Nữ Đaminh Bắc Ninh: Thường huấn về giáo luật và luật dòng

Sáng ngày 24/07/2017, chị em Dòng nữ Đa Minh Bắc Ninh đã khai mạc tuần thường huấn với chủ đề: Hiến pháp và Giáo luật về đời sống thánh hiến, do cha giáo Giuse Phan Tấn Thành, O.P., hướng dẫn.

Cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt để chào đón cha với niềm vui mừng vì cha đã thương đến giáo phận Bắc Ninh, hy sinh thời gian để đến giảng dạy, hướng dẫn những kiến thức, những kinh nghiệm giúp thăng tiến đời sống thánh hiến cho hai Hội dòng của Giáo phận. Cha đã dành một tuần cho Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất và một tuần cho chị em Đa Minh.

Tuần làm việc với các chị Hiệp nhất trôi qua, cha  bước vào buối giảng dạy đầu tiên cho các chị em Đa Minh với những gợi ý cơ bản như: Luật là gì? Tại sao phải dùng đến luật? Luật có cần cho đời sống thánh hiến không?  Hiến pháp là gì? Hiến chương là gì? Hiến luật là gì?

Để giúp chị em sáng tỏ vấn đề, cha đã trình bày  đôi nét sơ lược về lịch sử các dòng tu trong Giáo Hội, để qua đó chị em hiểu rõ hơn về luật trong đời sống thánh hiến.

Những ngày kế tiếpcha phân tíchtừng chương, từng số trong Hiến pháp Dòng. Những số Hiếp pháp căn bản dựa trên Thánh Kinh, Giáo luật, Giáo huấn Hội thánh, Tu luật Thánh Augustinô và tinh thần Dòng Đa Minh.Tuy nhiên, trong khi trình bày cha luôn ưu tiên đến những vấn đề phức tạp thường hay hiểu lơ mơ, biết hoặc không biết hoặc cố tình bỏ qua. Cụ thể cha nhấn mạnh đến một vài điểm như sau:

  • Giai đoạn sau khi khấn trọn hay còn gọi là giai đoạn thường huấn. Vì quan niệm khấn trọn là trưởng thành, là tự mình giải quyết vấn đề…., đúng một phần nhưng chưa đủ, nên những thành viên ở thời kỳ này cũng cần được Bề trên và những nhà có trách nhiệm tiếp tục đồng hành, dẫn dắt, nhất là về đời sống tâm linh. Cũng cần tạo điều kiện cho những thành viên này có đủ những phương tiện cần thiết để được đào tạo và tự đào tạo.
  • Vấn đề hoạt động tông đồ rất rộng lớn và trong thực tế cũng khá nhiều phức tạp khi một Hội dòng hay một cá nhân nhận lãnh sứ mạng này. Vì vậy, để tránh những phiền phức sau này, cần tuân theo những nguyên tắc cụ thể:
  • Khi Đấng Bản Quyền trao sứ mạng tông đồ cho một Hội dòng, cần có văn thư rõ ràng, chẳng hạn nêu rõ: thời gian, công việc cụ thể là gì, về tài chính: khi xây dựng những cơ sở, ai đứng ra lo? (Gl 681).
  • Hoặc nếu cho một cá nhân tu sĩ, thì giáo luật cho biết, không một cá nhân tu sĩ nào tự ý nhận lãnh nhiệm vụ ngoài nhà dòng khi chưa có phép của Bề trên (Gl 671). Hoặc khi một tu sĩ đã được phép của Bề trên và ban cố vấn, tu sĩ đó ra làm việc độc lập với Đấng Bản Quyền, thì tu sĩ đó vẫn phải vâng phục Bề trên, ngoài ra còn phải phục quyền Đấng Bản Quyền. Đây chính là vấn đề khó khăn thường xảy ra trong các Hội dòng.

Ngày cuối cùng của tuần thường huấn, cha giáo cùng các học viên bàn về việc các thành viên rời bỏ Hội dòng.Thường thì khi có ai đó xin ra khỏi dòng, chúng ta hay nghĩ họ “có vấn đề”, hơn là nghĩ tích cực vì một tiếng gọi thánh thiêng nào đó. Trong Giáo hội đã có biết bao nhiêu người như thế, gần nhất là Mẹ Têrêxa Calcutta, Mẹ chuyển dòng vì tiếng gọi của Thánh Thần, với một sứ mạng khác phù hợp với nhu cầu thực tế và với con người của Mẹ. Nhưng dù thế nào, khi xin rời khỏi Dòng cũng cần xét đến 3 lí do: một là tại sao? Hai là Thẩm quyền, Ai là người cho phép? Ba là Thủ tục tiến hành như thế nào, hệ quả pháp lý?

Tiếp đến, cha trình bày cho cộng đoàn biết về việc:

– Chuyển Dòng: Việc chuyển dòng thường áp dụng cho những tu sĩ đã khấn trọn. Lại một lần nữa, cha giáo nhắc nhở, cần có cái nhìn đức tin về vấn đề này. Nhưng dù với lí do nào, cũng cần xét đến: lí do có chính đáng không? Vì đã là tu sĩ khấn trọn, không dễ gì chuyển đổi Dòng, nhưng nếu khi chuyển đổi cũng cần theo những nguyên tắc của giáo luật.

– Sa Thải: là hình thức nặng nề nhất. Do đó, không dễ dàng để sa thải một thành viên. Vì vậy, để sa thải một tu sĩ, cần dựa trên những nguyên tắc. Theo Giáo luật, có ba hình thức sa thải:

  1. Sa thải ngay lập tức,
  2. Buộc phải sa thải,
  3. Có thể bị sa thải.

Mỗi hình thức sa thải đều có những nguyên tắc riêng. Nếu không tuân theo những nguyên tắc đó thì việc sa thải được kể là vô hiệu. Qua đây, cha giáo cũng nhắc nhở những Bề trên và những ai có trách nhiệm trong Hội dòng, cần cân nhắc kỹ lưỡng, thà từ chối một ứng sinh ngay từ đầu, chứ đừng để đến lúc đã khấn, dù là khấn tạm, rồi sa thải thành viên đó. Luật là trái tim, là tình yêu, là bao dung, chúng ta làm luật cho con người chứ không phải cho các thiên thần. Đừng quá nệ vào luật, nhất là khi chưa nắm vững luật thì đừng vội quyết định một điều gì, vì quyết định đó có thể nguy hại đến một một con người.

Khép lại tuần thường huấn với lời tri ân của chị Bề Trên Tổng Quyền cùng với những lời nhắn nhủ thân thương của cha giáo làm cho các học viên như muốn kéo dài tuần thường huấn nhiều hơn nữa. Nhưng thời gian không cho phép, chị em phải chia tay cha giáo để trở về với cộng đoàn để tiếp tục thi hành sứ mạng của mình.

Tạ ơn Chúa muôn ngàn đời, Chúađã cho chị em có cơ hội học hỏi về Giáo luật và Luật Dòng để qua đó, mỗi người biết chấn chỉnh đời sống tu của mình sao cho đúng với những mong ước của Giáo hội, của Giáo phận và của Hội dòng.

Sr. Emmanuel Vũ Hiên