Lời tuyên xưng chân thành của người bệnh phong

 Đây là Văn Tần, hôm nay Tao nhận mày làm Chúa tao, tao làm con mày”. Đó là lời tuyên xưng đơn sơ chân thành của ông Hà Văn Tần trước mặt Chúa ngày ông nhận ra Chúa qua những người phục vụ bệnh nhân phong. Tuyên xưng ông quay lại nói với mọi người: “Nó nhận rồi”.

Trên đây là nguyên văn lời tuyên xưng đức tin của một người dân tộc Tày. Câu chuyện xảy ra vào năm 2006, khi tôi nhận được tin ông Tần bị bệnh phong, dân làng định đưa ông vào rừng để chết theo cách thức của họ. Thông thường họ để người bệnh chết đói, chết khô, hoặc thiêu sống, chôn sống trong cô đơn đau đớn đến tột cùng. Tôi đến và đưa ông về Trại Quả Cảm. Ông được chung sống với đồng bệnh, từ thầy thuốc đến các bệnh nhân ai cũng thương ông. Sau vài tháng ông tìm hiểu và biết rằng những người phục vụ và hi sinh vì ông và người bệnh là những người Công giáo. Ông ngỏ ý muốn trở thành người Công giáo.

Ông nói với tôi: “Mày làm cho tao được như mày”.

Tôi biết ý ông muốn nói gì nhưng tôi vẫn đùa: “Sao như tôi được, tôi là tôi chứ”.

Ông nói: “Không, mày làm cho tao được có cái Chúa như mày”.

Tôi nói cho ông về niềm tin căn bản của người Công giáo, từ Thiên Chúa tạo dựng, tin Đức Giêsu, tin kẻ chết sống lại…

Ông bảo: “Tao tin lắm, nhưng mày phải đưa tao đến với Nó”.

Tôi hẹn ông đến nhà nguyện lúc 4 giờ chiều, nhưng mới 3 giờ đã thấy ông đứng chờ trong niềm háo hức khôn tả. Tới nhà nguyện, cộng đoàn đang chuẩn bị đọc kinh chiều. Trong thinh lặng ông tiến lên gian cung thánh chắp tay cung kính và thân thưa cách chân thành bộc phát trước Nhà tạm:

Đây là Hà Văn Tần, hôm nay Tao nhận mày làm Chúa tao, tao làm con mày”.

Ông quay lại nói với mọi người trong niềm xác tín: “Nó nhận rồi”.

Từ đó ông rất chăm chỉ đến nhà nguyện mỗi ngày. Mấy tháng sau, cha Cosma Hoàng Văn Đạt rửa tội cho ông cũng tại căn nhà nguyện nhỏ bé của Trại phong Quả Cảm trong dịp lễ Giáng sinh 2006.

Sau khi lãnh nhận bí tích rửa tội. Ông nói: “Hôm nay cái Cha Đạt nó rửa tao hết tội rồi, tao mà chết thì tao về thẳng Thiên đàng với cái Chúa”. Từ đây cho đến khi ông về với Chúa ngày 03 tháng 10 năm 2007 ông sống trong bình an thanh thản và hạnh phúc. Trước lúc lâm chung, ông thường bảo con cháu rằng: “Không đứa nào phải lo cho tao nữa, vì tao được làm con Chúa rồi. Tao sống ở đây và chết hãy chôn tao ở đây. Có con gái Xuân nó lo cho tao rồi”.

Khi ông lâm bệnh được Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt cử một linh mục đang tĩnh tâm ở Toà Giám mục Bắc ninh đến xức dầu. Lúc ông trút hơi thở cuối cùng, Cha Cosma Hoàng Văn Đạt từ Hà Nội tới Trại phong Quả Cảm dâng Thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn ông sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Gia đình và con cháu đã thuê xe ô tô từ Lạng sơn tới trại Quả Cảm. Họ được tham dự Thánh lễ an táng và chôn cất theo nghi thức Công giáo, gia đình họ cảm động và nói: “Làm con Cái Chúa sướng thế này, thảo nào ông nói: Đừng đứa nào phải lo cho Tao”. Gia đình hỏi Lễ hết bao nhiêu tiền. Vì theo phong tục của người Tày, khi thầy mo đến làm lễ phải tốn kém khá nhiều và nhiều thủ tục phức tạp. Khi biết không phải trả tiền lễ, anh con trưởng bảo chúng tôi: “Sao bên Đạo lại tốt thế ? Nó (Cha Đạt) đi từ Hà Nội sang đây mà nó không lấy tiền à?

Trước khi về nhà, gia đình của cụ rất cảm phục và tin tưởng rằng ông đã được siêu thoát nơi chín suối. Ngôi mộ của ông đã được xây cất chu đáo. Anh Sơn, cháu đích tôn của ông nghẹn ngào nói với tôi: “Ông cháu bị hủi về đây may quá, được xây mả hẳn hoi thế này, ở nhà không bao giờ được thế này đâu bác ạ”. Anh đứng ngắm ngôi mộ hồi lâu trong thinh lặng rồi mới ra về trong niềm nhớ thương nuối tiếc.

Khi ông mất được một trăm ngày, Cha Cosma Đạt lại đến Quả Cảm dâng Thánh lễ cầu nguyện cho ông. Con cháu tề tựu đông đủ. Sau Thánh lễ gia đình hỏi tôi: “Có phải đưa tiền cho NÓ không?”. Khi biết cha Đạt không lấy tiền, họ nói: “Đúng là một Đạo yêu thương”, và họ cảm nhận được ý nghĩa của câu Tin Mừng trước Nhà nguyện nhỏ của Trại phong Quả Cảm: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 16).

Nhờ câu Tin Mừng này của Thánh Gioan mà nhiều người Dân tộc thiểu số đến Quả Cảm hỏi Chúa Nó là ai, thì họ đã tự tìm được câu trả lời cho chính mình: NÓ là Tình yêu. Tình yêu ấy đã xoa dịu tâm hồn những người cô đơn, những kẻ bất hạnh, và tất cả những ai sống cần có tình yêu trên trái đất này. Xin tôn vinh và chúc tụng Tình Yêu đến muôn thủơ muôn đời. Vì là Tình Yêu nên Người luôn yêu mến tất những gì thuộc về bản chất của tình yêu, những gì cao thượng, đơn sơ và chân thành. Thế nên, Người vui lòng chấp những lời tuyên xưng chân thành của một người bên lề xã hội, một người dân tộc Tày không am tường sâu sắc những đạo lý thần học cao siêu, ông chỉ có một tấm lòng đơn sơ, một niềm tin đơn thành, một thân xác tàn lụi vì bệnh phong cùi.

Anna Nguyễn thị Xuân