Những câu chuyện của người Việt tại xứ Đài

Mấy năm trời sống bên đất lạ xứ người, tôi đã từng nghe, từng biết, từng thấy, này đây những câu chuyện buồn vui. Những câu chuyện thường nhật của người Việt tại Đài Loan sẽ khó hiểu nếu không ở trong hoàn cảnh người viễn xứ. Từ cái nghe, cái biết, cái thấy ấy, đứng trước thềm năm Phụng Vụ mới tôi xin viết lên đây những chuyện buồn chuyện vui của tu sĩ, của công nhân, hay của cô dâu người Việt bên xứ đảo Đài Loan.

  1. Chuyện Tu sĩ 

Người ta nói giáo hội Đài Loan bao gồm: giám mục là người Trung Quốc, linh mục là người Việt Nam, giáo dân là người Philipphine. Nói như vậy có nghĩa là số linh mục người Việt Nam đang sống và làm việc tại Đài Loan khá đông, có khoảng chừng 80 cha thuộc cả dòng cả triều.

Các sơ có khoảng trên 100 người. Các thầy khoảng 10 người. Giáo hội Đài Loan gồm có 7 giáo phận với tổng số giáo dân khoảng 300.000 người. Các cha Việt Nam đều làm việc mục vụ trong 7 giáo phận này.Trong số các cha đến Đài Loan truyền giáo thì có một số cha đến từ Mỹ, Châu Âu, Úc Châu; một số cha từ Việt Nam trực tiếp qua. Cuộc đời mỗi cha là một câu chuyện truyền giáo thật đẹp và đầy hy sinh.

Chẳng hạn như trường hợp Cha giáo của tôi. Thuở trước ngài là một tu sinh của giáo phận Đà Lạt, ngài được Đức Cha giáo phận cử đi du học tại Áo, sau bao nhiêu năm dùi mài kinh sử, ngài đã lấy được bằng tiến sĩ triết học Tây phương, với ước mong về nước để phục vụ cho giáo hội quê nhà. Đùng một cái, biến cố năm 1975 xảy đến, không về nước được, ngài buồn, thất vọng, chán chường… Một vài năm sau, ngài được bề trên cử đi giúp những người Việt Nam vượt biên tị nạn, cũng là những người đồng hương của mình. Ngài đến sống với họ, phiên dịch cho họ, lắng nghe nỗi lòng của họ. Ngài thấy được cái khổ, cái thiếu thốn, khó khăn của họ, thấy được những mất mát lớn lao của họ, họ mất nhà cửa bên Việt Nam, mất tài sản, mất gia đình êm ấm. Khi vượt biên, họ mất những người thân, có người mất cha mẹ, có người mất chồng, mất vợ, mất con… vì cướp biển, vì bão to sóng lớn của biển khơi. Họ đã mất tất cả. Khi chứng kiến cảnh mất mát, thiếu thốn, đau khổ của những người Việt tị nạn, những người đồng hương mình như vậy, ngài nghĩ về mình, mình có bằng cấp, mình có chức linh mục, mình có thể giúp đỡ những người khác, có thể truyền giáo cho người khác, sao mình phải buồn, sao mình phải thất vọng? Và ngài đã được an ủi, được nâng đỡ, ngài đã đứng lên mạnh mẽ. Năm 1979 ngài quyết định sang Đài Loan truyền giáo, gia nhập Dòng Tên, rồi lấy thêm một tiến sĩ thần học nữa, và trở thành giáo sư nổi tiếng của Đài Loan. Ngài hăng say giúp người, giúp đời. Ngài là người sáng lập ra Hội Tu Sĩ Việt Nam tại Đài Loan, đến nay Hội này ngày càng đông và phát triển mạnh mẽ.

Câu chuyện của một cha khác. Khi tôi đi họp Hội Tu Sĩ Việt Nam vào một dịp hè, chính cha kể với tôi: Sau biến cố năm 1975, sống ở Việt Nam ngài bị theo dõi, xoi mói, o ép, bị cán bộ bắt đi học tập, cải tạo, rồi khi về thì bị quản thúc, không được đi đâu ra khỏi phạm vi phường, nay bị gọi mai bị mời lên phường làm việc, chịu không nổi, ngài cùng một số anh em quyết định trốn và vượt biên, ngài đi trên một chiếc thuyền nhỏ được đóng bằng gỗ, chở được khoảng 30 người. Rồi ngày vượt biên cũng tới, mọi người lên thuyền, chiếc thuyền nhỏ lênh đênh giữa biển khơi bao la nghìn trùng, sự sống thôi đành đánh cược vào số phận. Thuyền rời bến được một ngày, hai ngày, ba ngày… gặp mưa gió, sóng đánh tan tác, thuyền trôi bất định… rồi đến một tuần, hai tuần,… hết xăng, hết nước uống, hết lương thực… biển vẫn mênh mông, mọi người mệt mỏi, đói, khát, nằm la liệt, bất động,… chờ chết… rồi người thứ nhất chết, biển bao la quá chôn ở đâu được, đành bỏ xuống biển, biển như chiếc xe tang đưa anh về cõi vĩnh hằng. Tiếp tục người thứ hai chết… mọi người trên thuyền cũng phải an táng anh như vậy. Những người còn sống đói, khát đến cùng cực, không thể cầm cự được nữa rồi… cứ thế này thì sẽ chết hết thôi. Đến người thứ ba chết, mọi người không thể chịu thêm được nữa quyết định ăn thịt và uống máu của người đó để duy trì sự sống. Có người khi ngấp ngoải cố thều thào cầu xin mọi người trên thuyền: xin anh em hãy để tôi tắt thở rồi hãy ăn thịt tôi. Nghe cha kể mà tôi rùng hết cả mình, thế mới biết khi phải đối diện với cái chết, con người dám làm tất cả, kể cả ăn thịt đồng loại của mình. Và cứ thế, 50% số người trên thuyền đã chết, và chính cái chết của họ làm thức ăn thức uống cho những người còn lại được sống. Rồi chiếc thuyền gỗ nhỏ ấy bị sóng đánh trôi dạt vào một hòn đảo nhỏ của Đài Loan, người dân của hòn đảo này đã phát hiện và đã cứu sống những người còn lại trên thuyền, trong đó có cha. Cha đã ở đó với họ, và để kỷ niệm cho biến cố này, cha cùng với giáo dân ở đây xây dựng một ngôi nhà thờ tước hiệu Chúa Kitô Vua. Trong một chuyến đi du lịch tôi đã đến viếng thăm ngôi nhà thờ này.

Tiếp những câu chuyện của hai cha, là câu chuyện về các sơ. Nghe nói có một sơ sinh ra và lớn lên trên vùng cao nguyên lộng gió, trong một gia đình rất nghèo. Ngay từ tấm bé sơ đã mong được dâng mình cho Chúa. Ước mong của sơ cũng dần trở thành hiện thực. Sơ được tuyển chọn và được gửi sang Đài Loan tu. Nhữngtưởng nơi đây hiếm ơn gọi, nên tìm được ơn gọi như sơ thì quý hóa, ai ngờ… lại đúng như lời bài hát nhạc chế của cha Vũ Thế Toàn, dòng Tên tại Mỹ: “Thân em là thân con gái, đi vào nhà dòng, và mục nát với bề trên”. Sau mấy năm sống và tu luyện trong nhà dòng, sơ cũng đã được khấn. Thế rồi một ngày, ba của sơ nằm trên giường bệnh thập tử nhất sinh, được tin sơ vội xin phép bề trên cho về Việt Nam thăm ba. Bề trên miễn cưỡng phải cho về, rồi nói với thư ký mua vé cho sơ và chỉ đưa cho sơ 2000 đài tệ (khoảng 67 Mỹ kim). Cầm tấm vé máy bay và 2000 đài tệ trên tay sơ rớt nước mắt, số tiền này chỉ đủ tiền xe từ Saigon về nhà sơ thôi. Nhà thì nghèo giờ về lấy gì phụng dưỡng ba đang bệnh đây?Thấy tình cảnh như vậy một sơ bạn người Việt Nam lên gặp sơ bề trên xin thêm số tiền quà tết (vì dịp đó gần Tết Nguyên Đán) mà theo lệ thường dịp tết mỗi sơ được 3000 đài tệ. Vậy là sơ đã có 5000 đài tệ rồi. Cũng sơ bạn Việt Nam ấy đã điện thoại kể cho một cô dâu người Việt Công giáo, cô dâu này đã kêu gọi người thân và bạn bè và đã quyên góp được 15000 đài tệ. Vậy là sơ đã có được 20000 đài tệ (khoảng 670 Mỹ kim) lên đường về thăm ba. Sống trong một đất nước giầu có, nhà dòng giầu có, xây dựng mấy tòa nhà cao ngất trời, nhưng vì quá tiết kiệm bề trên vô tình đã trở thành kẻ vô nhân, không thấu hiểu được cái cùng cực của người chị em mình.

Khi anh em Việt Nam gặp nhau nói về chuyện này, một thầy nói: Con sẽ không bao giờ giới thiệu ơn gọi cho dòng này, vì họ coi các sơ Việt Nam mình như kẻ làm mướn không công. Bên dòng nhà con thì vấn đề tiền bạc có vẻ thoáng hơn. Cụ thể vừa qua ba của một thầy trong dòng mất, bề trên nhà dòng con cho cả 3 – 4 ngàn Mỹ kim về lo đám tang cho ông cố. Hay gia đình của một thầy khác gặp khó khăn về kinh tế, thầy trình bày với bề trên, bề trên cũng quảng đại chu cấp một khoản tiền lớn giúp gia đình thầy trong lúc khó khăn.

Cũng nên nói thêm về Hội Tu Sĩ Việt Nam tại Đài Loan, hằng năm Hội quy tụ các cha, các thầy, các sơ về bên nhau 4 lần vào các dịp Tết Nguyên Đán, dịp hè, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và ngày cầu nguyện cho quê hương đất nước 30/4. Anh chị em về bên nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, chia sẻ công việc mục vụ và truyền giáo, hun đúc tinh thần phục vụ và yêu thương, tăng tình đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau, giúp nhau cùng thăng tiến và làm chứng cho tình yêu của Chúa trong cánh đồng truyền giáo trên hòn đảo ngọc Đài Loan thân yêu này.

HTSVNDL

Linh mục và nam nữ tu sĩ Việt nam đang học tập và làm việc tại Đài Loan

 2.Chuyện Công nhân

Theo thống kê vào tháng 10 năm 2016, công nhân Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan có khoảng 179.226 người. Công nhân Việt Nam khi sang được đến Đài loan thì thường phải chi trả với giá từ 4000 đến 7500 Mỹ kim, mà không chắc công việc của mình có tốt hay không? Trong khi đó công nhân từ Philipphine, Indonessia, Thái Lan họ chỉ phải chi trả mất có 1000 Mỹ kim. Vì đâu lại có sự chênh lệnh ghê gớm như vậy? – Thưa vì chính phủ của các nước kia họ đứng về phía công nhân của họ, nếu không chấp nhận như vậy thì họ không ký hợp đồng với nước chủ nhà Đài loan. Còn Việt Nam ở chiếu dưới, mình phải đi xin họ để được đưa công nhân sang làm việc, rồi thì quản lý lỏng lẻo, hoặc vì lợi nhuận cá nhân làm ngơ cho môi giới hoành hành, tác oai tác quái, thi nhau đội giá lên. Như vậy thì khi sang được đến Đài loan với hợp đồng 3 năm, công nhân Việt nam phải lao động cật lực thì mới chỉ đủ số tiền bỏ ra ban đầu. Mỗi tháng công nhân được nhận mức lương cơ bản khoảng 21.000 đài tệ (khoảng 700 Mỹ kim), trong khi đó phải chi trả tiền phòng, tiền ăn, tiền điện, tiền nước, tiền môi giới, tiền thuế, tiền bảo hiểm… nếu không có tăng ca,một tháng bạn nào tiết kiệm lắm cũng chỉ thừa ra được 400 Mỹ kim.Vì thế, nên có rất nhiều công nhân Việt Nam bỏ trốn ra ngoài, vì trốn ra ngoài kiếm tiền nhiều và dễ hơn, lại không phải đóng các khoản thuế như tiền môi giới, tiền thuế thu nhập, tiền bảo hiểm, nhưng nguy cơ rủi ro lớn hơn, luôn phải sống trong tâm trạng lo lắng hồi hộp vì sợ bị bắt,và nếu bị bắt thì phải bị trục xuất về nước. Người ta ước tính mỗi tháng có tới hơn 1.100 công nhân Việt Nam bỏ trốn ra ngoài trở thành những người mang họ lưu (sống lưu vong, bất hợp pháp).

 Trước kia, khi làm hết 3 năm, muốn làm tiếp công nhân lại phải về Việt Nam làm lại giấy tờ, rồi lại phải chi phí từ 3000 đến 5000 Mỹ kim mới được sang lại. Cũng may là Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn, ngày 3/11/2016 vừa qua, đã công bố hủy bỏ quy định “3 Năm Xuất Cảnh 1 Ngày” của Điều 52 Luật Dịch Vụ Việc Làm. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 5/11/2016.Vậy là từ nay công nhân Việt Nam khi hết hợp đồng 3 năm, không cần phải về nước làm lại giấy tờ, mà có thể làm giấy tờ ngay tại Đài Loan, mà không phải tốn kém đồng nào. Chúc mừng cho công nhân Việt Nam.

Ngoài vấn đề lương bổng, công nhân Việt Nam còn chịu biết bao nhiêu những hệ lụy khác, nên nhiều bạn đã thốt lên: “Đài Loan, đảo ngọc đâu chẳng thấy mà toàn thấy đắng và cay”. Trên những phương tiện thông tin đại chúng liên tục nghe thấy công nhân Việt Nam chết: do lao động quá sức đột tử chết, do tai nạn lao động chết, do ăn chơi nhậu nhẹt đâm chém nhau chết, do đi sàn nhảy,đi quán bar, tranh dành bạn gái của nhau dẫn đến giết nhau chết, do hổ báo côn đồ, xăm trổ đầy mình, tóc xanh tóc đỏ, giang hồ khệnh khạng, nhìn đểu nhau dẫn đến đánh chém nhau chết…

Các tệ nạn xã hội cũng lan tràn nơi cộng đồng Việt Nam: cờ bạc, sóc đĩa, số đề, mại dâm,xì ke, ma túy, hút chích, đập đá, ngáo đá… đau đớn nhất là người Việt Nam vì đồng tiền lại bán rẻ người Việt Nam mình: ví dụ như những công nhân nào trốn ra ngoài, ai mà báo cho cảnh sát biết họ trốn ở đâu thì sẽ được lãnh thưởng 5000 đài tệ, rất nhiều người tham lam, vô lương tâm đã làm điều này.

Tình trạng nam nữ cặp bồ, thuê phòng trọ, sống chung trước hôn nhân như vợ chồng rất phổ biến. Cả những người đã có gia đình, anh có vợ, chị có chồng bên Việt Nam sang Đài Loan lao động gặp nhau rồi cùng góp gạo thổi cơm chung.  Hay trường hợp nam công nhân cặp kè với cô dâu Việt cũng không ít, họ thường được các cô dâu cưng chiều, chu cấp về tiền bạc, tài chính. Những tình trạng này phổ biến không những đối với những người lương dân, mà ngay cả xảy ra đối với những người Công giáo cũng rất nhiều.Rồi còn biết bao nhiêu chuyện thương tâm khác nữa. Xin đơn cử một vài câu chuyện đau lòng xảy ra nơi công nhân Việt Nam tại Đài Loan, để chúng ta cùng cảm thông và cầu nguyện.

Chẳng hạn như trường hợp của một nữ công nhân bỏ trốn ra ngoài, cô chăm sóc một bệnh nhân, người bệnh ấy là vợ của ông chủ khốn nạn, hằng ngày nữ công nhân ấy bị ông chủ sách nhiễm, dọa dẫm, đòi quan hệ tình dục, nếu không cho ông thỏa mãn thì ông ấy sẽ báo cảnh sát, và cô sẽ bị bắt. Nếu bị bắt cô sẽ bị trục xuất về Việt nam, và số nợ ngân hàng 7000 Mỹ kim khi nào mới trả được ?

Một trường hợp khác, cô ký hợp đồng sang Đài loan làm cho một công ty tư nhân lương cao, nhưng sang đến nơi lương cao đâu chẳng thấy, ông chủ bắt cô đi làm một công việc mà nghe đã rùng mình rồi, đó là công việc rửa xác người chết. Ở bên này khi có người chết người ta cho xác vào ngăn đá lạnh, để giữ xác khỏi hư thối, có khi họ để mấy tháng trời. Khi gia đình người chết đi xem ngày giờ tốt hoặc thấy thời gian nào thuận tiệnmới đem chôn hoặc hỏa táng. Trước khi đem chôn hoặc hỏa táng người ta phải rửa xác người chết, sau đó trang điểm lại cho xác chết. Công việc này nếu người Đài loan làm thì họ phải được trả mức lương tới 2000 đài tệ một xác chết. Còn cô công nhân này chỉ được trả với một giá rẻ mạt 200 đài tệ (7 Mỹ kim). Cô nói: khi rửa xác người chết cô sợ dựng tóc gáy, về nhà mấy hôm ói mửa không ăn được cơm, đêm sợ không chợp mắt được, nghĩ đến lại run bắn người.

Lại một chuyện khác, có một chị quê Bắc Giang sang Đài Loan làm công việc nhà cho một gia đình, chị phải nuôi một ông cụ nằm liệt giường và nội trợ cơm nước cho nhà họ, chị ở đó cũng được 4-5 năm. Gần đây, giữa chị và chủ nhà có chuyện xích mích. Một hôm cả nhà họ đi vắng, chị có mời bạn bè tới nhà chơi, nấu cơm cùng ăn uống với nhau vui vẻ. Chiều tối gia đình chủ nhà trở về, họ phát hiện mất một số vàng và tiền trong nhà, họ đổ cho chị lấy cắp. Chị khóc lóc nói là chị không lấy. Thế rồi 2 ngày sau người ta phát hiện chị chết trên tầng 3 với dây thòng lọng treo cổ. Nhiều người Việt Nam nghi là gia đình họ đánh chết rồi tạo hiện trường giả, nhưng không biết thực hư thế nào? Cảnh sát cũng đến khám nghiệm tử thi và điều tra, nhưng gia đình họ giàu có, vụ này dần dần cũng bị quên lãng và chìm xuồng.

Mấy bữa trước khi tôi đi xức dầu cho một bệnh nhân trong bệnh viện, cô y tá giới thiệu với tôi có một nữ công nhân Việt Nam đang chăm nuôi một bệnh nhân cũng trong bệnh viện này, và cô y tá đã đưa tôi tới thăm. Thành ra nữ công nhân ấy là người công giáo, cũng thuộc giáo phận Bắc Ninh của tôi, cô kể cô đã sang Đài Loan được 11 năm rồi, cô đã gửi tiền về làm nhà đẹp, sắm sửa tiện nghi khang trang, nuôi hai đứa con ăn học đại học, nay chúng đã tốt nghiệp, có công ăn việc làm ổn định, đã xây dựng gia đình cả rồi. Cô kể tiếp, mới đây cô phát hiện chồng cô ở nhà đã có bồ nhí. Cô buồn, thất vọng, chán chường vì mình một lòng một dạ chung thủy với chồng, cố gắng làm việc để có tiền gửi về nuôi chồng con và làm cho gia đình sung túc, ai ngờ… chồng ở nhà lại phản bội cô… làm cho cô đau đớn. Gặp tôi, một linh mục cô đã khóc nhiều lắm. Thú thực tôi cũng chẳng biết khuyên cô thế nào trong lúc này, chỉ hứa là tôi sẽ cầu nguyện cho cô được bình an, và can đảm đứng dậy vượt qua nỗi đau này.

CDCGVN tai DL

Cộng đoàn Công giáo Việt nam hành hương Núi Đức Mẹ Sơn Trang

  1. Chuyện Cô dâu

Ước tính cô dâu người Việt Nam lấy chồng Đài Loan có khoảng 120.000 người. Rất nhiều cô dâu Việt Nam không được tổ chức, đoàn thể nào đứng ra bảo vệ quyền lợi, thậm chí phải sống trong tình trạng bất hợp pháp.Nhiều cô dâu bị lạm dụng, bị ngược đãi, bị bạo hành thậm chí bị sát hại… Việc phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan, qua môi giới thương mại, với mục tiêu chủ yếu là để thoát nghèo. Vâng đúng vậy, qua đây tôi xin được kể ra đây một vài câu chuyện về những cô dâu Việt tại xứ Đài.

Trong cộng đoàn Công giáo tôi đang giúp, có một cô dâu Việt rất dễ thương, hiền lành, nữ tính, tế nhị, ít nói, ngoan ngoãn. Ngày xưa cô là nữ sinh của một trường cao đẳng trên thành phố Đà Lạt mộng mơ, cô cũng đã từng có một tình yêu thật đẹp, một tương lai sáng lạn. Cô đang sống những ngày tháng hạnh phúc của một nữ sinh hồn nhiên yêu đời. Thì đùng một cái, ba cô lâm trọng bệnh, nhà thì nghèo làm sao có cả trăm triệu để phẫu thuật cho ba? Yêu ba thương mẹ và gia đình lắm, nhưng cô mới mười mấy tuổi đầu thì kiếm đâu ra số tiền lớn ấy để giúp ba chữa bệnh bây giờ. Nghĩ mọi cách, tìm mọi cách cũng chẳng biết làm gì. Và rồi nghe người ta nói cưới một người chồng Đài Loan là sẽ có được từ 3000 đến 4000 Mỹ kim, và số tiền này đủ trang trải cho cuộc phẫu thuật của ba. Không suy nghĩ nhiều, cô vội vàng đồng ý, vì trong đầu cô bây giờ chỉ có một điều quan trọng nhất là phải cứu được ba.

Cô đồng ý lấy chồng Đài Loan cũng có nghĩa là cô khước từ một tình yêu đẹp, khước từ tuổi thanh xuân yêu kiều, khước từ một đời sinh viên vô tư lự, khước từ một tương lai sáng lạn. Cô đồng ý lấy chồng Đài Loan cũng có nghĩa là cô sẽ chấp nhận cuộc sống cô đơn bên xứ người, không biết tiếng, không hiểu ngôn ngữ, lạ lẫm với mọi người, kể cả với người mà hằng đêm cùng chung chăn gối. Ôi ! một Thúy Kiều của thời hiện đại. Bán mình cứu ba.Thật may mắn cuộc phẫu thuật của ba cô thành công, ông đã dần khỏe mạnh lại. Đó cũng là điều an ủi cho gia đình và đặc biệt là cho cô.

Thời gian dần trôi, vài năm sau, người cha mà cô hết lòng yêu thương, hy sinh tất cả vì ông, ông đã có quan hệ bất chính lăng nhăng với một người phụ nữ trong giáo xứ mà ông đang phục vụ ở đó. Khi nghe được tin này cô như bị sét đánh bên tai, cô đau đớn,cô thất vọng, người cha mà cô luôn kính trọng, yêu thương giờ lại ra hư hỏng như thế này ư, thần tượng trong cô sụp đổ, cô cảm thấy những hy sinh của mình trở nên vô nghĩa, cô chán nản, thẫn thờ, vô định, không còn muốn sống trên cõi đời này nữa. Cô lang thang một mình đi trên cây cầu trong đêm khuya, nhiều lúc muốn gieo mình xuống để xóa đi tất cả. Nhưng có một tiếng gọi từ bên trong muốn níu kéo cô lại, mình là người Công giáo sao có thể tự tử được. Không, không được làm như vậy. Thế rồi cô tìm đến nhà thờ, gặp gỡ chị em đồng đạo, cùng tham dự thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện, cùng sinh hoạt cộng đoàn cô lấy lại được bình an trong tâm hồn.

Câu chuyện của một cô dâu khác, cô sinh ra và lớn lên ở miền tây, vùng đồng bằng Sông Cửu Long, vào dịp đó của hơn 10 năm về trước, phong trào lấy chồng nước ngoài ở vùng này rầm rộ, nhà ai có con gái mà lấy được chồng nước ngoài thì kể như trúng số. Vì trước khi cưới gia đình được một món tiền  khá lớn, không những thế gia đình còn được đổi đời, sung túc hơn, nhà cửa rộng rãi khang trang hơn, và mỗi tháng con gái đều gửi tiền về cho gia đình tiêu xài. Do vậy có những cuộc thi tuyển để lấy chồng nước ngoài. Cô này lúc đó còn trẻ lắm, hồn nhiên vô tư lự lắm, mới đang học dở lớp 12 thôi, thấy thế cũng muốn tham gia thi tuyển xem vận may có đến với mình không? Không ngờ cô lại đậu, có lẽ vì vẻ vô tư, tinh nghịch, hồn nhiên của cô bé có mái tóc đuôi gà, cô đã lọt mắt xanh của một anh chàng Đài Loan. Ôi, cô mừng lắm, gia đình cô cũng mừng lắm, vì tin rằng từ nay kinh tế gia đình sẽ sung túc hơn. Được tuyển rồi, hai bên nhờ môi giới lo nhanh mọi thủ tục để kết hôn và cô bé đi theo chồng về xứ lạ. Cô hồn hộp nửa mừng nửa lo theo chồng về Đài Loan. Mừng vì nghĩ rằng gia đình mình từ nay được sung túc, gia cảnh được đổi thay. Lo vì theo chồng về xứ lạ, không biết một xu tiếng Hoa, không hiểu gì về văn hóa của họ, rồi đây cuộc sống sẽ như thế nào?

Ngày về nhà chồng cũng đến, cô đã dần hiểu ra. Thành ra chồng mình cũng chỉ là một kẻ nghèo mạt rệp, sống trong một vùng thôn quê, bố mẹ mất hết rồi, chẳng có anh em gì cả, anh cũng phải đi làm thuê làm mướn kiếm ăn. Khi anh có ý muốn cưới vợ Việt Nam, ông chủ của anh mới tạo điều kiện cho anh vay một số tiền để anh về Việt Nam cưới vợ. Khi cưới được vợ về anh bắt vợ làm ôsin cho gia đình ông chủ không lương để trừ tiền mà anh đã vay khi về Việt Nam cưới vợ. Biết được sự thật như vậy, cô buồn và thất vọng lắm, nhưng biết làm thế nào được, đành phải chịu thôi.

Nhưng với tính cách kiên cường, với tinh thần vượt khó và nhẫn nại, cô phải tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình thôi, cô đã quyết tâm học hỏi, tự học tiếng Hoa, chăm chỉ làm đủ mọi việc, dù vất vả đến mấy cô cũng chấp nhận. Và rồi với sự quyết tâm, ham học hỏi, chăm chỉ làm việc cô đã thành công và giúp ích được gia đình và những người thân trong khả năng của mình.

Có một chuyện tình thật đẹp, rất rất hiếm gặp đối với cô dâu Việt tại xứ Đài. Chuyện tình được bắt đầu từ khoảng 20 năm về trước, có một anh chàng người Đài Loan đẹp trai, giầu có tới Việt Nam làm ăn. Anh làm giám đốc của một công ty kinh doanh nước giải khát. Chị lúc đó là một cô sinh viên trẻ đẹp mới ra trường, chị làm kế toán cho công ty của anh. Anh chị đã gặp nhau từ môi trường ấy, và cũng từ môi trường ấy anh chị đã hò hẹn và rồi yêu thương nhau. Đến một ngày, cả hai cảm thấy không thể sống mà thiếu nhau được trong cuộc đời này. Thế là chị đã đưa anh về ra mắt gia đình. Nhưng, gia đình chị cả nhà đều phản đối, không thể chấp nhận được. Nhà có một mình cô con gái rượu sao có thể lấy chồng Đài Loan được, lấy chồng xa thế coi như là mất con còn gì, các cụ ngày xưa vẫn thường nói:

Có con mà gả chồng gần,

Có bát canh cần nó cũng đem cho.

Có con mà gả chồng xa,

Một là mất giỗ, hai là mất con.

Hơn nữa, quan trọng là gia đình chị là một gia đình Công giáo truyền thống, không có thể gả con gái cho một người lương dân được. Cả nhà đều phản đối, cả dòng tộc phản đối, hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thiết đều phản đối. Nhưng với tình yêu mãnh liệt, anh chị bất chấp tất cả, đến với nhau, tự làm đám cưới và đưa nhau về Đài Loan.

Mầm mống đức tin đã ăn vào trong máu, nên về Đài Loan ngày thứ hai chị đã bắt anh đưa chị đi tìm nhà thờ Công giáo, rồi tìm gặp một cha Việt Nam, chị nhờ ngài dạy giáo lý cho anh, rồi hằng tuần dẫn anh đi lễ Chúa nhật. Một năm sau, anh chịu phép Rửa tội, và hai người đã làm phép hôn phối theo luật Đạo. Khi biết như vậy bố mẹ và gia đình chị đã yêu thương tha thứ tất cả và chào đón anh chị mỗi khi anh chị về lại Việt Nam thăm nhà. Rồi anh chị đã lần lượt sinh được 2 cháu một nữ một nam, các cháu cũng đều chịu phép rửa tội. Một gia đình công giáo hạnh phúc. Chị còn hoạt động rất năng nổ và nhiệt tình trong các công việc tông đồ và bác ái của cộng đoàn giáo xứ cũng như cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Đài Loan.

Khi nói về cô dâu Việt tại xứ Đài thì có cả một ngàn lẻ một chuyện: Chuyện buồn có, vui có, mà chuyện buồn nhiều hơn vui, chuyện đau lòng không thiếu, chuyện khổ tâm rất nhiều, chuyện tang thương không ít. Chẳng hạn có một chị đẹp như hoa hậu vì muốn thoát cảnh nghèo phải nhắm mắt đưa chân lấy một anh Đài Loan què; một chị khác cũng nghiêng nước nghiêng thành lấy một anh mù cả hai mắt; có chị dịu dàng dễ thương lấy luôn phải thằng chồng nghiện ngập, suốt ngày rượu chè, say xỉn, vũ phuđánh đập chị tím cả mặt mày; có chị lấy chồng vùng quê nghèo, không có việc làm, hằng tuần phải lẻn lên thành phố làm gái lấy tiền về nuôi con và gửi về Việt Nam trợ giúp gia đình; có chị lấy phải thằng chồng ghen tương cấm không cho gặp gỡ tiếp xúc với người Việt Nam, không được nói tiếng mẹ đẻ của mình; còn rất rất nhiều chuyện bi thương khác…tất cả đều nói lên sự hy sinh của người phụ nữ Việt Nam. Họ là biểu tượng của gian nan chịu đựng, của tình thương bao la như Nhà thơ Minh Hương Hồ Dyếnh đã viết:

Cô gái Việt Nam ơi

Nếu chữ hy sinh có ở đời

Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực

Cho lòng con gái Việt Nam tươi.

Nét đẹp tâm hồn của phụ nữ Việt Nam, luôn chấp nhận sống thiệt thòi, như nhà thơ Đoàn Văn Cừ cũng có những vần thơ thật đẹp:

Hỡi cô gái Việt Nam tôi kính cẩn

Cúi chào cô người vợ thảo, mẹ hiền

Cô là hiện thân của lòng kiên nhẫn

Của dịu dàng tình âu yếm vô biên.

Cha Chinh 27.12.2015 PS 2016 01

Đài Loan, Chúa Nhật I  Mùa Vọng, ngày 27 tháng 11 năm 2016

Lm.Giuse Lê Quốc Chinh

Giáo Phận Bắc Ninh

Tu học tại Đài Loan.

 

Tin liên quan