Đôi nét về giáo xứ Trung Nghĩa – Đồng Nhân

Giáo xứ Trung Nghĩa trước đây là một giáo xứ sầm uất. Nhưng sau biến cố 1954, giáo dân đa phần di cư vào Nam nên đời sống Đức tin bị sụt giảm. Họ nhà xứ Trung Nghĩa coi như bị xóa sổ chỉ còn dấu tích của nhà thờ. Hiện giáo xứ chỉ có vẻn vẹn 475 nhân danh sinh hoạt tại 2 giáo họ là Đồng Nhân và Nguyệt Cầu. Vì thế, Đồng Nhân được coi như là họ nhà xứ. 

Giáo họ Đồng Nhân 

Giáo họ Đồng Nhân thuộc huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh, cách Tòa Giám Mục Bắc Ninh khoảng 20km về hướng tây. Đồng Nhân nằm bên hữu ngạn sông Cà Lồ thuộc chi nhánh sông Cầu, nơi đây là cửa sông ngã ba Xà.

DN (2)

Nhà thờ Đồng Nhân

      Hiện nay, Đồng Nhân có chừng hơn 350 nhân danh sống tập trung trong một làng toàn tòng Công Giáo, các làng xung quanh đều là lương dân. Đời sống kinh tế của bà con giáo dân Đồng Nhân còn nhiều khó khăn về vật chất cũng như tinh thần, nghề nghiệp chính là thuần nông cùng với vài nghề phụ khác.

 Ngôi nhà thờ Đồng Nhân được xây dựng từ năm Bính dần – 1926. Nhà thờ xây dựng theo kiến trúc cổ, toàn bộ khung làm bằng gỗ, mái lợp ngói nung, không có tháp chuông. Đầu và cuối nhà thờ tường xây cao vượt mái trang trí bằng bút tháp và đắp hoa văn theo. Nhà thờ gồm 7 gian dài 23m, rộng 10m. Năm 2012 Cha xứ tổ chức đại tu nhìn tổng thể nhà thờ Đồng Nhân ngày nay là một ngôi nhà thờ cổ đẹp trong giáo phận. Trước đây, nhà thờ chỉ có một quả chuông ta to đánh bằng dùi âm vang, gần đây có thêm một quả chuông nặng 1 tạ.

      Giáo họ Đồng Nhân được hình thành thời điểm nào đến nay chưa có sử liệu chính xác, chỉ nghe các cụ truyền lại, cách đây gần 200 năm một số giáo dân sống bằng nghề chài lưới trên sông Cầu theo đuôi cá vào nhánh sông Cà Lồ, tụ tập lên bờ và hình thành xóm chài Đồng Mái (tức Đồng Nhân ngày nay). Năm 1932, Đức Cha Chỉnh đã đưa họ Đồng Nhân vào xứ Trung Nghĩa, từ thời điểm đó đến năm 1945 giáo xứ Trung Nghĩa là một giáo xứ lớn đông đúc sầm uất chạy dọc theo hữu ngạn của sông Cầu và nhánh sông Cà Lồ kéo dài chừng 20km từ Lương Tân, Đông Xuyên đến ngã ba Xà vào sông Cà Lồ đến họ Đồng Nhân. Biến cố lịch sử năm 1954 hầu hết giáo dân của xứ Trung Nghĩa và Đồng Nhân vào Nam do Cha Thái hướng dẫn đến định cư ở Thủ Đức đến ngày nay. Số gia đình ở lại của xứ Trung Nghĩa và Đồng Nhân chỉ còn sáu gia đình tập trung về Đồng Nhân và dựa vào nhau xây dựng cuộc sống giữ vững Đức Tin trong. Từ năm 1955 đến 1960 một số hộ có đạo ở các nơi khác xin về Đồng Nhân cùng sinh sống và lập nên họ Đạo Đồng Nhân ngày nay (bởi thế Đồng Nhân đa họ).

Hiện nay, hàng tuần Cha xứ thường về dâng lễ hai buổi. Các hội đoàn được duy trì và sinh hoạt đều đặn như Huynh đoàn giáo dân Đa minh, hội Mân Côi, hội Gia Trưởng, hội Mân côi, Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể.

Giáo họ Nguyệt Cầu

Giáo họ Nguyệt Cầu (thuộc giáo xứ Trung Ngĩa) cách TGM Bắc Ninh chừng 12km về hướng Tây. Giáo họ nằm trên địa bàn hành chính xã Tam Giang – Huyện Yên Phong – Bắc Ninh ngay sát bên dòng sông Cà Lồ.

nc (2)

Đức cha giáo phận dâng lễ cho giáo dân Nguyệt Cầu tại sân nhà ông trùm

Giáo họ hiện có gần 100 nhân danh sống rải rác trong 4 thôn Đoài, Vọng, Ngọt, Nguyệt Cầu của xã Tam Giang. Đa phần, dân cư trong vùng sống dựa vào nông nghiệp, một số nhỏ hiện nay đi làm công nhân trong các khu công nghiệp xung quanh, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.

Nguyệt Cầu đón nhận Đức tin từ năm nào thì chưa có tài liệu nào ghi lại nhưng muộn nhất cũng phải vào cuối thế kỉ XIX. Bởi trước năm 1954, Nguyệt Cầu là một giáo họ khá sầm uất của giáo xứ Trung Nghĩa với khoảng trên 300 giáo dân. Tuy nhiên, biến cố di cư kéo theo gần hết giáo dân của họ đạo vào Nam sinh sống lập nghiệp. Chỉ còn vỏn vẹn 2 gia đình anh em ông Phêrô Ngô Ngọc Hùng và ông Phêrô Ngô Ngọc Bách ở lại giữa muôn vàn khó khăn thử thách. Ngôi nhà thờ trước kia của giáo họ dần xuống cấp, số giáo dân ít ỏi không thể chống chọi với sự o ép. Một thời gian sau, ngôi nhà thờ bị đổ sập, mảnh đất có nền móng nhà thờ (đối diện cổng trụ sở xã Tam Giang hiện nay) bị chính quyền trưng thu sử dụng. Sau nhiều năm đề nghị mà không có kết quả, bà con giáo dân Nguyệt Cầu đã đứng lên đòi lại mảnh đất của mình. Để xoa dịu sự bất bình, chính quyền địa phương đã đổi lại cho giáo dân Nguyệt Cầu một mảnh đất có diện tích hơn một sào bác bộ (360m2/1 sào)  gần cánh đồng của làng cách mảnh đất cũ khoảng 300m, đến nay chính quyền tỉnh Bắc Ninh vừa mới cấp quyền sử dụng đất cho giáo họ.

Giáo họ Nguyệt Cầu hiện chưa có nhà thờ, nhà nguyện mà mới chỉ có mảnh đất  đang chờ ngày “được xây dựng”. Hy vọng trong tương lai gần giáo họ Nguyện Cầu có thể xây dựng được ngôi thánh đường để hàng ngày anh chị em giáo dân đến gặp gỡ Chúa qua kinh nguyện và thánh lễ. Hàng tuần vào chiều thứ 7, cha xứ đến dâng Lễ cho bà con giáo dân tại nhà ông trùm Thảo. Nhờ vậy, đời sống Đức tin của bà con giáo dân Nguyệt Cầu ngày càng được củng cố, tuy vậy bà con giáo dân Nguyệt Cầu vẫn ước mơ có một ngôi nhà xứng hợp để hàng ngày tới đọc kinh cầu nguyện.

DN (1)

Giáo dân Đông Nhân tham dự thánh lễ

nc (1)

Giáo dân Nguyệt Cầu tham dự thánh lễ

BTT Gp. Bắc Ninh

Tin liên quan