Ngày 12/8: Thánh Phê-rô Nguyễn Đích – Giáo hữu, tử đạo Việt Nam

Thánh Phê-rô Nguyễn Đích* – Một giáo hữu tốt lành và đạo đức

Ông Trùm Phê-rô Nguyễn Đích quê ở làng Chi Long, xứ Nam Sang, tỉnh Hà Nam Ninh. Cha mẹ ông là người rất đạo đức, thấy họ Chi Long xa nhà xứ, thì đưa các con di chuyển đến làng Vĩnh Trị, thuộc tỉnh Nam Định, để được ở gần nhà thờ và nhà Chung, vừa tiện việc xưng tội chịu lễ vừa dễ giữ đạo hơn.

Ông Đích thuở bé tên là Khiêm, lớn lên ở làng Vĩnh Trị, rồi kết bạn với người làng ấy, sinh được 10 con. Khi có cháu, người ta quen lấy tên cháu mà gọi ông, và vì ông già bạc đầu vừa có thế giá vừa có nhân đức nhất là nhân đức thương người, nên ai cũng kính nể, gọi là ông Trùm Đích, thực ra, ông không làm trùm giúp việc đạo trong xứ bao giờ.

 

Ông hiền lành, thật thà và đạo đức từ khi còn bé, không hề xích mích với ai, chẳng bao giờ chửi rủa con cái hoặc nói năng nặng lời với vợ. Ai cũng biết ông Trùm là người chăm chỉ làm ăn, giữ đạo sốt sắng, chưa ai gặp thấy ông chơi bời rượu chè cờ bạc bao giờ. Có người ở nhờ nhà ông làm chứng rằng: “Gia đình cụ Trùm Đích sớm tối thường họp nhau đọc kinh vì cụ cho việc đọc kinh chung trong gia đình là việc cần thiết”. Ông cũng làm gương cho vợ con mà đi xem lễ hằng ngày, nghiêm trang sốt sắng, rồi giục giã họ đi nữa, chỉ để một hai người coi nhà. Ông còn chăm chỉ lần hạt kính Đức Mẹ và chịu khó ăn chay hãm mình; năm nào ông cũng ăn chay mọi ngày trong mùa Chay cả.

Nhà ông đông con, mà con nào cũng nết na sốt sắng, vì được cẩn thận chăm nom giáo dục, ông không dung túng nết xấu con cái mình. Dù khi con đã khôn lớn, có vợ có con rồi, mà ông Trùm Đích vẫn coi sóc răn bảo kỹ càng, đứa nào bướng bỉnh không ăn nhời thì ông sửa phạt. Nhờ vậy, các con ông lớn lên đều ngay thẳng đạo đức. Ông có hai con trai được phúc chịu khó vì Chúa: một người làm lý trưởng, quen gọi là ông Lý Thi chịu tử đạo ở Nam Định năm thứ 11 đời vua Tự Đức, còn người nữa thường gọi là ông Phó Nhậm cũng bị bắt năm ấy, bất khẳng khóa quá, phải phát lưu lên tỉnh Cao Bằng, rồi chết ở trên ấy.

Khi lo việc dựng vợ gả chồng cho con cái, ông chọn những người tốt nết và ngoan đạo, nghèo cũng được. Ông đòi các con phải giữ phép tắc nết na, giữ đạo hẳn hoi, và chăm học chữ nghĩa. Ông mời một thày đồ đến ở hẳn trong nhà mình để dạy chữ nho cho các con, lại mượn thêm người đến ở giúp việc để các con ông có đủ thì giờ học hành. Còn ông thì khéo làm ăn và rất chịu khó, lại căn cơ mực thước, nên dù trong nhà nhiều người ăn như vậy, mà vẫn hằng ngày dùng đủ, công xá người làm ông trả sòng phẳng, không ai kêu trách ông điều gì. Bởi vậy, tuy là người đến cư ngụ, ông Trùm Đích cũng được ở trong số đàn anh của dân làng Vĩnh Trị. Về sau, con trai ông làm Lý trưởng, con rể ông là ông Lý Mỹ cũng làm Lý trưởng.

Một ông trùm bác ái

Ông Trùm Đích có lòng kính mến các đấng các bậc trong nhà Đức Chúa Trời, thường năng giúp đỡ và tặng biếu vật dụng cho các thầy giảng và các chủng sinh, không tiếc của mình.

Có một năm làng Vĩnh Trị phải ôn dịch, trong chủng viện chết rất nhiều người. Các giáo hữu khá giả ở ngoài làng xin đón các chủ, các thầy về nhà mình để khỏi lây và chạy chữa thuốc men. Ông Trùm Đích mời 8 thày về săn sóc thuốc thang cho đến khi khỏe hẳn. Đức Cha Ha-va (Du) muốn bù ít tiền ông đã tốn phí vì các thày, nhưng nhất định ông không chịu nhận.

Đến thời cấm đạo ngặt, nhà Chung, nhà tràng phải tản mát để ẩn tránh, ông Trùm Đích đã chứa tất cả các thay tràng nhất trong nhà mình và lo cho họ ăn uống đầy đủ suốt hai năm liền. Về sau, ông lại mời Đức cha Ha-va, rồi ba, bốn năm sau, mời cả Cha Giacôbê Năm đến trốn ở nhà ông, mặc dù đã biết có sắc chỉ của vua Minh Mệnh cấm chứa đạo trưởng và đổ đạo, ai bất tuân sẽ phải chết, ông cũng không sợ. Bởi vậy các đấng bậc tin cẩn ông và năng đi lại với ông, nhất là Cha Năm thường coi ông như anh em ruột.

Một nhân đức nổi bật của ông Trùm Đích là nhân đức thương người, nhất là những người nghèo khó. Ông năng thăm viếng an ủi và giúp đỡ, làm phúc của này vật khác cho họ. Ông còn thương cách riêng những người mắc bệnh hủi, thường ra vào trại hủi khuyên bảo họ chịu khó vui lòng theo thánh ý Chúa. Vì vậy họ mến ông lắm, cậy nhờ ông lo liệu cho mọi sự. Họ cũng là những người đầu tiên gọi ông là ông Trùm, sau có nhiều người khác gọi theo, dần dần thành tên thật.

Tấm gương sáng của một cụ già theo đạo Gia-tô

Thống kỳ cấm đạo thời vua Minh Mệnh, năm thứ 11, có Cha Giacôbê Năm, quê ở tỉnh Thanh Hóa, xuất thân từ chủng viện Vĩnh Trị, phải trốn ẩn nay đây mai đó. Vì Cha là bạn thân của ông Trùm Đích nên sau ông đón Cha về giấu trong nhà mình.

Khi ông Trịnh Quang Khanh là Tổng đốc tỉnh Nam Định bắt được Cha Năm, ngày 11 tháng 3 năm 1838, thì cũng bắt cả ông Trùm Đích là gia trưởng chứa chấp đạo trưởng, và ông Lý Mỹ là Lý trưởng làng ấy. Cả ba cha con phải đóng gông giải lên tỉnh Nam Định rồi cùng bị giam với nhau.

Quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh đòi ông Trùm Đích ra công đường bốn năm lần, bắt khóa quá, dỗ ông bỏ đạo và khuyên ông rằng: “Ông đã già lão tuổi tác, con cái đông và trưởng thành cả rồi, có công ăn việc làm, có nhà cửa hẳn hoi, ông hãy khóa quá mà về với chúng nó có hơn không?” Lúc đầu ông Trùm Đích nghĩ đến những hình khổ mà mình sẽ phải chịu vì đạo thì cảm thấy sợ hãi và xem ra đã sờn lòng. Có người lo cho ông vì tuổi già sức yếu liệu có chịu nổi cơn giông táp dữ dội này chăng. Còn Cha Năm chỉ lo khuyến khích ông can đảm bền lòng chịu khổ vì Chúa. Ông Lý Mỹ, ông Lý Thị và tất cả các con ông cũng hợp ý với Cha Năm mà an ủi bố, khuyên bố vững vàng xưng đạo và chịu khổ ít lâu thì được hạnh phúc mãi mãi, lại làm gương sáng cho con cháu cùng bổn đạo khắp nơi học đòi bắt chước. Họ thiết tha nài xin ông đừng khóa quá để khỏi mang tiếng bỏ đạo mà làm gương xấu cho con cháu và liều mình mất phúc thiên đàng. Từ bấy giờ ông Trùm Đích không hề lay chuyển, một lòng trung kiên với Chúa, bình tĩnh thưa với quan rằng: “Bẩm lạy quan lớn, các con tôi đã khôn lớn, tôi đã lo liệu cho chúng cả rồi, tôi không còn bận tâm gì về chúng nữa. Nhưng còn Chúa Trời là Đấng đã dựng nên tôi và thương yêu gìn giữ tôi, có luật tự nhiên buộc tôi thờ phượng kính mến Chúa, không bao giờ tôi dám bỏ Chúa. Quan lớn xét tha cho tôi, tôi xin đội ơn ngài, nếu quan lớn không tha thì thôi, xin đừng ép tôi nữa”. Có một lần quan truyền khiêng ông Trùm Đích qua ảnh Chuộc tội: hai người lính khiêng hai đầu gông, đến chỗ đặt ảnh thì hai người này dừng lại, hai người lính khác kéo chân ông xuống đạp ảnh. Nhưng ông Trùm Đích co cả hai chân lên được, không chạm tới ảnh. Quan định đánh ông hai ba lần, nhưng lần nào ông Lý Mỹ cũng xin chịu đòn thay cha, vì thế, quan lại thôi không đánh nữa. Các quan nể ông tuổi già nên chỉ dọa nạt nhiều, rồi bắt ông đeo gông nhẹ và chịu đòn một lần mà thôi. Ông biết mình ít phải chịu hình khổ, mà thấy ông Lý Mỹ phải tra tấn dữ quá thì thương con rể lắm. Ông gắng sức cầu nguyện nhiều hơn, giữ lòng đạo đức sốt sắng, đọc kinh tối sớm chung với các bạn tù, lại siêng năng đọc kinh riêng nữa. Hơn một tháng phải giam trong tù ông được xưng tội nhiều lần và được chịu lễ ít là một lần; Ông dọn mình rất sốt sắng, có ý xin Chúa ban cho mình và mọi người đã phải bắt được vững vàng chịu khó giữ đạo cho nên. Ông cũng chuyên lo thực hành đức bác ái mà chia sẻ cho các bạn tù cùng dùng chung của ăn và tiền bạc do gia đình mang vào cho ông. Các bạn tù ngoại giáo rất cảm phục tấm gương sáng ấy của một người theo đạo Gia-tô.

Ông Trùm Đích chịu chết vì đạo

Các quan không còn cách nào khuyên bảo dỗ dành nữa thì lập án cho ông Trùm Đích, sớ vào kinh xin vua xét. Nội dung bản án này như sau:

“Tên Nguyễn Khiêm khai năm nay 69 tuổi, quê ở làng Vĩnh Trị. Nó có cửa nhà vợ con tại đó. Nó theo đạo Gia-tô từ thuở bé, quen biết đạo trưởng Mai Năm từ khi còn đi học, và thường thấy đạo trưởng Năm đi theo tây dương đạo trưởng Gia-cô-bê. Sau khi vua ra sắc chỉ cấm đạo ngặt, đạo trưởng Năm trốn đi đâu, nó không biết mãi đến tháng ba năm nay, mới thấy đến xin trú ở nhà mình. Vì tình nghĩa quen biết đã lâu, nó bằng lòng cho trú. Đến ngày 11 tháng 5, các quan vây làng Vinh Trị, thì bắt được đạo trưởng Mai Năm ở nhà nó.

“Tên Khiêm xin chịu tội, không dám phàn nàn Chúng tôi đã đòi nó ra công đường, dỗ dành khuyến bảo hết cách, bắt khóa quá nhiều lần, nhưng nó chỉ một mực thưa lại rằng nó theo đạo đã lâu, nên dù phải chết cũng quyết không bỏ đạo”.

“Vì vậy chúng tôi xét tên Khiếm can tội rất nặng. Triều đình đã nghiêm cấm đạo Gia-tô, mà nó vẫn coi thường lệnh vua, cứ tin theo đạo ấy, không chịu bỏ. Đạo trưởng Mai Năm đến trú ở nhà nó, nó chẳng đưa lên nộp cho quan, lại giấu trong nhà mình, không tuân giữ luật nước. Thế mà chúng tôi khuyên nó rất nhiều lần rồi, nó vẫn không chịu khóa quá. Tội nó đã rõ, và nó cố tình không chừa”.

“Chúng tôi luận cho nó phải trảm quyết để kẻ khác biết mà sợ”. Vua Minh Mệnh châu phê y như án.

Ngày 12-8-1838, người ta điệu ông Trùm Đích đi xử cùng với Cha Gia-cô-bê Mai Năm và ông Lý Mỹ. Trên đường tiến ra pháp trường Bảy Mẫu, ở ngoại thành Nam Định, ông Trùm bình tĩnh bước đi, nét mặt tươi vui. Nhưng vì già nua tuổi tác, lại phải giam tù lâu ngày nên yếu sức lắm. Các quan cho hai người lính nâng đỡ hai đầu gông. Đến nơi xử, ông Trùm Đích quỳ xuống cầu nguyện. Một lúc sau, quan lên hiệu, lính chém đầu Cha Năm trước, rồi chém ông Trùm Đích đứt đầu ngay sau nhát gươm thứ nhất. Ông Lý Mỹ phải xử sau cùng.

Các con ông Trùm Đích đã cho mang sẵn quan tài gắn sơn đến nơi xử. Họ đặt xác ông vào, nhặt cả đầu cất vào đấy, khiêng về làng Vĩnh Trị để trong nhà ông năm, sáu ngày, rồi mời Cha tới làm lễ quy lăng và làm phép xác. Dân làng Vĩnh Trị cùng bổn đạo các họ ở gần đấy kéo đến rất đông, sốt sắng rước xác vị tử đạo đi chung quanh làng cách trọng thể, rồi đưa về an táng trong vườn của ông ở trước cửa nhà. Ít lâu sau, con cái xây mộ ông ngay ở đấy. Đến năm thứ 11, đời vua Tự Đức, khi các quan vây phá làng Vĩnh Trị, thấy mộ xây thì nghi ngờ là có của cải giấu ở đấy, nên truyền đào lên. Khi mở tấm ván thiên, thấy có xác người thì họ bỏ đi. Con cháu ông Trùm Đích kể lại rằng họ thấy nước trong quan tài ông trong vắt như nước mưa. Về sau, họ thu hài cốt của ông, xếp vào tiểu mà đặt vào chỗ xứng đáng tại làng Vĩnh Trị là nơi ông đã để lại biết bao gương sáng bằng đời sống đạo đức và cái chết tử đạo của mình.

Ông Trùm Đích là vinh quang của Giáo Hội và là niềm an ủi của dân làng Vĩnh Tr

Cùng với Cha Mai Năm và ông Lý Mỹ, ông Trùm Đích được Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong lên bậc chân phúc ngày 27-5-1900, và được Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II phong lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.

Các giáo hữu khắp nơi đều vui mừng hân hoan.

Lòng trông cậy vị Thánh tử đạo này cầu bầu cho họ trong những lúc gian nan khó khăn, nhất là những khi phải hy sinh nhiều để trung thành giữ đạo Chúa. Gương sáng của ông Trùm Đích là một trong những nguồn tiếp sức mạnh cho các giáo hữu bình tĩnh vui lòng chịu khó vì Chúa, vững tin mình sẽ được Chúa đón nhận như lời Phúc âm Thánh Mat-thêu, đoạn 10, cấu 32 đã ghi rằng: “Ai nhận Thày trước mặt người đời, thì Thày cũng nhận kẻ ấy trước mặt Cha Thày ở trên trời”.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn

* Đính chính: Lúc 9h15, ngày 15/3/2024

“An-tôn Nguyễn Đích” SỬA THÀNH “Phê-rô Nguyễn Đích”. Căn cứ theo danh sách 117 Thánh Tử đạo Việt Nam ghi trong Sắc phong thánh, ký ngày 11/02/1991 tại Vatican.