Tài liệu hội trưởng gia đình tháng 4 năm 2022

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GPBN – Tháng 04/2022

  1. LỜI CHÚA: Thứ Tư Tuần 5 MC: Ga 8,31-42
  2. SUY NIỆM: PHÂN ĐỊNH ĐỂ CÓ TỰ DO

Tài liệu hội Trưởng gia đình T4-2022 (pdf)

Chúa Giêsu mời gọi người Do Thái sống sự tự do nhờ ở lại trong Lời của Ngài. Người Do Thái nghĩ rằng họ đang có tự do, vì hiện tại họ không phải là nô lệ. Chúa Giêsu nhắc nhớ rằng, họ vẫn đang là nô lệ của tội lỗi, vì thế họ vẫn chưa thực sự có tự do.

Cuộc sống của người Kitô hữu thường ở trong tình thế nan giải để luôn phân định nhằm chọn lựa giữa tự do hoặc trở thành nô lệ của tội. Được tự do nghĩa là hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, làm theo ý muốn của Ngài vì Thiên Chúa luôn muốn con người được cứu độ. Tự do có nghĩa làm vui lòng Thiên Chúa qua việc làm những điều tốt đẹp. Ngược lại, trở thành nô lệ là đi theo lối mòn của bản thân, là trở thành những ông chủ của chính bản thân mình.

Để có tự do, Thiên Chúa mời gọi người ta ở lại trong Lời của Ngài để học sự kiên trì và để nhận ra ý muốn đích thực của Thiên Chúa. Kiên trì trong đức tin ngay cả khi không hiểu sự việc theo lý trí của con người, kiên trì ngay cả khi có những điều xảy đến hoàn toàn khác với những kinh nghiệm đã từng có nơi mỗi người. Trong sự kiên trì khi ở lại trong Lời của Ngài, “các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông”(Ga 8,32).

Tổ phụ Abramham đã cho thấy điều đó. Ông đã tin ngay cả khi không hiểu điều Chúa muốn nói thực sự là gì. Ông đã vâng nghe theo Chúa, đi đến một vùng đất mà Thiên Chúa hứa, dù chẳng biết vùng đất ấy ở đâu. Ông đã hiến dâng con mình dù không hiểu tại sao Chúa muốn thế. Điều duy nhất mà ông thực hiện là thi hành ý muốn của Chúa. Cuối cùng, sự thật đã được tỏ lộ, Thiên Chúa đã giải phóng ông, đem ông đi trên đường nẻo của ngài, có được sự tự do đích thực.

Chúa Giêsu đến thế gian để đem con người đến sự tự do đích thực, giải phóng con người khỏi sự kìm kẹp và thoát khỏi ách nộ lệ của tội lỗi. Ngài mời gọi con người đi vào trong một sự phân định để chọn lựa giữa việc được tự do hay trở thành nô lệ.

Không ai muốn trở thành nô lệ. Tuy nhiên, người ta dễ bị lầm tưởng đang được tự do, trong khi thực sự người ta đang ở trong tình trạng nô lệ. Chủ nghĩa cá nhân xem cái tôi là tất cả, chủ nghĩa hưởng thụ tìm kiếm những thú vui vật chất mau qua, chủ nghĩa khoái lạc tìm kiếm thú vui xác thịt. Những thứ chủ nghĩa ấy khiến người ta mờ lối, không nhận thấy được sự tự do đích thực mà Thiên Chúa đem lại. Lắng nghe và thực hành Lời Chúa là cách thức để con người đạt đến sự tự do đích thực là ở trong nhà của Đức Chúa Trời.

Lạy Chúa Giêsu, giữa cuộc sống vàng thau lẫn lộn, xin ban cho chúng con là những trưởng gia đình ơn phân định để nhận biết sự thật Chúa đang muốn tỏ lộ qua những biến cố, các sự kiện diễn ra trong ngày sống của chúng con. Xin cho chúng con biết ở lại trong Lời của Chúa để tránh trở thành nô lệ của tội lỗi, nhưng được tự do trong nhà của Ngài. Amen!

* Gợi ý Suy niệm và chia sẻ:

  1. Tôi đã lắng nghe và sống Lời Chúa như thế nào trong Mùa Chay? Đâu là những khó khăn hay những thuận lợi mà khi tôi đọc, chia sẻ và sống Lời Chúa?
  2. Tôi có thường suy nghĩ điều Chúa muốn nói với tôi qua những biến cố, sự kiện xảy đến nơi gia đình, hội đoàn, xứ họ của tôi dưới ánh sáng của Lời Chúa? Tôi suy nghĩ như thế nào trước việc Chúa Giêsu chết đi và sống lại để giải phóng tôi khỏi ách nộ lệ của tội lội?

III. CẦU NGUYỆN CHO CÁC HỘI VIÊN MỚI QUA ĐỜI:

1- Giuse Nguyễn Văn Huế – Họ nhà xứ Ngô Khê

2- Đaminh Nguyễn Văn Uyên – Họ nhà xứ Tử Nê

3- Phanxicô Nguyễn Tiến Sỹ – Họ Trại Đường – Xứ Xuân Hoà

4- Giuse Nguyễn Văn Lập – Họ nhà xứ Xuân Hoà

5- Giuse Nguyễn Văn Sỏi – Họ nhà xứ Xuân Hoà

6- Antôn Nguyễn Hữu Tuấn – Họ Oánh – Xứ Thái Nguyên

7- Phêrô Dương Văn Thuệ – Họ Hoàng Tân – Xứ Yên Lãng

8- Đaminh Nguyễn Văn Cường – Họ Tam Giang – Xứ Thái Nguyên

9- Vicentê Vũ Văn Thanh – Họ Dược Thượng – Xứ Nỉ

10- Phêrô Nguyễn Văn Lâm – Nhà xứ Bến Đông

11- Đaminh Nguyễn Văn Học – Họ Toản Thanh – Xứ An Tràng

12- Inhaxiô Nguyễn Văn Luyến – Họ Y Nhã – Xứ An Tràng

13- Giuse Vương Sỹ Dự – Họ Đồn Bầu – Xứ Bạch Xa

14- Giuse Nguyễn văn Khanh – Nhà xứ Vân Tập – Vĩnh yên

15- Đaminh Nguyễn Chiến Chữ – Họ Tân Lập – Xứ Đại Lãm

16- Vicentê Nguyễn Viết Số – Họ Tân Lập – Xứ Đại Lãm

  1. HỌC TẬP & SUY NIỆM VỀ THÁNH GIUSE (tiếp theo): GIÁ TRỊ CỦA LAO ĐỘNG

Công việc tay chân vô cùng giá trị như là cộng tác với công trình của Thiên Chúa, để thế giới chưa hoàn thiện có thể được con người, là con Thiên Chúa hoàn tất. Chúa Giêsu tuyên bố: “Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc” (Ga 5,19-20).

Tất cả thần tính của Chúa Giêsu được tóm lại ở đây. Phải chăng Người đã học được chính bài học cộng tác với Giuse trong xưởng mộc?

“Giuse thuộc tầng lớp thợ thuyền, Ngài có kinh nghiệm về sự vất vả và khó nghèo, đối với Ngài cũng như Thánh Gia, trong đó Ngài là người đứng đầu biết tỉnh thức và yêu mến” (Piô XI). Lao động là điều kiện phải có cho cuộc sống vật chất. Tỉnh thức và yêu mến là điều kiện phát triển tâm linh. Đời sống tâm linh của bạn phát triển thế nào? Có Chúa ở với mình thật sự không?

“Công việc tay chân vô cùng giá trị, được coi như sự cộng tác với công trình của Thiên Chúa”. Ý nghĩa hơn: “Đừng bao giờ nghĩ rằng tôi sung sướng nhờ sự làm việc. Không, điều làm cho tôi sung sướng chính là được ở cạnh Thiên Chúa để làm những gì Người muốn” (J. Ploussard). Nghĩa tu đức là vậy. Còn thực tế, đa số người lao động chỉ tìm miếng cơm manh áo. Hãy dành cho giới công nhân, nông dân một lời nguyện và nhớ đến bao người vất vả vì chúng ta.

(Daniel Foucher, Notre Père, Joseph Le Charpentier – Giuse, Thợ mộc, Cha chúng ta, Tr. 255-260).

Lm. Đặc trách HTGĐGPBN

Fx. Nguyễn Văn Huân

Tin liên quan