Sống hiếu thảo

Mười điều răn của Thiên Chúa ban cho con người nhằm thiết lập một trật tự trong xã hội loài người. Là những điều răn nhưng cũng là điều giao ước mà con người kí kết với Thiên Chúa qua giao ước Xinai của dân tộc Do Thái để tôn thờ Thiên Chúa. Ba điều răn đầu tiên quy hướng về Thiên Chúa hay nhằm bảo toàn mối tương quan của con người với Thiên Chúa trong việc thờ phượng Ngài bằng cả con người và tâm hồn mình; bảy điều răn sau nối kết con người trong tương quan con người với con người, mở đầu với tương quan gắn liền với mỗi con người chúng ta đó là tương quan của con người với chính gia đình của mình. “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi”(Xh 20,12), lòng thảo hiếu mọi thời luôn có ý nói về tình cảm gia đình của người con cái với những bậc sinh thành, dưỡng dục nên mình. Văn hóa Á Đông đặt đạo hiếu lên hàng đầu trong mọi mối tương quan khi liệt tội bất hiếu vào trong thứ tội lớn nhất trong các tội mà con người phạm phải. Ca dao Việt Nam có câu:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Quả thực đức hiếu là điều quan trọng và rất gần với từng người chúng ta. Luật Thiên Chúa cũng không đi ra ngoài đường hướng đó, và hợp với tâm thức của người Việt cũng như con người khắp nơi: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ”. Như vậy, nền tảng của của mọi mối tương quan với tha nhân được đặt nền tảng trong tương quan nơi gia đình. Giáo lý công giáo nói về điều răn này xoay quanh vấn đề gia đình trong cuộc sống hôm nay.

Ngay từ buổi tạo dựng, Thiên Chúa đã thiết lập gia đình đầu tiên với Adam và Eva kết hợp với nhau trong một mối tương quan một xương một thịt. Nhờ việc kết hợp máu thịt mà gia đình được thiết lập và phát triển trong thời gian. Như vậy, gia đình đã nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa ngay từ thuở ban đầu. Gia đình được thiết lập trên nền tảng một người nam, một người nữ trong tình yêu liên kết với nhau thành một xác thể duy nhất. Như vậy, tự bản chất của gia đình đã chối bỏ sự liên kết khác không dựa trên nền tảng tình yêu và sự lệch lạc giới tính trong việc hôn nhân đồng giới. Gia đình thực sự đòi buộc có tình yêu hiện diện nhằm nối kết người nam với người nữ bằng liên kết hôn nhân. Bản chất của gia đình là sự kết hợp của hai người nam nữ bằng hôn nhân nhằm phục vụ cho tình yêu cùng sản sinh và dưỡng dục con cái. Gia đình là môi trường của tình yêu con người với con người phát triển vì nó được thiết lập lên để nhằm mục đích ấy. Hơn thế nữa, con cái được ví như hoa trái của tình yêu vợ chồng, vì thế cần nhìn đến con cái như một vấn đề căn bản cốt yếu của gia đình. Bởi chưng, gia đình không chỉ nhằm thăng tiến tình yêu của nam nữ nhưng còn hướng đến việc sinh sản con cái và nuôi dưỡng chúng trưởng thành. Con cái cần được sinh ra như kết quả của hành vi trao hiến yêu thương trong hôn nhân, bởi đó cặp vợ chồng cần ý thức và có trách nhiệm trong hành vi trao hiến xác thịt, tuy rằng hành vi ấy là nhu cầu và mục đích của hôn nhân nhưng trên hết phải nhằm mục đích sinh sản con cái và cho chúng được sinh ra. Con cái cần được sinh ra nhưng hơn thế nữa chúng cần được nuôi dưỡng và giáo dục trong tình yêu của cha mẹ và cộng đồng. Gia đình chính là môi trường đầu tiên giáo dục con trẻ trong các đức tính cần thiết về nhân bản, gieo vào lòng con trẻ những điều tốt lành, hướng dẫn và trao ban cho chúng những hành vi yêu thương của mình. Gia đình được thiết lập với bản chất là mối quan hệ yêu thương của các thành viên trong gia đình huyết tộc. Con người cho dẫu thuộc tôn giáo nào nhưng vẫn liên hệ với nhau và luôn công nhận sự hiện diện quan trọng của gia đình trong cuộc đời của họ.

Gia đình Kitô giáo cũng có bản chất như mọi gia đình được Thiên Chúa thiết lập, hơn thế nữa gia đình Kitô giáo còn được mời gọi để trở thành một giáo hội tại gia thu nhỏ nơi có Đức Kitô là Thiên Chúa hiện diện. Nơi gia đình ấy, Thiên Chúa kêu gọi mọi người sống căn tính Kitô của mình qua việc cầu nguyện, truyền giảng Tin Mừng và sống Lời Chúa mỗi ngày. Trong vai trò là một giáo hội tại gia, gia đình có nhiệm vụ giáo dục Kitô giáo cho mọi người thành viên trong gia đình mình, việc giáo dục nhân bản với các nhân đức trụ và các nhân đức đối thần nhằm phát triển cách toàn diện cả tâm linh lẫn con người trần thế. Việc giáo dục đức tin nơi gia đình cần được lưu tâm như một yếu tố cần thiết; giáo dục đức tin bao gồm việc học và thực hành cầu nguyện, giáo lý và đạo lý cùng thúc đẩy mọi người đến với các bí tích giúp họ có một niềm tin chính trực và mạnh mẽ. Gia đình Kitô giáo cũng là nơi để thăng hoa tình yêu của người nam và người nữ, với mục đích sinh sản và dưỡng dục con cái trở thành những Kitô hữu mới. Bởi đó, giáo dục Kitô đòi hỏi nơi những người cha, người mẹ nhiệm vụ giáo dục con cái trở thành những người tin vào Thiên Chúa. Đồng thời vì là giáo hội tại gia, nên gia đình cũng có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng trong chính mình và cho mọi người, để nhờ việc rao giảng ấy, mọi người biết đến sự hiện diện của Thiên Chúa và của chính Đức Kitô trong gia đình mình. Gia đình là phần tử, đơn vị nhỏ nhất của xã hội. Từng gia đình và nhiều gia đình nối kết nhau tạo nên một xã hội. Bởi vậy, xã hội phát triển được là nhờ vào sự phát triển của từng gia đình. Các gia đình ý thức vai trò của mình trong cộng đồng xã hội, vì thế nhờ việc phát triển chính mình và cộng tác vào việc chung trong toàn xã hội, gia đình làm cho xã hội được thể hiện nhờ hành động của mình. Gia đình cũng chính là một xã hội thu nhỏ của những con người và những nhu cầu trần thế, chính điều này tạo lên mối quan hệ trong gia đình không chỉ là huyết thống, ruột thịt nhưng còn là mối liên đới hỗ tương của các nhu cầu cần thiết và hữu ích cho nhau. Nhờ việc trao ban và đón nhận chính mình, gia đình thăng tiến xã hội và làm cho xã hội mang đặc tính của từng gia đình thành phần.

Điều răn thứ tư của Thiên Chúa không phải là một lề luật chung chung nhưng là một điều luật cho những con người cụ thể, nói cách khác, lề luật ấy được quy định cho những con người cụ thể và riêng biệt. Chữ hiếu trong Hán ngữ được cấu tạo rất đặc biệt với chữ ‘lão’ ở trên và chữ ‘tử’ ở dưới. Điều này nói rằng chu toàn chữ hiếu là phải biết được và ý thức được địa vị của mình là ai trong gia đình và xã hội. Cha mẹ (lão) phải được hiếu kính và con cái (tử) phải đặt cha mẹ lên trên mình trong niềm tôn kính ấy. Sống thảo hiếu trong lề luật của Thiên Chúa cũng là việc tôn trọng địa vị của mình cũng như của người khác. Như vậy, để chu toàn giới răn này, chúng ta cần nhìn nhận đối tượng của giới răn không chỉ dành cho những người con cái nhưng là nghĩa vụ nhắm tới từng người trong gia đình ấy.

Trước hết, ta nói đến bổn phận của người con trong gia đình. Tình phụ tử của Thiên Chúa là nguồn mạch của tình phụ tử nơi con người. Chính vì thế, việc con cái phải hiếu kính cha mẹ được Thiên Chúa xem như một lề luật mà con người phải tuân giữ, một điều răn, một điều giao ước giữa con người và Thiên Chúa. Con cái tỏ lòng thảo hiếu cha mẹ trước hết trong tâm tình tri ân vì món quà sự sống mà cha mẹ ban tặng cho mình, sau nữa nhờ tình yêu thương mà các ngài nuôi dưỡng cùng dạy dỗ chúng ta khôn lớn về xác thể và ân sủng. Sách Đức Huấn Ca thật đúng đắn khi dạy chúng ta: “Ngươi hãy hết lòng tôn kính cha ngươi và đừng quên những đau khổ của mẹ ngươi. Ngươi hãy nhớ rằng các ngài đã sinh ra ngươi: làm sao ngươi trả lại được cho các ngài những gì các ngài đã làm cho ngươi” (Hc 7,27-28). Chính trong tương quan đó, người con trong gia đình bày tỏ sự hiếu kính qua đời sống tuân phục và vâng lời chân thành: “hãy giữ lời răn của cha và đừng bỏ qua giáo huấn của mẹ” (Cn 6,20). Vì tình thương mến, cha mẹ luôn mong cho con cái mình những điều tốt đẹp nhất. Bởi đó, con cái cần vâng lời cha mẹ cho dẫu còn được sống cùng các ngài hay đã rời xa. Bên cạnh đó, con cái còn có trách nhiệm trao tặng cử chỉ yêu thương của mình đối với cha mẹ. Cử chỉ yêu thương muốn nói đến ở đây là những hành động quan tâm, việc thăm hỏi, ủi an, chia sẻ cùng những cử chỉ thân thiện khác. Hơn thế nữa, con cái khi trưởng thành còn có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ bằng những cách thế giúp đỡ các ngài về vật chất và tinh thần cùng chu toàn bổn phận của con cái trong đời sống tâm linh của các ngài nữa. Ngoài ra, con cái cũng tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ ngay trong sự hiệp nhất mọi thành viên trong gia đình, nói cách khác mọi người anh chị em phải hòa thuận thương yêu nhau, chỉ như thế mới khiến tâm tư cha mẹ được thanh thản và an vui.

Cha mẹ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và bảo tồn mọi mỗi tương quan trong gia đình. Bởi thế, cha mẹ cũng có những bổn phận trong việc thực thi và chu toàn luật hiếu kính như lề luật đến từ Thiên Chúa. Tất nhiên cha mẹ không thể hiếu kính đối với con cái trong gia đình nhưng là chu toàn bổn phận của mình cùng tôn trọng địa vị của con cái như chúng là. Cha mẹ có bổn phận dưỡng dục con cái trong một môi trường tốt nhất có thể có. Ngoài bổn phận nuôi nấng trong đời sống vật chất, cha mẹ có nhiệm vụ thăng tiến đời sống tinh thần và tâm linh của con mình cùng giúp chúng trưởng thành. Điều này đòi buộc cha mẹ phải đồng hành với con cái trong các hoạt động sống của chúng. Đồng hành luôn khác với hành vi giám sát mà càng khác với sự vô tâm, đồng hành đòi hỏi một sự quan tâm và tôn trọng cần thiết. Điều răn này đòi buộc cha mẹ trước hết phải tôn trọng địa vị của con cái trong vai trò của mình. Con cái cần được tôn trọng cho dẫu chúng ở lứa tuổi hay hoàn cảnh nào, chỉ nhờ sự tôn trọng con cái như một nhân vị tự do mới khiến chúng trưởng thành hơn trong đời sống mình. Vì chưng khi con cái thấy mình được tôn trọng, chúng cảm thấy sự hiện hữu của mình hay địa vị của mình trong gia đình, Giáo hội và xã hội, để từ việc ý thức về địa vị ấy khiến chúng tự giác trong việc giáo dục chính mình đạt đến trưởng thành. Bên cạnh đó, cha mẹ cần giáo dục con cái trong tình yêu thương để truyền đạt cho chúng cách sống và sống với (Thiên Chúa, con người và vạn vật). Giáo dục là một sự cần thiết nhưng điều quan trọng cần đặt ra là cần giáo dục cái gì và giáo dục như thế nào. Giáo dục Kitô được kêu gọi trở thành giáo hội tại thế, một giáo hội thu nhỏ, bởi vậy cha mẹ cần giáo dục cho con cái mình điều cốt yếu đầu tiên là đức tin. Trẻ nhỏ chưa thể tự bày tỏ niềm tin và chẳng thể có đức tin nếu cha mẹ không giáo dục và truyền đạt cho chúng. Con cái sẽ nhờ niềm tin của cha mẹ mà có được một niềm tin vào Thiên Chúa. Đức tin không chỉ có chiều kích cá nhân của từng người nhưng còn có chiều kích cộng đoàn khi nhờ vào đức tin của cộng đoàn mà nâng đỡ, nuôi dưỡng đức tin của từng con người trong lòng cộng đoàn đó. Gia đình là một cộng đoàn giáo dục đầu tiên, vì thế chính cha mẹ có nhiệm vụ dạy dỗ đức tin cho con trẻ để chúng có một nền tảng đức tin vững chắc vào Thiên Chúa và vào con người. Nghi thức cử hành lễ Vượt qua của người Do Thái có một nghi thức rất đặc biệt: trong bữa ăn, người con nhỏ tuổi nhất sẽ đứng lên hỏi: “Tại sao đêm nay lại khác”? Và người cha hay người chủ gia đình sẽ đứng lên để kể cho con cái nghe về việc Thiên Chúa giải cứu dân tộc mình ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, qua biển Đỏ ráo chân và dẫn đưa họ đến đất Canaan mà Ngài đã hứa ban cho họ. Trong gia đình Công giáo ngày hôm nay, ước chi các bậc cha mẹ cũng sẵn sàng trả lời cho con cái về những thắc mắc về đức tin, những câu hỏi về đời sống luân lý và những băn khoăn về cuộc đời. Bên cạnh đó, cha mẹ còn giáo dục sự thánh thiện cho con cái như là ơn gọi của mọi người Kitô hữu. Thiên Chúa muốn con người nên thánh thiện như chính Ngài, vì thế mỗi người có bổn phận sống thánh thiện trong đời sống mình. Điều này nhắc nhớ cha mẹ có nhiệm vụ giáo dục con cái mình sự thánh thiện trong đời sống hằng ngày qua cách nghĩ, qua hoạt động sống và qua đời sống cầu nguyện của gia đình. Khi con cái trưởng thành, cha mẹ cũng giúp con cái trong việc hướng nghiệp, giúp chúng lựa chọn công việc và bậc sống nhưng tất nhiên phải tôn trọng sự lựa chọn của bản thân chúng. Trên hết trong việc giáo dục, cha mẹ cần phúc âm hóa con cái trong chính lời Chúa. Việc phúc âm hóa là việc thấm nhuần tình thần phúc âm vào đời sống của con cái, dạy con cái đọc Thánh Kinh mỗi ngày và sống tinh thần phúc âm trong đời sống của mình. Muốn như vậy, chính bản thân cha mẹ phải phúc âm hóa chính mình, nói cách khác cha mẹ phải là những người đầu tiên trong gia đình được Lời Chúa thấm nhập và sống Lời Chúa để con cái mình noi theo. Giáo dục chỉ đạt được kết quả tốt nhất khi cha mẹ biết trở thành gương mẫu cho con cái mình dõi bước và học hỏi.

Điều răn này còn đi xa hơn các mối tương quan trong gia đình, bởi chưng giả như tôi là một người không còn cha mẹ, ông bà, hay tôi là một người không có hoặc không còn anh chị em hay con cái thì điều răn ấy chẳng lẽ không ràng buộc gì trên tôi hay sao? Phải chăng nếu tôi sống trong tình trạng ‘vô gia đình’ thì không có cần phải thi hành điều răn này của Thiên Chúa? Thiết nghĩ không phải vậy, nhưng điều răn này phải được hiểu trong chiều kích xa xôi hơn và hướng tới mọi người, nói một cách khác đi, điều răn này không chỉ quy định việc sống thảo hiếu nhưng là tôn trọng địa vị của mình và của người khác. Khi hiểu điều răn thứ tư trong nhãn giới này, ta có thể tóm kết lại điều răn này như sau: Con người phải tôn trọng địa vị của người khác như họ đáng được tôn trọng, phải tôn trọng địa vị của ông bà, cha mẹ như các ngài trong vai trò là cha, là mẹ, mà vì thế ta phải thảo hiếu, phụng dưỡng cho phải đạo; phải tôn trọng con cái trong địa vị của chúng để ta biết yêu thương, săn sóc, dạy dỗ chúng trong tình yêu mà Thiên Chúa trao phó cho mình. Phải tôn trọng địa vị của mọi người chung quanh như họ là để ta biết sống công bằng với họ và thể hiện lòng thương cảm và sự đồng cảm với nhau như đồng loại. Trên hết, điều răn này cũng nhắc nhở con người phải tôn trọng địa vị của chính Thiên Chúa như Ngài là Thiên Chúa của mình để tôn thờ, yêu mến Ngài và ý thức sự hiện diện của Ngài trong đời sống mình. Vì thế, cho dẫu tôi là ai thì điều răn sống thảo hiếu vẫn chi phối tôi vì tôi là một con người sống trong lòng nhân loại. Chỉ khi biết tôn trọng địa vị của mọi người và từng người ta mới có thể chu toàn điều Thiên Chúa đặt định nơi con người.

Sống thảo hiếu là điều răn đầu tiên trong số các điều răn chi phối các mối tương quan của con người với con người. Bởi chưng, gia đình được xét đến như nền tảng của xã hội cũng như Giáo hội, vì xã hội muốn tốt là nhờ có những gia đình tốt và Giáo hội muốn thánh thiện là nhờ có những gia đình thánh thiện. Vì thế trước hết trong mọi mối tương quan xã hội là mối tương quan gia đình và huyết thống. Cha mẹ và con cái cần ý thức vai trò và bổn phận của mình nhằm củng cố mối tương quan tốt đẹp trong gia đình: con cái thể hiện lòng hiếu kính của mình với cha mẹ và đấng bề trên hầu báo đáp công ơn của các ngài; cha mẹ cần quan tâm con cái trong việc dưỡng nuôi và giáo dục con cái trong tình yêu thương và truyền đạt cho chúng đức tin tinh tuyền vào Đức Kitô nơi con cái như nhiệm vụ Thiên Chúa trao ban cho mình. Không những vậy, con người nói chung cần ý thức mình đang sống trong một gia đình lớn bao gồm toàn nhân loại. Vì thế ta cần tôn trọng địa vị của mình và của người khác để chu toàn giới răn yêu thương của Đức Giêsu truyền dạy. Con người không chỉ cảm nhận tình yêu của con người với con người nhưng còn nhận chịu tình yêu đến từ Thiên Chúa, chính Ngài đã dựng nên con người trong tình yêu thương và theo hình ảnh của chính mình. Bởi đó, con người cần tỏ lòng thảo hiếu với chính Thiên Chúa là nguồn mạch và là Đấng sáng tạo mọi sự và là Cha của cả nhân loại trong Đức Kitô. Vì nhờ Đức Giêsu, con người có thể thưa lên cùng Thiên Chúa Abba – Cha ơi, chính vì thế việc thể hiện lòng hiếu kính với Thiên Chúa cần được thực hành cách triệt để trong đời sống mình.

 (Sống thảo hiếu – mucdongnhobe)