Tông du Iraq: Diễn văn (2) trước các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên
Diễn văn của ĐTC Phanxicô
trong buổi tiếp kiến với các Giám Mục, Linh Mục,
Tu Sĩ, Chủng Sinh và Giáo Lý Viên
Baghdad, 5/3/2021
Quý Hồng Y, Thượng Phụ Giáo Chủ, Giám Mục quý mến,
Các Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ và anh chị em thân mến!
Tôi nồng nhiệt ôm chào tất cả trong tình huynh đệ. Tôi tạ ơn Chúa đã quan phòng để chúng ta có thể gặp nhau hôm nay. Tôi xin cảm ơn Thượng Phụ Giáo Chủ Ignace Youssif Younan và Hồng Y Louis Sako qua diễn văn chào mừng. Chúng ta quy tụ nhau nơi đây tại thánh đường Đức Mẹ Ơn Cứu Chuộc, ngôi thánh đường được chúc phúc bởi máu mà các anh chị em chúng ta đã phải trả cái giá tột cùng cho lòng trung tín của họ vào Thiên Chúa và Giáo Hội. Ước gì việc tưởng nhớ đến sự hy sinh của họ thúc đẩy chúng ta làm mới lại niềm tin của chúng ta vào sức mạnh của Thập giá và thông điệp cứu độ của sự tha thứ, hoà giải và tái sinh. Thực vậy, người Ki-tô hữu ở mọi nơi và mọi thời đều được mời gọi làm chứng cho tình yêu của Đức Ki-tô. Đây là Tin Mừng để loan báo và để hiện thực hoá trên đất nước thân yêu này.
Như các Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ, Giáo lý viên và giáo dân có trách nhiệm, tất cả cùng chia sẻ vui, buồn, hy vọng và sầu khổ của người tin vào Đức Ki-tô. Nhu cầu của dân Chúa và những thách đố mục vụ mà anh chị em đang đương đầu mỗi ngày, nay lại trầm trọng thêm bởi dịch bệnh. Tuy vậy, nhiệt thành tông đồ của chúng ta không bao giờ bị ngăn trở hay suy giảm, lòng nhiệt thành mà anh chị em kín múc được từ cội rễ của sự hiện diện không ngừng nghỉ của Giáo Hội trên vùng đất này từ thuở ban đầu (trích ĐTC Biển Đức XVI, Tông huấn hậu Thượng hội đồng, Ecclesia in Medio Oriente (Giáo Hội vùng Trung Đông), 5). Tất cả chúng ta đều biết rằng thật dễ bị nhiễm virus nhát đảm mà đôi khi lan truyền trong chúng ta. Do vậy, Thiên Chúa đã trao tặng chúng ta vắc-xin hiệu quả chống lại loại virus này, đó là niềm hy vọng. Niềm hy vọng khởi đi từ lời cầu nguyện liên lỉ và từ sự trung tín hàng ngày trong sứ mạng tông đồ của chúng ta. Với vắc-xin này, chúng ta có thể tiến tới với nguồn năng lượng luôn mới để chia sẻ niềm vui Tin Mừng như các nhà thừa sai và là dấu chỉ sống động của sự hiện hữu Nước Trời, Vương quốc của sự thánh thiện, công lý và hoà bình.
Thế giới xung quanh chúng ta đang cần lắng nghe thông điệp này biết chừng nào! Chúng ta không bao giờ quên rằng Đức Ki-tô được loan báo ngang qua chứng từ là đời sống được biến đổi nhờ niềm vui Tin Mừng. Như chúng ta thấy trong lịch sử Giáo Hội nơi vùng đất này, niềm tin sống động vào Đức Giê-su đã được “lây lan” và có thể biến đổi thế giới. Gương chứng nhân của các thánh chỉ ra rằng theo Chúa “không chỉ là điều đúng đắn và chính đáng, mà còn tuyệt đẹp, có khả năng đong đầy đời sống với niềm hứng khởi và niềm vui sâu xa, ngay cả trong những thử thách” (trích Tông huấn Evangelii gaudium (Niềm vui Tin Mừng), 167).
Những thử thách là một phần trong kinh nghiệm thường ngày của tín hữu Iraq. Trong thập kỷ này, anh chị em và đồng hương của anh chị em đã phải đương đầu với hậu quả chiến tranh và bách hại, sự bấp bênh của cơ sở hạ tầng và cuộc chiến an sinh kéo dài khiến nhiều người phải di cư đến các nơi khác trên thế giới, trong số đó bao gồm cả các Ki-tô hữu. Tôi tri ân anh em, quý Giám mục và Linh mục, đã luôn ở gần đàn chiên, nâng đỡ họ và nỗ lực đáp ứng các nhu cầu của dân chúng và giúp đỡ họ đóng góp phần mình vào công ích. Sứ mạng giáo dục và từ thiện nơi Giáo hội của anh em thể hiện một nguồn lực quý báu cho cả đời sống cộng đoàn lẫn toàn thể xã hội. Tôi khuyến khích anh em kiên định trong nỗ lực này hầu đảm bảo rằng cộng đoàn tín hữu Iraq, dù rằng nhỏ như hạt cải (x. Mt 13, 31-32), tiếp tục làm phong phú cho đất nước trên đường phát triển.
Tình yêu của Đức Ki-tô đòi buộc chúng ta gạt sang một bên tất cả những biểu hiện của chủ nghĩa ích kỷ và sư ganh đua, nhưng thúc đẩy chúng ta đến sự hiệp nhất phổ quát và mời gọi chúng ta xây dựng cộng đoàn huynh đệ nơi tiếp nhận và chăm sóc lẫn nhau (x. Thông điệp Fratelli tutti (Tất cả là anh em), 95-96). Tôi nghĩ đến hình ảnh quen thuộc của tấm thảm. Các Giáo hội khác nhau hiện diện ở Iraq, mỗi giáo hội với kho tàng của mình về lịch sử, phụng vụ và linh đạo, như những sợi chỉ màu, một khi được đan xen với nhau, tạo nên một tấm thảm tuyệt đẹp, không chỉ là biểu hiện của tình huynh đệ, mà còn hướng đến nguồn cội của mình. Bởi chính Thiên Chúa là người nghệ sĩ đã nghĩ ra tấm thảm này, Ngài thêu dệt với lòng kiên nhẫn, hàn gắn với sự tận tâm, và mong muốn rằng chúng ta liên kết mật thiết với nhau như con cái của Ngài. Ước gì chúng ta luôn tâm niệm lời của thánh Inhaxiô thành Antiochia: “Không có gì nơi anh chị em có thể chi rẽ anh chị em, […] mà chỉ có duy nhất một lời cầu nguyện, một thần khí, một niềm hy vọng trong tình yêu và trong niềm hoan lạc” (Ad Magnesios (Thư gửi tín hữu Magnesia), 6-7). Chứng từ này quan trọng dường nào cho sự hiệp nhất huynh đệ trong thế giới thường bị phân mảnh và xâu xé bởi chia rẽ! Mọi nỗ lực xây dựng nhịp cầu giữa cộng đoàn và tổ chức tôn giáo, giữa giáo xứ và giáo phận đều là dấu chỉ ngôn sứ của Giáo hội Iraq và là câu trả lời được chúc phúc nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giê-su hầu cho tất cả nên một (x. Ga 17, 21; Ecclesia in Medio Oriente, 37).
Mục tử và giáo dân, linh mục, tu sĩ và giáo lý viên chia sẻ với nhau, dù với cách thức khác nhau, trách nhiệm chu toàn sứ mạng của Giáo hội. Đôi khi xảy ra những bất đồng và thậm chí căng thẳng, đó là những nút thắt làm cản trở tiến trình thêu dệt tình huynh đệ. Là những nút thắt bên trong chúng ta, bởi tất cả chúng ta đều là tội nhân. Tuy vậy, những nút thắt đó có thể được tháo cởi nhờ Ân sủng, nhờ một tình yêu lớn hơn cả; có thể được nới lỏng nhờ sự tha thứ và đối thoại huynh đệ, biết chịu đựng lẫn nhau với lòng kiên nhẫn (x. Gal 6, 2) và nâng đỡ nhau trong buổi cơ hàn.
Lúc này đây, tôi muốn ngỏ một lời đặc biệt với chư huynh Giám mục của tôi. Tôi thích suy tư về sứ mạng giám mục của chúng ta với ngôn từ bình dân: đó là chúng ta cần ở với Chúa trong cầu nguyện, hiện diện với các tín hữu được trao cho chúng ta săn sóc và hiện diện với các Linh mục. Anh em hãy quan tâm đặc biệt đến các Linh mục. Ước gì họ không nhìn anh em như những vị quản lý, mà như người cha, người luôn lo liệu để các con được an mạnh, sẵn sàng nâng đỡ và khích lệ họ với con tim rộng mở. Anh em hãy đồng hành với họ bằng lời cầu nguyện của anh em, với thời gian và sự kiên nhẫn của anh em, trân trọng nỗ lực của họ và hướng dẫn họ thăng tiến. Bằng cách này, đối với các Linh mục, anh em trở thành dấu chỉ hữu hình của Chúa Giê-su, vị Mục Tử Nhân Lành biết chiên của mình và hy sinh tính mạng mình vì đàn chiên (x. Ga 10, 14-15).
Quý linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo lý viên và chủng sinh thân mến, anh chị em đang chuẩn bị bản thân cho sứ vụ tương lai. Tất cả anh chị em đã nghe tiếng gọi của Chúa nơi con tim mình và như cậu Samuen, anh chị em đã thưa: “Dạ, con đây” (1 Sam 3, 4). Lời đáp trả này, mà anh chị em được mời gọi làm mới mỗi ngày, hướng dẫn mỗi người đến việc chia sẻ Tin Mừng với lòng nhiệt thành và can đảm, sống và bước đi dưới anh sáng Lời Chúa, đó là quà tặng và chúng ta có nhiệm vụ phải loan báo. Chúng ta hiểu rằng sứ mạng của chúng ta mang cả chiều kích quản trị, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta dành hết thời gian để hội họp và ngồi ở bàn giấy. Điều quan trọng là ra khỏi nhà và đến giữa đàn chiên, hiện diện và đồng hành với họ, nơi thành thị cũng như thôn quê. Tôi nghĩ đến những người có nguy cơ bị bỏ lại đàng sau, những bạn trẻ, người già, đau yếu và nghèo khổ. Khi chúng ta phục vụ tha nhân với lòng quảng đại, như anh chị em đang làm, với tinh thần thương cảm, khiêm tốn, tốt bụng, bác ái, đó là chúng ta đang thực sự phục vụ Đức Giê-su, như chính Người đã nói (x. Mt 25, 40). Khi phục vụ Đức Giê-su nơi tha nhân, chúng ta khám phá ra niềm vui đích thực. Anh chị em đừng rời xa khỏi dân thánh Chúa, chính nơi đó anh chị em được sinh ra. Anh chị em đừng quên những người mẹ và bà của mình, những người đã cho anh chị em “bú mớm” trong đức tin, như thánh Phao-lô diễn tả (x. 2 Tm 1, 5). Anh em là mục tử, là người phục vụ dân Chúa chứ không phải quan chức chính phủ, giáo sĩ quốc doanh. Anh em hãy luôn ở giữa dân Chúa, đừng bao giờ tách mình ra như thể một tầng lớp ưu tiên. Anh em đừng từ chối “dòng dõi” quý tộc này, đó là dân thánh của Thiên Chúa.
Giờ đây, tôi muốn tưởng nhớ đến anh chị em của chúng ta đã thiệt mạng nơi thánh đường này trong vụ khủng bố cách đây 10 năm, những anh chị em mà án phong chân phước cho họ đang được tiến hành. Cái chết của họ nhắc nhớ chúng ta rằng sự dấn thân vào chiến tranh, thái độ thù ghét, bạo lục và đổ máu không bao giờ tương hợp với giáo huấn tôn giáo (x. Fratelli tutti, 285). Tôi tưởng nhớ đến tất cả các nạn nhân của bạo lực và bách hại thuộc bất cứ cộng đoàn tín ngưỡng nào. Ngày mai, tại Ur, tôi sẽ gặp gỡ các vị Thủ lãnh các truyền thống tôn giáo hiện diện trên đất nước này để khẳng định một lần nữa niềm xác tín của chúng ta rằng tôn giáo phải phục vụ hoà bình và hoà hợp giữa các con cái của Chúa. Hôm nay, tôi tri ân anh chị em bởi những nỗ lực kiến tạo hoà bình, trong cộng đoàn của mình và với các tín hữu thuộc các tôn giáo khác. Anh chị em đang gieo rắc hạt giống hoà giải và chung sống huynh đệ hầu hướng đến một hy vọng mới cho tất cả mọi người.
Tôi quan tâm cách đặc biệt đến người trẻ. Ở khắp nơi, họ là những chứng nhân của kỳ vọng và hy vọng, nhất là cho đất nước này. Thực vậy, nơi đây không chỉ có kho tàng khảo cổ vô giá, mà còn là một tương lai trù phú vô biên, đó là người trẻ! Họ là kho tàng và cần được chăm sóc, củng cố những giấc mơ, đồng hành với họ trên bước đường đời và gia tăng nơi họ niềm hy vọng. Trong thực tế, dù họ còn trẻ, nhưng đã bị thử thách lòng kiên nhẫn bởi xung đột trong những năm qua. Chúng ta hãy nhớ rằng, họ, cùng với người già, là đỉnh chóp kim cương của đất nước, là hoa thơm trái ngọt mà chúng ta có nhiệm vụ canh tác cẩn thận và chăm tưới với niềm hy vọng.
Anh chị em thân mến, ngang qua Bí tích rửa tội và Thêm sức, ngang qua Bí tích truyền chức hay tuyên khấn, anh chị em được thánh hiến cho Thiên Chúa và được sai đi làm môn đệ trên đất nước này, nơi có liên hệ mật thiết với lịch sử ơn cứu độ. Anh chị em là một phần của lịch sử ấy, là chứng nhân trung thành cho lời hứa của Thiên Chúa, lời hứa không bao giờ vơi đi, và đang nỗ lực xây dựng tương lai mới. Chứng từ của anh chị em, trưởng thành trong nghịch cảnh và được củng cố nhờ màu của các vị tử đạo, trở thành ánh sáng soi chiếu đất nước Iraq và vùng lân cận, hầu loan báo sự vĩ đại của Thiên Chúa và khơi lên niềm vui cho dân tộc trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta (x. Lc 1, 46-47).
Một lần nữa, tôi tri ân Chúa đã cho chúng ta cơ hội gặp nhau. Xin Mẹ ơn Cứu Chuộc và Thánh Tông đồ Tô-ma chuyển cầu và bảo vệ anh chị em luôn mãi. Tôi chúc lành cho từng người và cộng đoàn của anh chị em. Và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn anh chị em!
Nguồn: Vatican News