Tưởng nhớ đức cha Đaminh Đinh Huy Quảng

Sinh ra giữa thời loạn lạc, sống trong cảnh âm thầm; thi hành sứ vụ Chúa trao giữa muôn vàn khó khăn, cấm cách. Đức Cha Đa Minh Đinh Huy Quảng – người tôi tớ kiên trung xứng đáng là Chứng Nhân Đức Tin. Cuộc đời của Ngài là một bản rong ca đong đầy tình Chúa và tình người.

1.THỜI NIÊN THIẾU

Ngày 15 tháng 03 năm 1921, tại xứ đạo Tử Nê một bé trai cất tiếng khóc chào đời. Ngày lĩnh thụ bí tích Rửa tội, cha mẹ đặt tên cho cậu bé là Đaminh Quảng.

TUNe

Nhà thờ quê hương Đức cha Đaminh

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đạo đức, ngay từ nhỏ cậu bé Quảng đã có ý hướng dâng mình cho Chúa. Người dân Tử Nê còn kể rằng cậu Quảng rất siêng năng chăm chỉ học hành và có trí nhớ rất tốt. Cậu Đaminh Quảng rất chăm chỉ học thuộc lòng những  kinh mỗi khi ông bà quản dạy, sau đó cậu  dạy lại cho đám bạn cùng trang lứa.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, cậu Quảng ngày một lớn lên trong ơn nghĩa Chúa. Đáp lại tiếng Chúa mời gọi,  cậu Quảng giã từ gia đình và cha xứ để nhập tiểu chủng viện Antôn Ninh Đạo Ngạn tu học. Mãn trường tiểu chủng viện, chú Quảng  được gửi tới học tại đại chủng viện thánh Anbertô Nam Định. Thời gian học tại Đại Chủng Viện. Các cha giáo và các bạn  ai cũng yêu mến thầy Quảng bởi lòng đạo đức, sự gần gũi và tính cần mẫn chăm chỉ học hành của thầy.

Ban nhạc chủng viện Đạo Ngạn

Cậu Đaminh Quảng là thành viên ban nhạc TCV Anton Ninh Đạo Ngạn

scan0006

Văn bằng tiểu học

  1. ĐỜI LINH MỤC

Tháng 8 năm 1945 Cách mạng dành được chính quyền. Các trường đào tạo tu sĩ, chủng sinh và linh mục của Giáo hội hầu hết phải đóng cửa. Ngày 21 tháng 12 năm 1945, Thầy Đaminh Đinh Huy Quảng và một số thầy đang học năm cuối của Đại Chủng Viện thánh  Albertô  được Đức Cha Chỉnh đặc cách truyền chức linh mục.

Sau khi được truyền chức linh mục, cha Đaminh Quảng được bổ nhiệm làm phó xứ Thái Nguyên giúp cha xứ Trọng – người Tây Ban Nha. Khi nhận bài sai giúp xứ Thái Nguyên cha Đaminh Quảng đem theo người em linh tông là thầy Đaminh  Đinh Huy Sức để giúp việc mục vụ. Theo lời kể của thầy Đaminh, cha Quảng trong thời gian làm phó xứ Thái Nguyên, ngài rất quan tâm xây dựng và nhiệt tình huấn luyện các đoàn hội công giáo. Năm 1947, cha Đaminh Quảng và thầy Đaminh Sức đã bị bắt và giam giữ tại chiến khu Việt Bắc.

Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, Cha Đaminh Quảng và thầy Đaminh Sức được trả tự do. Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn, Cha Đaminh Quảng tình nguyện ở lại phục vụ giáo dân và ngài được Đức Cha Đaminh bổ nhiệm coi sóc các giáo xứ vùng Bắc Giang. Ngài nhiệt tình chăm sóc mục vụ và tích cực vận động giáo dân ở lại giáo phận theo lời mời gọi của Đức Giám Mục.

Năm 1955, trong dịp đi ban Bí tích Thêm sức tại Bắc Giang, trên đường về Tòa giám mục, Đức Cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn bị đánh gẫy chân. Nhận thấy tình trạng sức khỏe của Đức Cha Đaminh ngày càng giảm sút, Đức Khâm sứ Tòa thánh đã thu xếp để ngài qua Hồng Kông chữa bệnh. Đức cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn trước khi rời Giáo phận đã bổ nhiệm cha Phê-rô  Nguyễn Văn Lộc làm cha Chính Giáo phận coi sóc Giáo xứ Xuân Hòa và Cẩm Giang. Cha Đaminh Đinh Huy Quảng được bổ nhiệm làm cha xứ giáo xứ nhà thờ chính tòa và các giáo xứ phụ cận.

scan0001

Nhà thờ chính tòa  Bắc Ninh xưa

Tháng 9 năm 1955, ngài đã cùng cha Chính giáo phận nhanh chóng tuyển chọn các ứng sinh gửi vào tiều chủng viện thánh Gioan Hà Nội do đức cha Giuse Trịnh Như Khuê mở cấp tốc để chuẩn bị nhân sự cho các giáo phận miền Bắc.

Năm 1956, Tòa thánh bổ nhiệm đức cha Phê-rô Khuất Văn Tạo làm giám mục Giáo phận Hải Phòng kiêm giám quản giáo phận Bắc Ninh. Cha Đaminh cùng với cha Laurenxô Phạm Hân Quynh tháp tùng đức cha Phê-rô đi kinh lý các giáo xứ trọng điểm của giáo phận Bắc Ninh. Sau 100 ngày kinh lý giáo phận, việc đầu tiên mà các ngài quyết định là thành lập tiểu chủng viện Bắc Ninh. Năm học 1957-1958, tiểu chủng viện Bắc Ninh được khai giảng. Cha Đaminh  Đinh Huy Quảng được đức cha Phê-rô bổ nhiệm làm giám đốc. Đức cha Giuse Trịnh Như Khuê sẵn sàng điều chuyển một giảng viên của tiểu chủng viện Hà Nội sang giúp tiểu chủng viện Bắc Ninh mới thành lập.

Năm 1960 tiểu chủng viện thánh Gioan Hà Nội đóng cửa. Tiểu chủng viên Bắc Ninh còn kéo dài thêm 2 năm nhờ sự uyển chuyển, khôn khéo của cha giám đốc Đaminh với sự hỗ trợ đắc lực của cha giám đốc đại chủng viên thánh Giuse Hà Nội.

Thập kỷ 60 đất nước Việt Nam bước vào giai đoạn chiến tranh phá hoại… Tuy nhiên, Giáo Hội Việt Nam lại bắt đầu thời kỳ khởi sắc. Năm 1960, hàng giáo phẩm Việt Nam được thiết lập. Công đồng Vaticanô II (1962-1965) đã thổi một luồng gió mới vào trong Giáo hội.

Năm 1963, Tòa Thánh bổ nhiệm cha Phaolô Phạm Đình Tụng, cựu giám đốc đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội làm giám mục chính tòa tiên khởi giáo phận Bắc Ninh.

Ngay sau khi về nhận giáo phận, đức cha Phao-lô cùng với cha Đaminh khẩn trương hoạch định những việc cần làm ngay và kế hoạch lâu dài để từng bước duy trì và phát triển đức tin trong giáo phận.

Những việc cần làm ngay là liệu sớm truyền chức linh mục cho một số thày đã được chuẩn bị sau khi chủng viện bị giải tán. Một số thầy đã bị bắt tập trung cải tạo trước khi đức cha Phao-lô nhận giáo phận. Các ngài đệ đơn đề nghị chính quyền cho phép truyền chức linh mục 2 thày Giuse Phạm sĩ An và Giuse Nguyễn Tiến Giản. Đồng thời truyền các chức “nhỏ” cho 2 thầy Giuse Hạnh và Giuse Bản. Chính quyền chẳng những không đồng ý mà còn bắt khẩn cấp thầy Giuse An và điều động thầy Giuse Giản gia nhập đội ngũ thanh niên xung phong. Năm 1974 bảy thày nữa được truyền chức linh mục trong âm thầm, trong đó có đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến.

Đức cha Quảng 1965

Cha Đaminh Đinh Huy Quảng năm 1965

Trong hoàn cảnh đi lại khó khăn cha Đaminh vẫn kiên trì tìm cách đến với các họ đạo để phục vụ giáo dân. Khích lệ giáo dân làm việc tông đồ. Đặc biệt quan tâm đến các hội đoàn như dâng hoa, ca đoàn, dòng ba… Chắc hẳn nhiều người cao niên vẫn còn nhớ như in hình ảnh cha Đaminh với chiếc áo trùng thâm vén lên ngang hông, trên chiếc xe đạp hiệu Griffon của Pháp rong ruổi đến thăm các gia đình và  xứ họ xung quanh toà giám mục Bắc Ninh.

XeDC Quảngn

ĐC Đaminh Quảng dùng chiếc xe đạp này làm phương tiện chính đi dâng lễ và thăm viếng mục vụ

 

scan0005

Cha tổng đại diện Đaminh tiếp khách

scan0020

Giờ chầu Thánh Thể tại NT Chính tòa

Cha Đaminh sống khó nghèo với bản thân, quảng đại với tha nhân. Quan tâm giúp đỡ những người ốm đau bệnh tật. Thường xuyên theo dõi tin tức thời sự quốc tế qua radio trong nước và hải ngoại. Cùng với Đức Cha Phao-lô tìm cách để hội nhập Đức tin với nền văn hóa địa phương.

  1. ĐỜI GIÁM MỤC
 anh0026 Ba vị giám mục trong thời gian khó khăncủa giáo phận Bắc Ninh

(Đức cha Phao lô Tụng, đức cha Giuse Maria Tuyến bên phải, đức cha Đaminh Quảng bên trái

Sau khi về con sóc Giáo phận Bắc Ninh được hơn chục năm, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của Giáo Hội Bắc Việt, Đức cha Phaolô Phạm Đình Tụng lâm bệnh nặng và tưởng rằng không qua khỏi. Đức cha Phaolô lo lắng cho tương lai của giáo phận không có chủ chăn nếu như ngài được Chúa cất về. Sau khi suy nghĩ và cầu nguyện, ngày 04 tháng 05 năm 1975Đức cha Phaolô Phạm Đình Tụng quyết định tấn phong giám mục trong âm thầm cho cha tổng đại diện Đaminh tại phòng nguyện chưa đầy 8 mét vuông (phòng U8) vào khoảng 23g30 đêm và thời gian diễn ra chỉ vỏn vẹn hơn nửa giờ đồng hồ. Lễ phong chức giám mục chỉ có 3 người, đó là đức cha Phaolô Phạm Đình Tụng chủ phong, đức tân giám mục Đaminh và cha Giuse Trần Đăng Can.  Đức cha Đa Minh lấy khẩu hiệu Giám mục là: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7).

Chưa kịp công khai, chưa kịp thi hành sứ vụ Giám mục thì chỉ sau đó vài ngày (trước ngày thị xã Bắc Ninh tổ chức mừng chiến thắng 15/05/1975), đức cha Đa Minh bị chính quyền trục xuất khỏi tòa giám mục và đưa đến quản chế tại giáo xứ Đại Lãm (Bắc Giang). Lý do trục xuất Đức cha Đa Minh rất mơ hồ, không rõ ràng, theo một số cha cao niên sống trong thời kỳ đó suy đoán có thể chính quyền muốn chặt tay chân là các cộng sự viên của đức cha Phaolô.  Dẫu vậy, ở môi trường nào Đức cha Đa Minh cũng xây đắp nên một thành lũy vững chắc bằng tình yêu thương và sự thứ tha.

scan0023

Đức cha Phao lô Tụng, đức cha Giuse Maria, quý cha, quý thầy thăm đức cha Đaminh tại giáo xứ Đại Lãm

Những tháng năm bị cầm hãm ở Đại Lãm, Âm thầm chấp nhận hoàn cảnh khó khăn, thực hiện khẩu hiệu:“Đức mến thì tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả, hy vọng tất cả”. Vận động giáo dân tích cực lao động, thực hiện tiết kiệm để lo cho con cái học hành.  Sau 17 năm bị quản chế và cư trú bắt buộc, trong đó có 3 năm chống chọi với bệnh tật, ngài vẫn chịu đựng bệnh tật cách phó thác, kiên nhẫn và vui vẻ.

Ngày 28 tháng 01 năm 1992, vị giám mục âm thầm – chưa một lần đội mũ cầm gậy, chưa một lần được dâng lễ đại triều, chưa khi nào truyền chức phó tế hay linh mục cho một ai đã an nghỉ trong Chúa. Phần mộ đơn sơ của ngài đang nằm khiêm tốn trong vườn thánh giáo xứ Đại Lãm.

Năm 2007 – 15 năm sau khi đức cha Đa Minh về với Chúa, đức tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, lúc đó đang làm giám quản Bắc Ninh chính thức công bố công khai thánh chức của ngài trong một dịp thuận lợi thì cả cộng đoàn mới vỡ òa trong niềm xúc động. Nhiều người ngỡ ngàng sửng sốt vì suốt bao năm sống bên cạnh một vị giám mục mà không hề hay biết.

Quả thật, cuộc đời bi hùng của đức cha Đa Minh đã viết nên áng thiên cổ hùng văn. Áng văn ấy được cấu thành bởi sự giản dị, miệt mài, hy sinh, thầm lặng đến quên mình để hòa vào dòng chảy Đức tin của Giáo phận Bắc Ninh thương mến thương.

Một số hình ảnh về Đức cha Đaminh Quảng

anh0028 scan0001. scan0002.. scan0002 scan0007 scan0009 scan0016 scan0026 Thanh Giã Tử Nê 1954

Kỷ Niệm 25 Năm Đức Cha Đaminh Về Với Chúa

Tháng Giêng Năm Đinh Dậu

BTT Gp.Bắc Ninh

 

 

 

Tin liên quan