Cha Phêrô Nguyễn Trọng Quý: Sứ giả tình yêu và khiêm tốn trong phục vụ

Cha Phêrô Nguyễn Trọng Quý: “Sứ giả tình yêu và khiêm tốn trong phục vụ”

(1929 – 2020)

Cha Phêrô Nguyễn Trọng Quý sinh ngày 15 tháng 1 năm 1929 tại giáo họ Trại Đường, thuộc xứ Xuân Hòa, giáo phận Bắc Ninh. Ngài là con thứ hai trong gia đình có  2 anh em trai và 2 em gái. Sau khi sinh được 8 ngày, cậu bé Quý được bà nội bế đến nhà thờ chịu phépThánh Tẩy và lấy tên thánh Phêrô của ông cố đặt tên thánh cho bé. Ngay từ thiếu thời, cậu Quý đã là người đạo đức và thông minh. Hàng ngày, cậu cùng cha mẹ đến nhà thờ đọc kinh, cầu nguyện sớm tối. Nhất là cậu rất siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Những câu kinh bổn đơn sơ, những chuỗi tràng Mân côi đã gieo vào lòng cậu Quý tâm tình mến Chúa yêu người tha thiết. Sống trong gia đình đạo hạnh giữa làng quê yên bình truyền thống, từ nhỏ cậu Quý đã khát khao dâng mình cho Chúa với niềm cậy trông và xác tín mãnh liệt.

Năm 1941, khi vừa lên 12 tuổi cậu Quý đã được cha nghĩa phụ gửi đến tu học tại tiểu chủng viện Antôn Ninh Đạo Ngạn – chính thức bắt đầu hành trình ơn gọi dâng hiến đầy gian nan. Sau 10 năm luyện rèn đạo đức, trau dồi kiến thức ở tiểu chủng viện Đạo Ngạn, thầy Quý tiếp tục được gửi đi học triết học tại Đại Chủng Viện Thánh Albertô Nam Định. Với tư chất thông minh và tinh thần ham học hỏi, năm 1954 thầy Quý được chọn gửi sang học thần học tại chủng viện Rosary Hill ở Hồng Kông. Sau đó 2 năm (vào năm 1956), thầy Quý lại tiếp tục được bề trên giáo phận gửi sang tu học tại chủng viện Genova – Italia hoàn tất chương trình thần học.

Nhằm đúng ngày lễ bổn mạng thánh Phêrô 29 tháng 06 năm 1958, thầy Phêrô Quý đã được truyền chức linh mục tại nước Ý. Khẩu hiệu linh mục được tân linh mục Phêrô Nguyễn Trọng Quý lựa chọn dấn thân là: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 105, 1). Ngay sau khi lãnh nhận thừa tác vụ linh mục, cha Phêrô đã đến thành đô Rôma theo học chuyên ngành Thánh Nhạc từ năm 1958 đến năm 1963. Cũng trong thời gian này, cha Phêrô còn theo chương trình khoa bảng và đậu bằng tiến sĩ thần học vào năm 1967.

Khi thấy việc học đã đạt kết quả tốt đẹp, cha tiến sĩ Phêrô ước mong trở về miền Kinh Bắc để mang những kiến thức học được phục vụ giáo phận mẹ. Nhưng ước muốn chính đáng và đẹp đẽ ấy của cha bị gác lại bởi thời cuộc chiến tranh, ly tán. Không thể trở về miền Bắc, năm 1968 cha cố Phêrô được gia đình giáo phận Long Xuyên đón nhận và được bổ nhiệm làm giáo sư thần học tại đại chủng viện  Xuân Bích, Vĩnh Long. Năm 1972, giáo phận Long Xuyên thành lập Đại chủng viện Thánh Tôma và cha Phêrô là giám đốc tiên khởi và duy nhất cho đến hôm nay của Đại Chủng Viện.

Đầu năm 1975, cha Phêrô cùng với các cha giám đốc Đại chủng viện khác sang Rôma dự Đại hội Đại chủng viện thế giới với khát mong được gặp gỡ, chia sẻ và học hỏi. Kết thúc đại hội thì cũng vào thời điểm xảy ra biến cố 30 tháng 04 cùng năm ấy. Vậy là một lần nữa cha Phêrô Quý lại bị mắc kẹt nơi thành Rôma.

Không thể trở lại Việt Nam, cha Phêrô buồn bã, nuối tiếc, vậy là bao ước mơ hoài bão của cha với quê hương Việt Nam như khép lại chẳng biết ngày nào có cơ hội trở về quê hương đất nước. Nhưng với lòng hăng say phục vụ theo gương thày Chí Thánh Giêsu, cha Phêrô đã không buông xuôi, phó mặc. Vậy là việc kẹt lại tại trời Tây lại là cơ hội để cha Phêrô phục vụ anh chị em Việt Nam hải ngoại. Kể từ năm 1976, cha Phêrô giúp giáo xứ và linh hướng cho anh chị em giáo dân Việt nam tại Giáo phận Toulon, nước Pháp.

Năm 1981, cha Phêrô được mời sang Tây Đức giúp xứ và làm linh hướng cho cộng đoàn giáo dân Việt Nam tại Tổng giáo phận Paderborn và Giáo phận Essen. Trong suốt thời gian này, ngài luôn sẵn sàng phục vụ tất cả những người Việt Nam vừa mới bước chân tới Âu Châu với tình thương mến của vị mục tử. Bằng sự cảm thông, lắng nghe, chia sẻ, với khuôn mặt hiền từ và nụ cười trìu mến, cha Phêrô đã xoa dịu biết bao nhiêu nỗi đau của những người Việt xa xứ.

Vào ngày 29 tháng 11 năm 1995,  sau 41 năm xa cách nhớ nhung, cha Phêrô lần đầu tiên được trở lại quê mẹ Kinh Bắc. Vừa đặt chân đến đất Bắc Ninh, những giọt nước mắt lăn dài rơi xuống hòa vào xứ sở địa linh nhân kiệt, cha Phêrô nhẹ nhàng quỳ gối hôn mảnh đất mẹ thân thương sau bao năm tha hương. Nỗi lòng của người con xa xứ trở lại nơi chôn nhau cắt rốn chẳng thể diễn tả bằng lời.

Năm 2000, cha Phêrô được nghỉ công việc mục vụ nhưng ngài vẫn ở lại Tổng giáo phận Paderborn – Đức Quốc tiếp tục giúp đỡ cha tuyên úy mới qua việc đồng hành với nhiều nhóm và hội đoàn Công giáo khác nhau,  sẵng sàng đi cả trăm cây số để giải tội và xức dầu cho các bệnh nhận tại nhà riêng hay trong các bệnh viện. Với lòng yêu mến Đức Mẹ một cách đặc biệt nên bên người cha Phêrô luôn thường trực tràng chuỗi Mân Côi, vốn đã theo ngài từ thuở niên thiếu. Đặc biệt, cha Phêrô còn thường xuyên tổ chức và đồng hành với các hội đoàn đến các điểm hành hương ở nhiều nơi trên thế giới để tỏ bày lòng sùng kính mến yêu Mẹ Maria. Không những vậy, cha Phêrô tôn kính Lòng Chúa Thương Xót cách đặc biệt qua việc lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót mọi nơi, mọi lúc. Dù ở nơi xa nhưng lòng ngài luôn khắc ghi những làn điệu Quan họ, vì thế ngài luôn nỗ lực qua lời cầu nguyện cũng như  đóng góp bằng vật chất để có thể vun đắp xây dựng giáo phận miền Kinh Bắc thân thương.

Vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 11 tháng 09 năm 2020, cha Phêrô đã an bình về với Chúa tại thành phố Herne – Đức Quốc, khép lại cuộc hành trình dương gian đầy biến cố để tiến về quê hương Thiên quốc. Những thăng trầm lịch sử của đất nước trong gần suốt thế kỷ XX đã gắn liền với cuộc đời cha Phêrô và đưa đẩy cha cố trở thành người lữ hành long đong trong suốt cả cuộc đời. Tuy nhiên, với con mắt đức tin, ai ai cũng đều thấy Thiên Chúa đã sử dụng cha Phêrô như khí cụ hữu hiệu của Ngài để an ủi và nâng đỡ đức tin cho biết bao nhiêu người Việt xa xứ. Nổi bật lên trong suốt cuộc đời 91 năm làm con Chúa, 62 năm làm linh mục của cha cố Phêrô là tình yêu tha thiết, với lòng nhân từ đích thực, là sự phục vụ tha nhân không biết mệt mỏi.

Sinh thời cha cố Phêrô khát khao được phục vụ giáo phận mẹ Bắc Ninh, ước mong được trở về quê hương ngân nga những làn điệu Quan Họ bên dòng sông Cầu lơ thơ nước chảy. Khát vọng và nguyện ước của cha cố Phêrô hôm nay đã trở thành hiện thực với thánh lễ an táng tại ngôi nhà thờ Chính Tòa cổ kính thân yêu này. Sau Thánh Lễ long trọng này, thi hài cha cố Phêrô sẽ được hòa vào lòng đất mẹ cùng với ông bà cố, anh em linh mục và những người thân yêu tại nghĩa trang nhà thờ Chính Tòa. Giáo phận Bắc Ninh trân trọng công sức và lòng quảng đại của cha cố Phêrô. Cuộc đời cha cố đã dệt nên một làn điệu Quan họ mới mang tên “Sứ giả của tình yêu và khiêm tốn trong phục vụ”. Giáo phận Bắc Ninh khắc ghi tên tuổi người con ưu tú – cha  Phêrô Nguyễn Trọng Quý.

Lm. Phanxicô X. Nguyễn Văn Thắng

Hình ảnh tang lễ cha Phêrô Nguyễn Trọng Quý tại giáo phận Bắc Ninh

Tin liên quan