Câu chuyện lịch sử đầy “huyền thoại” của cha cố Giuse Trần Quang Vinh

Sau khi Chủng viện Hà Nội bị đóng cửa (1960), bên Bắc Ninh cũng bị chặn mất nơi đào tạo linh mục. Đức cha Tụng giám mục Bắc Ninh (1963) cũng như cha Đaminh Đinh Huy Quảng rất lo lắng cho tương lai của giáo phận. Đó là lời đầu tiên khi người viết hỏi cha Giuse Trần Quang Vinh về biến cố ngày truyền chức lịch sử nhưng đầy tính “huyền thoại” của ngài cũng như của Giáo phận miền Quan Họ.

Cha cố hào hứng kể lại câu chuyện lịch sử với tôi: “Các ngài nghĩ rằng: cứ theo chiều hướng khó khăn này, thì không biết lấy đâu ra linh mục để phục vụ giáo phận! Không biết phải dẫn dắt giáo phận như thế nào Nhất là sau khi xin phép để truyền chức cho một số cha không được, các ngài nhận định nếu tình hình cứ như thế này thì mình không có tiếng nói gì, không làm việc tông đồ được, vì không có nhân sự.

Thực vậy, sau biến cố di cư năm 1954 số linh mục của giáo phận ‘chỉ còn lại 14 vị’ với hơn 30 ngàn tín hữu. Giáo dân sau cuộc phân tán Nam Bắc như mất phương hướng với việc sống đạo. Việc chăm sóc đoàn chiên của Đức cha Tụng nơi giáo phận Bắc Ninh vô cùng khó khăn. Ngài phải nghĩ đến tương lai ‘sống – còn’ cho giáo phận là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

Chủng viện bị đóng cửa, “vì thế các ngài tiếp tục đào tạo anh em tôi cách gấp gáp, với hy vọng truyền chức linh mục cho chúng tôi để có thêm linh mục phục vụ giáo phận. Thời gian này (từ sau khi Chủng viện Hà Nội bị đóng cửa), anh em tôi được Đức cha Tụng đào tạo tại nhà, phần học riêng được học hành tại tư gia của mỗi người, hàng tháng ai nấy lẳng lặng về Tòa Giám Mục để trả bài đã học cho Đức cha Tụng, và nhận tài liệu học tập tiếp theo. Nhưng khi đó chiều hướng về hoạt động của Công Giáo trong xã hội càng ngày càng khó khăn. Nhiều lúc tôi nghĩ với cảnh khó khăn của xã hội thế này, mình dường như không thể có cơ hội làm linh mục được chăng! Trong khi đó những người đi tu mà để lộ tung tích thì bị bắt đi tù liền, ‘chữ tù liền với chữ tu một vần’, và tôi cũng bị bắt đi tù chỉ vì chuyện đi tu.

Ngày 02/1/1974, lần đầu tiên sau năm 1954, chính quyền đồng ý cho giáo phận phong chức công khai cho thầy Giuse Can và cha Giuse Giản. Nhờ đó, nâng con số linh mục của giáo phận lên 4 cha trẻ và 2 cha già. Nhưng, 6 linh mục thì thấm vào đâu so với diện tích 20.986km2 của Giáo phận này. Bởi vậy, “vào giai đoạn sau lễ kỷ niệm 25 năm linh mục của Đức cha Tụng (ngày 06-6-1974) thì ngài bị đột quỵ vì bệnh suy tim. Nên sau lần Đức cha Tụng bị ốm đó, chính cha Quảng nói với ngài: “Đức cha mà nằm xuống (nghĩa là qua đời) thì chúng con không biết phải làm thế nào để lo cho giáo phận này được!” Thế rồi sau đó Đức cha Tụng quyết định truyền chc linh mục cho 7 anh em tôi (Giuse  Hải, Giuse Hạnh, Giuse Hiểu, Đaminh Kinh, Giuse Tảo, Giuse Tuyến, Giuse Vinh), nhưng ngài lo sợ bị lộ hay bị bắt thì hỏng mọi chuyện. Sau đó anh em tôi được Đức cha Tụng gọi về Tòa giám mục, ngài gặp riêng từng người một, khi ấy ngài đặt câu hỏi với giả thiết cho anh em rằng: nếu như sau khi truyền chức mà anh em bị bắt, bị đi tù thì sao? Tôi nói chúng con xin vâng.

Kể về ngày lịch sử trong đời dâng hiến của cha, ngài ân cần nói: Thế rồi vào đêm 15 rạng sáng ngày 16 tháng 9 năm 1974, lễ truyền chức cho 7 anh em tôi trong căn phòng nhỏ diễn ra rất gấp gáp. Cha Giuse Can canh gác ở tầng dưới, cha Đaminh Qung là người giới thiệu các tiến chức trong lễ truyền chức là chúng tôi. Đêm đó, thánh lễ và nghi thức truyền chức linh mục gần đến hai tiếng đồng hồ mới xong, Đức cha Tụng vừa làm vừa lo bị lộ, bầu khí với vẻ căng thẳng. Sau khi như một cuộc nín thở dài, chúng tôi thở phào mà chưa nhẹ nhõm gì. Đức cha Tụng lo chúng tôi bị bắt, rồi bị bại lộ việc truyền chức không phép tắc thì liên lụy đến ngài. Ngài sợ ảnh hưởng đến việc coi sóc giáo phận của ngài thì hỏng, vì bấy giờ việc truyền chức không có phép tắc là có tội với nhà nước, bị quy kết là phản động phản chính sách, bị đi tù là chắc.

Còn việc lễ tấn phong giám mục cho cha Đaminh Đinh Huy Quảng thì tôi được biết; nhưng tôi không được dự lễ đó. Trước đó Đức cha Tụng có hỏi ý kiến tôi, và tôi cũng thưa với ngài: ‘con thấy cha Đaminh Quảng là người thực sự xứng đáng, ngài có thể dẫn dắt giáo phận khi cần.” Và Đức cha Tụng đã tấn phong giám mục cho cha Đaminh Đinh Huy Quảng vào đêm 04/5/1975.

Nay được tin cha Giuse Trần Quang Vinh về với Chúa, Đức cha Cosma nói với tôi: “cha Vinh là một linh mục nhiệt thành và trung tín. Trong suốt thời buổi khó khăn cha đã trung thành sống ơn gọi tu trì linh mục, và lo công việc cho giáo phận. Cha sẽ cố gắng đi dâng lễ cho cầu nguyện cho cha Vinh…”. Cùng giáo phận, người viết xin cám ơn cha Giuse nhiều, xin Chúa đưa linh hồn cha Giuse về hưởng Nhan Thánh Chúa./.

Lâm Văn Trung

Tin liên quan