Hoa Mân Côi tháng 11 năm 2021

HOA MÂN CÔI    

Tháng 11 / 2021

Tháng cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục

*************** 

Hoa Mân Côi tháng 11 (pdf)

          Ý cầu nguyện: Cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục, trong đó có ông bà, cha mẹ tổ tiên hay người thân của chúng ta. Vì chính nhờ ông bà, cha mẹ mà chúng ta mới có mặt trên đời này. Vậy, ta phải biết ơn và cầu nguyện cho các ngài.

I – LỜI CHÚA :   Xin đọc Tin Mừng  Ga 11, 17 – 27.

 

 

  1. GỢI Ý SUY NIỆM:

“Con người có tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn”

Việc cầu nguyện cho ông bà cha mẹ tổ tiên, trước hết là để khẳng định niềm tin của chúng ta vào sự sống sau khi chết. Bởi lẽ nếu ta không tin có sự sống đời sau, chắc chắn chẳng ai trong chúng ta mất thì giờ, tốn tiền của để xin lễ và cầu nguyện cho tổ tiên làm gì. Nhưng chính vì chúng ta tin có sự sống đằng sau cái chết, nên ta mới phải cầu nguyện cho các ngài.

Thứ đến, cầu nguyện cho tổ tiên cũng là cách để thể hiện đạo hiếu của người Kitô hữu chúng ta. Đạo hiếu ấy, do chính Thiên Chúa đã truyền buộc chúng ta tuân giữ và thực hiện qua điều răn thứ bốn “thảo kính cha mẹ”.

Có người cho rằng; “Người Công giáo không cúng cho tổ tiên là bất hiếu với tổ tiên”. Chúng ta cần biết; mỗi tôn giáo có một cách thức thực hành đạo hiếu khác nhau, chứ không chỉ giới hạn vào một việc cúng cho tổ tiên mới là báo hiếu.

Sở dĩ người Công giáo chúng ta không cúng cho tổ tiên bằng của ăn vật chất là vì chúng ta xác tín rằng: Khi các ngài đã khuất, các ngài không còn lệ thuộc vào: vật chất, thời gian và không gian, vì các ngài thuộc về thế giới siêu nhiên.

Chúng ta sống trên trần gian này, bắt buộc chúng ta phải lệ thuộc vào 3 yếu tố đó. Vì không có của ăn vật chất, thân xác chúng ta không thể sống và tồn tại được.

Về không gian cũng thế, ở đời này, ta muốn đến với nhau, buộc ta phải di chuyển qua một quãng đường. Khoảng cách đó chính là không gian vật lý. Nhưng với những người đã khuất, trong nháy mắt, họ có thể hiện diện một cách thiêng liêng, vô hình ngày bên cạnh chúng ta mà không cần phải chờ vượt qua khoảng không gian vật lý.

Về thời gian, chúng ta cũng phải hoàn toàn lệ thuộc vào năm, tháng, ngày giờ. Chính khoảng thời gian đó làm cho ta lớn lên rồi già đi theo năm tháng để tiến dần về thế giới tâm linh.

Vậy, nếu người công giáo tin rằng; những người đã khuất vẫn phải lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian như chúng ta thì việc cho ông bà tổ tiên một tháng ăn vài bữa, liệu các ngài có đủ no, đủ sống không ? Chưa kể những người tuyệt tự về giống nòi, chẳng ai báo hiếu, chẳng ai cho ăn của ăn vật chất thì họ sống bằng gì ? Và điều gì sẽ xảy ra cho họ ? Liệu có rơi vào tình trạng “đói bụng, đầu gối phải bò” để đi kiếm ăn không ? Hoặc có dám “đói ăn vụng, túng làm liều” không ?

Việc cúng cho ông bà tổ tiên là việc làm tốt, vì nó diễn tả lòng thành kính đối với tổ tiên được thể hiện qua lễ vật và hành động của người còn sống với những người đã khuất và nó cũng khẳng định niềm tin về sự sống đời sau.

Nhưng đối với người Kitô hữu, chúng ta xác tín rằng, khi các ngài về cõi vĩnh hằng, các ngài không còn lệ thuộc vào 3 yếu tố vật chất, thời gian và không gian nữa, nên người Kitô hữu chúng ta không báo hiếu bằng việc dâng cúng của ăn vật chất cho các ngài nữa, mà chỉ báo hiếu bằng việc hiệp dâng Thánh lễ, bằng lời cầu nguyện và bằng các việc lành phúc đức để chỉ cho các ngài.

Chính những việc lành phúc đức ấy sẽ giúp các ngài làm tròn trách nhiệm khi còn ở trần gian mà các ngài chưa hoàn thành được, nay phải nhờ tới chúng ta là những người còn sống để trợ giúp các ngài và đó cũng là cách chúng ta đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục hoặc hưởng dùng tài sản do các ngài để lại.

Chính vì vậy mà Thiên Chúa đã truyền dạy chúng ta phải thực hiện nghĩa vụ đó đối với các ngài trong mỗi ngày, mỗi giờ cầu nguyện để thực hiện đạo hiếu đối với các ngài. Ngoài ra, hàng năm Giáo hội còn dành riêng tháng 11 để nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy cầu nguyện cách đặc biệt để trợ giúp các linh hồn nơi luyện ngục.

Biết đâu, trước đây vì thương giúp để nuôi sống chúng ta, hoặc lý do nào đó vì chúng ta mà các ngài đã sa ngã phạm tội, nên bây giờ các ngài đang phải giam phạt trong luyện ngục. Do đó, việc cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục là bổn phận và là nghĩa vụ của mỗi người Kitô hữu chúng ta.

Hơn nữa, việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục còn nói lên mầu nhiệm các thánh cùng thông công giữa ba thành phần trong Hội Thánh. Đó là: Giáo hội lữ hành, Giáo hội thanh luyện và Giáo hội khải hoàn.

Khi chúng ta cầu nguyện, hay làm việc lành phúc đức để chỉ cho các linh hồn, Thiên Chúa sẽ đón nhận việc tốt lành ấy của chúng ta làm hộ các ngài mà thanh tẩy và thứ tha tội lỗi cho các ngài, để các ngài sớm được hưởng nhan thánh Chúa.

Khi các ngài được hưởng nhan thánh Chúa, chắc chắn các ngài sẽ lại chuyển cầu để Chúa đổ ơn cho chúng ta, giúp chúng ta đủ sức vượt qua quãng đường đầy khó khăn gian khổ nơi trần thế để mai ngày lại được trở về thiên quốc, chung hưởng vinh quang với các ngài. Đây chính là mầu nhiệm các thánh cùng thông công mà chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin Kính.

Ước gì trong tháng này, mỗi chị em hãy ý thức lời mời gọi của Hội Thánh để dành cách đặc biệt cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục để thực hiện đạo hiếu với các ngài. Đó chính cách chúng ta sống mầu nhiệm hiệp thông, là nghĩa vụ và là bổn phận của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Amen.

III – GỢI Ý SỐNG VÀ CHIA SẺ 

  1. Tôi có năng nhớ tới để cầu nguyện, xin lễ cho ông bà cha mẹ tổ tiên của tôi không, hay tôi lơ là, bỏ bê không cầu nguyện cho các ngài ?
  2. Thay vì thực hành theo cách thức Giáo hội quy định là cầu nguyện, xin lễ, hy sinh hãm mình, làm việc lành phúc đức để thương giúp các linh hồn, tôi lại học đòi cách thức của tôn giáo khác để cúng của ăn vật chất cho tổ tiên, cho những người đã khuất không ?
  3. Tôi có tò mò hay cố ý đi xem bói hoặc gọi hồn người thân hoặc những người đã khuất bao giờ không ?

  * Cầu nguyện cho các chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.

1- Rosa Nguyễn Thị Xuyến, giáo xứ Tân Cương, giáo hạt Thái Nguyên

2- Maria Mai Thị Thoa, giáo xứ Tân Cương, giáo hạt Thái Nguyên

3- Anna Nguyễn Thị Ấm, giáo xứ Yên Thủy, giáo hạt Thái Nguyên

4- Maria Nguyễn Thị Chung, giáo xứ Vinh Tiến, giáo hạt Vĩnh Phúc

5- Anna Nguyễn Thị Chuyên, giáo xứ Vinh Tiến, giáo hạt Vĩnh Phúc

6- Anna Thân Thị Sợi, giáo xứ Thiết Nham, giáo hạt Bắc Giang

7- Maria Nguyễn Thị Lượng, giáo xứ Bắc Giang, giáo hạt Bắc Giang

8- Maria Nguyễn Thị Cung, giáo xứ Bắc Giang, giáo hạt Bắc Giang

                                                                                                                         Linh mục đặc trách

Hội Mân Côi giáo phận Bắc Ninh

                                                                                                      Phêrô Mai Viết Thắng

Tin liên quan