Hoa mân côi tháng 09 năm 2021

SUY NIỆM

MẦU NHIỆM MÂN CÔI

09/2021

************

 Năm Sự Sáng

       Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được sốt sắng tham dự thánh lễ và rước Mình Máu Thánh Người.

Tập nhân đức: Trong tháng này, chị em hãy tập siêng năng tham dự Thánh lễ, rước lễ và viếng Thánh Thể.

HMC 09.2021A4 (pdf)

I – LỜI CHA    Xin đọc Tin Mừng Mt 26,26-29

  1. GỢI Ý SUY NIỆM

            Đối với người Kitô hữu, Bí tích Thánh Thể là một phép lạ vĩ đại, nhưng lại là một trở ngại rất lớn đối với những người không cùng tín ngưỡng với chúng ta. Bởi vì họ cho rằng; việc “ăn Thịt uống Máu Con Người” là hành động man rợ, kỳ cục và không thể chấp nhận được.

Đứng trước những phản ứng đó, chúng ta cần nhớ rằng; chẳng phải ngày hôm nay người ta mới thắc mắc và phản đối như vậy, mà ngay khi Chúa Giêsu tuyên bố: “Thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong kẻ ấy… Và tôi, tôi sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết”, thì người Do thái liền xầm xì với nhau. Họ nói: “làm sao ông này lại có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được”. Không chỉ người Do thái mà ngay cả các môn đệ cũng nói với nhau: “Lời này chói tai, ai mà nghe nổi”, rồi một số môn đệ đã bỏ đi, không còn theo Chúa nữa.

Từ xưa tới nay và mãi mãi chẳng bao giờ hết được thắc mắc về vấn đề này. Ai nhận ra thì đây là một chân lý, là một điều kỳ diệu và là phép là vĩ đại để Chúa ở lại trong những ai xứng đáng đón rước Ngài. Trái lại, những ai không chấp nhận thì đối với họ Bí tích Thánh Thể vẫn là điều man rợ, kỳ cục.

Nhưng chúng ta thử hình dung về một thai nhi khi còn trong bụng mẹ, thai nhi đó sống bằng thức ăn gì ? Có phải bằng cơm bánh như chúng ta thường dùng không ? Chắc chắn là không, nhưng thai nhi đó hoàn toàn sống nhờ dòng máu của người mẹ. Vậy đây là điều kỳ cục hay kỳ diệu ? Chắc chắn chẳng ai trong chúng ta dám bảo là kỳ cục.

Cũng có người lập luận rằng: Thai nhi được nuôi dưỡng bằng máu, nhưng qua cuống rốn chứ không phải là ăn uống bằng miệng. Suy nghĩ như thế thật ngắn ngủi. Tại sao chúng ta không để ý tới những bệnh nhân họ không thể ăn được bằng  miệng, y bác sĩ phải truyền trực tiếp vào dạ dạy hoặc truyền qua tĩnh mạch. Vậy đấy không phải là ăn sao ?

Rồi khi đứa trẻ chào đời, nó chưa thể ăn được thức ăn như người lớn, mà nó được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ. Thức ăn ấy được Tạo Hóa tiết chế từ cơ thể của người mẹ. Nghĩa là từ máu thịt của người mẹ, để đứa trẻ ăn uống, được sống, được lớn lên và phát triển. Vậy đây có phải là man rợ hay kỳ cục không ? Hay đây là một điều kỳ diệu của Thiên Chúa.

Tất cả những hành vi của người mẹ dành cho con mình từ trong bào thai cho tới ngày đứa con được sinh ra và được nuôi dưỡng lớn khôn, đều xuất phát từ tình thương của người mẹ. Dòng máu của mẹ, dòng sữa của mẹ hòa trộn vào trong từng thớ thịt của đứa con. Thân xác con được lấy ra từ lòng mẹ, từ máu thịt của mẹ. Cho nên, niềm vui của con chính là niềm vui của mẹ và nỗi đau của con chính là nỗi đau của mẹ và người mẹ luôn luôn muốn được ở mãi trong con của mình và sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của con mình.

Cũng chính vì tình yêu và muốn được lưu lại mãi mãi trong con cái của mình, Chúa Giêsu cũng đã thiết lập bí tích Thánh Thể để trở nên của ăn của uống nuôi dưỡng đời sống con người, không phải chỉ ở đời này mà nuôi dưỡng họ cho tới sự sống đời đời.

Chính vì vậy mà trước khi xa rời các môn đệ để ra đi chịu chết nhằm cứu độ nhận loại, Ngài đã làm một cử chỉ vĩ đại là biến bánh trở thành Mình Chúa, biến rượu trở thành Máu Chúa để trở nên của ăn của uống nuôi dưỡng họ và để được đi vào và được sống trong từng người con cái của Ngài.

Đây không phải là việc làm tượng trưng như cái nhìn của người Tin Lành, nhưng là một cuộc biến đổi thực sự từ trong bản thể của bánh và rượu. Sau lời truyền phép, thì bánh thực sự trở thành Mình Chúa và rượu thực sự trở thành Máu Chúa. Dù giác quan ta không xem thấy, nhưng trải qua các thời đại, rất nhiều phép lạ Thánh Thể đã chứng minh điều đó.

Chúng ta có thể hình dung quá trình chuyển hóa tự nhiên; Khi chúng ta ăn của ăn vật chất, tất cả những thức ăn đó sẽ dần dần trở thành máu thịt của ta, nhưng phải qua thời gian và phải qua một quá trình chuyển hóa. Còn đối với quyền năng của một Thiên Chúa thì Ngài biến đổi ngay tức khắc mà không cần thời gian. Ta có thể nói là Ngài “đốt cháy giai đoạn” để biến bánh thành chính Thịt Ngài và rượu trở thành Máu Ngài ngay tức khắc, để ai xứng đáng đón rước thì họ được ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong họ. Giống như ta được tiếp máu của ai thì dòng máu của họ đang sống trong ta.

Qua những tìm hiểu trên đây, ta nhận thấy; Bí tích Thánh Thể là một sáng kiến kỳ diệu của Thiên Chúa và là một quà tặng hồng ân Chúa dành cho nhân loại. Ngài không để lại báu vật hay của hồi môn đắt giá… vì những thứ đó là vật chết chứ không phải sự sống. Hơn nữa, báu vật đó không thể truyền lại cho muôn thế hệ mà đôi khi còn sinh ra chia rẽ vì tranh chấp. Nhưng Chúa đã để lại cho chúng ta chính Máu Thịt là sự sống của Ngài để lưu lại mãi mãi ngàn đời và qua muôn thế hệ. Đây là một sáng kiến kỳ diệu phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hãy luôn ý thức để cảm tạ Chúa đã trối lại cho chúng ta quà tặng thần linh là Mình Máu Thánh Chúa làm của ăn của uống nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng cho chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta luôn siêng năng tham dự Thánh lễ và luôn khát khao, ước ao được đón rước Chúa, để được Chúa ở lại trong ta và ta ở lại trong Chúa và để mối hiệp thông giữa chúng ta với Chúa không bị tách rời nhưng đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Amen.

III – GỢI Ý SỐNG VÀ CHIA SẺ 

  1. Tôi có ý thức rằng: Thánh lễ là hy tế cứu độ mà Chúa mời gọi tôi tới hiệp dâng với Ngài để tôi được cứu độ không ?
  2. Tôi có siêng năng tham dự Thánh lễ mỗi ngày, đặc biệt là Thánh lễ Chúa Nhật và lễ trọng không ?
  3. Tôi có chu toàn bổn phận là nhắc nhở với con cái, nhắc nhở người thân tham dự Thánh lễ Chúa nhật không ?
  4. Tôi có khát khao, ao ước được đón rước Thánh Thể và dọn mình xứng đáng mỗi khi hiệp lễ không ?

  * Cầu nguyện cho các chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.

1- Maria Phạm Thị Hà, giáo xứ Vân Cương, giáo hạt Tuyên Quang.

2- Maria Nguyễn Thị Thanh, giáo xứ Tử Nê, giáo hạt Bắc Ninh.

*Thông báo: Vì đại dịch Covid 19, nên việc tập trung về TTTM Từ Phong vẫn tiếp tục tạm hoãn cho tới khi có thông báo mới.

Linh mục đặc trách

Hội Mân Côi giáo phận Bắc Ninh

                                                                                                          Phêrô Mai Viết Thắng