Thế nào là hành hương? Hàng hương nơi đâu?

THẾ NÀO LÀ HÀNH HƯƠNG?

HÀNH HƯƠNG NƠI ĐÂU?

JB. Lâm Văn Trung

 Về du lịch  và hành hương: ngày nay người ta thường đi du lịch đâu đó để tham gia quan sát danh lam quan thắng cảnh để giải trí, để mở rộng sự hiểu biết, mở mang kiến thức… đây cũng là những điều rất hay. Nhưng so với hành hương thì khác nhau đáng kể. Vì hành hương là cuộc bày tỏ niềm tin tôn giáo, sự sùng mộ đối với thần minh, để xin ơn hay cảm tạ thần minh nào đó. Ở bài này người viết xin nêu vắn tắt cách hành hương mang tính truyền thống hay gặp nơi tín hữu Công giáo, hy vọng có thể giúp cho ai đó biết thêm ý nghĩa của nó.  Đồng thời có thể giúp cho những ai muốn đi hành hương 12 vị Thánh và 100 vị Đầu Mục của giáo phận Bắc Ninh để hiểu biết về các vị tử đạo của giáo phận và để tri ân các ngài, để hành hương nơi các thánh tích mà kín múc nguồn ơn lành thánh từ kho tàng thiêng liêng quý báu nơi các ngài.

  1. Thế nào là hành hương?

Để những tín hữu Công giáo đi hành hương có được kết quả tốt, có được những lợi ích thiêng liêng, thiết nghĩ cũng cần hiểu biết mấy ý nghĩa của hành hương. Xin quy tóm ý nghĩa của hành hương lại trong ba nghĩa chính như sau:

“Nghĩa thứ nhất, nghĩa thông dụng nhất hiện nay là đi viếng một địa điểm tôn giáo[1]:

 Thí dụ như đi hành hương Đất thánh Giêrusalem, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ La Vang hay thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự ở nhà thờ Trung Lai hoặc những nơi có hài cốt các vị tử đạo của giáp phận chẳng hạn. Hoặc đến với những khung cảnh địa lý đẹp đẽ như Tam Đảo nơi có nhà thờ đá cổ cổ kính lâu đời… Nên khi nói tới đi hành hương là phải nói tới ĐÍCH, nghĩa là đi đến đâu?

“Nghĩa thứ hai là rời bỏ gia đình và quê hương,[2] đề ra cho mình một mục đích:

 Trước tiên, nghĩa thứ hai này đòi hỏi người đi hành hương phải “rời bỏ” (có nghĩa là từ bỏ là hi sinh là chịu thiệt thòi để hữu ích cho linh hồn). Chẳng hạn như tổ phụ Abraham, Môsê… trong Cựu Ước rời bỏ quê hương xứ sở của mình để đi đến một đích mới theo chỉ dẫn của Đức Chúa, hay như các thánh ẩn tu thời đầu của Hội Thánh từ bỏ tất cả để tu luyện với ước mong trở nên thánh thiện. Đọc trong cuốn TỰ DO ĐỂ YÊU MẾN VÀ PHỤC VỤ của tác giả Hoàng Sóc Sơn SJ, ta thấy Thánh Inhã[3] có một sự rời bỏ rất kiên quyết để theo Chúa qua việc hành hương của ngài. Thánh Inhã coi đời mình là một cuộc hành hương liên lỉ để về Nước Chúa, nên khi hành hương ngài luôn chú tâm vào việc cầu nguyện và suy gẫm về Chúa Giêsu… Ngài từng tham gia hành hương nhiều nơi, trong đó có cuộc hành hương Đất Thánh Giêrusalem. Khi hành hương ngài đã từ bỏ cách quyết liệt, để rồi: “ngài thực sự trở nên vô danh, không tiền bạc, không vũ khí, không quyền lực, ngài được tôi luyện bằng nghèo khó, nguy hiểm và sỉ nhục.”[4]  Vì ngài “ước ao chỉ cậy dựa vào Thiên Chúa” “muốn sống các nhân đức: mến, tin, cậy[5] với Chúa mà thôi. Bắt chước Thánh Inhã, khi ta đi hành hương xa quê hương xa gia đình xa cộng đoàn, bỏ công ăn việc làm nhiều ngày để xét mình xưng tội, để cầu nguyện, để được hoán cải, để gặp gỡ Thiên Chúa thì thật là tốt. Những người tu trì lâu năm đôi khi cũng phải đổi khung cảnh để tĩnh tâm là vậy. Hành hương cũng còn là dịp bỏ bớt những gì đang thuộc về mình như: tốn phí ít tiền bạc, vất vả đường dài, ăn ngủ thất thường… đó là những hy sinh hiệp với lời cầu nguyện để thăng tiến bản thân.

Người hành hương rời bỏ khỏi khung cảnh sống quen thuộc của mình để đến một vùng đất thiêng liêng với những chứng tích quý báu là điều khả thi, dễ thực hiện. Nhưng để khỏi bị ra về tay trắng như ai đó đã từng than vãn: “tôi được đi mà không được gì!”, thì người hành hương phải cần xác định cho mình một mục đích nào đó và cố gắng nắm bắt cho được, để nó giúp ích cho tâm hồn cho cuộc sống đức tin của mình. Bắt chước thánh Inhã xưa, khi ngài đi hành hương Thánh địa Giêrusalem: “mục đích do ngài đề ra là “muốn sống các nhân đức mến, tin và cậy” với Chúa Giêsu. “Có thể nói ngài đã thành công mĩ mãn.”[6] Mặc dù chặng đường hành hương ngài đi qua có nhiều gian nan, nhưng với những cố gắng liên lỉ mà “ngài đã thành công mĩ mãn.”[7] Ngài đã cảm nhận được ơn Chúa ban cách rõ rệt: “Ngài cảm nhận được niềm vui thiêng liêng sâu xa mãnh liệt” và ngài “rất hạnh phúc”. Quan trọng là thánh nhân đã muốn giữ gìn cùng thực thi ơn mà ngài đã được.  Ban đầu “ngài nảy ra ý nghĩ ở lại luôn những nơi đem lại cho lòng đạo đức của ngài nhiều hứng khởi, để suốt đời thờ lạy Đấng để lại những vết chân đáng tôn thờ khắp nơi quanh ngài, và đủ sức hiến thân cho phần rỗi tha nhân.”[8] Thế rồi ý nghĩ của ngài không được thực hiện tại đó, nhưng đây là một trong những ý tưởng khởi đầu cho sứ mạng và sự nghiệp lớn lao của Thánh nhân sau này. Khởi đi từ những điểm quan trọng này mà chàng hiệp sĩ Inhaxiô Loyola sau này đã trở nên một vị thánh giúp ích cho Giáo Hội Công giáo rất nhiều. Ngài đã khởi dựng cho giáo hội dòng tu với những tu sĩ thánh thiện và uyên bác, từng dấn thân phục vụ và thăng tiến giáo hội tại nhiều nước trên thế giới là Dòng Tên như ta thấy ngày nay… Chúng ta không nhằm biểu dương hay kể tỉ mỉ chi tiết mọi sự về ngài, nhưng thiết nghĩ là người tham gia hành hương ta cũng cần tìm hiểu việc từ bỏ của ngài để biết từ bỏ là cần thiết và hữu ích cho người hành hương.

Nghĩa thứ ba: bắt nguồn từ Tin Mừng, là lên đường rao giảng Tin Mừng[9]:

 Như một tóm kết về hành trình hành hương của thánh I-nhã, trong cuốn Tự Do Để Yêu Mến Và Phục Vụ tác giả Hoàng Sóc Sơn viết:

“Khi rời bỏ Loyola, thánh Inhã đã hành hương theo đúng nghĩa thứ nhất. Khi đi viếng Đất Thánh, ngài đã hành hương theo nghĩa thứ hai. Sau này, Khi cùng với các bạn chọn cách sống đến bất cứ nơi nào trên thế giới để giúp đỡ các linh hồn, ngài và các bạn sẽ chọn ý nghĩa thứ ba của hành hương.”[10]

Thế đấy, trong thực tế về lợi ích của việc hành hương: đã có không ít người được ơn nên thánh trong ơn gọi của họ, hay nghe được tiếng Chúa cho họ biết ơn gọi đúng đắn của mình, hoặc được ơn dấn thân cho sứ mạng loan báo Tin Mừng từ những chuyến hành hương trong đời họ. Điều quan trọng sau khi hành hương có được thay đổi nội tâm sâu xa để nên thánh, để tuôn theo ý Chúa muốn hay không là người hành hương phải biết trân trọng lưu giữ và thực hiện triệt để những ơn đã lĩnh nhận được khi đi hành hương. Ngoài ra, ngày nay hành hương còn là dịp tốt để người hành hương sống hòa mình giữa nhiều hạng người khác nhau như ăn chung, cầu nguyện chung giữa kẻ giàu người nghèo; người già người trẻ; người tốt kẻ xấu…

Tóm lại, hành hương còn để nhắc nhớ ta chân lý: “ta là khách lữ hành, kẻ lữ hành đi, thấy và nghe mà không dừng lại.” Trên đường hành hương cũng thế, người hành hương không nên dừng lại ở những thực tại trần thế[11], ngó qua mà chơi, sử dụng rồi bỏ, lo hành trang để về Nhà Cha có nghĩa là cầu nguyện kết hiệp với Chúa, sống thân mật với Chúa và để Chúa dẫn đường trong lối sống của mình. Lời Chúa trong thư Do Thái đã nhắc nhớ chúng ta: “vì trên đời này, chúng ta không có thành trì bền vững, nhưng đang tìm kiếm thành trì tương lai” (Dt 13, 14). Vì cuộc sống của con người đang là một cuộc hành trình về “quê hương chúng ta ở trên Trời(Pl 3, 20a).

  1. Hành hương nơi đâu?

Trong đời sống đức tin, đôi khi chúng ta có những cuộc hành hương đâu đó để mong muốn hít thở những “làn gió tâm linh làm mát cho tâm hồn” ở những địa điểm tôn giáo xa xôi như đã nói ở trên là điều rất tốt. Nhưng việc đi hành hương nơi các vị tử đạo của giáo phận Bắc Ninh lại là điều rất quan trọng. Vì các ngài là những hạt giống đức tin đã nảy mầm và kết trái trong ơn nghĩa Chúa trước chúng ta và đang ở ngay xung quanh chúng ta. Các ngài là những bậc tổ tiên của chúng ta đã tin theo Thiên Chúa. Khi gặp các cuộc cấm cách – bách hại dưới triều đại các vua chúa hung bạo, các ngài đã lấy chính mạng sống của mình để ca ngợi Chúa, để bảo vệ đức tin cho chúng ta. Các ngài kêu mời chúng ta:  “Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp lại tình yêu của Chúa chúng ta, … hãy lấy sự sống đáp lại sự sống.[12] Các ngài đã nêu những tấm gương sống đạo cách anh hùng cho các thế hệ con cháu là chúng ta. Thật đáng kính trọng và cần nêu gương các ngài! Vậy mà đôi khi chúng ta hoặc vì vô tình, vô tâm; hoặc vì thiếu sự chỉ dẫn mà chúng ta bàng quan[13] thờ ơ với các ngài… Nay các ngài đã về Thiên Quốc, nhưng những chứng tích lịch sử về những cuộc tử đạo của các ngài, đặc biệt là thánh cốt của các ngài đang ở với chúng ta và hằng cầu nguyện cùng chuyển thông ơn Chúa cho chúng ta, mà chúng ta thờ ơ không để ý đến nguồn hồng ân quý báu này.

Ở tại giáo phận Bắc Ninh, dưới các triều vua: Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức giáo phận có 12 vị Thánh tử đạo là: thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh, thánh Phê rô Nguyễn Văn Tự, thánh Phanxicô Hà Trọng Mậu, thánh Đaminh Bùi Văn Úy, thánh Augustinô Nguyễn Văn Mới, thánh Tôma Nguyễn Văn Đệ, thánh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh, thánh Vinh sơn Đỗ Yến, thánh Giuse Đặng Đình Viên, thánh Phê rô Almatô Bình, thánh Anrê Trần An Dũng Lạc, thánh Đaminh Cẩm. Và 100 Vị Đầu Mục tử đạo tại Cổng Tả thành cổ Bắc Ninh. Các ngài đã sống đức tin kiên trung, dù  phải lao tù khổ ải, dù bị cám dỗ bỏ đạo, bị ép phải bỏ đạo bằng nhiều cách như: bước qua Thánh Giá, bước qua ảnh tượng thánh, bước ra khỏi vòng tròn quanh chỗ đứng, hoặc nhận là thầy thuốc, lương y… tỏ dấu bỏ đạo để được vua quan tha chết. Nhưng các ngài vẫn một mực trung tín với Chúa đến cùng. Lời thánh Đa Minh Bùi Văn Úy: “Tôi không bao giờ xuất giáo,”[14] thánh Giuse Đặng Đình Viên: “dù có chết tôi cũng không quá khóa,”[15] thánh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh: “tôi thà chết chứ không bao giờ chịu giẫm lên Thánh Giá, vì tôi biết đạo Chúa Giêsu là đạo thật,[16] các Đầu Mục: “chúng tôi không dám bước qua Chúa mà chúng tôi tôn thờ.”[17] vv…

Ngay trong lao tù các vị tử đạo của giáo phận vẫn loan báo Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ, vẫn loan báo Tin Mừng tình thương của Thiên Chúa cho quan và mọi người xung quanh. Thí dụ như khi quan hỏi cụ trùm Cảnh: “Chúa vác Thánh Giá đi đâu?” Cụ trả lời: “Ngài vác Thánh Giá lên đồi Calvariô chịu chết và đền tội cho mọi người, để hoàn tất việc chuộc tội cho thiên hạ, trong đó có cả các quan nữa đấy”[18], hay “trong tù thầy Mậu vẫn dạy giáo lý và rửa tội được 44 người,[19] vv… Các ngài đã minh chứng niềm tin vào Thiên Chúa bằng mọi nỗ lực loan báo Tin Mừng. Lòng tin vào Thiên Chúa nơi các ngài cũng rất dứt khoát:“chúng tôi chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa là Cha chung muôn loài, là Vua trên hết các vua.”[20] Các vị chứng nhân của giáo phận đã đón nhận sự tù đày, tra tấn, đòn vọt với vẻ hân hoan như là những “chuyện nhỏ” cho nỗ lực rèn luyện đức tin của mình mà thôi. Sử sách thuật lại chuyện tù đày tra tấn đòn vọt mà các ngài phải trải qua đôi khi chỉ như những kỳ thi cử để mong đỗ đạt: “các bác kỳ này thi đỗ chứ?, và được trả lời: “chúng em đỗ cả.”[21] Trước những gian nan nguy hiểm đến tính mạng như vậy, mà nghe các ngài nói cười thăm hỏi nhau vui vẻ hóm hỉnh “đượm chất Quan họ” như vậy đó. Thật là tuyệt vời!

Vậy chúng ta đi hành hương đến với các Thánh tử đạo giáo phận Bắc Ninh để chứng kiến chứng tích lịch sử về đức tin của các bậc tiền nhân, thăm viếng chứng tích quý báu là: nơi, chốn, thánh tích của các ngài để cầu nguyện với các ngài, để học hỏi gương sống đức tin, để noi gương nhân đức tốt lành của các ngài. Đồng thời xin các ngài cầu thay nguyện giúp cho ta thì thật là điều tuyệt vời, chẳng chi sánh bằng. Amen.

 

[1] Hoàng Sóc Sơn, SJ, TỰ DO ĐỂ YÊU MẾN VÀ PHỤC VỤ, 2007, tr 232.

[2] Hoàng Sóc Sơn, SJ, TỰ DO ĐỂ YÊU MẾN VÀ PHỤC VỤ, 2007, tr 232.

[3] 1491 – 1556

[4] Hoàng Sóc Sơn, SJ, TỰ DO ĐỂ YÊU MẾN VÀ PHỤC VỤ, 2007, tr 230.

[5] Hoàng Sóc Sơn, SJ, TỰ DO ĐỂ YÊU MẾN VÀ PHỤC VỤ, 2007, tr 215.

[6] Hoàng Sóc Sơn, SJ, TỰ DO ĐỂ YÊU MẾN VÀ PHỤC VỤ, 2007, tr 230.

[7] Hoàng Sóc Sơn, SJ, TỰ DO ĐỂ YÊU MẾN VÀ PHỤC VỤ, 2007, tr 230.

[8] Hoàng Sóc Sơn, SJ, TỰ DO ĐỂ YÊU MẾN VÀ PHỤC VỤ, 2007, tr 230.

[9] Hoàng Sóc Sơn, SJ, TỰ DO ĐỂ YÊU MẾN VÀ PHỤC VỤ, 2007, tr 232.

[10] Hoàng Sóc Sơn, SJ, TỰ DO ĐỂ YÊU MẾN VÀ PHỤC VỤ, 2007, tr 232.

[11] Xin nêu đôi mẩu chuyện về Thánh I-nhã để thấy rằng trên đường hành hương ngài chẳng ham vui chút nào. Khi chuyến tàu ngài đi đến đảo Síp: “trong dịp ấy có hai lễ hội lớn ở Venezia: lễ Thánh Thể và lễ Kết Hôn Với Biển. Nhiều người từ các nơi đến tham dự hai lễ ấy. Tuy nhiên ngài không quan tâm chút nào””(x. TỰ DO ĐỂ YÊU MẾN VÀ PHỤC VỤ của tác giả Hoàng Sóc Sơn, SJ, trang 222). Cả khi “ngay tại Đất Thánh ngài cũng không để ý gì đến lịch sử, văn hóa và  kiến trúc rất phong phú của nơi này. Ngài chỉ chú tâm đến những nơi ghi dấu Chúa Giêsu và những tâm tình thiêng liêng”(x. TỰ DO ĐỂ YÊU MẾN VÀ PHỤC VỤ của tác giả Hoàng Sóc Sơn, SJ, trang 224). Vv ..

[12] Vũ Thành, lm,  Dòng Máu Anh Hùng, tr 10

[13] Thái độ bàng quanlàm ngơ, đứng ngoài cuộc, coi như không dính líu đến mình.

[14] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 24.

[15] Tài liệu đang dẫn, tr 43.

[16] Tài liệu đang dẫn, tr 29.

[17] Tài liệu đang dẫn, tr 70.

[18] Vũ Thành, lm, DÒNG MÁU ANH HÙNG, tr 204.

[19] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 22.

[20] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 33.

[21] Hoàng Văn Đạt, SJ, Tư liệu liên quan đến vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn, tr 11.