việc xã, thời bình an cũng như những ngày phải chịu khó vì đạo. Chính các quan tra tấn ông Lý Mỹ cách dữ tợn nhất cũng kinh ngạc và cảm phục ông là người khôn ngoan chín chắn, lại vững vàng can đảm và hiếu thảo không ai sánh kịp. Giáo hữu xứ Vĩnh Trị thì hân hoan cậy trông và học tập nhân đức tin cao cả của ông Lý Mỹ, coi nhẹ của cải chức quyền, vợ con và chính mạng sống mình nữa, để quyết tâm bảo vệ Đức Tin của người theo đạo Gia-tô.

Thế gian có ai được hưởng niềm vui mừng đến đâu cũng chẳng sánh nổi niềm vui mừng của ông Lý Mỹ khi nghe tin mình sắp được chịu tử đạo.

Ông Lý Mỹ xưng đạo can đảm vững vàng đã nêu lên một tấm gương sáng nổi tiếng lừng lẫy khắp các nơi có đạo gần xa. Các giáo hữu Việt Nam nghe biết ông Lý Mỹ sốt sắng mạnh mẽ như vậy, thì phấn khởi vui mừng cùng dốc lòng noi gương sáng ấy mà sẵn sàng chịu mọi sự khó để giữ vững Đức Tin, quyết trung thành với Chúa, với đạo cho đến chết.

Có lần các quan nói với nhau về ông Lý Mỹ rằng: “Thằng này chẳng phải người thường, chết đoạn, chắc nó sẽ làm thành hoàng làng nó”.

Bây giờ điều ấy đã xảy ra thật. Tuy ông Lý Mỹ không làm thành hoàng làng như ý các quan nói trước, nhưng ông đã được Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong lên bậc chân phúc, về sau lại được Đức Thánh Cha Gio-an Phao lô II tôn phong lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988 để cầu bầu cho dân làng Vĩnh Trị và cho các giáo hữu khắp nơi.

Vì vậy, ta phải vững lòng trông cậy thánh Lý Mỹ, vì suốt đời Người đã sống đẹp lòng Chúa, lập được nhiều công phúc, nên Người rất mạnh thế trước mặt Chúa. Ta cũng phải noi gương sáng của Người mà hăng hái giữ đạo Chúa, gìn giữ Đức Tin nguyên vẹn và mạnh mẽ như Người, để sau này ta cũng được thông công phúc rất trọng Thiên Chúa đã ban cho Người trên thiên đàng.


[1] Havard.

Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn