Tài liệu hội trưởng gia đình tháng 12 năm 2020

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GPBN – Tháng 12/2020

HTGDGPBN T12-2020 (pdf)

  1. KHAI MẠC: Vì dấu, đọc hoặc hát kinh Chúa Thánh Thần, kinh Ăn năn tội, sau đó đọc Lời Chúa.
  2. LỜI CHÚA: Lc 10,25-37

III. SUY NIỆM: RỘNG LÒNG VỚI NGƯỜI THÂN

Chúa Giêsu kể cho người thông luật câu chuyện dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành trước sự ham học hỏi của ông. Một người trên đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô bị cướp ở dọc đường. Thầy tư tế thấy anh bị thương nhưng không cứu. Một thầy Lê-vi thông luật thấy thế cũng không cứu. Có một người Sa-ma-ri, một người dân ngoại, thấy anh bị thương thì chạnh lòng thương, cứu giúp và nhờ người chăm sóc anh.

Trong thông điệp Fratelli Tutti, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã mời gọi mọi người đọc lại dụ ngôn này. Dụ ngôn này thật rõ ràng và thẳng thắn, nhưng nó cũng gợi lên cuộc đấu tranh nội tâm mà mỗi người trải qua, khi chúng ta dần dần hiểu ra bản thân mình qua các mối tương quan với anh chị em mình. Nếu chúng ta mở rộng cái nhìn của mình đến lịch sử cuộc sống của chính mình, và của toàn thế giới, thì tất cả chúng ta đều giống như mỗi nhân vật trong dụ ngôn. Tất cả chúng ta đều có trong mình điều gì đó của người đàn ông bị thương, điều gì đó của tên cướp, điều gì đó của người qua đường, và điều gì đó của người Sa-ma-ri nhân hậu.

Mùa Vọng đã tới, mùa của dọn lòng, của chuẩn bị tâm hồn chờ Chúa đến. Thiên Chúa cũng mời gọi mỗi người quay trở về với cõi lòng của mình, để khám phá bản thân và những người xung quanh. Mỗi lần mắc lỗi tội, người ta có thể cũng như người bị thương trong dụ ngôn, bị sự dữ chiếm đoạt. Mỗi lần gây những đau khổ cho anh chị em của mình, người ta cũng như kẻ cướp đi phá hoại, cướp bóc niềm vui của người khác. Mỗi lần thờ ơ, lạnh nhạt trước nỗi đau đớn của anh chị em mình, người ta như vị thầy tư tế, vị thầy Lêvi đi qua đường, thấy người bị nạn nhưng không cứu.

Lạy Chúa Giêsu, mỗi người trưởng gia đình chúng con cũng đang trong vòng xoáy của những cuộc đấu tranh không chỉ ở bên ngoài, nhưng ngay trong chính tâm hồn của mình trước thế lực của sự dữ, của ma quỷ đang hoành hành. Xin Chúa cho chúng con, trong mùa vọng này, biết nhìn lại chính mình, khám phá ra con người của mình trong mối liên hệ với những người thân cận trong gia đình, Hội Đoàn và Xứ Họ của chúng con. Xin cho chúng con biết chạnh lòng thương như người Sa-ma-ri nhân hậu, biết cúi xuống không chỉ chăm sóc cho những vết thương thể xác lẫn tâm hồn của chính mình, nhưng còn biết mở rộng lòng để quan tâm, chăm sóc những người thân cận khác.

* Gợi ý Suy niệm và Chia sẻ.

  1. Tôi đã chăm sóc vết thương tâm hồn của mình qua việc dọn lòng chờ Chúa đến nơi Bí Tích Hòa Giải như thế nào?
  2. Tôi đã quan tâm đến những người thân cận của tôi qua việc hăng hái, nhiệt thành trong các công việc chuẩn bị cho ngày lễ Giáng sinh ra sao trong Xứ Họ, Hội Đoàn và gia đình của tôi?
  3. CẦU NGUYỆN CHO CÁC THÀNH VIÊN MỚI QUA ĐỜI:

1- Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Chiều – Họ Bến Xây – Xứ Phúc Yên

2- Giuse Đặng Văn Quy – Họ Bá Cầu – Xứ Hữu Bằng

3- Phanxicô Xaviê Trần Văn Lăng – Họ Bá Cầu – Xứ Hữu Bằng

4- Phêrô Bùi Văn Ký –  Xứ Yên Thuỷ

5- Phêrô Nguyễn Văn Trường – Họ Thủy Đương – Xứ Vân Cương

6- Antôn Cao Đình Sửu – Họ Đông Trai – Xứ Vân Cương

7- Phêrô Nguyễn Văn Mong – Xứ Nguyệt Đức

8- Gioan  Nguyễn  Đức Tùng – Họ Tam Giang – Xứ Thái Nguyên

9- Giuse Nguyễn Văn Tập – Xứ Lục Hạ

  1. HỌC TẬP & THẢO LUẬN:

Từ tháng này, Ban phục vụ xin trích đăng lần lượt từng phần Tài liệu Học tập của Ủy ban Giáo dân trực thuộc HĐGMVN, các thành viên suy gẫm – trao đổi để mỗi ngày mọi người hiểu biết sâu sắc hơn về Ơn Gọi Của Người Giáo Dân.

NGƯỜI GIÁO DÂN TRONG GIÁO HỘI

Công đồng Vatican II về Giáo dân

Một trong những chủ đề của Công đồng chung Vatican II được đặc biệt quan tâm đó là vấn đề về vị trí và nhiệm vụ của người tín hữu giáo dân trong Giáo Hội và trong Xã Hội. Vấn đề này đã được đề cập đến một cách rộng rãi, trực tiếp hoặc gián tiếp trong hầu hết các văn kiện của Công đồng, và một cách đặc biệt trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, Ánh sáng muôn dân (Lumen Gentium / LG), Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, (Gaudium et Spes / GP), Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân (Apostolicam actuositatem / Aa)…

Công đồng nhấn mạnh: Giáo Hội là mầu nhiệm hiệp thông có tính cách thừa sai trong đó bao hàm tính đa dạng về ơn gọi và tính hiệp nhất phát sinh từ bí tích Thánh Tẩy. Người ta đã nói đến một nền thần học về Giáo Hội của Công đồng Vatican II trong đó một nền thần học về “Bậc giáo dân” đã được triển khai một cách rộng rãi và là nguồn linh ứng cho một “cung cách mới” trong các quan hệ giữa giáo sĩ và giáo dân, trong đó giáo dân không còn chỉ được xem như những đối tượng của hoạt động mục vụ của giáo sĩ mà còn là những cộng tác viên quý giá và không thể thiếu đối với sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội trong thế giới. Công đồng khẳng định: “Công việc tông đồ của người giáo dân và thừa tác vụ mục vụ bổ sung cho nhau” (Bài phát biểu của Hồng y Stanislaw Rylko, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh phụ trách giáo dân, tại buổi tọa đàm lần thứ V do Cộng đoàn Emmanuel tổ chức, ngày 26.01.2010, về chủ đề Linh mục và Giáo dân trong sứ vụ, số 1 và 2).

(Còn tiếp…)

Lm. Đặc trách HTGĐGPBN   

                                                          Fx. Nguyễn Văn Huân

Tin liên quan